Nixon Hoa du, 35 năm nhìn lại (phần 1)

0:00 / 0:00

Lê Dân - Thanh Trúc, RFA

Hôm nay đánh dấu đúng 35 năm ngày Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon mở chuyến viếng thăm lịch sử đến Trung Quốc làm thay đổi cuộc diện thế giới về chính trị, quân sự và cả kinh tế, xã hội. Thanh Trúc điểm lại một số sự kiện liên quan để mong làm rõ một số diễn tiến đã xảy ra, nhưng chưa được nêu rõ nguyên do.

NixonMaoTrachDong200.jpg
Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông gặp gỡ tại Bắc Kinh vào năm 1972. Photo courtesy National Archives & Records Administration.

Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Liên Xô lao vào cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ thế giới với Hoa Kỳ qua những vụ triển khai tên lửa tại Cuba, và sau đó là thúc đẩy cuộc chiến Việt Nam.

Trong mục tiêu phục vụ chiến lược đối phó với Moscow, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon lên nhậm chức vào năm 1969 bắt đầu điều chỉnh chủ trương đối với Trung Quốc, biến quan hệ song phương từ đối đầu sang đối thoại.

Các tài liệu của Thư viện Tổng thống Nixon vừa được giải mã cho thấy chỉ hai tuần sau khi tuyên thệ nhận chức, ông Richard Nixon đã bắt đầu xúc tiến một kế hoạch bí mật sau này làm thay đổi thế quân bằng trên địa cầu nhiều thập niên.

Chiến dịch bí mật sau này dồn dập triển khai thành một chuỗi sự kiện xảy ra trong vòng 7 ngày, mà ông Nixon gọi là "tuần lễ làm thay đổi thế giới".

Thế lưỡng cực

NixonGrearWall150.jpg
Tổng thống Nixon tại Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc hôm 24-2-1972. Photo courtesy National Archives & Records Administration.

Thế giới lúc đó ra sao ? Các sử gia ngày nay tóm lược rằng lúc đó địa cầu chia thành lưỡng cực. Một bên do Hoa Kỳ và phía bên kia có Liên Xô và Trung Quốc.

Giữa Moscow và Bắc Kinh đã từng không mấy thuận thảo từ những năm 30, khi Nga ủng hộ chế độ Tưởng Giới Thạch, hơn là Mao Trạch Đông. Nga trợ giúp cố vấn và khí tài cho Quốc Dân đàng Trung Hoa, con trai trưởng của thống chế Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc được Moscow đào luyện. Sự hậu thuẫn đó kéo dài tới khi Nhật thua trận vào năm 1945 mới thôi.

Sau khi Mao nắm được chính quyền Hoa Lục, Bắc Kinh ngày càng tỏ ra độc lập hơn đối với Moscow trong khuynh hướng muốn lãnh đạo khối các quốc gia Cộng sản. Trung Quốc muốn đẩy mạnh đấu tranh với các nước mà họ gọi là phe đế quốc, trong khi Liên Xô bắt đầu mỏi mệt và muốn "sống chung hòa bình".

Tháng Tư năm 1960, Bắc Kinh chính thức kết án Moscow "xét lại", Liên Xô phản ứng bằng cách rút hàng ngàn cố vấn về nước và chấm dứt mọi viện trợ quân sự và kinh tế cho nước đồng minh khổng lồ.

Năm 1962 Liên Xô hậu thuẫn đồng minh không cộng sản là Ấn Độ trong cuộc tranh chấp về ranh giới với Trung Quốc. Mối căng thẳng càng lúc càng gia tăng cho đến khi hai nước cộng sản lớn nhất xô xát tại biên giới vào tháng Ba năm 1969.

Moscow lẫn Bắc Kinh đều không ai nhịn ai, gia tăng sức mạnh quân sự quanh vùng sông Ussuri. Nga lên tiếng đe dọa về một cuộc tấn công bằng bom nguyên tử, Bắc Kinh cho đào hệ thống hầm hố trú bom, khiến cả thế giới nín thở suốt cả mùa hè năm 1969.

Cuối cùng, đến tháng Chín năm đó, Thủ tướng Liên Xô Kossygin đến Bắc Kinh nói chuyện hòa giải cùng Thủ tướng Chu Ân Lai. Nhưng sự đe dọa vừa qua của Liên Xố khiến cà Mao Trạch Đông lẫn Chu Ân Lai không yêm tâm, bắt đầu nghĩ tới thế chiến lược địa dư-chính trị của mình.

Họ biết nếu chiến tranh nổ ra thì lực lượng quân sự còn thô sơ của Trung Quốc không thể sánh với Hồng quân Liên Xô. Ngay sát phía Nam Hoa Lục lại có sự hiện diện của một đạo quân hùng hậu của Mỹ.

"Nền ngoại giao bóng bàn"

Đối diện với sức ép quân sự hai phía, Bắc Kinh cho cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ sẽ bảo đảm an ninh cho Trung Quốc như lời Mao Trạch Đông từng nói là "thỏa hiệp với kẻ thù ở xa" để "đánh kẻ thù trước ngõ".

NixonToChina200.jpg
Chiếc Air Force chở Tổng thống Richard Nixon đến phi trường ở Bắc Kinh hôm 21-2-2007. Photo courtesy National Archives & Records Administration.

Ngay lúc đó tại Washington, các ông Nixon và Kissinger nhận ra thế " nghêu sò tương tranh, ngư ông hưởng lợi". Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Liên Xô, Trung Quốc tranh chấp là nguyên do lớn nhất đưa đến việc Hoa Kỳ và Trung Quốc cải thiện quan hệ, thu hút sự quan tâm của cả thế giới vào ngày 21 tháng Hai năm 1972.

Sự chuyển hướng của Bắc Kinh khởi đầu gần một năm trước đó. Ngày mùng 6 tháng Tư năm 1971, khi đội tuyển bóng bàn Hoa Kỳ đang thi đấu tranh giải vô địch Thế giới lần thứ 31 tại Nhật Bản đã bất ngờ được đòan vận động viên Trung Quốc mời sang thi đấu hữu nghị ở Bắc Kinh.

Mùng 10 tháng Tư, chín tuyển thủ, bốn huấn luyện viên và viên chức cùng 2 người vợ họ đã bước lên chiếc cầu từ Hồng Kông để vào Hoa Lục bằng đường bộ. Đó là những công dân Mỹ đầu tiên đặt chân trên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Quốc kể từ năm 1949.

Diễn tiến đó được báo chí quốc tế gọi là "nền ngoại giao bóng bàn", nhưng bất chấp sự quảng bá rộng rãi của diễn tiến đó, các ông Nixon và Kissinger vẫn giữ kín các sự giao tiếp với Bắc Kinh.

Chỉ đến sau ngày 15 tháng Bảy năm 1971, khi cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger hoàn tất chuyến đi Bắc Kinh trong bí mật, thì Tổng thống Richard Nixon mới loan báo là có thể ông sẽ sang thăm Trung Quốc vào năm sau.

Theo dòng câu chuyện:

- Nixon Hoa du, 35 năm nhìn lại (phần 2)

Thông tin trên mạng:

- Journeys to Peace: Richard Nixon, Zhou Enlai, and the Opening to China

- Nixon Administrative timeline