Suy nghĩ của một nhà dân chủ Miến Điện lưu vong

0:00 / 0:00

Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan

Trong những ngày này, những người dân chủ Miến Điện đang có những việc làm gì và thái độ của họ với những gì đang xảy ra trên đất nước như thế nào là đề tài mà thông tín viên Vân Anh của đài RFA chúng tôi đặt ra trong cuộc nói chuyện với một nhân vật dân chủ Miến Điện hiện sống lưu vong tại Ba Lan.

BurmeseMonksUn200.jpg
Các tăng ni người Miến Điện biểu tình trước Liên Hiệp Quốc. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Không chỉ những người dân Miến Điện mà cộng đồng thế giới đang từng ngày theo dõi mọi diễn biến xảy ra tại đất nước châu Á đã nhiều năm bị kìm kẹp dưới gót giày và súng đạn của quân đội toàn trị. Đứng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, người dân Miến Điện gửi gắm hi vọng nơi láng giềng Thái Lan và cộng đồng thế giới, trong đó có cộng đồng người Miến lưu vong tại Châu Âu.

Đề tài cuộc nói chuyện của chúng tôi với ông U Than Htike, nhà hoạt động dân chủ người Miến sống lưu vong tại Ba Lan xoay quanh những hoạt động của đối lập Miến tại nước ngoài. Chúng tôi có nói lời chia buồn với ông U Than Htike về cái chết của các nạn nhân người Miến trong những ngày qua, chúng tôi có hỏi về suy nghĩ của ông với những gì xảy ra tại tổ quốc ông.

Vân Anh: Xin ông cho biết cộng đồng dân chủ Miến Điện ở nước ngoài có cơ cấu tổ chức như thế nào, nhất là trong những ngày qua, những người dân chủ có những hoạt động gì?

Ông U Than Htike: Chúng tôi có mặt rải rác mọi nơi trên thế giới. Tại các quốc gia châu Âu. Ở mỗi quốc gia chúng tôi đều thành lập tổ chức phi chính phủ và đồng thời lập nên, mạng lưới dân chủ Châu Âu" cho các vấn đề Miến Điện. Chúng tôi gặp mặt nửa năm một lần, lần lượt tại thủ đô các nước nơi chúng tôi sinh sống.

Hôm nay, ngày thứ bảy thì chúng tôi có một chiến dịch thực hiện trên tất cả các quốc gia Châu Âu. Vào lúc 12 giờ, chúng tôi cung nhau tổ chức biểu tình tại thủ đô của tất cả các quốc gia Liên Minh Châu Âu.

Ví dụ như tại Bỉ, cuộc biểu tình của chúng tôi đã quy tụ 1 ngàn 5 trăm người tham dự, mà những người tham dự không phải chỉ là người Miến mà hầu hết là người nước sở tại. Có sự tham dự của các vị sư. Chiến dịch được thực hiện cùng một lúc ở Đức, Kopenhaga, Hòa Lan, Pháp, Rome… ở mọi nơi.

Vân Anh: Chiến dịch có những diễn biến gì thưa ông?

Ông U Than Htike: Chúng tôi phản đối bạo lực và sự đối phó tàn bạo của quân đội đối với người dân, phản đối một chính quyền bạo toàn nhẫn tâm giết chết sinh viên, sư sãi, công dân nước mình.

Chúng tôi vẫn tin rằng mọi chuyển đổi ở Miến phải được tiếp diễn trong lòng đất nước. Cộng đồng thế giới có thể hỗ trợ. Những người dân Miến sống ở nước ngoài cần truyền tải thông tin tới thế giới tự do về những gì xảy ra tại Miến. Ngoài ra chúng tôi cũng không biết có thể làm được gì hơn đối với bạo quyền có súng ống trong tay và luôn sẵn sàng nổ lửa.

Vân Anh: Vậy các phối hợp trong nước và bên ngoài có hiệu quả không ạ?

Ông U Than Htike: Chúng tôi vẫn tin rằng mọi chuyển đổi ở Miến phải được tiếp diễn trong lòng đất nước. Cộng đồng thế giới có thể hỗ trợ. Những người dân Miến sống ở nước ngoài cần truyền tải thông tin tới thế giới tự do về những gì xảy ra tại Miến. Ngoài ra chúng tôi cũng không biết có thể làm được gì hơn đối với bạo quyền có súng ống trong tay và luôn sẵn sàng nổ lửa.

Vân Anh: Nếu thông tin bị kẹt ở trong nước thì ở ngoài không giúp được và trong mấy ngày qua thông tin chuyển ra ngoài gặp khó khăn hơn nhiều, có đúng vậy không thưa ông?

Ông U Than Htike: Đúng vậy, nhất là sau khi quá nhiều thông tin, hình ảnh lọt ra ngoài làm thế giới biết được quân đội đã nổ súng giết người như thế nào. Ngay sau đó thì mọi đường dây điện thoại đều bị cắt lịm, internet cũng rất khó khăn, truyền hình của nhà nước cũng chỉ phát mỗi chương trình thời sự của mình, là thông tin duy nhất người dân có được.

Thế nhưng người Miến rất tài, họ biết sử dụng kỹ thuận tiên tiến để truyền tải thông tin ra ngoài. Ví dụ qua hệ thống vệ tinh có thể theo dõi được có sự cố hay diễn biến nào đó xảy ra ở một nơi nhất định nào đó.

Vân Anh: Thế thái độ của cộng đồng quốc tế có làm các ông, những người dân chủ được an ủi? Ông có cho rằng đáng lẽ thế giới tự do phải có những hành động mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong những ngày này?

Ông U Than Htike: Tôi rất được an ủi và cảm thấy rất biết ơn cộng đồng quốc tế trong những ngày qua đặt Miến lên tất cả những trang đầu của báo chí.

Vân Anh: Dạ, ông đang nói về dư luận cộng đồng quốc tế. Tôi muốn hỏi về thái độ của các chính trị gia ở các quốc gia tự do, thưa ông.

Ông có cho rằng họ đã có những hành động gây sức ép tiến tới đòi hỏi quyền lợi cho người dân Miến hay không? Bởi tôi có nghe một số bình luận, rằng các chính trị gia Châu Âu không có các hành động mạnh mẽ để gửi tới quân đội Miến một dấu hiệu rõ ràng rằng thế giới tự do đang phẫn nộ.

Ông U Than Htike: Đối với những gì đang xảy ra tại Miến Điện thì tất cả các chính trị gia đều phải tỏ chính kiến rõ ràng ủng hộ dân chủ. Từ trước tới nay, khi chúng tôi vận động lobby cho Miến thì bao giờ cũng gặp phải cản trở là tại một số quốc gia, người ta quan hệ kinh tế, buôn bán với Miến.

Họ chỉ nói miệng là ủng hộ dân chủ Miến Điện nhưng thực sự cho tới giờ này vẫn còn dính líu buôn bán ở Miến. Mà đội ngũ hưởng lợi đầu tiên từ các quan hệ buôn bán là quân đội. Quân đội có tiền mới mua được súng để chĩa súng vào chính người dân của mình. Nhưng tôi hi vọng sau những diễn biến vừa qua sẽ có nhiều thay đổi.

Vân Anh: Xin cảm ơn ông đã có cuộc nói chuyện với chúng tôi.

Vừa rồi là cuộc nói chuyện với ông U Than Htike, một nhà dân chủ Miến Điện đã nhiều năm sống lưu vong tại Ba Lan.