Giải Nobel Y Học 2005 và tìm hiểu thêm về bệnh viêm loét dạ dày
2005.10.10
Đằng Phong, phóng viên đài RFA
Hồi tuần qua, giải Nobel Y học 2005 đã được trao cho hai nhà nghiên cứu bệnh học tại Úc, do việc tìm ra vi khuẩn gây viêm loét dạ dày. Sự phát hiện này đã tạo một chấn động trong giới y khoa, và đã giúp cho những ai bị ảnh hưởng, mà riêng dân số Việt Nam thì khoảng 60-70%, không còn phải sầu phiền.
Thế nhưng bệnh viêm loét dạ dày là gì? Và những cách chữa thông thường của người Việt mình có còn hữu dụng hay không? Đằng Phong của ban Việt Ngữ chúng tôi đã đi tìm hiểu vấn đề này.
Giải Nobel Y học năm nay vừa được trao cho hai nhà nghiên cứu bệnh học Robin Warren, 68 tuổi, và ông Barry Marshall, 54 tuổi, cư trú tại miền Tây Úc. Hai ông sẽ cùng chia nhau giải thưởng 1 triệu 290 ngàn đô la, vì đã chứng minh rằng nguyên nhân của bệnh viêm loét dạ dày, hay nói theo tiếng Nam là viêm loét bao tử, chính là do một vi khuẩn Helicobacter Pylori, gọi tắt là H.pylori.
Theo Học Viện Nobel, sự phát hiện này đã tăng sức sống của nhiều bệnh nhân trước nay bị tê liệt vì bệnh viêm loét bao tử, mà hôm nay không còn phải đối phó với cơn bệnh nhờ hai ông đã tìm ra nguyên nhân.
Nhưng một cách nôm na, vai trò chính xác của dạ dày là gì, và thế nào là vi khuẩn H.pylori? Lâu nay người Việt Nam chúng ta đã chữa bệnh viêm loét bao tử bằng nhiều phương thức khác nhau, không dùng đến những thuốc trụ sinh của Tây phương, và vẫn thành công.
Vi khuẩn Helicobacter Pylori
Trước sự phát hiện này, những phương thức đó có còn hữu dụng hay không? Để đào sâu hơn vào vấn đề, chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ Trần Xuân Dũng hiện nay đang sống và hành nghề tại Melbourne, Úc. Bác sĩ Trần Xuân Dũng giải thích như sau:
Vi khuẩn Helicobacter pylori này thì thật ra hồi trước cái tên nó là Campilobacter pylori. Và nó có điểm đặc biệt là tăng trưởng ở trong những cái tế bào nằm trong dạ dày mà những tế bào này tiết ra cái chất mucine.
"Dạ dày là…người Bắc gọi là dạ dày, người trong Nam thì gọi là bao tử. Đó là bộ phận đầu tiên để chứa tất cả những thực phẩm sau khi người ta đã ăn vào. Nhiệm vụ dạ dày là giúp cho sự tiêu hoá tất cả những thực phẩm.
Sau đó tất cả các chất đã được nghiền ở trong dạ dày sẽ được đẩy vào ruột non rồi các chất được ăn vào sẽ được hấp thụ vào ruột non để vào máu. Vậy thì dạ dày là một cơ quan của bộ tiêu hoá."
Về vi khuẩn Helicobacter Pylori mà hai ông Warren và Marshall đã khám phá, bác sĩ Trần Xuân Dũng đã cho biết: "Vi khuẩn Helicobacter pylori này thì thật ra hồi trước cái tên nó là Campilobacter pylori. Và nó có điểm đặc biệt là tăng trưởng ở trong những cái tế bào nằm trong dạ dày mà những tế bào này tiết ra cái chất mucine.
Thế khi vi trùng này tăng trưởng nhiều ở trong bao tử hoặc dạ dày đó, thì nó làm cho loét bảo tử. Và việc loét bao tử do vi trùng này thì thật ra cũng nhiều lắm, vì vi trùng này lan tràn cả trên thế giới, chỗ nào cũng có, và chủng tộc nào cũng có và có thể nói là tuổi nào cũng có thể bị cả."
Bệnh viêm loét bao tử
Tuy nhiên, bệnh viêm loét bao tử không phải là một chứng bệnh xa lạ với người Việt Nam mình. Và lâu nay mình vẫn nghe giải thích nguyên nhân của bệnh viêm loét bao tử là vì lo lắng quá mức, ăn uống bất thường, ngủ không điều đặn, hoặc vì hút thuốc và uống cà phê quá nhiều.
