Ý kiến của người dân sau khi Việt Nam gia nhập WTO

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Đã một tuần lễ sau khi Việt Nam chính thức trở thành hội viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới, gọi tắt là W.T.O, và nay, ở Hà Nội đang diễn ra hội nghi cấp bộ trưởng APEC rất quan trọng.

TextileWto200.jpg
Một xưởng may ở TP. HCM hôm 6-11-2006. AFP PHOTO

Theo lời của Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm trả lời phỏng vấn của TTXVN vào ngày 9-11, thì hội nghị APEC lần này sẽ khẳng định cho thế giới rằng Việt Nam có đủ năng lực thực hiện các cam kết và thoả thuận quốc tế khi gia nhập vào W.T.O.

Đối với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp có tầm cỡ thì đây là một thành công lớn lao sau nhiều năm chờ đợi. Thế còn những thành phần khác trong xã hội thì sao? Họ đã hiểu biết về WTO và cảm nghĩ của họ như thế nào?

Để tìm hiểu việc này, Phương Anh đã thu thập các ý kiến của một số người dân thuộc nhiều thành phần khác nhau trên khắp miền đất nước và xin gửi đến quí vị thính giả trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này.

Mừng nhưng lại lo

Trước hết, anh Lộc, một cư dân ở TPHCM, cho rằng, hiện nay, có rất nhiều dự án đang bị đình trệ vì nhiều lý do, nay nếu Việt Nam gia nhập WTO rồi, thì mọi chuyện sẽ được giải quyết dễ dàng, anh nói:

FarmerWto200.jpg

“Nhiều người phấn khởi lắm, thích lắm, nhưng mấy công ty thì họ hơi lo vì sợ bán buôn bị xuống…Bản thân em thì chuyện đó rất mong vì có điều kiện giao tiếp với nước ngoài. Ở Việt Nam mà vô được WTO thì sẽ phát triển nhiều hơn vì có nhiều công trình bị nằm chờ. nếu vô được thì sẽ phát triển lên, không thua gì Trung Quốc.”

Ông Hoàng, nhà ở quận 5, đang làm quản đốc cho một xưởng sản xuất thép thì đối với ông, quan trọng nhất là việc gia nhập WTO có ảnh hưởng đến việc sản xuất sau này hay không, nhưng trước mắt thì dân được hưởng lợi: "Theo ti vi, báo chí thì thấy nhà nước rất phấn khởi. Bản thân tôi thì gia nhập hay không gia nhập vẫn thế. Cái quan trọng là có công ăn việc làm hay không, có vậy thôi!"

Với anh Tùng, một công nhân đang làm cho công ty giầy da Đông Phương ở Đồng Nai, thì hy vọng rằng: "Nếu gia nhập vào WTO, các công ty nước ngoài vào Việt Nam này, sẽ làm cho mức sống của công nhân tụi em sẽ nâng cao hơn, thế giới đầu tư vào thì công nhân sẽ có nhiều chọn lựa…"

Khi hỏi các công nhân có được học tập về WTO hay không, anh cho hay: "Chưa có, không có học tập gì hết, tụi em chỉ đọc tin chung chung trên báo đài thôi, đa số công nhân tập trung ở khu công nghiệp, ở trọ đấy, truyền thông cũng chưa tới hết công nhân đâu."

Với chị Việt, ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đang làm cho một xưởng chế biến hải sản thì tuy mừng nhưng lại lo vì sợ trong tương lai, không biết việc sản xuất mặt hàng chế biến hải sản sẽ ra sao. Chị nói:

“Trước tiên giá cả trong nước sẽ có sự biến động, vì thuế nhập khẩu sẽ giảm, có thể là không có thuế nữa nếu như thế tụi em mừng. Nhưng lo cũng có, vì khả năng sản xuất ở trong nước sẽ không còn độc tôn nữa, mà nếu nhà nước không có những chính sách thì chưa chắc gì mình trụ được.”

