Bài thơ Con Cóc qua nhận định nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc (phần 1)


2007.05.27

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Chương trình Văn Học Nghệ Thuật kỳ này Mặc Lâm xin giới thiệu nhà phê bình lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc và tác phẩm Thơ V..V và V..V..trong đó đặc biệt nói về bài thơ "Con Cóc" mà ông chứng minh là một bài thơ không dở như mọi người thường nghĩ từ trước đến nay. Nguyễn Hưng Quốc tên thật Nguyễn Ngọc Tuấn. nguyên quán Quảng Nam. Vượt biên đến Pháp năm 1985.

NguyenHungQuoc150.jpg
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Photo courtesy vietbay.com

Ông hiện dạy Ngôn Ngữ, Văn Học, Văn Hoá và Chiến Tranh Việt Nam tại trường đại học Victoria, Úc; nguyên chủ bút tạp chí Việt; một trong những người chủ trương Trung tâm văn học nghệ thuật liên mạng Tiền Vệ.

Ông cũng là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng như Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản (1991), Văn Hoá Văn Chương Việt Nam (2002), Nguyễn Hưng Quốc còn là tác giả của nhiều tác phẩm biên khảo có giá trị về văn học Việt Nam trong đó được nhiều người biết đến nhất là tác phẩm Văn Học Việt Nam Từ Điểm Nhìn Hậu H(i)ện Đại (2000).

Là một nhà biên khảo và phê bình văn học Việt Nam được xem là nổi bật nhất hiện nay, Nguyễn Hưng Quốc thường đưa ra những bài viết có tính đột phá, đào sâu vào những lập luận mà các trường phái phê bình văn học trên thế giới thường áp dụng để tìm ra một hướng cảm thụ văn học mới và từ đó hướng người đọc lẫn người viết tránh bớt những lối mòn mà văn học Việt Nam đã đi gần một thế kỷ qua.

Sau đây là buổi nói chuyện quanh đề tài nói về bài thơ Con Cóc giữa chúng tôi và nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Bài phỏng vấn này được phát làm hai kỳ và đây là phần đầu mời quý vị theo dõi.

Mặc Lâm: Thưa anh, một trong những đề tài văn học được bàn cãi sôi nổi trong vài năm trước đây khi cả trong và ngoài nước tập trung vào bài viết "Thơ Con Cóc " của anh. Bỏ qua những chuyện chê khen, tôi đề nghị xin anh cho biết ý tưởng này có phải phát xuất từ mục đích luôn vận động làm mới cách cảm thụ mỹ học nói chung và văn học nói riêng?

Nguyễn Hưng Quốc: Thưa anh để cho chính xác tôi xin thưa là cái bài viết về thơ Con Cóc thật ra được in từ năm 1994 sau đó được in trong quyển Thơ V...V... và V...V...in năm 1996 tức là cách đây hơn 10 năm rồi. Khi nó mới xuất hiện bài viết về bài thơ Con Cóc của tôi được tranh luận rất ồn ào không những ở hải ngoại mà còn trong nước nữa.

Về phương diện lý luận mà nói chuyện gì trở thành điển hình thì không thể dở được ngay khi nó điển hình về cái dở thì cũng là sự thành công, kiểu như Nam Cao mô tả Thị Nở cũng là một sự thành công về nghệ thuật.

Nó tạo ra cái gọi là trận địa Con Cóc trên nhiều tạp chí văn học. Tuy nhiên suốt thời gian vừa rồi những cuộc tranh cãi ồn ào có lắng xuống nhưng những ý kiến bất đồng đây đó vẫn còn đây là lý do khiến tôi cho tái bản lại cuốn sách trong đó có bài Thơ Con Cóc. Lần này thì tôi tập trung hẳn vào bài thơ Con Cóc và những bài lý thú văn học tập trung chung quanh bài thơ này.

Riêng cái câu hỏi của anh thì hoàn toàn đúng. Vấn đề diễn dịch và đánh giá bài thơ Con Cóc thì nằm trong một ý định chung nó bao quát hơn, lớn hơn đó là nổ lực vận động để đổi mới văn học Việt Nam. Lúc nào tôi cũng cảm thấy văn học Việt Nam loay hoay bế tắc. Ở trong nước đã bế tắc ở hải ngoại cũng bế tắc. Không thể thoát khỏi sự bế tắc ấy nếu chúng ta không đổi được cách viết.

Mặc Lâm: Trở lại ý tưởng của anh về bài thơ Con Cóc, bắt đầu từ luận cứ cho rằng nếu dở thì bài thơ này không thể tồn tại một thời gian lâu như thế. Cứ tạm đồng ý với anh về điểm này, tuy nhiên, đào sâu hơn về những cái hay của bài thơ thì điều gì sẽ xảy ra nếu chịu khó nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau?

