Thêm một tiếng nói bày tỏ trăn trở trước nhiều vấn nạn của đất nước (Phần 1)

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Thêm một tiếng nói bày tỏ những trăn trở của bản thân trước nhiều vấn nạn của đất nước vừa được cất lên vào đầu năm 2006. Đó là ý kiến của họa sĩ Nguyễn Minh Thành, ngụ tại Hà Nội, qua bức thư gửi cho Bộ trưởng Văn hóa- Thông tin Việt Nam đề ngày 9 tháng 1 năm 2006. Bức thư vừa được phổ biến trên mạng Internet.

NguyenMinhThanh200.jpg
Hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành và tác phẩm. Photo coutersy of Vietnam Net

Ngoài câu chuyện bị theo dõi không cho nhóm họa sĩ trong đó có ông sang Côn Minh, Trung Quốc tham gia một chương trình giao lưu trao đổi với các họa sĩ Hoa Lục vào hồi tháng 8 năm ngóai,họa sĩ Nguyễn Minh Thành nêu lên cái mà ông gọi là văn hóa ‘giả dối’ ngự trị tại Việt Nam. Theo ông đó là căn nguyên của nhiều tệ trạng tại Việt Nam như tham nhũng, rồi chuyện chính quyền áp đặt lối nghĩ và nếp sống lên người dân.

Xin thưa cùng quí thính giả vì cuộc nói chuyện khá dài nên chúng tôi xin được chia làm hai phần. Trong chuơng trình hôm nay mời quí thính giả nghe phần đầu câu chuyện qua điện thọai giữa họa sĩ Nguyễn Minh Thành với biên tập viên Gia Minh của Đài chúng tôi.

Trước tiên, ông cho biết lý do vì sao đến nay mới viết bức thư đó: “Thực ra tôi không muốn những chuyện viết thư khiếu nại yêu cầu nọ kia; trong cuộc sống hằng ngày đó không phải là điều tôi hay làm. Chỉ khi có những băn khoăn quá nhiều, đôi lúc muốn quên nhưng không được nên phải viết.”

Gia Minh: Có phải đến ngưỡng không chịu được nữa mà ông phải nói ra hay không?

Họa sĩ Nguyễn Minh Thành: Có thể nói thế cũng được. Và trong cuộc sống nếu thấy không thoải mái thì nên nói ra.

Bạn nghĩ gì về ý kiến này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Gia Minh: Vậy điều không thoải mái lớn nhất là gì?

Họa sĩ Nguyễn Minh Thành: Về phía xã hội, về phía nhà nước thì tôi đã viết ra trong thư.

Gia Minh: Nhà nước thì nói là đã có nhiều cải thiện về kinh tế, xã hội nhưng để bắt kịp các quốc gia khác thì phải có thời gian; theo ông ý kiến đó ra sao?

Họa sĩ Nguyễn Minh Thành: Theo tôi thì cách nói đó không có giá trị gì cả và đó là cách nói của những người không trung thực. Họ chỉ nói thế để có lợi cho họ thôi.

Gia Minh: Còn phía người dân khi thấy những điều không phải đó thì ngòai việc lên tiếng bằng thư như ông vừa làm thì còn phải làm gì nữa để mang lại những đổi thay tích cực cho xã hội?

Họa sĩ Nguyễn Minh Thành: Tôi làm trong văn hóa, nên tôi thấy đây là cái lâu dài. Về mặt văn hóa thì điều gì làm hôm nay sẽ có ảnh hưởng về sau. Và như trong thư tôi nói là những điều trước đây tạo nên đời sốn ngày nay..

Trong thư tôi nói vấn đề lớn của văn hóa Việt Nam là không chân thật và chân thành thấp. Và muốn cải thiện thì phải cải thiện cả tâm tính, sự trung thực và lòng dũng cảm.

Gia Minh: Nhiều người cũng đề cập đến điều này rồi, nhưng phải bắt đầu từ đâu?

Họa sĩ Nguyễn Minh Thành: Theo tôi thì phải bắt đầu từ chính mình và vì thế tôi viết thư. Tôi mong rằng thư đó sẽ có gây tác động. Tôi hiểu ý của mọi người là muốn nói ra trên thông tin đại chúng về thể chế chính trị; tôi thì không thích làm chính trị; nhưng ai cũng biết là nếu thay đổi thể chế chính trị tốt thì sau đó sẽ tạo ra những thay đổi khác.

Thường nếu chính phủ tự thay đổi thì dân thay đổi; nếu để dân tự thay đổi thì sẽ có chính phủ khác. Trong trường hợp người dân có ý thức cao thì cách mạng sẽ không có bạo lực. Một đất nước hay một cộng đồng nên thông minh khi chọn cách thay đổi. Thường là chính phủ đại diện phải chọn; còn nếu như nhà nước mà để người dân thay đổi thì như vậy họ rơi vào lựa chọn kém thông minh hơn.

Trên đây là phần đầu cuộc nói chuyện giữa biên tập viên Gia Minh và hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành, người vừa gửi bức thư ngỏ lên Bộ thông tin Việt Nam bày tỏ những trăn trở của mình. Chúng tôi sẽ gửi đến quý vị phần 2 cuộc trao đổi trong chương trình phát thanh tiếp theo.