Ngày càng nhiều đại học được mở ra ở Việt Nam
2007.01.01
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Theo dự kiến của Bộ Gíao dục và Đào Tạo thì Việt Nam sẽ thiết lập thêm 288 trường đại học, cao đẳng, nâng số trường đại học và cao đẳng trong nước lên 600 trường vào năm 2020.

Hiện có nhiều ý kiến thắc mắc về triển vọng “đại học nở rộ” như vậy, và mục tiêu này cũng khó thực hiện đúng mức. Trả lời cuộc phỏng vấn của Thanh Quang, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân Lập Đông Đô, Hà Nội, nhận xét như sau.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh: Theo đường lối chiến lược của chính phủ Việt Nam thì từ nay tới năm 2020, tổng số trường ngoài công lập – tức các trường tư thục – chiếm khoảng 50% tổng số các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc. Như thế là sẽ mở ra các trường ở các tỉnh, các vùng, các khu vực. Đấy là chủ trương.
Nhưng theo chúng tôi thì không biết tiến độ của chính phủ như vậy, đến năm 2020, có đạt được mấy trăm trường đại học, cao đẳng ngoài công lập – tức trường tư thục – hay không. Theo tôi thì có vẻ khó đạt được mức như vậy. Vì qua một số trường người ta đã thành lập, xét thấy có nhiều khó khăn: Không có sinh viên vào học vì trường mở ở các tỉnh, các vùng xa xôi. Rồi số giáo viên tiêu chuẩn mà điều đến những vùng xa xôi như vậy, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, thì còn khó khăn.
Hơn nữa, tâm lý của sinh viên là muốn về học ở các thành phố lớn, để trong quá trình 4, 5 năm học, người ta có cơ hội tìm công ăn việc làm khi ra trường; thậm chí trong quá trình học, họ cũng có thể tìm được việc làm để hỗ trợ cho việc chi dùng trong việc học.
Thành ra, đó chủ trương của nhà nước, nhưng tôi nghĩ mức độ đạt được mục tiêu này chắc không được như vậy. Nhưng tinh thần nhà nước hiện nay là khuyến khích các tỉnh, vùng của đất nước mở các trường như vừa nói.
Một điểm nữa là trong nước hiện nay có khoảng 40 trường đại học, cao đẳng dân lập, thì chủ trương của chính phủ là từ nay đến tháng 6 năm 2007 phải chuyển hết những trường này sang tư thục, để rồi chỉ còn hai lọai hình: Một là trường công lập, hai là tư thục mà thôi, chứ không có trường đại học dân lập, bán công hay đại học mở như hiện nay.
Theo đường lối chiến lược của chính phủ Việt Nam thì từ nay tới năm 2020, tổng số trường ngoài công lập – tức các trường tư thục – chiếm khoảng 50% tổng số các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc. Như thế là sẽ mở ra các trường ở các tỉnh, các vùng, các khu vực. Đấy là chủ trương.
Thanh Quang: Thưa Tiến sĩ, lâu nay Việt Nam bị mang tiếng là “lạm phát bằng cấp”, dạy và học chạy theo bằng cấp, chạy theo thành tích…, thì dự kiến phát triển đại học quá ào ạt như vậy có làm trầm trọng thêm vấn đề hay không ?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh: Tình hình thực tế của Việt Nam trong 10, 15 năm tới, thì chủ trương của nhà nước là một số trường đại học danh tiếng, có thể là do liên kết với nước ngoài, để đào tạo bằng cấp có trình độ quốc tế, thì những trường đó hiện nay đang được xây dựng. Số trường như vậy không nhiều.
Thế còn số trường dự tính mở ra rộng rãi như vừa nói chủ yếu là để đáp ứng sự hiếu học của dân mình. Thứ hai là để nâng cao mặt bằng dân trí lên thôi. Chứ còn sinh viên tốt nghiệp ra thì không nhất thiết làm ở các công sở của nhà nước, hay làm trong các doanh nghiệp to lớn nọ kia, mà họ có thể mở những công ty tư nhân nhỏ và vừa. Nhưng họ có được trình độ đại học, có kiến thức còn hơn không có trình độ đại học. Cái ý tưởng là như vậy.
Còn các trường mà sau này thí sinh phải thị vào một cách khắt khe là những trường đại học lớn, tổ chức đào tạo có thực chất, nhân tài cho đất nước, và bằng cấp từ các trường này được quốc tế công nhận. Mà đã như thế rồi thì chắc chắn các trường này có liên kết với nước ngoài , thậm chí ngay từ năm thứ nhất họ đã dạy bằng tiếng Anh rồi, và giáo trình, chương trình chủ yếu của quốc tế đem vào dạy.
Còn các trường đại học, cao đẳng có tính cách phổ cập ở các địa phương như vừa nói thì mục đích chính là để nâng cao mặt bằng dân trí lên, và đáp ứng sự hiếu học của dân mình thôi. Chứ còn bằng cấp từ những trường này, nếu ra quốc tế, giá trị của nó chỉ giới hạn thôi.
Thanh Quang: Thưa Tiến sĩ, có một vấn đề là hiện giờ, mặc dù số trường đại học chưa nở rộ lắm, nhưng được biết có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không kiếm được việc làm. Như vậy, một khi có thêm rất nhiều đại học nữa thì số sinh viên tốt nghiệp – đa số - sẽ đi về đâu?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh: Hiện nay các trường đại học dân lập và tư thục, như chúng tôi theo dõi, khi sinh viên tốt nghiệp ra được khoảng 2, 3 năm, khoảng 70, 80% xin được việc. Tỷ lệ xin được việc ở các cơ quan nhà nước, các viện của nhà nước thì không nhiều.
Nhưng đối với các doanh nghiệp trong nước, rồi trong các công ty liên doanh nước ngoài – tức các công ty tư nhân – thì nói chung họ tìm được việc làm ở những công ty này. Còn vào những chỗ gọi là được trọng vọng, có danh phận đàng hoàng thì tỷ lệ đó không nhiều. Nhưng vào những nơi đáp ứng yêu cầu ở mức độ thấp thôi, thì họ cũng kiếm được việc.
Thanh Quang: Cảm ở Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh.
Những bài liên quan
- Cảnh báo về tình trạng bằng cấp quốc tế "dỏm" ở Việt Nam
- Việt Nam cần 5.000 tỷ đồng để cải tổ ngành sư phạm
- Đà Nẵng thành lập trường đại học Kiến Trúc đầu tiên của miền Trung
- Việt Nam tăng cường đào tạo đội ngũ nhân viên có năng lực cả về CNTT và ngoại ngữ
- 89% sinh viên Việt Nam gian lận trong thi cử
- Những ý kiến về vấn đề dạy thêm, học thêm
- Việt Nam có khả năng chấp nhận thị trường giáo dục
- Tình trạng phá thai ở tuổi vị thành niên
- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trình bày các vấn đề cấp bách của ngành giáo dục VN