Mở ra những trận “cận chiến pháp quyền để chống vi phạm nhân quyền ở Việt Nam


2006.01.03

Luật sư Trần Thanh Hiệp

Lên tiếng nhân dịp Ngày quốc tế về Nhân quyền 10-12-2005, Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền ở Paris, đã nhấn mạnh rằng nói nhân quyền ở Việt Nam vào lúc này là phải nói về vi phạm nhân quyền.

EthnicBoy150.jpg
Nhân quyền ở Việt Nam hiện nay là phải ưu tiên nói về vi phạm nhân quyền. AFP PHOTO

Trong cuộc trao đổi sau đây với biên tập viên Nguyễn An của Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Hiệp khai triển ý kiến trên của ông về mặt luật học và đưa ra phương pháp mà ông gọi là ‘hình sự’ để chống nạn vi phạm nhân quyền ở Việt Nam hiện nay.

Nguyễn An: Lên tiếng trong Ngày quốc tế về Nhân quyền 10-12 vừa qua, Luật sư có nói rằng, bàn về nhân quyền ở Việt Nam hiện nay chỉ nên là việc đưa ý kiến để tìm cách chống lại nạn vi phạm nhân quyền ở nước này. Đặt vấn đề như vậy có đơn giản hóa vấn đề quá không, thưa Luật sư?

Trần Thanh Hiệp: Tôi nghĩ rằng không. Từ nhiều năm nay rồi, chúng ta đã nói rất nhiều về mặt lý thuyết của nhân quyền để bàn về triết lý, về lịch sử, về khái niệm của nhân quyền, đồng thời còn để đưa ra một bản tổng kết đáng quan ngại về tình trạng phi nhân quyền dưới chế độ hiện hành tại Việt Nam.

Nói chung, dư luận trong cũng như ngoài nước đã nghe được rất rõ những lời tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền có hệ thống và thường trực và nhất là những lời kêu cứu gần như tuyệt vọng của các nạn nhân. Nhiệm vụ tố cáo như vậy có thể tạm coi như đã hoàn tất.

Nhưng vì nhân quyền cứ tiếp tục bị vi phạm, nên tôi tưởng đã đến lúc nên bổ sung cho bản cáo trạng này bằng cách phân tích xem vì đâu mà nhân quyền đã bị vi phạm đến mức độ nghiêm trọng, và nhất là xem có tìm được cách nào khả thi để chống lại tệ nạn này hay không?

Theo tôi, nếu đổi cách nhìn vấn đề như thế thì sẽ thấy ngay được rằng nói nhân quyền ở Việt Nam hiện nay là phải ưu tiên nói về vi phạm nhân quyền và trong thực tế có nhiều khả thế chống lại vi phạm nhân quyền nhưng chưa được khai thác.

Tôi cho rằng những người tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam nên sửa lại cách đặt vấn đề nhân quyền. Đừng quá chú trạng về mặt chính trị mà phải tìm cách giải quyết nó trên địa hạt pháp lý. Lý do là vì không phải nhà cầm quyền cộng sản thiếu hiểu biết về nhân quyền theo chuẩn mức quốc tế. Trái lại họ biết rất rõ.

Nguyễn An: Như vậy thì sự bổ sung mà luật sư nói đến có vẻ như một sự thay đổi cách nhìn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Nếu đúng như vậy, thì sự thay đổi cụ thể ra sao?

Trần Thanh Hiệp: Tôi cho rằng những người tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam nên sửa lại cách đặt vấn đề nhân quyền. Đừng quá chú trạng về mặt chính trị mà phải tìm cách giải quyết nó trên địa hạt pháp lý. Lý do là vì không phải nhà cầm quyền cộng sản thiếu hiểu biết về nhân quyền theo chuẩn mức quốc tế. Trái lại họ biết rất rõ.

Bằng cớ là từ hơn 20 năm nay, họ đã tự nguyện tham gia hai Công ước quốc tế về nhân quyền 1966 và mới đây họ đã đưa ra Sách Trắng về nhân quyền để công khai biện minh cho mình. Tức là Hà Nội đã ý thức được rất rõ sự đe dọa của nhân quyền phổ quát đối với độc tài đảng trị nên Hà Nội đã tri tình chọn lựa đường lối phi nhân quyền.

Nay nếu cứ tiếp tục tranh cãi dài dài mong đối thoại là sa vào kế “dương đông kích tây” của họ. Vậy chỉ còn cách phải dùng pháp luật của chính Hà Nội để đưa họ vào thế phải từ bỏ những hành vi xâm phạm nhân quyền, nếu không từ bỏ thì tất phải trả giá đắt.

Nguyễn An: Đề nghị Luật sư giải thích rõ vì sao chỉ có thể giải quyết được vấn đề vi phạm nhân quyền ở khâu pháp lý chứ không ở khâu chính trị?

Trần Thanh Hiệp: Có hai lý do. Thứ nhất, giải pháp chính trị đã được thi hành từ nhiều năm nay rồi và đã thất bại vì không thay đổi được đường lối phi nhân quyền cố hữu của Hà Nội. Do đó, nay phải chuyển hướng. Thứ nhì, nguồn gốc của vi phạm nhân quyền là sự lạm quyền dưới mọi hình thức của nó.