Còn chị Ngọc Hạnh, ở Kim Long, Huế thì rất phấn khởi khi nghe tin Việt Nam được vào WTO: " Mặc dù bản thân mình không làm chi được nhưng thấy rất phấn khởi vì sẽ có những nhà kinh doanh lớn, trước đây vì cái gì đó họ không làm được, nhưng bây giờ họ sẽ phát huy."

Băn khoăn và hồi hộp

Đối với những người kinh doanh trong ngành dệt và may mặc, nhất là những cơ sở sản xuất nhỏ thì vô cùng lo lắng. Chị Trâm, chủ một xưởng may gia công ở Tân Bình phát biểu: "Tivi, báo chí nói nhiều lắm nhưng thực sự em cũng chẳng hiểu gì lắm. Em nghe nói vô cái đó thì công ăn việc làm cũng khó khăn lắm, không biết sắp tới làm sao nữa, làm ăn không biết có được hay không…Nghe nói nếu vào rồi thì sức cạnh tranh rất lớn, mình không theo kịp thì rớt lại, phải dẹp thôi…rồi cũng không biết làm gì bây giờ nữa."

Anh Đức, cũng ở Tân Bình, sống về nghề dệt vải gia công trong nhiều năm qua thì rất hồi hộp vào khi Việt Nam gia nhập WTO. Anh nói: "Tụi em theo mặt hàng dệt, sợ là sau này vào WTO, có sự cạnh tranh, về mẫu mã, về mặt hàng..phải có kỹ thuật cao thì mới cạnh tranh được mà chưa chắc giá gia công được lên cao…Giá gia công bây giờ cũng rẻ mạt, ở trong nước thôi, chưa nói gì so với nước ngoài, nên sợ rằng mấy cái máy móc như vầy không biết tồn tại hay không… "

TradeComputerWto200.jpg
Chiếc xích lô chở những màn hình và máy in đến cho khách hàng ở thành phố Vinh, Nghệ An hôm 2-11-2006. AFP PHOTO

Riêng với những người nông dân Nam Bộ ở miền Đồng Bằng Sông Cửu Long thì lại càng băn khoăn hơn nữa, ông Nguyễn Văn Hùng, một nông dân ở Tiền Giang phát biểu:

“Theo tui nghĩ, nếu Việt Nam được gia nhập WTO thì đó là một điều rất quí, nói chung rất mừng, nhưng bên cạnh cái mừng đó thì cũng có những cái rất đáng lo, lo ngại nhất là nông dân. Tui là một người nông dân, tui rất lo vì nếu mà gia nhập WTO, tất cả những loại về sản phẩm, nông sản chế biến của Việt Nam mình không cạnh tranh được với những nước có trình độ khoa học tiến bộ, phát triển hơn.

Khâu chế biến về nông sản, trái cây, gia súc, gia cầm…, theo tui nghĩ, nhà nước mình phải phát triển thêm nhà máy hiện đại, làm sao cho ngang tầm với thế giới, thì mình mới cạnh tranh, mình mới hội nhập được, nếu không, nông sản chế biến không có đầu ra thì nông dân bị thiệt thòi, chết chắc!”

Trong khi đó, một nông dân khác, anh Phạm Văn Hải, ở Lạng Sơn, chuyên trồng vải thiều thì cho biết: "Chỉ hiểu mang máng thôi, gia nhập tổ chức thương mại thế giới thì có thể có những cái được lợi thì "các ông nhà ta" mới gia nhập. Chúng em là người dân thì cũng chưa hiểu hết, phải một năm nữa thì mới biết điểm lợi và hại của nó.

Có thể các hàng hoá nông sản của mình được ra vào trong các nước thành viên thế giảm đi thì nhà vườn bọn em bán được giá hơn, vào WTO thì các hàng hoá của mình đang bị ép giá gì đấy có thể được giá hơn, hoặc hàng của những nước khác vào Việt Nam thì dễ hơn, theo em hiểu như thế! Tụi em chỉ hiểu lơ mơ trên báo đài thế thôi, chứ còn có những cuộc họp để bàn sâu thì người dân chúng em chưa được biết.”

