Du học sinh Việt Nam đón Tết


2008.02.04

Hưng Yên, thông tín viên đài RFA

Tết nguyên đán là dịp để những người làm việc, học tập hay sinh sống xa nhà có cơ hội về xum họp với gia đình, hưởng cái không khí đầm ấm bên người thân để rồi ra giêng, lại bắt đầu một năm họat động mới. Nhưng hầu hết du sinh lại không đựơc cái hạnh phúc ấy bởi những ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam thì đối với xứ người lại chỉ là ngày thường.

VN_Students_Houston_200.jpg
Đang theo học ở nước ngoài, du học sinh Việt Nam luôn hướng về đất nước. Photo by Hiền Vy/RFA

Vừa học, vừa đón Tết

Người dân trong nước đang chuẩn bị đón mừng năm mới, năm Mậu Tí thì đối với những sinh viên du học tại Hoa Kỳ lúc này là những tuần học đầu tiên của mùa học mới, và tất nhiên họ không thể về đoàn tụ với gia đình. Mỹ Ngọc kể về những ngày cận tết trước khi đi du học, cô cùng gia đình chuẩn bị đón tết thật rộn ràng và hạnh phúc:

“Ở Việt Nam gia đình Ngọc buôn bán, nhà Ngọc làm vựa trái cây nên cả nhà, trong những ngày này tất cả mọi người ra chợ phụ ba má bán hàng. Ngày gần tết mình đi chợ mua bánh mứt nè, mua kẹo nè, mua thịt về làm xá xíu, mình làm bánh tét…nhiều lắm… chuẩn bị nhiều món ăn lắm. Ngọc cảm thấy Ngọc nhớ, nhớ vào thời điểm này mình đi đâu, làm gì. Cảm thấy ở Việt Nam lúc này thật là hạnh phúc.”

Mỹ Ngọc cũng phân tích sự quan tâm của các nhóm tuổi đến ngày tết cổ truyền mà theo cô nhiều em nhỏ ở thế hệ thứ 3 không hiểu nhiều về ngày Tết:

“Đối với mọi người qua bên này thì mọi người vẫn giữ truyền thống đó. Những cụ già vẫn lục đục làm bánh mứt, vẫn làm như những ngày họ còn ở quê nhà. Đối với những thế hệ đi qua đây lâu rồi, thế hệ 1.5 thì họ ít quan tâm hơn. Đối thế hệ thứ ba những đứa trẻ nhỏ, con nit thì cũng không biết nhiều về ngày tết.”

Cộng Đồng người Việt tại hải ngoại cũng có những sinh hoạt đón mùng tết, hội chợ xuân, bánh chưng xanh, câu đối đỏ, bánh tét, dưa món, củ kiệu vẫn được bày bán sầm uất nơi những khu chợ Việt Nam.

Nhớ không khí Tết ở Việt Nam

Tuy thế cái không khí náo nức của những ngày cận tết, sự sum họp gia đình trong đêm giao thừa có lẽ không thể bằng trong nước vì công việc làm và môi trường sống. Trúc Phạm đi du học xa nhà hơn một năm nói, về điều này:

“ Mọi người bên đây đều bận rộn, không có thời gian gặp nhau, bên Việt Nam thì có thời gian gặp nhau. Nguyên cả gia đình dòng họ đều sum họp trong một ngôi nhà, cùng ăn trưa và ăn tôí với nhau trong ngày mùng một tết. Chúc tết những người người lớn hơn mình, ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác. Bên đây thì cũng có múa lân, đốt pháo, chợ cũng bán bánh chưng, dưa hấu cũng giống Việt Nam nhưng không rộn ràng bằng Việt Nam.”

Với lời chia sẻ bộc trực, thẳng thắn, Hoàng cho biết từ ngày du học tại Hoa Kỳ cô đã mất cảm giác mỗi khi tết đến: “Hình như từ ngày qua đây mất cảm giác rồi không còn biết tết là gì nữa, chỉ biết đi học –đi làm, đi làm- đi học mà thôi.”

StudentLondon200.jpg
Du học sinh Việt Nam trong một buổi picnic. RFA file photo.

Cảm giác một mình đã làm Hoàng nhớ về cảnh sum họp gia đình trong những ngày tết: “Ở Việt Nam vui nhất là tết em được về nhà ngoại sum họp, gặp ngoại có ba mẹ bên cạnh, còn bên này chỉ có một mình chẳng có ai.”

