Asiad 15: Nhiều khi chúng ta không thể chiến thắng tất cả
2006.12.13
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Tối hôm qua, cuộc thi đi quyền Karate dành cho các vận động viên nữ đã kết thúc, với chiến thắng một lần nữa lọt vào tay của một nữ vận động viên Nhật Bản. Từ một góc của Câu Lạc Bộ Thể Thao Qatar, Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi gửi về bản tường trình sau đây.

Tôi nhớ như in những hình ảnh tối hôm qua ở sàn đấu của Câu Lạc Bộ Thể thao Qatar. Trước mặt tôi là hai cô thiếu nữ rất trẻ, rất xinh xắn. Một Việt Nam, một Nhật Bản. Một thắt chiếc đai mầu xanh, một mang chiếc đai màu đỏ. Cả hai nghiêm trang đứng chờ lệnh gọi của ông trưởng ban trọng tài.
Cuộc thi sửa soạn bắt đầu. Chỉ trong vài phút đồng hồ nữa, trong hai cô, sẽ có một người thắng và một người bại. Người thắng sẽ nhận chiếc huy chương vàng dành cho môn KATA, tức môn biểu diễn đi quyền karate, và người bại chấp nhận là kẻ thua cuộc với chiếc huy chương bạc an ủi.
Đây là lần đầu tiên tôi gặp cô thiếu nữ đại diện cho Việt Nam. Cô gái Hà Thành mang danh hiệu nữ hoàng Kata của quốc gia cao 1 mét 65, nặng 64 ký lô. Đến với võ thuật ở tuổi không trễ nhưng cũng chẳng quá sớm, cô thiếu nữ Việt Nam mà tôi nhìn thấy trên sân đã chiếm rất nhiều giải thưởng của thế giới dành cho bộ môn đi quyền. Chiếc tủ để huy chương trong nhà vẫn còn một chỗ trống, dành riêng cho chiếc huy chương vàng ASIAN GAMES mà cô có thể sẽ đem về ngày hôm nay.
Karate là môn thể thao của Nhật Bản. Tôi không biết môn này đến với xứ Nhật từ lúc nào, ai khai sáng, ai là vị chưởng môn đầu tiên, nhưng tôi biết khi nói đến Karate, người ta nghĩ ngay đến nước Nhật. Môn võ này với Nhật chính là một, nhưng tôi có cảm tưởng trước mặt tôi là cô thiếu nữ đang muốn dời ngọn núi Phú Sĩ biểu tượng của Nhật Bản, và mang ngọn Hoàng Liên Sơn của Việt Nam đặt vào đó.
Cuộc thi bắt đầu. Cô gái Việt Nam ra sân trình diễn trước. Khuôn mặt của cô bỗng dưng nghiêm nghị hẳn lại, rõ ràng khuôn mặt của con nhà võ. Cô đứng tấn, cô ra quyền, cô quạt tay, cô tung chân đá, xen kẽ là những tiếng hét đầy nội lực để lung lạc đối thủ vô hình trước mặt. Có dự khán môn thể thao này mới biết được cái khó của nó: người biểu diễn phải hội đủ rất nhiều yếu tố, từ uy vũ cho đến thần sắc. Tấn phải ra tấn, thần phải ra thần, bước chân và đôi tay phải uyển chuyển, hòa điệu với nhau thành một bản vũ. Tập luyện càng nhiều, điệu vũ càng tinh xảo.

Tôi chưa bao giờ được xem cô tập dượt, nhưng những người mê võ thuật và những anh bạn nhà báo mà tôi có dịp nói chuyện đều bảo cô là một trong những người được ngợi khen “tập dượt nghiêm chỉnh nhất” của đoàn thể thao Việt Nam. Có người kể với tôi là từng chứng kiến cảnh chỉ một bước di chân trên sàn không thôi, cô phải bỏ ra nhiều tháng trời để tập cho thật thuần nhuyễn, khổ cực chẳng khác gì các cô thiếu nữ học múa balê.
Bài vũ balê thường khá dài, còn riêng với cô, công lao tập dượt của nhiều năm trời sẽ được quyết định chỉ trong vòng 3 phút và trong những phút ngắn ngủ đó, tất cả mọi người đều im lặng xem cô biểu diễn. Có lúc tôi nghĩ hình như khán giả và cô chính là một, hòa mình với nhau trong điệu múa mang tên Kata.
