Nón lá Thúy, tác phẩm nổi tiếng sản xuất bởi một thiếu nữ tật nguyền


2005.08.09

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Kính chào quí thính giả, mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin tái ngộ cùng quí vị. Trong chương trình hôm nay, Phương Anh xin dành để nói về chiếc nón lá bài thơ đặc biệt của thành phố Huế, mà giới yêu chuộng ở ngọai quốc đặt tên là Nón Thúy.

HillaryNonLa200.jpg
Cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Hillary Clinton thử chiếc nón lá bên cạnh là cô Chelsea, trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2000. AFP PHOTO/John MACDOUGALL

Thưa quí vị và các bạn, từ bao đời, hình ảnh chiếc nón lá Việt Nam đã trở thành quen thuộc cho tất cả mọi người.

Thời gian trước đây, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh những cô thiếu nữ với mái tóc đen óng ả, trong tà áo dài tha thướt, đôi chân nhẹ nhàng bước trên những con đường ở thành phố Sài gòn, đội trên đầu chiếc nón lá, đi dưới trời nắng hanh, trông thật dịu dàng…

Chiếc nón lá không chỉ dành cho những cô con gái thành phố mà còn là vật dụng che nắng, che mưa cho những người nông dân chân lấm tay bùn. Và chiếc nón lá ấy là hình ảnh không thể thiếu được khi chân dung người phụ nữ Việt Nam được tạo dựng trong các tác phẩm về nghệ thuật.

Thế nhưng, với thời công nghiệp hóa, hình như chiếc nón lá đã bị lu mờ… Ở các thành phố lớn, thật khó để tìm được hình ảnh người thiếu nữ với chiếc nón lá nữa…Và có lẽ vì hòan cảnh kinh tế không còn phù hợp, nên nghề chằm nón cũng bị mai một dần.

Chiếc “Nón Thúy” nổi tiếng

Hồi năm 1995, du lịch họ ở Huế mở cửa, có những anh hướng dẫn bắt đầu đi tìm tòi, đi hỏi những người chằm nón… Em là người chằm nón từ xưa tới chừ, nên chi họ biểu vào nhà em coi làm nón, lần lần du khách biết qua miệng người này người nọ. Có một ông Tây vào nhà em, vẽ là đặt chữ Thúy vào, để về họ kỷ niệm. Ngày xưa lúc em chưa đặt chữ Thuý vào thì em phải ký tên vào nón.

Cụ thể là ở thành phố Huế, từ làng quê đến thị thành, đâu đâu cũng nghe nói có người giải nghệ. Những làng nổi tiếng một thời như Dạ Lê, Kim Long, Phủ Cam…bây giờ cũng chỉ còn rất ít người chằm nón. Tuy nhiên, ở làng Phủ Cam, có một người thiếu nữ tật nguyền, chỉ có một tay, suốt 28 năm qua, cứ tận tuỵ với nghề chằm nón.

Không những thế chị còn đưa chiếc nón lá Huế nổi tiếng đi khắp năm châu. Tên chị là Trần Thị Thúy, và chị chính là tác giả của chiếc “Nón Thúy” mà được nước ngoài rất ưa chuộng. Nguyên nhân vì sao chiếc nón lá chị làm lại được phương Tây biết đến với thương hiệu “ Nón Thúy”, từ ngôi nhà nhỏ, trong hẻm Trần Phú, làng Phủ Cam, chị Thúy cho biết:

"Hồi năm 1995, du lịch họ ở Huế mở cửa, có những anh hướng dẫn bắt đầu đi tìm tòi, đi hỏi những người chằm nón… Em là người chằm nón từ xưa tới chừ, nên chi họ biểu vào nhà em coi làm nón, lần lần du khách biết qua miệng người này người nọ. Có một ông Tây vào nhà em, vẽ là đặt chữ Thúy vào, để về họ kỷ niệm. Ngày xưa lúc em chưa đặt chữ Thuý vào thì em phải ký tên vào nón."

