Công ty dịch vụ xe ôm “Omo to taxi”
2006.12.05
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Đã từ lâu, tại Việt Nam, một trong những phương tiện đi lại dễ dàng nhất cho những người nào cần đi trong thành phố hay quanh khu vực mình đang ở nhanh nhất là dùng xe ôm. Ở các thành phố lớn, trên khắp các ngã tư đường, chúng ta thường bắt gặp đôi ba người ngồi trên chiếc xe máy của mình như đang chờ đợi ai, dưới chiếc mũ kết là một gương mặt khắc khổ và làn da đen đúa với chiếc áo sơ mi cũ, cùng chiếc quần tây bạc mầu.
Đó là hình ảnh quen thuộc của những người hành nghề xe ôm. Họ cứ ngồi một chỗ ở góc đường nào đó, ngày này qua tháng khác…hễ ai muốn đi xe ôm, thì cứ việc đến đó, ngả giá, bằng lòng thì đi. Tuy rằng nghề xe ôm xuất hiện từ rất lâu, nhưng chẳng thuộc dịch vụ nào và cũng chẳng có một qui chế nào cả.
Nhưng, vào tháng 6 vừa qua, một công ty dịch vụ xe ôm ra đời với tổ chức qui mô hẳn hoi. Đó chính là công ty “Ômo to taxi” có trụ sở ở phường 2, quận 6, TPHCM. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin gửi tới qúi vị những chi tiết lý thú về công ty dịch vụ xe ôm này.
Xuất phát từ nhu cầu bản thân, anh Giang Hồng Doanh, người có ý tưởng thành lập và trực tiếp điều hành công ty cho biết rằng: trước đây vào năm 1998, khi anh bị bệnh, cần đi đâu thì lại không có ai chở giúp, muốn đi xe ôm thì lại phải nhờ người chạy ra gọi dùm. Anh thường ước sao chỉ cần nhấc điện thoại gọi là có xe ôm tận nhà. Từ đó, anh luôn nghĩ đến phương án thành lập công ty xe ôm. Nhưng phải chờ đến khi giá cả điện thoại di động rẻ thì anh mới bắt tay vào việc.
Anh nói: “Lực lượng xe ôm rất vất vả, có khi cả ngày chỉ được một vài khách…chính cái sự vất vả ấy, chính cái khó khăn của cuộc sống đó mới nảy ra ý là chở thì phải lấy giá cao..từ đó mới nảy ra ý thực hiện dịch vụ này để phục vụ cho mình và cho xã hội. Cả người xe ôm cũng có lợi và người đi cũng có lợi, bản thân tôi là doanh nghiệp cũng có lợi…
Đầu tiên phải nhắm đến phương án thông tin, từ năm 1998 thì không có phương cách nào để truyền đạt cả, vì quá mắc, dùng bộ đàm thì cũng không được nên phải chờ đến khi điện thoại đi động có giá rẻ, mới quyết định thực hiện phương án này.
Lực lượng xe ôm rất vất vả, có khi cả ngày chỉ được một vài khách…chính cái sự vất vả ấy, chính cái khó khăn của cuộc sống đó mới nảy ra ý là chở thì phải lấy giá cao..từ đó mới nảy ra ý thực hiện dịch vụ này để phục vụ cho mình và cho xã hội. Cả người xe ôm cũng có lợi và người đi cũng có lợi, bản thân tôi là doanh nghiệp cũng có lợi…
Nó khác với dịch vụ taxi 4 bánh. Vì ở đây là “một chăm sóc một”, một người lái xe chăm sóc một khách hàng. Từ khi bắt đầu nhận tín hiệu cho đến khi đón được khách đều có thông tin trực tiếp với công ty qua mạng di động.”
Khi hỏi tên của công ty tại sao lại là “Ômo to taxi” và hiện nay có bao nhiêu nhân viên phục vụ, anh cho hay: “Chữ taxi thì ai cũng hiểu, ô mô có nghĩa là xe mô tô, còn ghép thêm vần vào cho dân giã, đơn giản thế thôi. Trụ sở đặt tại quận 6, nhân viên trong văn phòng có 6 người, lái xe chuyên nghiệp có mặc đồng phục đàng hoàng thì hơn 20 chục xe. Còn hợp tác thì chỉ dán logo trên xe thôi. “
Phương tiện thông tin hiện đại
Theo lời anh cho biết, ngày nay với phương tiện thông tin hiện đại, nhất là bản đồ định vị, đã giúp cho công ty phục vụ khách hàng mau chóng và chính xác. Khách muốn đi xe ôm, chỉ cần gọi điện thoại thẳng đến công ty là xong, không cần phải đi tìm nơi bác tài đang đậu và cũng không cần cò kè trả giá. Anh nói tiếp:
“Bởi vì hiện nay các thông tin rất hiện đại, từ một điểm lái xe chở khách từ nhà người ta cho đến điểm cuối cùng thì mình đã có một chương trình tính sẵn gần như chính xác.. Đó là bản đồ số, cộng với đồng hồ côngtơmét trên xe…và thế là có giá cả của họ.”
