Hội đồng Bảo an vẫn còn bất đồng về các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn
2006.10.10
Trà Mi, phóng viên đài RFA
24 giờ sau khi Bắc Hàn thực hiện vụ nổ thử nghiệm ngầm dưới lòng đất, các cường quốc trên thế giới vẫn chưa đồng thuận với nhau về giải pháp cần thực hiện để trước hết, trừng phạt, và sau đó là ngăn chận, không cho nhà cầm quyền cộng sản Bắc Hàn tiếp tục ý định chế tạo bom nguyên tử.
Lên tiếng trong buổi họp báo thường lệ hồi chiều nay ở Bắc Kinh, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định không loại bỏ đề nghị phải có biện pháp cấm vận kinh tế đối với Bắc Hàn.
Trong khi đó tại Maxtcơva, Ngoại Trưởng Seigey Lavrov của Nga lại nói Chính Phủ nước ông vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu giải quyết vấn đề bằng các cuộc đàm phán, và tại Washington.
Quan điểm của Hoa Kỳ
Phụ Tá Ngoại Trưởng Christopher Hill đưa ra lời tuyên bố với nội dung cho thấy Chính Phủ Hoa Kỳ vẫn chủ trương dùng cuộc đàm phán 6 nước để giải quyết căng thẳng hạt nhân và xây dựng ổn định cho bán đảo Triều Tiên, nhưng đồng thời cũng báo hiệu sẵn sàng nói chuyện tay đôi với Bắc Hàn.
Trong bài diễn văn đọc tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush gọi cuộc thử ngiệm võ khí nguyên tử của Bắc Hàn là mối đe dọa cho hòa bình và an ninh thế giới. Ông Bush cho biết thêm rằng, tất cả đều đồng ý là hành động của Bắc Hàn không thể chấp nhận được, và đáng bị phản ứng tức thời của Hội đồng Bảo An LHQ.
Hiện giờ, 5 nước thành viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đang nhóm phiên họp đặc biệt để cứu xét một số biện pháp cấm vận Bắc Hàn mà Hoa Kỳ và Nhật Bản đệ nạp.
Hầu hết các quan sát viên chính trị đều dự đoán phiên họp khó có thể đem lại kết quả, vì lập trường của các nước khác biệt nhau quá xa, dù trước đó, với tư cách chủ tịch Hội Ðồng, đại sứ Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc là ông Kenzo Oshima đưa ra phát biểu rất rõ ràng, nói rằng hành động của Bắc Hàn là điều không thể chấp nhận và cũng không thể tha thứ được.
Vì thế, trách nhiệm của Hội Ðồng Bảo An là phải đưa ra những biện pháp thật cứng rắn, để ngăn chận tất cả mọi ý định của Bình Nhưỡng.
Một giới chức hành pháp Mỹ yêu cầu dấu tên nói với báo chí là một mặt ông e ngại nếu thế giới không thể hiện được sự nhất trí cần có thì Bắc Hàn sẽ xem đó là tín hiệu họ được công nhận là một cường quốc nguyên tử; nhưng mặt khác theo ông hiểu, cả Nga lẫn Trung Quốc đều không đồng ý cho Bắc Hàn có bom hạch nhân.
Trà My tường trình từ Washington.
Các tin, bài liên quan
- Phản ứng của thế giới sau vụ thử nghiệm hạch nhân của Bắc Hàn
- Thế giới lên án vụ thử nghiệm hạch nhân của Bắc Hàn
- Bắc Hàn loan báo hoàn tất một vụ thử nghiệm hạch nhân
- Cựu Ngọai trưởng James Baker đề nghị Hoa Kỳ nói chuyện với Bắc Hàn
- Nổ súng tại khu phi quân sự giữa hai miền Nam-Bắc Hàn
- Nhiều nước khuyến cáo Bắc Hàn không nên thử nghiệm vũ khí hạt nhân
- Bắc Hàn muốn gì khi tuyên bố sẽ thử nghiệm vũ khí hạt nhân
- Bắc Hàn doạ sẽ thử nghiệm vũ khí hạt nhân
- Trung Quốc bác bỏ tin lãnh tụ Bắc Hàn sang Bắc Kinh