Với một chế độ chính trị toàn trị, thì chính trị là chỗ dựa vững chắc cho lạm quyền. Nhưng với pháp luật thì khác, lạm quyền không thể công khai nấp bóng pháp luật để hoành hành như đã nấp bóng chính trị. Biện pháp pháp lý là không cho lạm quyền lẩn trốn pháp luật.

Nguyễn An: Tại sao chính trị lại là chỗ dựa cho lạm quyền ở các chế độ toàn trị, còn ở thể chế dân chủ thì sao. Ông có thể phân tích rõ điều này?

Bạn nghĩ gì về ý kiến này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Trần Thanh Hiệp: Về lý thuyết mà nói, thì cả chính trị lẫn pháp luật đều có khả năng ngăn trở lạm quyền. Điều này hiển nhiên tại những nước dân chủ chân chính. Như ở nước Mỹ chẳng hạn, ngay cả Tổng thống nếu lạm quyền cũng bị đem ra đàn hặc.

Nhưng ở Việt Nam thì khác hẳn, chính trị là thống soái, như chính các viên chức cao cấp từng tuyên bố. Đảng cầm quyền, tức Đảng Cộng sản đã tự ý ban cho mình đủ mọi thứ quyền. 60 năm đảng này cai trị đất nước đã cho thấy rằng quyền của Đảng lớn hơn cả quyền vua chúa ngày xưa. Và còn phải nói thêm là còn lớn hơn cả quyền của Thượng Đế.

Nguyễn An: Có lẽ luật sư đã nói quá lời!

Trần Thanh Hiệp: Không đâu, cứ phân tích mà xem: Thượng Đế ban cho con người ngay từ khi nó ra đời quyền sống trong tự do và hạnh phúc, và Thượng Đế không tước đoạt quyền này của bất cứ ai. Ngược lại, Đảng Cộng sản Viêt Nam năm 1945, khi cướp chính quyền để đứng ra cầm quyền đã long trọng tuyên bố rằng người dân có những quyền mà Thượng Đế đã ban cho.

Nhưng chẳng mấy chốc Đảng lại tìm đủ mọi cách lần lượt cưỡng đoạt hết những quyền đã cho dân. Kết quả trước mắt là hiện nay, bất cứ điều gì dân cũng phải xin và đảng có cho thì dân mới có, thậm chí đến cả những quyền thờ cúng, như trường hợp các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, Giáo Hội Tin Lành v.v..., quyền suy nghĩ độc lập như cụ Hoàng Minh Chính cũng phải theo quy chế “xin cho”.

Một nền chính trị trong đó người cai trị có quyền toàn trị như vậy thì cần gì phải lạm quyền nữa! Hay nói cách khác, nền chính trị đó đã là mẹ đẻ của mọi lạm quyền rồi.

Nguyễn An: Nếu đúng như vậy thì căn cứ vào đâu mà Luật sư cho rằng pháp luật có khả năng bài trừ lạm quyền?

Trần Thanh Hiệp: Trên nguyên tắc thì pháp luật tại Việt Nam là công cụ cai trị của Đảng cầm quyền. Và muốn chính xác hơn nữa thì phải nói rằng pháp luật là công cụ đảng trị. Nhưng vì thời thế đã thay đổi theo chiều hướng toàn cầu hóa, và nhất là đảng này cũng phải nương theo chiều hướng ấy mà tìm đường sống nên nó đang bị những sức ép phải sửa đổi pháp luật để tách rời dần dần pháp luật ra khỏi chính trị về nhiều mặt, từ mặt làm luật cho đến mặt áp dụng luật và xét xử các tội phạm.

Nguyễn An: Sự sửa đổi ấy như vậy là mang tính tích cực đấy chứ?

Trần Thanh Hiệp: Đúng thế. Tình hình mới này đã mang lại cho người dân rất nhiều khả thế để đòi lại những quyền đã bị tước đoạt. Theo tôi, người dân có thể tìm thấy ngay được những khả thế này trên địa hạt pháp lý và bắt tay ngay vào việc bài trừ lạm quyền mà không sợ bị đàn áp.

Vì không cần có những luật mới, chỉ cần đọc lại cho kỹ hai bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự cũng đủ để tạo ra những đột phá từng bước đẩy lui lạm quyền bằng đường lối hợp pháp, và qua đó cải thiện tình trạng phi nhân quyền hiện nay. Dĩ nhiên việc vận động mới này không đơn giản và đòi hỏi những khả năng chuyên môn về luật học. Nhưng theo tôi thì ở trong nước, đã sẵn có rồi. Tôi sẽ xin bàn thêm vào chi tiết nếu có dịp thuận tiện.

Nguyễn An: Xin cảm ơn Luật sư và xin hẹn sẽ cùng với Luật sư đi vào chi tiết trong cuộc trao đổi tiếp theo.

Quý thính giả vừa nghe cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung tâm Việt Nam về nhân quyền ở Paris. Trong cuộc trao đổi, luật sư Hiệp đề nghị một vị thế mới để đòi cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Trong buổi phát thanh tới, cuộc thảo luận sẽ đi vào chi tiết vị thế mới này. Mong quý thính giả đón nghe.

Cũng xin thưa rằng, ý kiến của luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á châu tự do, và chúng tôi mong nhận đựơc sự đóng góp ý kiến của quý thính giả. Xin gọi vào hộp thư thoại 202-530-7775 hay gửi E-mail đến vietnamese@www.rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.