Dù đây là cái tết xa nhà đầu tiên của Tín, nhưng Tín có vẻ biết nhiều những sinh hoạt đón tết của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ :

“Nhiều chỗ chuẩn bị tết cũng lớn lắm, ở đây người Việt nam chuẩn bị tết cũng lớn lắm. nếu anh đến các nhà thờ hay những chỗ khác sẽ thấy, cũng có bánh mứt và có những hội chợ tết.”

Tuy sống xa quê hương nhưng người Việt Nam tại hải ngoại ít nhiều cũng gìn giữ những tập quán trong ngày tết để con cháu tiếp tục duy trì nét văn hóa của dân tộc nơi xứ người. Điều này đã được Hải, sinh viên du học tại một trường đại học tại Houston ghi nhận:

“Cái này là truyền thống mà, cho dù người Việt Nam mình ở đâu đi nữa, ai cũng muốn cũng như là làm cho con cháu sau này gìn giữ được bản chất văn hóa của dân tộc. Nói chung cộng động người Việt mình cũng ăn tết, tổ chức những hội chợ cũng như trong mỗi gia đình mua sắm lễ lộc để cúng tổ tiên ông bà.”

Luôn hướng về đất nuớc

Một điều thật cảm động là hầu hết các sinh viên du học khi được hỏi mơ ước điều gì cho đồng bào Việt Nam trong nước qua năm mới, các sinh viên này mong ước cho người dân nghèo tại Việt Nam có một cái tết đầy đủ hơn. Họ cũng bày tỏ mong muốn chính phủ Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đối với tầng lớp dân nghèo. Hải thẳng thắn bày tỏ:

“Trong năm Mậu Tí này em hi vọng ban lãnh đạo trong chính quyền Việt Nam, người ta biết lo lắng, mở rộng tầm nhìn của người ta hướng về những người nghèo ở Việt Nam có cuộc sống tốt hơn.”

Cùng với suy nghĩ của Hải, Ngọc Thái phân tích cụ thể vào mặt trái của sự phát triển kinh tế đó là khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng.

“Khi họ đặt các mục tiêu tăng trưởng GDP gì đó, họ cũng phải nghĩ đến tầm nhỏ hơn là những người nghèo khổ. Nếu tăng trưởng kiểu đó, lạm phát tăng, người nghèo phải gánh chịu mặt trái của sự phát triển đó là lạm phát. Em muốn nói với họ là muốn giảm khoảng cách giàu nghèo, lúc mà đưa ra những mục tiêu kinh tế, em hi vọng chính phủ phải suy nghĩ chứ không thể mù quáng tăng trưởng.”

Một ước mơ đặc biệt hơn cả của một cô nữ sinh viên du học tên Hoàng, sang năm Mậu Tí, cô ước mơ cho sự thực của lịch sử Việt nam để thế hệ mai sau hiểu biết đúng lịch sử bởi vì bản thân cô đã bị lẫn lộn giữa những gì cô được học trong nước và những gì cô được biết tại hải ngoại:

“Trong năm con chuột sắp tới, điều em mơ ước nhất là lịch sử Việt nam. tại vì qua bên này em không hiểu lịch sử ở Việt Nam và lịch sử ở bên này nó khác nhau. Nói về đảng cộng sản Việt Nam, ai cũng nói Bác là tốt,là gương mẫu, là người cha của đất nước. Bên này thì không phải vậy. Người ta nói thực chất đảng đã lấy đi dân chủ của mọi người, của nhân dân. Nhưng mà vẫn lẫn lộn vì em mới qua đây một năm, em chưa hiểu rõ hết.

Thực sự em muốn biết được thực chất lịch sử Việt Nam như thế nào, đảng cộng sản Việt Nam như thế nào, những gì em học từ nhỏ đến lớn là đúng sự thật hay chỉ đúng một phần nào đó thôi. Bởi vì lịch sử là sự thật nên em ước mơ lịch sử Việt nam mở ra những trang lịch sử thật cho các thế hệ sau này biết những gì đúng, những gì sai, thực ra trong lịch sử đã xảy ra như thế nào.”

Năm Mậu Tí sắp bắt đầu, những ước mơ của sinh viên du học cho quê hương Việt Nam rồi sẽ trở thành hiện thực hay không? Mỗi một người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu đều hướng về quê hương Việt Nam nhất là mỗi độ xuân về.

Hưng Yên xin rời làn sóng tại đây và hẹn quí vị trong chương trình lần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.