Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức hội thảo về tác phẩm “Ba Người Khác”


2007.01.30

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Tuần trước, tạp chí Văn Học Nghệ Thuật đã gửi đến quý thính giả cuộc phỏng vấn nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân do Mặc Lâm thực hiện, liên quan đến cuốn tiểu thuyết “Ba người khác” của nhà văn Tô Hoài do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành.

BookBaNguoiKhac200.jpg
Hình bìa tiểu thuyết "Ba Người Khác" của nhà văn Tô Hoài.

Thật ra với một cuốn tiểu thuyết kể về những chuyện bị xếp vào loại cấm kỵ mấy chục năm là cuộc cải cách ruộng đất diễn ra ở miền Bắc đầu những năm 50, mà chỉ có một cuộc phỏng vấn thì dù những ý kiến của nhà phê bình Lại Nguyên Ân có sâu sắc và độc đáo, cũng chưa thể coi là đủ.

Có lẽ đó là lý do khiến hội Nhà Văn Hà Nội đã phải tổ chức nguyên một cuộc hội thảo để giới nghiên cứu và phê bình có dịp trao đổi với nhà văn từng có 60 năm cầm bút này, và đó cũng là lý do khiến tạp chí Văn Học Nghệ Thuật trở lại với tác phẩm “Ba người khác” một kỳ này nữa.

Về lý do viết “Ba người khác”, nhà văn Tô Hoài cho rằng người cầm bút nên gắng làm một người thư ký trung thành của thời đại, vì thế, ông không muốn bỏ qua những vấn đề lịch sử lớn lao. Ông cũng bày tỏ quan ngại là, nếu không viết, thì không biết 50 năm sau nữa lớp trẻ sẽ hình dung cải cách ruộng đất như thế nào.

Về sự thay đổi nhan đề truyện từ “chuyện ba người” sang “ba người khác” thì tác giả giải thích là đã viết từ 14 năm trước, nhưng đề tên cũ thì không nhà xuất bản nào chịu in cả nên sửa lại tên, vậy thôi. Ông cũng cho biết thực tế của truyện là ở Nông Cống Hải dương, và hầu như nhân vật, tên cùng là hoạt đông đều rất thật, nhưng ông nói thêm là “cũng có đôi chút mơ màng.”

Ba nhân vật chính của truyện là Huỳnh Cự, đội trưởng cải cách, Bối, nhân vật xưng tôi và Đình, hai đội viên cải cách, chịu trách nhiệm phóng tay phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất tại một xã bao gồm chín thôn. Mỗi anh đội phụ trách một thôn.

Đặc điểm lối viết

Cuốn truyện thuần những sự kiện, những chi tiết về hoạt động của đội cải cách khi xuống xã trong đó có những chi tiết “nhức nhối”, “rợn người” được tác giả Tô Hoài kể lại một cách bình thản, từ tốn, không bình luận, nhưng không bỏ qua bất cứ một chi tiết nào.

Điều đó được coi như đặc điểm của lối viết của Tô Hoài, và điều đó cung cấp cho người đọc một bức tranh toàn cảnh của cuộc cải cách ruộng đất đứng về phía của chính những người thực hiện. Những người đó đã được huấn luyện để thực hiện đúng –hay nhiều hơn, chứ không thể ít hơn, những điều được huấn luyện.

Những điều ấy đối với họ là quan trọng nhất chứ không phải thực tế ở nông thôn, và họ sẵn sàng sử dụng sức mạnh của bạo lực để bắt thực tế phải uốn theo lý thuyết, chẳng hạn như khi lý thuyết nói 5% nông dân là địa chủ, thì họ cứ việc tính toán sao cho đủ số 5%, chứ không thắc mắc là một làng quê nghèo đến độ dân chúng phải ăn cám trộn cơm thì lấy đâu ra đủ số địa chủ theo yêu cầu của “trên”.

Mà hễ cứ bị quy là địa chủ thì là kẻ thù của nhân dân. Nhân dân chưa thù thì phải gây căm thù. Bằng thực tế chưa đủ thì bằng thuyết phục, thuyết phục chưa đủ thì đe doạ, hay bằng cách hứa hẹn những quyền lợi như sẽ được chia tài sản, ruộng đất của địa chủ, nói chung là bằng cách khơi động những động cơ xấu xa nhất của con người. Lên danh sách địa chủ rồi thì đưa ra toà xử với những lời kết tội soạn sẵn và thi hành án tử hình tại chỗ.

Nhưng chính bản thân những anh đội, những người được phép sử dụng bạo lực vô tội vạ, đến nỗi được mô tả là “nhất đội nhì trời” thì lại đủ mọi thói hư tật xấu, từ ăn cắp đến dâm dục bừa bãi. Đặc điểm quan trọng nhất của những con người ấy qua những chi tiết mà Tô Hoài tả ra, là sự dối trá. Họ dối trá với nhau, với người dân, với tổ chức và cả với chính họ nữa.