Những nét đặc biệt

Khi được hỏi trong chiếc nón lá ấy, ngoài chữ Thúy, còn có gì khác biệt, chị cho biết: "Có cầu Tràng Tiền, chuà Thiên Mụ, hai anh chị, và hai câu thơ: Ai ra xứ Huế mộng mơ, mua về chiếc nón bài thơ làm quà. Cái khác là ở Huế cái chi cũng xanh xao hết, lá mới hết…

Ngoài kia là lá đỏ và dầy, chỉ có lá Huế là mỏng, mỏng khi nớ mới làm bài thơ, mới nhìn thấy rõ.. Trên rừng lá mọc như vậy đó. Tại sao trên rừng lá mỏng, đẹp, còn những rừng kia, lá không đẹp… em cũng không hiểu nữa…"

Thế là từ khi chiếc nón có chữ Thúy ấy được đưa ra nước ngoài, không bao lâu sau, một đoàn du khách đến từ Úc, ghé thăm và xin được xem các công đoạn chằm nón. Dĩ nhiên, họ yêu cầu chị phải lồng vào chữ Thúy trong chiếc nón lá…

Rồi cứ như thế, lần lượt các đoàn du khách khác từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản… đến thăm ngôi nhà nhỏ của chị và hân hoan ra về với chiếc nón Thúy trong tay. Theo lời chị kể, có những vị khách ngọai quốc ngồi chăm chú nhìn chị chằm nón hàng giờ không chán.

Người thiếu nữ tật nguyền

AoDaiNonLa150.jpg

Thật vậy, vì làm sao họ có thể hình dung nổi chiếc nón lá thật đẹp, mỏng manh, có lồng chữ Thúy ấy, lại xuất phát từ một người chỉ có một tay mà thôi. Bị dị tật bẩm sinh, khi chào đời, tay phải của chị chỉ mọc đến cùi chỏ tay là hết…

Cha mẹ chị rất buồn và lo lắng cho số phận nghiệt ngã của chị. Là út trong một gia đình gồm 6 anh chị em, cha mất sớm, chị luôn mang mặc cảm về sự tật nguyền của mình. Thế nhưng, không đầu hàng số phận, chị quyết tâm vươn lên từ nghịch cảnh của mình. Khi được hỏi chị đã bắt đầu tập chằm nón từ khi nào, chị kể lại:

"Em học nơi mẹ, làm từ từ, hồi xưa thì lấy ba cái nón cũ họ đội rồi họ vất, mình tập chằm. Khi nào mình cũng phải tập ngoài nón cũ đã rồi mới tập vào nón mới được. Năm 15 tuổi thì em xây.. rồi làm chi cũng được hết.

Khi lá về, họ xâý trong than, một cái lò giống như bồ lúa rưá, họ đem ra họ bán cho mình, mình về phơi sương một đêm, sáng mai dịu rồi mình mở ra, mình ủi, ủi xong rồi mở lá ra, từng màu, từng màu rồi mình cắt, cắt xong rồi xâu. Xâu như vậy một nón là hai lớp lá, năm chục ngọn.

Cái khung lá em đã đặt trước và em mua vành về vấn. Vấn xong thì mới xây.. 16 vành như vậy… mình úp lá lên, mấy chục ngọn như vậy, rồi mình xoè ra, rồi lấy cái vành dẳn lại 4 góc. Xây rồi mình đặt bài thơ vô chính giữa, rồi thêm một lớp lá ngoài nữa."

Không đầu hàng số phận

Khi hỏi chị làm thế nào xoay xở với nhiều công đoạn như thế khi chỉ có một tay duy nhất, chị cười và trả lời: "Thì mình phải cố gắng chứ. Một tay bên này em cầm kim, tay bên này em đỡ lá lên, còn cái ngọn thì em xâu… Cái tay đó chỉ phụ… phụ.. rưá thôi. Cái tay em mất từ cái cùi đi xuống, nên em phải dùng cái chân nữa em mới làm được. Cắt lá thì em phải để nơi chân, cánh tay không có tay thì đè vô, rồi em mới cắt được…" Tháng 6, năm 2004, với tư cách là khách mời đại diện của nghề nón truyền thống Việt Nam trong lễ hội Văn Hóa Du Lịch Việt Nam tại Yokohama, chị Thúy đã làm cho tất cả những khách tham quan gian hàng Việt Nam phải thán phục, chị kể lại:

Thì mình phải cố gắng chứ. Một tay bên này em cầm kim, tay bên này em đỡ lá lên, còn cái ngọn thì em xâu… Cái tay đó chỉ phụ… phụ.. rưá thôi. Cái tay em mất từ cái cùi đi xuống, nên em phải dùng cái chân nữa em mới làm được. Cắt lá thì em phải để nơi chân, cánh tay không có tay thì đè vô, rồi em mới cắt được…

"Ngày đó, ở Hà Nội gọi vào và nói là mời đi sang dự lễ hội ở Nhật. Khi đi, em có nhiều kỷ niệm không bao giờ quên… Có một kỷ niệm là cái ngày đầu tiên mà em mới dọn hàng ra, là tất cả du khách Nhật họ thích lắm..

