Đón Giao thừa Tết dương lịch 2007!


2006.12.31

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ nữa là Giao Thừa Tết dương lịch, quý vị và các bạn sẵn sàng đón Năm Mới 2007 rồi chứ. Bên nhà giờ này, chắc nhiều cuộc vui của giới trẻ đang rộn ràng diễn ra. Lứa trẻ hướng đến tương lai với rất nhiều ước vọng.

NewYear2007200.jpg
AP PHOTO

“Lời trái tim muốn nói” của Lê Hựu Hà, qua giọng hát Lam Trường

Nơi phương trời Âu Mỹ thì chờ đón Năm Mới, dân chúng tổ chức ăn uống nhảy nhót tưng bừng.

Tại New York, du khách các nơi đang cùng với cư dân thành phố này kéo đến Times Square, tụ điểm nổi tiếng thế giới để đón Giao thừa dương lịch.

“Celebration” …

Năm nay, nghệ sĩ Dick Clark sẽ dẫn chương trình đón Năm Mới tại Times Square như hàng năm từ 1972 (ông chỉ phải nghỉ một lần là Giao thừa 2005 vì bệnh). Các nữ ca sĩ Christina Aguilera và Fergie chắc chắn sẽ làm sôi động sân khấu trình diễn.

10 giây trước 12 giờ đêm, nghệ sĩ Dick Clark cùng với đám đông tại Times Square bắt đầu đếm ngược trong khi trái cầu từ từ hạ xuống để đúng 12 giờ là rực sáng lên số Năm Mới.

Countdown to New Year …

Người ta ôm nhau hôn trong nỗi hân hoan mừng Tân niên. Confetti từ những cao ốc tung xuống như mưa. Giữa bầu không khí vui nhộn tiếng cười nói, tiếng còi xe, bài “Auld Lang Syne” được cất lên để giã biệt năm cũ và nghênh đón năm mới.

“Auld Lang Syne” …

Khái niệm hạ trái cầu để ghi dấu thời gian, bắt nguồn từ Greenwich bên Anh từ năm 1833: tại Đài Quan sát vào 1 giờ trưa mỗi ngày, “Trái cầu thời gian” lại từ trên cao rơi xuống để các thuyền trưởng tàu bè gần đó kiểm lại máy đo đạc cho chính xác.

“Fortuna galop” của Strauss …

Tục lệ “Hạ trái cầu” tại Times Square khởi sự cách nay đúng 100 năm. Vào đêm Giao Thừa 1907, lần đầu tiên, dân Mỹ tổ chức đặt trái cầu trên đỉnh cao ốc Times Square để đến 60 giây trước 12 giờ thì bắt đầu hạ xuống. Trái cầu khi ấy bằng gỗ và sắt với 100 bóng đèn 25 wát.

Và như thế, hàng năm cứ vào đêm cuối năm dương lịch, tục lệ ấy lại diễn ra tại Times Square, ngoại trừ hồi Đệ Nhị Thế Chiến, không được thắp đèn sáng thành ra, tiếng chuông đã thay thế ánh đèn vào các năm 1942, 1943.

Trái cầu đón Giao thừa tại Times Square, với thời gian có thay đổi chút ít chi tiết về trang trí. Tới năm 2000 thì đặc biệt để đón mừng thiên niên kỷ mới, hãng Waterford nổi tiếng về thủy tinh và pha lê đã thiết kế lại trái cầu với 504 tấm thủy tinh hình tam giác, mang các biểu tượng hy vọng.

Vì sao chọn thủy tinh? Theo các viên chức công ty Waterford thì để chúng ta soi lại quá khứ, trước khi hướng đến tương lai, bước vào thế kỷ 21. Giao thừa năm nay, họ cho hay là 72 tấm thủy tinh trong có hình chim bồ câu, mang biểu tượng “Hy vọng cho Hòa bình”.

“Happy New Year” …

Quý vị đang nghe hợp ca bài “Happy New Year” một ca khúc nổi tiếng của Abba, ban nhạc được nhiều người Việt ưa chuộng lâu nay …

Trái cầu tại Times Square, ngoài 600 bóng đèn, 96 tia rọi cực mạnh, còn có 90 miếng gương hình kim tự tháp xoay tròn để đưa ánh sáng cùng các ánh màu đến với mấy trăm ngàn người tụ tập tại đó (năm ngoái, có hơn bảy trăm ngàn người). Ngoài ra, còn hàng chục triệu khán giả trên thế giới theo dõi qua màn ảnh truyền hình.

Đúng 12 giờ, tất cả những bóng đèn đó vụt tắt, nhường cho số Năm Mới rực sáng lên, như những hứa hẹn của Năm Mới đến với mọi người.

“Một tình yêu” nhạc bản của Đức Huy do chính tác giả trình bày …

Trước thềm Tết dương lịch, Thy Nga xin gởi đến quý thính giả và bạn đọc những lời chúc tốt lành nhất cho Năm Mới 2007 !

“Happy New Year” hát lời Việt …

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.