Có lẽ chưa bao giờ và chắc là không bao giờ ở đâu và ở thời nào, sự sa đoạ của nhân cách và đạo đức lại ghê gớm như thế. Truyền thống của làng quê Việt Nam lại điêu tàn đến thế.

Ác mộng thực tế

Cuốn tiểu thuyết cho thấy rõ một điều là, tất cả những gì kinh hoàng của cuộc cách mạng long trời lở đất là cải cách ruộng đất xẩy ra 50 năm trước tại miền bắc mà từ trước đến nay nhiều người cho là không thể có, không thể tưởng tưởng được, là tuyên truyền của các thế lực thù địch, thì đều đã xẩy ra thực. Ác mộng đã là thực tế.

“Ba người khác” của Tô Hoài chỉ nói về cải cách ruộng đất qua sinh hoạt, tâm tình và hành động của ba anh đội, nghĩa là bên trong hậu trường của những trống rong cờ mở cho cuộc cách mạng long trời lở đất, nhưng không lâu trước đó, cũng đã có những mẩu chuyện về cải cách ruộng đất rải rác trong một số tiểu thuyết khác. Đó là chuyện của các nạn nhân.

Trong tiểu thuyết “Lão Khổ” của Tạ Duy Anh do nhà xuất bản hội nhà văn ấn hành năm ngoái, có ghi lại diễn biến xẩy ra vói Tạ Khổ khi đội cải cách về xã. Lúc ấy Khổ đang ở trong chính quyền xã Hoàng. Đội về thì toàn bộ chính quyền cũ đều bị bắt và kết tội làm tay sai cho thực dân đế quốc.

Nhiều người bị bắn, nhiều người bị bỏ tù và trong khá nhiều trường hợp là oan sai. Đó là một khía cạnh khác của cải cách ruộng đất, gọi là chỉnh đốn tổ chức, cũng bi thảm và kinh hoàng không thua gì chính cuộc Cải cách ruộng đất với số nạn nhân lên đến khoảng 84 ngàn cán bộ, theo số liệu chính thức.

Điều này được nhà báo Bùi Tín kể lại trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Á Châu Tự Do.

Một tiểu thuyết khác cũng có phần nói đến cải cách ruộng đất là “Biểu tượng một dòng họ” của Hoài Minh do nhà xuất bản Công An nhân dân ấn hành năm ngoái. Địa chủ bị kết tội là ông Bá, còn bần cố nông được giao ngồi ghế chánh án kết tội ông là vú Tàm, người chịu ơn rất nặng của ông Bá.

Tại phiên toà, vú Tàm phải tuyên án tử hình, nhưng điều này dường như quá sức chịu đựng của vú mặc dù bà đã được tuyên truyền, giáo dục và cả đe doạ trong nhiều ngày. Bà đã không thể nói được hai chữ tử hình, cho đến khi chính đội trưởng nhắc nhở, và khi buộc phải nói ra, thì bà ngất xỉu ngay tại chỗ.

Một chi tiết đáng kể là khi ngất đi, cái loa rớt khỏi tay bà và rơi ngay vào mặt đội trưởng. Ông Bá tự tử chết tại chỗ còn vú Tàm sau đó tự trầm vì hối hận khôn nguôi.

Vết thương không lành

Mới đây, trong tiểu thuyết Dòng đời của nhà văn Nguyễn Trung do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành cuối năm ngoái, tác giả cũng nói qua về cuộc cải cách ruộng đất mà hậu quả chẳng khác gì một vết thương sau mấy chục năm vẫn không lành. Trong một lúc tâm tình với chồng là thiếu tướng Lê Hải, bà Hậu mà bố bị giết trong cải cách ruộng đất rồi sau được minh oan và sửa sai vẫn không sao quên được những hình ảnh của cuộc cải cách ruộng đất:

Bà nói “Anh ơi, làm sao có thể nhầm lẫn tới mức như vậy? Có phải tại đội cải cách bắt phải rễ thối không anh? Cái người mà đội cải cách dựa vào rồi đưa lên làm cốt cán vốn dĩ là tên lưu manh nhất làng này anh ạ. Ngày xưa nó đã bị đánh què rồi bị cắt gót chân phải vì cái tội đi ăn trộm…

“Phải nói là cả sai lầm và tội lỗi. Tội lỗi lớn nhất là không dám nói vì sao mắc sai lầm !”

Với sự xuất hiện của một số tiểu thuyết trong đó có nói đến Cải cách ruộng đất vốn là một đề tài cấm kỵ từ mấy chục năm qua, người ta hy vọng rằng bức màn sẽ được vén lên để sự thực được phơi bày một cách khách quan và những vết thương vẫn còn rỉ máu sẽ có cơ hội được chữa lành, như nhận định của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân sau đây:

“Tôi nghĩ người viết cần phải dũng cảm nêu tiếp những vấn đề như vậy để tiếp tục cho dư luận biết những chân thương mà không thể nào để những việc này chìm vào quên lãng.”

Theo dòng câu chuyện:

- Lần đầu tiên VN cho xuất bản tiểu thuyết viết về Cải cách Ruộng đất

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.