Nguyễn Hưng Quốc: Vâng, có lẽ trước hết chúng ta phải nhắc lại bài thơ con cóc, bài thơ đó thì đơn giản tôi nghĩ rằng ai cũng biết nhưng để giúp dễ theo dõi thì tôi xin đọc lại bài thơ đó:

Con cóc trong hang Con cóc nhảy ra Con cóc nhảy ra Con cóc ngồi đó Con cóc ngồi đó Con cóc nhảy đi.

Để phân tích bài thơ này tôi xuất phát từ nhiều góc độ khác nhau nhiều khía cạnh khác nhau. Thứ nhất là từ khía cạnh lịch sử, theo tôi thì người ta không thể tìm ra được một bài thơ nào dở mà lại bất tử như bài thơ con cóc.

Hàng triệu bài thơ dở không thể tồn tại với thời gian bởi vậy nếu cho bài thơ Con Cóc là một bài thơ dở như vậy chúng ta chấp nhận nó như một ngoại lệ. Thật ra, cái ngoại lệ ấy rất ít khả năng xảy ra và không đủ sức thuyết phục.

Mặc Lâm: Thưa anh nếu tôi nhớ không lầm thì có ý kiến cho rằng chẳng những bài thơ Con Cóc được xem là dở mà nó còn điển hình của cái dở nữa, người ta thường lấy nó ra để đồng hóa với những bài thơ dở, anh nghĩ sao về điều này?

Nguyễn Hưng Quốc: Về phương diện lý luận mà nói chuyện gì trở thành điển hình thì không thể dở được ngay khi nó điển hình về cái dở thì cũng là sự thành công, kiểu như Nam Cao mô tả Thị Nở cũng là một sự thành công về nghệ thuật.

Nếu bài thơ Con Cóc là một bài thơ hay thật thì quan hệ giữa nó và ý nghĩa bài thơ như thế nào? tôi muốn nói tới nhà phê bình. Đâu là giới hạn của nhà phê bình, cách diễn dịch như vậy có hiệu quả gì...nó liên quan tới việc viết và việc đọc. Nó liên quan đến văn học là lịch sử của điều viết hay những điều được đọc v..

Mặc Lâm: Thưa anh ngoài vấn đề anh vừa nêu là yếu tố tồn tại với thời gian, yếu tố điển hình đã làm bài thơ Con Cóc được để ý còn có yếu tố nào thuyết phục hơn chẳng hạn như âm thanh, kết cấu, từ vựng hay thậm chí sự thô tháp của bài thơ?

Nguyễn Hưng Quốc: Nếu chúng ta đọc bài thơ con cóc thật chậm, đọc từ từ một cách nhẹ nhàng, sâu lắng thì chúng ta sẽ dần dần phát hiện ra bài thơ có nhiều cái hay cái đặc sắc lắm. Những đặc sắc này thể hiện qua nhiều phương diện từ kết cấu, từ vựng cũng như nhạc điệu...

Mặc Lâm: Cho tới lúc này thì tôi cảm thấy bị anh thuyết phục hơi nhiều...nhưng thưa anh cái cốt lõi ở đây vẫn là một điều gì đấy quan trọng hơn bản thân sự hay hay không hay của bài thơ mà anh muốn hướng tới phải không?

Nguyễn Hưng Quốc: Nếu bài thơ Con Cóc là một bài thơ hay thật thì quan hệ giữa nó và ý nghĩa bài thơ như thế nào? tôi muốn nói tới nhà phê bình. Đâu là giới hạn của nhà phê bình, cách diễn dịch như vậy có hiệu quả gì...nó liên quan tới việc viết và việc đọc. Nó liên quan đến văn học là lịch sử của điều viết hay những điều được đọc v..v. .

Mặc Lâm: Anh vừa cho là cách cảm thụ và phê bình một bài thơ qua sự diễn dịch của nhà phê bình hay người thưởng ngoạn làm tôi liên tưởng đến sự thưởng ngoạn một bức tranh trừu tượng vậy, người xem hoàn toàn có quyền suy tưởng theo cảm nhận của mình hay nói một cách khác là có thể sáng tác lại một lần nữa bên cạnh tác giả. Tuy nhiên trong lĩnh vực văn học tính chất diễn dịch này có làm sai lệch đi những mấu chốt chính của tác giả hay không?

Nguyễn Hưng Quốc: Đó là điều mà các nhà nghiên cứu lý luận vẫn thường đặt ra. Người ta đặt ra những câu hỏi như: Ý tưởng của bài thơ có phải là ý tưởng của tác giả hay không? thì hầu như cho đến bây giờ thì mọi nhà lý thuyết văn học đều nghi ngờ cái nhận định ấy.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà phê bình lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc. Xin quý thính giả tiếp tục theo dõi phần hai cũng trên chủ đề này trong chương trình Văn Học Nghệ Thuật sẽ được phát vào tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.