Mở ra những trận “cận chiến pháp quyền" để chống vi phạm nhân quyền ở Việt Nam (II)
2006.01.03
Luật sư Trần Thanh Hiệp
Trong cuộc trao đổi trước đây với biên tập viên Nguyễn An của Đài chúng tôi, Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về nhân quyền ở Paris nhận định rằng tình thế mới cho phép người dân ở trong nước dùng hai bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự để chống lạm quyền, nguồn gốc của mọi vi phạm nhân quyền.
Sau đây, Luật sư Hiệp sẽ cùng với Nguyễn An đi sâu vào chi tiết để trình bày thêm về nhũng triển vọng mới chống vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bằng luật pháp của chính chế độ.
Nguyễn An: Cứ theo những gì đã được Luật sư trình bày trong cuộc trao đổi sáng/chiều hôm qua, thì lạm quyền là nguồn gốc của vi phạm nhân quyền và người dân ở trong nước không có hy vọng gì chống lạm quyền trên diện chính trị.
Nhưng trên diện pháp lý thì người dân có nhiều khả thế để bài trừ nạn lạm quyền mà bảo vệ nhân quyền. Phải chăng như vậy là có hai khái niệm khác nhau về lạm quyền, một khái niệm chính trị, một khái niệm pháp lý?
Trần Thanh Hiệp: Trong một nước chỉ có một quyền lực mang tính chất quốc gia. Do đó chỉ có một khái niệm lạm quyền thôi. Ở những nước dân chủ pháp trị chân chính thì quyền lực chính trị được pháp luật hóa, người cai trị không thể muốn có quyền gì cũng được.
Vì quyền của tập đoàn thống trị cũng như quyền của tất cả những người dân bị trị đều do pháp luật quy định, phân định rõ ràng. Người cai trị mà vượt quá giới hạn do pháp luật ấn định là lạm quyền. Như vậy không thể có hai khái niệm lạm quyền được. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Quyền lực quốc gia chẳng những không được pháp luật hóa mà pháp luật lại bị chinh trị hóa, tức là không có sự phân định rõ ràng.
Mặt khác, Đảng lại tự ban cho mình một quy chế đặc biệt đứng trên dân, ở ngoài và ở trên pháp luật. Có thể nói Đảng đã trở thành một quyền lực bất khả xâm phạm một cách tuyệt đối. Lại nữa, Đảng đưa ra nguyên tắc Đảng không bao giờ sai, chỉ có những người thừa hành sai mà thôi. Thành ra về mặt chính trị không có chuyện lạm quyền vì quyền gì Đảng cũng có cả. Vấn đề Đảng lạm quyền vì vậy không được đặt ra.
Nhờ đó, Đảng mới đương nhiên và vô hạn định lãnh đạo được đất nước. Về mặt pháp lý thì Bộ luật Hình sự hiện hành có dự liệu nhiều trường hợp lạm quyền nhưng Đảng đã có một loạt khóa an toàn bảo vệ cho Đảng nên nạn lạm quyền vẫn tác hại và công khai xâm phạm nhân quyền mà Đảng không phải chịu trách nhiệm hình sự vì lạm quyền.
Trong một nước chỉ có một quyền lực mang tính chất quốc gia. Do đó chỉ có một khái niệm lạm quyền thôi. Ở những nước dân chủ pháp trị chân chính thì quyền lực chính trị được pháp luật hóa, người cai trị không thể muốn có quyền gì cũng được.
Nguyễn An: Luật sư có thể nói rõ thêm về điều mà ông gọi là ‘loạt khoá an toàn bảo vệ cho đảng’ khỏi sự chi phối của luật Hình sự hiện hành?
Trần Thanh Hiệp: Bộ luật Hình sự 1999 hiện đang áp dụng trong nước, nơi điều 277, chương XXI, có đưa ra một khái niệm “tội phạm về chức vụ”. Lạm quyền là một tội danh dự liệu nơi điều 282 của bộ luật Hình sự. Lạm quyền chỉ là một trong số trên 30 tội danh khác có tính tội phạm về chức vụ. Như vậy, luật hình sự ở Việt Nam không có khái niệm riêng về lạm quyền để tránh cho Đảng cầm quyền không bị khiếu tố về những hành vi gọi là “lạm quyền”.
