Lê Dân, phóng viên đài RFA
Trong thời gian gần đây có nhiều dự báo cho thấy doanh giới nước ngoài chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam với nhiều dự án hấp dẫn. Để tìm hiểu thêm về hiện tượng này, Lê Dân đã trao đổi cùng luật sư Albert Frances Kinj, chuyên gia tư vấn pháp lý của tổ hợp DS Avocat cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, để biết về điều gì đã thúc đẩy khuyến khích họ đến với Việt Nam.

Quan tâm của giới đầu tư
Lê Dân: Thưa luật sư Kinj, trong cương vị là người tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam, và lại nói giỏi tiếng Việt, ông có thể cho thính giả đài Á châu Tự do biết hiện nay các doanh gia nước ngoài chú ý nhất là điều gì trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam?
Albert F. Kinj: Đó là luật Doanh nghiệp mới đã đi vào thực hành từ tháng Bảy năm 2006 cho tới nay, đã bãi bỏ nguyên tắc nhất trí trong các cuộc họp của cổ đông tại các công ty Việt Nam cũng như các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Khi bỏ đi nguyên tắc này thì thiểu số không còn thế nào tạo ra tình trạng bế tắc tại các doanh nghiệp khi đưa một số vấn đề quan trọng của doanh nghiệp vào quyết định. Khi không còn đòi hỏi nhất trí 100%, thì một đa số nào đó, chúng ta sẽ bàn sau, sẽ có đủ tư cách để quyết định những vấn đề quan trọng nhất của công ty.
Lê Dân: Thưa luật sư, tại sao nguyên tắc nhất trí, thay vì tạo thành sức mạnh tập thể, lại thành trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp?
Albert F. Kinj: Trở ngại lớn nhất của nguyên tắc nhất trí là làm bế tắc các quyết định quan trọng của doanh nghiệp, ví dụ như sửa đổi điều lệ, thay đổi địa chỉ trụ sở, thông qua các báo cáo tài chánh hàng năm, hoặc đề cử tổng giám đốc, chủ tịch.
Khi những vấn đề đó bắt buộc phải có sự nhất trí 100%, có nghĩa là một thiểu số cổ đông của một công ty có thể làm bế tắc hoạt động của công ty bằng cách không có mặt, hoặc biểu quyết chống lại quyết định của đa số. Từ đó có tình trạng là đa số không thể nào ép được thiểu số để thông qua một số vấn đề mà đa số mong muốn.
Lê Dân: Do đâu mà phát sinh quy định nhất trí đó, gây bế tắc trong doanh nghiệp tại Việt Nam?
Albert F. Kinj: Theo khởi thủy thì do luật Đầu tư Nước ngoài tại Việt Nam. Lúc đó các nhà làm luật nghĩ tới thiểu số là các cổ đông Việt Nam cần phải đối chọi với cổ đông nước ngoài, có nhiều tiền hơn và nhiều cổ phần hơn.
Trở ngại lớn nhất của nguyên tắc nhất trí là làm bế tắc các quyết định quan trọng của doanh nghiệp, ví dụ như sửa đổi điều lệ, thay đổi địa chỉ trụ sở, thông qua các báo cáo tài chánh hàng năm, hoặc đề cử tổng giám đốc, chủ tịch.
Vào thời điểm Việt Nam mới mở cửa thì có lẽ sự hiểu biết và kinh nghiệm còn thiếu, nên từ đó người làm luật mới nghĩ ra cách làm thế nào để phe thiểu số không bị người đa số lấn áp. Tuy nhiên từ suy nghĩ đó lại đưa đến tình trạng thiểu số lại lấn áp được đa số, nên gây trở ngại không ít cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thành công trong các liên doanh với các công ty hay cá nhân Việt Nam.
Lê Dân: Ông có thể nói rõ hơn, tại sao nguyên tắc nhất trí trong việc biểu quyết của các cổ đông lại không có lợi cho doanh nghiệp bằng nguyên tắc đa số, tức chỉ cần một đa số quá bán, hay như thế nào đó, mà không cần toàn bộ 100% cổ đông?