Hớn hở và sẵn sàng

Thế còn các thành phần khác như giới sinh viên, các nhà kinh doanh trẻ thì rất hớn hở và sẵn sàng chờ đón những thử thách khi Việt Nam gia nhập vào WTO? Cô Thu Hương, một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp Hà Nội phát biểu: "Sinh viên của bọn em tất cả đều vui mừng và tất cả đều đã sẵn sàng rồi để có thể hội nhập một cách hiệu qủa nhất. Bản thân em thì đó là một cái gì đó rất hạnh phúc vì tụi em có điều kiện phát triển trong tương lai khi Việt Nam gia nhập WTO và vì bọn em đang ở trước ngưỡng cửa xây dựng sự nghiệp của mình. Đúng là một cơ hội thuận tiện nhất cho thế hệ bọn em."

Cô Mỹ Chi, năm nay 27 tuổi, giám đốc công ty xuất khẩu thủ công mỹ nghệ ở TPHCM phát biểu: "Đây cũng là một cơ hội cho những công ty của những người trẻ như tụi em. Cũng có thể thành công mà cũng có thể bị bỏ rơi lại. cho nên điều này tụi em rất quan tâm. Thực tình em cũng không hiểu rõ lắm về WTO, nhưng theo bản thân em thì đây là thời mở cửa cho tụi em được hoà nhập trong ngành kinh tế thị trường."

Khi vào WTO tất cả các vấn đề đều có một sự cạnh tranh và cạnh tranh thì nó sẽ dẫn tới sự phát triển và mình tin là mọi thứ nó sẽ tốt hơn. Trong cuộc cạnh tranh mình buộc phải tự chứng minh sức mạnh của mình, doanh nghiệp nào yếu kém sẽ bị đào thải, và những doanh nghiệp nào có tiềm năng thì sẽ có cơ hội phát triển thêm nữa.”

Riêng anh Hà, năm nay 29 tuổi, giám đốc của công ty Pioneer Communication ở Hà Nội cho biết: "Mọi người đều rất xôn xao, bàn tán rất nhiều về WTO. Tình hình chung mọi người rất vui. Bản thân mình vì là một người làm business nên cũng cập nhật thường xuyên tin tức và việc Việt Nam gia nhập WTO là một điều mình đang mong đợi.

Khi vào WTO tất cả các vấn đề đều có một sự cạnh tranh và cạnh tranh thì nó sẽ dẫn tới sự phát triển và mình tin là mọi thứ nó sẽ tốt hơn. Trong cuộc cạnh tranh mình buộc phải tự chứng minh sức mạnh của mình, doanh nghiệp nào yếu kém sẽ bị đào thải, và những doanh nghiệp nào có tiềm năng thì sẽ có cơ hội phát triển thêm nữa.”

Ngoài ra, theo anh, chỉ một số thành phần nào đấy trong xã hội quan tâm đến chuyện Việt Nam gia nhập WTO mà thôi. Anh nói: "Những ai làm ăn thì quan tâm nhiều nhất vì nó liên quan đến vận mệnh của họ. Giống như mình bơi ra biển, mình có bơi được tiếp hay không. Còn người dân thì người ta cũng chỉ biết hội nhập WTO, nhưng người ta cũng không thể hiểu hết những thách thức đang chờ đón, tốt, xấu ra sao họ cũng chưa hiểu được lắm đâu!"

Quí vị vừa nghe một số ý kiến của những thành phần khác nhau sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Theo các thông tin cho biết, đối với người dân,WTO vẫn là một điều gì đó rất mơ hồ. Hy vọng rằng rồi đây, trên khắp tỉnh thành, kiến thức về WTO sẽ được phổ cập một cách thiết thực và sâu rộng.

Có như thế, mọi thành phần trong xã hội, nhất là các công nhân, nông dân cùng các nhà sản xuất sẽ hiểu mình phải làm gì khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập cùng thế giới. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ sau.