Điều 282 nói trên tuy là điều dự liệu và trừng trị “tội lạm quyền” nhưng chỉ giới hạn trong trường hợp những người đang thi hành công vụ mà thôi. Tức là không đụng gì tới Đảng cầm quyền. Hơn nữa, Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, có hai bộ máy cầm quyền, một do Đảng nắm giữ ở trong bóng tối và một gọi là chính quyền của nhân dân thì ở ngoài ánh sáng. Tuy bộ máy trong bóng tối thực sự tham dự vào việc hành sử quyền lực quốc gia nhưng những cán bộ hoạt động cho bộ máy trong bóng tối lại không phải là những người thi hành công vụ nên không thể bị trách cứ về chuyện lạm quyền.
Nguyễn An: Nếu như vậy thì điều gì đã khiến cho Luật sư khẳng định rằng có khả thế ở khâu pháp lý để chống lạm quyền?
Trần Thanh Hiệp: Dưới sức ép của tình trạng phi nhân quyền ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, nhà cầm quyền Hà Nội không thể coi sự khiếm trừng về lạm quyền là đất dung thân bền vững cho ý đồ đảng trị phi nhân quyền được nữa. Những hành vi lạm quyền mà Đảng cho đến nay vẫn còn che dấu được đang có cơ bị lôi ra trước ánh sáng. Nếu có những cuộc vận động tận dụng các điều khoản liên hệ của hai bộ luật Hình sự và Tố Tụng Hình sự để chọc thủng vòng đai khiếm trừng thì chẳng mấy chốc vòng đai này có thể sụp đổ như bức tường Bá Linh.
Nguyễn An: Ông có thể đưa ra thí dụ cụ thể về sự tận dụng hai bộ luật Hình sự và Tố Tụng Hình sự trong thời sự ở Việt Nam được không?
Trần Thanh Hiệp: Ở Việt Nam vừa xảy ra một trường hợp lạm quyền mà theo tôi có thể làm đối tượng cho đơn khiếu tố về lạm quyền và tội phạm về chức vụ. Đó là vụ Hoàng Minh Chính. Cụ vừa 4 lần ường trình khẩn cấp để cho biết cụ đã phát đơn kiện 7 cơ quan truyền thông của Nhà nước vì đã mở chiến dịch bôi nhọ, vu khống, thoá mạ công dân Hoàng Minh Chính.. Những hành vi xâm phạm nhân quyền này đã diễn ra trước sự hiện diện của nhân viên công an mà cụ Chính có ghi tên tuổi đích danh. Gia đình cụ đã trình báo cho Sở công an để công an đến giữ trật tự, nhưng công an không giải quyết.
Nguyễn An: Những điều mà luật sư vừa trích dẫn thì đúng là có xẩy ra thật. Ban Việt ngữ chúng tôi có theo dõi, và cũng phỏng vấn cả hai bên nạn nhân lẫn cơ quan công an. Nhưng theo ông, với cái nhìn của một luật gia, thì ông nhận định thế nào?
Trần Thanh Hiệp: Theo tôi, những hành vi phạm pháp quả tang kể trên là những tội chứng để vô đơn kiện về mặt hình sự các nhân viên công an hữu trách về các tội phạm về chức vụ vì đã có những “hành vi xâm phạm hoạt động đứng đắn của các cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ” dự liệu nơi điều 282 bộ luật hình sự 1999.
Điều 285 bộ luật hình sự cũng là một cơ sở pháp lý để kiện công an về các tội “Thiếu trách nhiệm” tức là “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ”. Ngoài ra, còn phải vô đơn kiện những kẻ vô danh - mà cuộc điều tra sẽ tìm ra thủ phạm - về các tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe người khác (đ.108), tội làm nhục người khác (đ. 121) ,tội xâm phạm chỗ ở của công dân (đ.124), tội đe dọa giết người (đ. 103) v.v...