Albert F. Kinj: Ở đây, theo thiển ý của tôi, với tư cách là một chuyên gia luật thì quyền lợi tối cao là quyền lợi của doanh nghiệp, chứ không phải là quyền lợi của từng cổ đông, dù người đó là thiểu số hay đa số. Doanh nghiệp có lợi thì cổ đông mới có lợi.
Cần tiếp tục đổi mới
Lê Dân: Thưa luật sư có phải do đó mà Việt Nam phải thay đổi, và đã thay đổi qua Nghị quyết số 71 của Quốc hội Việt Nam tháng Mười Một năm 2006, liên quan đến việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Nội dung Nghị quyết đã bỏ nguyên tắc nhất trí 100%, mà thay vào đó chỉ cần đa số 65% mà thôi?
Albert F. Kinj: Theo tôi nghĩ thì việc đi tới con số 65% đã là một bước tiến quan trọng, nhưng có lẽ là chưa đủ, vì trong luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư có quy định biện pháp này. Nhưng trong thực tế thì các cơ quan chức năng chưa thi hành được một cách cụ thể. Kể cả Nghị quyết 71, các cơ quan cũng chưa có những chỉ thị cụ thể để thi hành nghị quyết này.
Nên tôi nghĩ bước tiến đến 65% chỉ là bước đầu mà thôi, cần có những bước khác nữa để có thể tạo thành không khí trong doanh nghiệp đủ bình đẳng, dân chủ, mà cũng đủ để tôn trọng quyền lợi tối cao của doanh nghiệp.
Lê Dân: Bước thứ nhì đó là gì thưa luật sư?
Albert F. Kinj: Bước thứ nhì có lẽ như nghị quyết đã mở cửa rồi, là có thể để cho doanh nghiệp hoàn toàn tự chủ, tự quyết về vấn đề đại đa số để thắng biểu quyết là bao nhiêu. Không cần hẳn là phải 61% hoặc là 51%.
Có nghĩa là gì ? theo như nghị quyết 71 nói là các thành viên của công ty có quyền soạn điều lệ theo như ý của mình cho là tốt nhất cho hoạt động doanh nghiệp. Có nghĩa là người ta công nhận luật đầu tiên của công ty, chứ không phải là luật của nhà nước ban hành.
Tuy nhiên luật Nhà nước tại Việt Nam vẫn là cái khung chung cho hoạt động của doanh nghiệp, cho nên từ đó điều lệ tuy là luật cao nhất của doanh nghiệp, nhưng nó vẫn lệ thuộc vào luật của nhà nước ban hành.
Lê Dân: Như vậy thì các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nghĩ sao về môi trường làm ăn tại Việt Nam, thưa luật sư?
Albert F. Kinj: Nói chung thì tôi cảm nhận được là các nhà đầu tư nước ngoài đang có cảm tưởng là đang có tiến bộ khá, có chiều hướng thuận lợi hơn.
Lê Dân: Nhưng họ có ý nghĩ gì khác hay không?
Albert F. Kinj: Có một điều mà có lẽ ở Việt Nam chưa được rõ là về sự hiện diện. Khi chúng ta nói đến con số 65% là con số đó của toàn thể cổ đông, hay là 65% của số người hiện diện biểu quyết, dù họ không đạt được mức 65% toàn bộ cổ đông ?
Chúng ta phải có sự phân biệt rõ ràng, mà hiện ở Việt Nam chưa có được, là "quorum", tức sự hiện diện của cổ đông, và phân biệt về số biểu quyết. Thông thường thì người ta hiểu là 65% của cổ đông, tức "equity". Cho nên cái "distinction", tức sự phân biệt đó chưa được quy định rõ ràng qua nghị quyết 71. Do đó các cơ quan chức năng ở dưới người ta vẫn chờ để được hướng dẫn thi hành cho thông suốt.
Lê Dân: Xin cám ơn luật sư Albert Frances Kinj của tổ hợp tư vấn luật DS Avocat đã giành cho chúng tôi cuộc trao đổi ngày hôm nay.