Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Danh từ Hợp tác xã đã từ lâu không còn nghe ai nhắc nhở tại Việt Nam nữa vì những hệ luận của nó đã gây ra trong một giai đọan dài của lịch sử xây dựng kinh tế do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo.

Mới đây trong một hội nghị diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu rằng mô hình Hợp tác xã là một mô hình đứng đắn cần được nhân rộng và áp dụng trở lại trong hoàn cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay.
Để tìm hiểu quan điểm của Chủ tịch Việt Nam về mô hình kinh tế Hợp tác xã và những gì có thể xảy ra với người nông dân Việt Nam nếu mô hình này được chính quyền đưa ra áp dụng trở lại, Mặc Lâm hỏi chuyện nhà báo Ngô Nhân Dụng về vấn đề này.
Mặc Lâm: Thưa ông trong một hội nghị vừa qua được tổ chức tại Hà Nội, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói rằng ông ấy vẫn cho rằng mô hình Hợp tác xã là phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay. Là một chuyên viên kinh tế, xin ông cho biết những ưu điểm của Hợp tác xã cũng như những giới hạn của nó.
Ngô Nhân Dụng: Về mặt kinh tế mà nói thì câu của ông Nguyễn Minh Triết phát biểu có thể là một ý kiến rất đúng. Lý do là vì Hợp tác xã là một cách tổ chức kinh tế đã được thí nghiệm và sử dụng ở nhiều quốc gia mà có khi nó đã có hiệu quả, ích lợi và mọi người đều nhìn nhận những thành quả Hợp tác xã ở các nơi thì biết rằng đây là một ý kiến rất đúng. Nhưng trong hoàn cảnh Việt Nam thì chúng ta lại phải dè dặt.
Tôi không biết điều ông Triết nói có ý nghĩa như thế nào vì ở Việt Nam đang sử dụng rất nhiều danh từ như Hợp tác xã, Xã hội chủ nghĩa...tất cả những danh từ này khi được thực tế thì nó lại không giống như cái nghĩa gốc của nó. Một tổ chức như Hợp tác xã theo nghĩa gốc thì do những người tiêu thụ hoặc người sản xuất họp nhau lại hùn vốn và quản lý tổ chức kinh tế đó. Lợi ích chung có tích cách hỗ tương giúp đỡ lẫn nhau và không theo mục đích hoàn toàn duy lợi mà còn nhắm mục đích tạo phúc lợi chung.
Mặc Lâm: Theo như những phân tích của ông thì mô hình Hợp tác xã hoàn toàn có thể áp dụng cho bất cứ nước nào vì tính hợp quần và chia sẻ lợi ích chung của nó, vậy thì nguyên nhân nào khiến Việt Nam tuy đã áp dụng mô hình này trong nhiều thập niên vẫn thất bại thê thảm đến nỗi người dân xem ba tiếng Hợp tác xã như một biểu tượng cay đắng và gian lao thay vì thành tựu và lợi ích, thưa ông?
Ngô Nhân Dụng: Một yếu tố căn bản của tổ chức Hợp tác xã là tất cả các xã viên khi gia nhập vào Hợp tác xã phải có tự do và tình nguyện, đó là yếu tố cơ bản không thể bỏ được. Khi đảng Cộng sản Việt Nam cổ động cho các phong trào Hợp tác xã ở khắp nước thì mô thức này đã bị bóp méo đi vì yếu tố căn bản là tự do và tự nguyện của người xã viên không được áp dụng.
Mặc Lâm: Thưa ông, ông vừa phân tích chế độ Hợp tác xã dưới tầm nhìn kinh tế học, là một nhà báo ông nhìn vấn đề này như thế nào qua lăng kính chính trị và xã hội?
Ngô Nhân Dụng:Với tư cách một nhà báo nhìn vào những lời tuyên bố của ông Nguyễn Minh Triết, tôi hơi có ý nghi ngờ, tôi không biết ông Triết nói như vậy nhưng có khả năng để làm hay không vì hiện nay vai trò chủ tịch nước của ông Nguyễn Minh Triết không phải là một vai trò quyết định trong guồng máy cai trị của đảng Cộng sản. Người thật sự có quyền nói về điều này trong Bộ Chính Trị là ông Nông Đức Mạnh.
Mặc Lâm: Như vậy thì ông Nguyễn Minh Triết muốn đưa ra một thông điệp gì đàng sau lời phát biểu này thưa ông?
Ngô Nhân Dụng: Ông Nguyễn Minh Triết có thể ông chỉ nói để chứng tỏ rằng ông là người vẫn trung thành với đường lối của đảng Cộng sản cũng như năm ngoái khi ông Đỗ Mười phát biểu ý kiến về nền kinh tế Việt Nam ông ấy gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa, câu đó có nghĩa là gì thì ông Đỗ Mười cho rằng Việt Nam cần thiết lập lại hệ thống các xí nghiệp giống như ở Liên Xô đời xưa mà ông cho là ở Liên Xô người ta đã thành công.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Ngô Nhân Dụng về những ý kiến của ông chung quanh vấn đề này.