Về điểm này, điều 285 bộ luật hình sự cũng là một cơ sở pháp lý để kiện công an về các tội “Thiếu trách nhiệm” tức là “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ”. Ngoài ra, còn phải vô đơn kiện những kẻ vô danh - mà cuộc điều tra sẽ tìm ra thủ phạm - về các tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe người khác (đ.108), tội làm nhục người khác (đ. 121) ,tội xâm phạm chỗ ở của công dân (đ.124), tội đe dọa giết người (đ. 103) v.v...Tôi xin nhấn mạnh rằng việc khiếu kiện này đòi hòi một mức độ chuyên môn cao về luật học, nên phải để luật sư lo.
Nguyễn An: Luật sư tiên đoán như thế nào về kết quả của những khiếu kiện mà Luật sư vừa nêu lên?
Trần Thanh Hiệp: Không có gì bảo đảm rằng kiện thì sẽ thắng. Nhưng cũng không vì thế mà khẳng định trước rằng kiện là sẽ thua. Điều quan trọng phải làm là đừng để cho nhà cầm quyền đảng trị tự do áp dụng pháp luật một chiều để đàn áp đối lập và dân chúng hầu bảo vệ chế độ bằng mọi giá. Phải bắt độc tài đảng trị trả giá.
Loại phản kháng thuần túy chính tri, dù dưới hình thức khiếu kiện như các ông Phạm Quế Dương, Trần Khuê đã làm trước đây, như cụ Hoàng Minh Chính đang làm qua 4 “Tường trình khẩn cấp” của cụ không đủ để ngăn chặn vi phạm trắng trợn nhân quyền. Tôi tưởng đã đến lúc phải mở ra những cuộc “cận chiến pháp quyền” bằng pháp luật của chính chế độ để bảo vệ nhân quyền và thiết lập dân chủ.
Nguyễn An: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp.
Những bài liên quan
- Mở ra những trận “cận chiến pháp quyền để chống vi phạm nhân quyền ở Việt Nam
- Cảnh sát Campuchia bắt giữ nhà họat động nhân quyền Kem Sokha
- Mục sư Trần Đình Ái trả lời phỏng vấn RFA trong lúc đang bị chận giữ tại Tân Sơn Nhất
- Đã 5 năm khiếu kiện, người mẹ vẫn chưa đòi được công bằng cho con trai
- Ông Ðào Ðức Khả bị công an theo dõi và gây khó khăn vì đã tố cáo tham nhũng
- Linh mục Chân Tín: “Việt Nam là nhà tù lớn”
- Phương Nam - Ðỗ Nam Hải: “Đây là một vụ dàn dựng, cố ý của công an”
- Tuyên ngôn 1948: từ lý tưởng tới thực hành
- Tuyên ngôn nhân quyền 1948, tiếng gọi của thời đại
- Trao đổi với giáo sư Nguyễn Chính Kết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam
- Hàng chục ngàn người Campuchia tập hợp vận động cho nhân quyền
- Hội luận về những vấn đề liên quan đến dân chủ (I)
- Phản ứng của các nhà đấu tranh cho dân chủ trước tin ông Đỗ Nam Hải bị bắt
- Các nhà tranh đấu Việt Nam ra mắt website Tiếng nói Dân chủ
- Giáo sư Nguyễn Chính Kết kể lại câu chuyện sau khi gặp Phương Nam - Ðỗ Nam Hải
- Quá trình quan tâm của thế giới về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam trong 30 năm qua
- Phỏng vấn Giáo sư Nguyên Chính Kết trước tin nhà dân chủ Phương Nam bị bắt
- Nhà dân chủ Phương Nam - Ðỗ Nam Hải bị công an bắt giữ
- Thế giới kỷ niệm 50 năm ngày Nhân quyền Toàn cầu
- Phỏng vấn ông bà Hoàng Minh Chính ngay sau khi lại bị quấy nhiễu