Nhưng sau việc khám phá ra vi khuẩn Helicobacter pylori này thì những nguyên nhân vừa kể trên có mất giá trị hay không? Bác sĩ Trần Xuân Dũng cho rằng là không, vì vi khuẩn Helicobacter pylori chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm loét bao tử, chứ không phải là nguyên nhân độc nhất.
"Người miền Nam mình có câu đặc biệt nói đến chuyện loét bao tử. Mình hay nghe nói, “Trời đất ơi, tui rầu thúi ruột.” Thì người nói cái câu đó thì không ngờ nó lại trùng hợp với một số yếu tố của sinh lý học trong việc sinh ra loét bao tử.
Vì nói chung, loét bao tử, nếu mà cấp tính, thì thường thường là do stress gây ra. Thí dụ như thế này. Một người bị chấn thương. Cơ thể người ta bị stress. Mặc dầu người ta không bị stress về phương diện tinh thần, nhưng họ bị stress về cơ thể, hoặc là người ta bị chấn thương đụng xe rất nặng, hoặc là bị phỏng bất ngờ, hoặc là bị nhiễm trùng một cách mạnh mẽ, hoặc là tự nhiên bị chẩy máu ở trong người.
Thì tất cả những cái biến đổi cấp thời đó của cơ thể có thể ảnh hưởng vào bao tử, hay là loét cái dạ dày. Và dĩ nhiên, ngoài những vấn đề tôi vừa kể, thì những người rầu rĩ quá thì cũng có thể loét bao tử, phù hợp với cái câu mà người trong Nam gọi, “Tui rầu thúi ruột.” Đó là cái loại loét bao tử cấp tính."
Tình trạng kinh niên
Nhưng loét bao tử cũng có tình trạng kinh niên. Tức là gì? Tức là nó cứ đến từ từ. Từ từ nó đến mà có khi chính mình không có hay. Thí dụ như là những người nào đó trên 60, 70 tuổi phải uống thuốc aspirin thường ngày để làm cho máu không có đông lại ở trong các động mạch, hoặc phải dùng những thứ thuốc để chống đau khớp xương kinh niên. Thì những thứ thuốc này, lâu ngày uống thì mỗi ngày nó làm cho bao tử tổn hại một chút, rồi cuối cùng lại sinh ra loét. Đó là loại loét báo tử kinh niên.
Nhưng vẫn còn những loại loét khác mà không vì stress, không vì do thuốc men gây ra, mà tự nhiên bị loét là do Helicobacter pylori. Thành ra chúng ta có thể tạm phân loại đó là ba loại nguyên nhân gây ra loét, chứ không phải là những nguyên nhân kia là outdated hết, mà chỉ có loét bao tử là do Helicobacter pylori đâu. Helicobacter pylori có thể gây ra loét, cũng như những nguyên nhân khác, chứ không phải là chỉ đây là nguyên nhân duy nhất gây ra loét bao tử.
Khái niệm Đông Y
Nhưng đó là về phương diện y học Tây Phương. Còn đối với những khái niệm Đông y mà quen thuộc hơn với người Việt chúng ta thì sao? Đông y sĩ Cảnh Thiên, hiện nay sống tại Houston, Texas Hoa Kỳ đã giai thích về chứng viêm loét dạ dày như sau:
"Dạ dày viêm loét có nhiều cái trường hợp khác nhau. Có thể là do ảnh hưởng của những thành của dạ dày bị loét đi, hay là có thể nó bị trơ ra, làm cho cái dạ dày của nó bị đau sót vì lý do ảnh hưởng đến giây thần kinh, và mạch máu. Cho nên đối về mặt đông y loét dạ dày là một trong những bệnh tương đối là nặng và cần phải chữa ngay.
Nếu mà tôi không lầm thì trên dưới một thập niên nay, nền y học hiện đại có khám phá ra một loại vi khuẩn có khả năng làm loét dạ dày. Còn theo đông y thì chưa thể biết được. Theo đông y thì chỉ nói là có thể là do tì vị hư hàng, hoặc là chuyển hoá không được tốt thời gian thì sinh bệnh, từ đó mới sinh loét dạ dày.
