Phân hữu cơ tự tạo giúp tận dụng nguồn rác thải và bảo vệ môi sinh

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Đối với người nông dân, phân bón vô cùng cần thiết để giúp cho cây trồng tăng trưởng tốt. Do nhu cầu này mỗi lúc một nhiều, vô số nhãn hiệu phân hóa học được sản xuất ra để đáp ưng thị trường.

0:00 / 0:00
RiceFarmer150.jpg
Đối với người nông dân, phân bón vô cùng cần thiết để giúp cho cây trồng tăng trưởng tốt. AFP PHOTO

Tại Việt Nam lâu nay thị trường phân bón nhập khẩu luôn bấp bênh có lúc sốt hàng vá giá cả tăng vọt khiến nông dân lao đao. Từ thực tế đó nhiều người nông dân cả từ bắc chí nam đang tận dụng nguồn rác thải từ trong cuộc sống để làm ra những loại phân hữu cơ tự nhiên bón cho sản phẩm cây trồng của họ.

Đơn cử, ở phía bắc có ông Nguyễn Duy Sinh ngụ tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây với sản phẩm phân hữu cơ tổng hợp từ phế thải làng nghề mang nhãn hiệu ‘Trường Sinh SC999’. Tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nổi lên nhận vật Mai Văn On với sản phẩm phân hữu cơ do chính ông làm ra. Ưu điểm của những loại phân hữu cơ tự chế tạo trong nước này có giá rẻ, vừa giúp tận dụng được nguồn rác thải, vừa bảo vệ môi sinh.

Trong Mục Sáng kiến & Đời sống kỳ này, Gia Minh trò chuyện cùng ông Mai Văn On về sản phẩm phân hữu cơ đó. Trước hết ông cho biết: "Sản phẩm của tôi dựa hoàn toàn theo nguyên lý tự nhiên; không thêm bớt bất cứ thứ nào, theo kiểu dân gian từ xưa, cho nó hoàn toàn thì chất lượng tốt."

Gia Minh: Nguyên liệu thu thập từ nguồn nào?

Mai Văn On: Rơm, phế liệu của những bãi rác dân dụng đã phân hủy rồi và đem về cho phân hủy thêm. Đây là qui trình hủy com pốt. Ngành vệ sinh thu gom, rồi mình thuê nhân công người nghèo sống gần đó thu gom. Dạng làm của chúng tôi còn nhỏ.

Gia Minh: Vấn đề môi trường về mùi được xử lý ra sao?

Mai Văn On: Tại bãi thì có mùi và chúng tôi ủ tại bãi nên khi đem về thì không còn mùi nữa.

Gia Minh: Sản phẩm làm ra bán thế nào?

Mai Văn On: Tôi mới chỉ giao cho người thân thôi vì chưa có nhãn hiệu.

Gia Minh: Sao chưa đăng ký nhãn hiệu?

Mai Văn On: Việc đang ký vượt quá khả năng gia đình nên chúng tôi chưa làm được.

Gia Minh: Trước đây ông cũng có mang sản phẩm đến Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long để nhờ giúp đỡ?

Mai Văn On: Đó là sản phẩm của một doanh nghiệp khác.

Gia Minh: Giá cả thế nào?

Mai Văn On: Giá so với những sản phẩm khác trên thị trường thì thấp hơn nhiều. Sản phẩm của tôi chỉ 700 đồng thôi.

Gia Minh: Ngoài ưu điểm về giá thì còn ưu điểm gì nữa?

Mai Văn On: Có thể dùng để cải tạo đất, sử dụng cho nền nông nghiệp hữu cơ mà là phân khóang không đáp ứng được.

Gia Minh: Sâu bệnh nhiều thì làm sao sử dụng phân của ông chống được sâu bệnh?

Mai Văn On: Nông nghiệp hữu cơ chậm hơn dùng phân hóa học nhưng cây vững với sâu bệnh hơn.

Gia Minh: Việc đề xuất sang kiến với các cơ quan thế nào?

Mai Văn On: Có đến gặp nhưng để tổ chức khảo nghiệm thì phải có kinh phí mà chúng tôi là nông dân thì tài chính còn yếu.

Tôi chưa đến nhiều cơ quan cho lắm vì quan hệ của mình giới hạn và chưa có đại diện hợp pháp. Tôi không bỏ qua nhưng chậm thôi.

Có những lần tôi tiếp cận ngân hàng thì cũng khó vì chỉ khi họ thấy sản phẩm nơi đâu cũng gặp thì mới dễ.

Gia Minh: Có liên lạc với những người cùng làm chung sản phẩm không?

Mai Văn On: Muốn lắm nhưng chưa có.

Quí thính giả và các bạn vừa nghe ông Mai Văn On, ngụ tại phường Phước Thới, huyện Ô Môn, Cần Thơ nói về sản phẩm phân hữu cơ do chính ông làm ra.

Học vấn cao nhất của ông là bằng tú tài 2 kỹ thuật Trường Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ trước năm 1975.

Ngoài sản phẩm phân hữu cơ mà ông vừa giới thiệu, hiện ông cũng đang ấp ủ một số ý tuởng làm ra một số phụ phẩm nông nghiệp.

Mục Sáng kiến và Đời sống kỳ này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chuơng trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.