Được biết, ngoài 20 tài xế làm việc chính thức cho công ty, còn có hơn 500 tài xế xe ôm đang hợp tác với công ty “Ômo to ta xi”. Khách phục vụ được chia làm ba thành phần chính. Anh cho hay:
“Phục vụ cho khách gọi đột xuất từ 5 đến 10 phút, thì công ty sẽ điều xe tới rước khách, thứ hai là nhóm học sinh, công ty ký kết hợp đồng với phụ huynh để đưa đón con em đúng giờ, bảo đảm đi đến nơi về đến chốn, thứ ba là nhóm công nhân đi làm, cũng ký hợp đồng để đưa rước, và phần nữa là các ông bà già, không đi lại được và không có con cháu đưa rước, họ hay đi đâu đó vào buổi sáng thì cũng ký hợp đồng. Cho nên, phần chính là ký hợp đồng, thời gian còn lại thì họ có thể tham gia vào những trường hợp đột xuất.”
Anh cũng cho biết, công ty luôn mở rộng cửa để mời những tài xế xe ôm vào làm việc cùng. Nhưng, dĩ nhiên phải tuân theo những qui định cụ thể, nhất là về giá cả. Anh nói tiếp:
“ Nguyên tắc cơ bản đầu tiên là phải tuân thủ theo giá của công ty, cây số đầu là 4000 đồng, cây số sau là 2000 đồng, không được lấy quá giá, chỉ có thể lấy giá rẻ hơn và dựa vào côngtơmét, và xe còn tốt, kiểu dáng còn tốt, lịch sự thì mới có thể tham gia, có điện thoại đi động và phong cách phục vụ cũng như nhận thức về dịch vụ của mình.”
Bởi vì hiện nay các thông tin rất hiện đại, từ một điểm lái xe chở khách từ nhà người ta cho đến điểm cuối cùng thì mình đã có một chương trình tính sẵn gần như chính xác.. Đó là bản đồ số, cộng với đồng hồ côngtơmét trên xe…và thế là có giá cả của họ.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Ngoài ra, vì mới chỉ được chính thức hoạt động sau rất nhiều lần đi lên đi xuống xin giấy phép từ phường, quận đến thành phố, nên công ty vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về số lượng khách hàng. Khá nhiều người vẫn chưa biết đến sự có mặt của công ty Ômo to taxi tại TPHCM, cho nên:
“Hiện nay vì là thời gian đầu nên lượng khách phải vươn xa, thay vì tài xế hoạt động trong vòng 2 km thôi, thì thời gian chạy đến đó đón khách nhanh, chi phí thấp, nhưng bây giờ khách ít nên phải đi xa, có khi 3, 4 cây…Những người khách ban đầu đòi hỏi kêu xe là phải có ngay…nên nhiều khi tài xế đến thì khách lại đi xe khác rồi, nên tài xế buồn lòng ở chỗ đó.
Bây giờ công ty đang cố gắng tăng lượng xe hơn nữa để bán kính phục vụ ngắn lại, nhưng muốn tăng lượng xe thì phải tăng lượng khách…nhưng công ty phải chủ động tăng khách trước lên để rồi tăng xe thì sẽ phục vụ tốt hơn.
Công ty đang có chủ trương hình thành từng cụm một, trong vòng bán kính khoảng 2, 5 đến 3 km để đảm bảo xe đi toàn thành phố từ điểm này sang điểm kia, để khi anh em chở khách xong thì gần cụm nào thì có thể về cụm đó để nghỉ ngơi….và thời gian phục vụ khách tốt hơn. Và điều nữa là để khách hàng hiểu rằng họ nên gọi trước khi chuẩn bị cá nhân, sau đó bước ra cửa thì xe đến là vừa.”