Một trong những thang thuốc mà có thể trị bệnh dạ dày, nếu trong trường hợp mà do tì thấp vị nhiệt, nhiệt làm tổn thương huyết lạc, thì cách trị của đông y là táo thấp quá nhiệt, dưỡng quyết kiện tì lý khí. Nếu trong trường hợp mà do quả kết khí uất phủ khí không thông, thì thường thường đông y dùng cách trị là thanh nhiệt tán uất.
Để chữa dạ dày, về phương diện đông y, thì có nhiều loại khác nhau, tuy nhiên một trong những thang thuốc mà có thể trị bệnh dạ dày, nếu trong trường hợp mà do tì thấp vị nhiệt, nhiệt làm tổn thương huyết lạc, thì cách trị của đông y là táo thấp quá nhiệt, dưỡng quyết kiện tì lý khí.
Nếu trong trường hợp mà do quả kết khí uất phủ khí không thông, thì thường thường đông y dùng cách trị là thanh nhiệt tán uất. Nhiều bài thuốc đưa lại một kết quả rất là khả quan, có thể làm tiêu hoá được thức ăn, và có thể làm lành được cái vét loét của dạ dày.
Đó là những phương thức cổ truyền mà cho đến ngày hôm nay đông y vẫn còn có những giá trị để dùng cái phương thức đó mà trị bệnh viêm loét dạ dày. Có nhiều kết quả thành công, cho thấy rằng đông y là một trong những nền khoa học cổ truyền lâu đời, có những đóng góp rất là lớn cho nền khoa học hiện đại để giúp cho sức khỏe mọi người từ bất bình thường trở lại bình thường."
Khả năng mắc bệnh
Nhưng dù muốn hiểu theo Tây y hoặc Đông y, có lẽ điều quan trọng nhất mà quý thính giả cần biết là, “Bệnh viêm loét này có thể xẩy đến cho tôi hay không?” Trả lời thắc mắc này, Bác sĩ Trần Xuân Dũng cho biết: "Những năm còn hành nghề ở Việt Nam tôi vẫn thấy người Việt Nam bị loét bao tử rất nhiều. Và đến Úc thì tôi cũng đã hành nghề gần 22 năm liên tục rồi, và tôi cũng thấy người Việt Nam bị loét bao tử khá nhiều. Kể cả những số người bị do vi trùng Helicobacter pylori gây ra loét cũng có lắm lắm. Thường ngày và hàng tháng tôi vẫn có những bệnh nhân do những vi trùng này gây ra bệnh."
Nói cho cùng thì với những ai ăn uống bất thường hoặc có tính hay lo nghĩ thì khả năng mắc chứng viêm bao tử sẽ nhiều hơn là những người bình thường khác. Và nói về bộ phận tiêu hoá này, chỉ có một điều có thể chắc chắn, là chúng ta nên bảo vệ nó trước khi để chứng bệnh xẩy ra.
Chúng tôi là Đằng Phong, tường thuật từ Hoa Thịnh Đốn.
Những bài liên quan
- Dinh dưỡng (phần 2)
- Ðại dịch cúm 1918 do Virus cúm gia cầm gây nên
- Đường truyền HIV từ mẹ sang con
- Dinh dưỡng và sức khoẻ
- Trả lời thính giả, Lá lách có nhiệm vụ gì?
- Tỷ lệ người bị bệnh nan y ngày càng tăng tại Việt Nam
- Hoa Kỳ dự định triệu tập hội nghị cấp cao phòng chống cúm gia cầm
- Làm Sao Để Bỏ Thuốc Lá
- Ảnh hưởng của thuốc lá trên sức khoẻ về mặt tâm thần và xã hội
- Phương pháp phối hợp sẽ có hiệu quả hơn trong việc điều trị cholesterol cao
- Trả lời câu hỏi của thính giả về sức khoẻ
- Thuốc lá và sức khoẻ (I)
- Bệnh Sida và Cách Phòng Bệnh
- Những điều cần biết về bệnh Sida
- Loại vaccine mới có khả năng bảo vệ con người trước mọi chủng cúm
- Hy vọng mới cho bệnh Ung thư vú
- Việt Nam cảnh báo dịch lợn làm chết nhiều người ở Trung Quốc
- Sức khỏe là gì?
- Tình hình vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam còn rất kém
- Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi tăng cường cung cấp thuốc điều trị sốt rét