Phần biểu diễn của cô kết thúc. Theo đúng lễ nghi của cuộc thi, cô rời sàn ra quỳ ở góc trái, chờ đợi đối thủ của mình biểu diễn. Cũng với 3 phút đồng hồ thôi, cô vận động viên Nao Morroka đến từ Xứ Phù Tang đem hết tài năng của mình ra biểu diễn trong khi các vị trọng tài ngồi quanh sân chăm chú theo từng bước chân, tức cú đánh tay của cô võ sinh đang đi quyền trước mặt.
Cả hai cô thiếu nữ Nhật-Việt đứng sát bên nhau chờ đợi kết quả. Các vị trọng tài trong tay mỗi người có 2 lá cơ, một xanh, một đỏ. Cờ giơ lên mầu gì, võ sĩ mang đai mầu đó là người thắng cuộc. Hai cô hồi hộp đợi chờ giờ phút quan trọng của cuộc đời một võ sĩ, tất cả mọi khán giả đều chờ đợi giờ phút quan trọng cho cả một quốc gia. Câu hỏi chạy thật nhanh trong đầu tôi: tối nay có phải là tối của Hoàng Liên Sơn không?
Câu trả lời là không!!! Tất cả 7 chiếc cờ giơ lên đều mầu xanh. Chiếc huy chương vàng đầu tiên của bộ môn karate ở ASAID 15 vẫn thuộc về Nhật Bản, vẫn chưa chịu rời quốc gia có ngọn Phú Sĩ với những cô gái mặc đi hài mặc kimono để về với những cô gái mặc áo dài đi guốc gỗ.
Bắt tay chúc mừng người chiến thắng xong, cô rời sàn đấu đi về chỗ tôi và những nhà báo khác đang đứng chờ. Lời nói đầu tiên của cô là cô đi bài quyền rất tốt, nhưng dường như vẫn chưa đủ để có thể qua mặt được những vận động viên đến quê hương của môn võ thuật mà cô yêu quý.
Trả lời câu hỏi của tôi xong, cô đi vào phòng dành riêng cho các vận động viên. Tôi đứng sững người không biết phải làm gì. Trước đó chỉ vài phút đồng hồ, tôi đã nghĩ trong đầu các ý tưởng của bài mình sẽ viết về cô thiếu nữ Việt Nam chiếm chiếc huy chương vàng đầu tiên của loạt thi đấu Karate ở ASIAN GAMES 2006. Bài đó sẽ không bao giờ được viết, và tôi chẳng biết sẽ phải viết những gì cho bài nói về một vận động viên mới vừa thua cuộc.
Tôi phải viết gì bây giờ??? Tôi không biết có nên hẹn gặp lại cô ở ASIAN GAMES 2010 hay không? Tôi chỉ biết dù không đạt được ước mơ, nhưng cô đã đi được một bước rất dài. Và tôi cũng biết ở trong phòng thay áo, cô đang ngồi ôm mặt khóc.
Cô tên là Nguyễn Hoàng Ngân, 22 tuổi, nữ hoàng Kata của tất cả chúng ta.
Nguyễn Khanh, tường trình DOHA.
Thông tin trên mạng:
- The official website of the 15th Asian Games Doha 2006
Những bài liên quan
- Phỏng vấn trưởng đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh tại ASIAD 15
- Nhiều khán giả Việt Nam ra về với tiếc nuối sau 10 ngày tranh tài của ASIAN GAMES
- Kết quả ngày thi đấu thứ 9 tại ASIAD 15
- Philippines thưởng tiền cho các vận động viên tham dự ASIAD 15
- Ngày thứ 7 của cuộc tranh tài ASIAD 15 đã kết thúc
- Nữ vận động viên Nada Hassan, thần tượng của hàng triệu thiếu nữ ở Doha
- Chuyện quanh chiếc huy chương vàng đầu tiên của Việt Nam tại Asian Games
- Việt Nam đoạt huy chương vàng đầu tiên tại Asian Games 15
- Chuyện bên lề ASIAD 15: người lao động Việt Nam trên khán đài Al-Arabi