Anh Hiền, năm nay 49 tuổi, một tài xế xe ôm nhiều năm, khi nghe thông báo tuyển người của công ty này đã mạnh dạn đến đầu quân. Theo lời anh tâm sự, từ ngày gia nhập công ty đến nay, trung bình mỗi tháng anh kiếm được khoảng 1 triệu đồng. Anh nói:
“Tôi tham gia được 3 tháng, sống tạm được, tuy lượng khách chưa được đại trà nhiều lắm, nhưng ngày nào cũng có khách. Nói chung tham gia vào cái này thấy ổn định hơn, vì mình có công ty sắp xếp cho mình những khách hàng quen thuộc, nên cảm thấy ổn định hơn.
Theo tôi, như thế là tạm ổn rồi, cũng có cạnh tranh khách nhưng ít hơn lúc trước, lúc trước phải cạnh tranh quyết liệt, lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng, nhưng khi gia nhập công ty rồi thì không giống như hồi xưa là phải giành dựt, tranh giành lẫn nhau, không hay lắm… Bây giờ thì thoải mái hơn, không phải dành khách nữa, không đụng chạm tới ai.. “
Theo tôi, như thế là tạm ổn rồi, cũng có cạnh tranh khách nhưng ít hơn lúc trước, lúc trước phải cạnh tranh quyết liệt, lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng, nhưng khi gia nhập công ty rồi thì không giống như hồi xưa là phải giành dựt, tranh giành lẫn nhau, không hay lắm… Bây giờ thì thoải mái hơn, không phải dành khách nữa, không đụng chạm tới ai..
Khi hỏi anh có gặp khó khăn gì trong khi hành nghề so với thời gian trước đây, anh cho hay: “ Gặp khó khăn nhất là đang chạy xe, khách cần đi gấp, người ta hối thúc, nhưng phải giải thích tình trạng kẹt xe, không thể đi ẩu được…chỉ khó khăn nhất là tình trạng giao thông thôi.”
Nữ tài xế xe ôm
Ngoài những tài xế là đàn ông, công ty còn thu nhận những nữ tài xế xe ôm, để dành riêng cho những hợp đồng chở học sinh mà thôi. Chị Nhân, một nữ tài xế xe ôm của công ty, cho biết:
“Em có ba đứa con rồi, tụi nó đi học hết, ở nhà không có việc gì làm nên em xin vô làm để ký hợp đồng chở học sinh. Từ lúc vô làm đến giờ cảm thấy đỡ buồn. Hiện giờ em đang chở mấy em tiểu học, cũng có một em lớp 9…Khách hàng gọi lên công ty, em ở quận 10, và công ty điều em đến khách gần nhà, nên tiện lắm. Em dự định theo nghề này luôn vì cũng có thu nhập thêm mà thuận tiện nữa.”
Một phụ huynh tên Tuyết cho biết rằng chị rất tin tưởng ở công ty Ômo to taxi, và nhờ nó, mà việc đưa đón con đi học không còn là nỗi lo canh cánh bên lòng khi mỗi ngày chị rất bận rộn với công ăn việc làm. Chị nói:
“ Đã thành lập công ty thì người ta phải có trách nhiệm. Nói chung là thấy yên tâm, người đưa đón thấy nhiệt tình lắm.”
Trở lại với anh Giang Hồng Doanh, anh luôn mong mỏi dịch vụ của mình sẽ phát triển một cách chuyên nghiệp, góp phần vào sự năng động của cuộc sống và sự thay đổi của xã hội. Anh nói: “Mọi người hành nghề xe ôm cũng ý thức được rằng cái giá cả phải có định hướng, để họ nhận thức được rằng nghề xe ôm cũng là một nghề của xã hội, phải được xã hội chấp nhận, cũng có vị trí trong xã hội.”
Vừa rồi là những thông tin về công ty dịch vụ xe ôm “Ômo to taxi”. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Tình trạng thầy cô giáo bắt phạt học sinh ở Việt Nam hiện nay
- Ý kiến của người dân sau khi Việt Nam gia nhập WTO
- Hôn nhân “sống thử” của sinh viên Việt Nam ngày nay
- Nhóm bạn trẻ H.A.T. và các hoạt động từ thiện
- Những hạn chế về vấn đề học tiếng Anh ở Việt Nam
- Trung tâm La Strada - nơi giúp đỡ nạn nhân bị buôn người ở Ba Lan
- Báo chí Việt Nam và chuyện bên lề cuộc thi Hoa hậu Thế giới
- Thực trạng trẻ em lang thang trên đường phố VN
- Những ưu tư của phụ huynh và nhà giáo trong việc dạy học sinh trước khi vào lớp Một