Con số học sinh bỏ học tại vùng ĐBSCL gia tăng


2006.10.24

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Trong những năm gần đây, theo phản ánh của báo chí trong nước và xuyên qua các con số thống kê của các Sở Giáo Dục Tỉnh và Thành phố, con số trẻ em bỏ học tại vùng Đồng Bằng sông Cửu Long có chiều hướng gia tăng.

StudentPoor200.jpg
Đời sống nông dân còn rất nghèo, không đủ chi phí cho con đi học. AFP PHOTO

Lý do vì sao và làm thế nào để giải quyết tình trạng này? Xin mời quý thính giả theo dõi bài tường trình sau đây của Trường Văn.

Theo thống kê sơ khởi của ngành giáo dục các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau và Bến Tre, Trong năm học 2006-2007, đã có khoảng 42 ngàn học sinh bỏ học.

Tại tỉnh Cà Mau, từ năm 2001 đến nay, mỗi năm có trên 14 ngàn học sinh bỏ học. Tỷ lệ học sinh bỏ học trong hai năm gần đây tại tỉnh này có khuynh hướng tăng cao nhất là bậc Trung Học Phổ thông, từ con số 6.36% của năm học 2004- 2005 lên đến gần 7% ở năm học 2005-2006.

Tỉnh Đồng Tháp cũng có hiện tượng tương tự. Khoảng 9 ngàn học sinh lớp 10 bỏ học hoặc không ra lớp. Tỉnh Kiên Giang số học sinh đến lớp giảm gần 17 ngàn học sinh so cới năm học trước.

Tỉnh Bến Tre có tỉ lệ học sinh bỏ học thấp hơn, chỉ có gần 2500 học sinh trong tổng số hơn 230 ngàn học sinh cắp sách đến trường.

Nguyên nhân

Nói chung thì các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, riêng tỉnh Đồng Tháp thì cũng có, đó là do các em đi làm tìm mưu sinh. Do đó Hội hổ trợ và có những kế hoạch để giúp đỡ các em có điều kiện đi học.

Tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng bỏ học của các em học sinh, Giám đốc giáo dục của các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đề nhất trí cho rằng đầu tiên hết là tình trạng nghèo khó của gia đình các em học sinh. Nhiều gia đình vì lý do kinh tế trong năm phải di chuyển từ vùng này sang vùng khác để kiếm sống nên con cái phải đi theo.

Cá biệt tại một số địa phương tại tỉnh Bến Tre, theo như nhận xèt của một trưởng phòng giáo dục huyện trong tỉnh thì phụ huynh chưa nhận thức được việc học của con em. Nhiều người quan niệm học tốn nhiều thời gian chi bằng cho con đi làm việc kiếm tiền, phụ giúp gia đình.

Tình trạng đường xa xa xôi khó đi cũng góp phần làm cho một số em phải bỏ học. Một lý do khác nữa là một số ít học sinh bỏ học vi học lực kém, lại ham chơi, không theo kịp bạn bè, nên nãn chí, bỏ học.

Một viên chức hội khuyến học Đồng Tháp phát biểu: “Nói chung thì các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, riêng tỉnh Đồng Tháp thì cũng có, đó là do các em đi làm tìm mưu sinh. Do đó Hội hổ trợ và có những kế hoạch để giúp đỡ các em có điều kiện đi học.”

Biện pháp hổ trợ

Một trưởng phòng khuyến học huyện thuộc tỉnh An Giang cũng cho rằng đây là một vấn đề xã hội chính quyền cần phải giải quyết.

Để giảm bớt tình trạng bỏ học của các em học sinh, các cơ quan chức năng thuộc ngành giáo dục đề cho rằng trách nhiệm lo toan không phải chỉ riêng ngành giáo dục.

Các trường học, các thầy cô cần phải được sự hỗ trợ cũng như tiếp tay của chính quyền địa phương để vận động phụ huynh học sinh cho con em tiếp tục đến trường. Đồng thời các biện pháp giảm hay miễn học phí cho các học sinh nghèo cần phải được xúc tiến mạnh mẽ.

Việc thành lập ký túc xá để các em học sinh xa trường có thể theo học như trường hợp Ký Túc xá của Trường Trung Học Phổ Thông huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau là một khuôn mẫu điển hình cần phải được phát triển sâu rộng.

Tuy nhiên vấn đề xã hội cơ bản là phải nâng cao mức lợi tức của người dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long để con em nông dân khỏi phải bỏ học để mưu sinh cùng gia đình.

Ông Nguyễn Minh Nhị cựu Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh An Giang đề nghị: “Nay thì lao động rất là nhiều, nhưng phần đông là lao động đơn giản nên làm tiền không nhiều để gửi về cho gia đình.”

Thành thử, để giải quyết tình trạng bỏ học của các em học sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ý kiến cho rằng các bộ, ngành, các cơ quan chức năng về phát triển kinh tế cần phải quan tâm đến việc phát triển vùng ĐBSCL về mọi mặt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.