Họ vô họ xem rất đông, còn mấy người Nhật mà họ biết tiếng Việt nam, họ tới họ nói giúp em vì em chỉ nói bập bẹ.. rồi họ nói em cứ ngồi làm đi, rồi họ bán dùm cho. Người Nhật rất là tốt, họ quan tâm đến em.. họ ngồi đó cả ngày xem em làm…

Đó là một kỷ niệm em nhớ mãi, không bao giờ quên. Em thấy rất sung sướng và tự hào…Chiếc nón lá rất là hay. Một tấm lá thôi mà đặt vào bài thơ, hình tượng rưá, đủ thứ ở trong chiếc nón…

Nhìn thấy hay hay, em treo nơi điện nên nhìn thấy đẹp lắm. Họ không tưởng tượng ra được nón làm ra răng nữa. Họ đứng họ xem làm thì họ rất ngạc nhiên, một tay mà làm được chiếc nón như đẹp như rứa..."

Thưa quí vị và các bạn, mặc dù nón Thúy được nổi tiếng là thế, nhưng chị rất khiêm tốn và luôn cho rằng mình được phước, ơn Trời ban cho. Đối với một người bình thường có đủ hai tay, họ có thể chằm được 4 chiếc một ngày.

Ứơc mơ của Chị Thuý

Còn chị thì suốt ngày cố gắng lắm chỉ được hai chiếc mà thôi, và chiếc nón lá đến bây giờ cũng chỉ bán 15000 đồng Việt Nam mỗi chiếc, tương đương chưa đến một đô la Mỹ. Theo lời chị cho biết, khách nước ngoài hay khách nội địa thì cũng vậy, giá cả cũng chỉ bấy nhiêu vì họ quan tâm đến chiếc nón bài thơ của cô gái tật nguyền như chị thì quí lắm rồi.

Đó là một kỷ niệm em nhớ mãi, không bao giờ quên. Em thấy rất sung sướng và tự hào…Chiếc nón lá rất là hay. Một tấm lá thôi mà đặt vào bài thơ, hình tượng rưá, đủ thứ ở trong chiếc nón…

Thưa quí vị và các bạn, ngày hôm nay, trong ngôi nhà nhỏ ở Phủ Cam, chị Thúy vẫn ngày ngày chằm nón với tất cả sự yêu thích nghề nghiệp của mình. Chị cho biết

"Em ước mơ Nón Thúy được đi khắp mọi nơi trên thế giới...Em ước mơ làm nhiều tiền để nuôi mẹ và lo cho cháu… Chiếc nón lá ngày xưa em làm, em chán lắm. Hồi em đang học nghề em chán. Sau này, thời gian mở cửa, em bán được lẹt xẹt qua ngày thì em thấy vui…

Lần nào du khách đến thì em vui lắm, dù em không bán được cái nào em cũng vui… vì mình thấy họ quan tâm đến mình nhiều. Nhờ chiếc nón lá mà có du khách quan tâm đến em, thì em thấy vui sướng vậy chứ còn khi mô em cũng buồn…(khóc)… Lúc nào em cũng buồn hết, nhưng phải cố gắng làm… (khóc) Em cũng mong muốn là những du khách đến thăm em nhiều hơn, đặc biệt là những thính giả đang nghe chương trình ghé thăm em… "

Thưa quí vị và các bạn, vưà rồi là câu chuyện của một phụ nữ tật nguyền ở thành phố Huế, rất giàu nghị lực để vượt qua số phận nghiệt ngã của mình. Chiếc nón lá chị làm ra, không chỉ dừng ở dòng sông Hương thơ mộng mà còn đến được nhiều nơi khác trên xứ người.

Mong sao ngày càng có thêm nhiều du khách ghé thăm chị và thực hiện như câu thơ chị đã gửi gấm vào trong chiếc nón Thúy “Ai ra xứ Huế mộng mơ, mua về chiếc nón bài thơ làm quà”…

Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.