Bài thơ Con Cóc qua nhận định nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc (phần 2)

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Chương trình Văn Học Nghệ Thuật kỳ này Mặc Lâm xin mời quý vị tiếp tục theo dõi buổi nói chuyện với nhà phê bình và lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc về bài thơ "Con Cóc" mà ông chứng minh là một bài thơ không dở như mọi người thường nghĩ từ trước đến nay.

NguyenHungQuoc150.jpg
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Photo courtesy vietbay.com

Tưởng cũng nên nhắc lại, Nguyễn Hưng Quốc là một nhà biên khảo và phê bình văn học Việt Nam được xem là nổi bật nhất hiện nay, ông thường đưa ra những bài viết có tính đột phá, đào sâu vào những lập luận mà các trường phái phê bình văn học trên thế giới thường áp dụng để tìm ra một hướng cảm thụ văn học mới và từ đó hướng người đọc lẫn người viết tránh bớt những lối mòn mà văn học Việt Nam đã đi gần một thế kỷ qua.

Bài viết về bài Thơ Con Cóc cũng nằm trong ý hướng này. Sau đây là buổi nói chuyện quanh đề tài nói về bài thơ Con Cóc giữa chúng tôi và nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Đây là phần thứ hai và cũng là phần cuối mời quý vị theo dõi.

Mặc Lâm: Thưa anh lần trước anh đã nói về những khía cạnh độc đáo khiến bài thơ Con Cóc không những trở thành gần như bất tử mà còn có khả năng dẫn người đọc đến những cảm nhận thẩm mỹ văn học rất khác so với từ trước đến nay.

Việc dẫn giải và minh chứng có tính cách mở ra những suy tư rộng hơn trước một tác phẩm gây cho người nghe buổi nói chuyện của chúng ta có cảm giác là việc cảm nhận bài thơ này của anh giống như cách mà trào lưu Dada kêu gọi thay đổi cảm nhận thẩm mỹ mà điển hình nhất là tác phẩm Fountain của Marcel Duchamp năm 1917? Không biết anh có cảm thấy vấn đề có liên quan với nhau hay không anh?

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc: Có thể liên quan ít nhiều, xa xôi anh ạ. Xin nhắc lại tác phẩm này cho tiện theo dõi. Đó chỉ là cái buồng tiểu được trưng bày như một tác phẩm nghệ thuật rồi sau đó nó biến mất. Cái mà chúng ta còn là hiện nay chỉ là một bức ảnh chụp lại.

Dĩ nhiên không ai nói cái buồng tiểu ấy đẹp nhưng vấn đề chính khi đem cái buồng tiểu như thế vào một phòng triển lãm quốc tế trưng bày như một tác hẩm nghệ thuật thì chính cái hành động ấy được xem như một sự sáng tạo quan trọng.

Có thể liên quan ít nhiều, xa xôi anh ạ. Xin nhắc lại tác phẩm này cho tiện theo dõi. Đó chỉ là cái buồng tiểu được trưng bày như một tác phẩm nghệ thuật rồi sau đó nó biến mất. Cái mà chúng ta còn là hiện nay chỉ là một bức ảnh chụp lại.

Mặc Lâm: Anh vừa nhắc đến cái đẹp mà trào lưu Dada muốn diễn đạt có ảnh hưởng sâu sắc đến cả khái niệm thẩm mỹ của thế kỷ vừa qua khiến tôi liên tưởng đến tác phẩm The Gift (Tặng Vật) 1921 của Man Ray trong tác phẩm này người xem như bị điện giật khi nhìn thấy chiếc bàn ủi được gắn thêm những chiếc đinh nhọn bên dưới tạo cảm giác bất an, mâu thuẩn và rất kinh dị so với những chiếc bàn ủi bình thường.

Vẻ đẹp mà anh cho là trần trụi, gai góc trong bài thơ Con Cóc có liên quan gì với hình ảnh chiếc bàn ủi của Man Ray hay không, thưa anh?

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc: Trực tiếp thì chắc là không nhưng gián tiếp thì thể nào cũng có, tác phẩm tặng vật mà anh vừa nói cũng như tác phẩm cái buồng tiểu của Marcel Duchamp cũng như những bài thơ chắp nối của trào lưu Dada đã được nhiều nhà phê bình chấp nhận có lẽ tôi cũng là người ít nhiều chịu ảnh hưởng của cái nhìn như vậy từ đó tôi phát hiện ra bài thơ Con Cóc không trực tiếp nhưng có lẽ nó cũng nằm trong quỹ đạo đó.

Mặc Lâm: Trong lời nói đầu của tác phẩm Thơ Con Cóc và Những Vấn Đề Khác vừa được xuất bản, anh có viết rằng Trong chừng mực nào đó, cũng có thể nói mỗi lý thuyết mới, mỗi trào lưu mới là một thí nghiệm mới, một cách sai mới: ít nhất là trong lãnh vực văn học, anh tin những cái sai mới ấy có giá trị hơn hẳn những cái "đúng"cũ.

Điều này chứng tỏ anh vừa cẩn trọng vừa quyết đoán trong việc đưa ra một cách nghĩ mới cho văn học. Cho tới nay sau nhiều năm anh có gì bổ xung thêm cho vấn đề này không?

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc: Trong các cuộc tranh luận phần lớn trong chúng ta cứ tranh phần thắng thôi, cứ tự xem mình là duy nhất đúng nhưng chỉ cần nhìn lại lịch sử của nhân loại thì chúng ta sẽ thấy nó không có cái duy nhất như vậy. Lịch sử nhân loại đầy những sai lầm đầy những thí nghiệm.

Riêng trog lĩnh vực văn học lại càng không có cái duy nhất đúng như vậy. Các trào lưu và tường phái văn học liên tục phủ định nhau. Những phát hiện và những thành tựu lớn của chủ nghĩa Cổ Điển, chủ nghĩa Tân Cổ Điển, Lãng Mạn, Hiện Thực....vẫn còn đó những giá trị kinh điển...bởi vậy chúng ta không nên mơ tưởng đạt đến một cái đúng tuyệt đối. Nó hấp dẫn nhưng thật ra điều đó không có thật.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà phê bình lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc về buổi nói chuyện ngày hôm nay.