Đất đai vùng ĐBSCL có khả năng bị nhiễm độc làm cây lúa mất sức đề kháng

0:00 / 0:00

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long càng ngày càng phải bón nhìều phân hóa học và phải dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn trước mới có thể đạt được mức sản lượng lúa gạo và hoa màu như những năm vừa qua.

FarmerRice200.jpg
AFP PHOTO

Các loại hóa chất đổ vào đồng ruộng từ mùa này sang mùa khác có làm cho đất đai tại các tỉnh miền Tây bị ô nhiễm hay không?

Đất đai bị nhiễm độc

Đứng trước tình trạng rầy nâu phát tán và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá làm giảm sản lượng lúa vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và mới đây, một loại bệnh mới làm lá lúa trở thành màu tim tím và cây lúa không phát triển, nhiều cán bộ nông nghiệp tại đây cho rằng đó là do đất đai bị nhiễm độc làm cây lúa mất sức đề kháng.

Đất đai bị nhiễm độc một phần vì nông dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu rầy nhiều hơn trước phần khác vì sau khi đã phun thuốc xong, bao bì và các loại thuốc bảo vệ thực vật không được nông dân tiêu huỷ theo đúng qui cách mà vứt bừa bãi trên mặt đất.

Ông Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang phát biểu: "Bà con vứt như thế làm ô nhiễm đến môi trường nước, bỏ như vậy chắc chắn là có ảnh hưởng, lâu dài thì gây hậu quả. Về mặt quản lý thì lấy ra thì phải có chỗ gom lại rồi phải tiêu huỷ hoặc là đào chôn lấp. Thực sự thì bà con nông dân không làm chuyện đó, đâu có chế tài nông dân được."

Đắp đê

Bà con vứt như thế làm ô nhiễm đến môi trường nước, bỏ như vậy chắc chắn là có ảnh hưởng, lâu dài thì gây hậu quả. Về mặt quản lý thì lấy ra thì phải có chỗ gom lại rồi phải tiêu huỷ hoặc là đào chôn lấp. Thực sự thì bà con nông dân không làm chuyện đó, đâu có chế tài nông dân được.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, Trưởng khoa Quản lý Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Đại học Cần Thơ cũng đồng ý là ruộng đồng các tỉnh miền Tây có ô nhiễm nhưng chưa đến mức trầm trọng:

“Mình lo ngại thôi, ô nhiễm không đến mức độ trầm trọng. Tuy nhiên ngày xưa người dân có thể uống nước ruộng. Bây giờ đâu ai dám uống. Các nước khác cũng vậy, sản xuất nhiều cũng ảnh hưởng đến môi trường nước.”

Vấn đề đắp đê bao để quay vòng, thâm canh tăng vụ cũng làm các chất độc hóa học, lắng đọng trong đất, không xả ra ngòai theo lũ được. Ngòai ra trồng trọt liên miên cũng làm cho đất bị bạc màu khiến nông dân càng ngày càng phải sử dụng nhiều phân bón hơn nữa. Như thế hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp đối với người dân không cao.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm có ý kiến: Đắp đê sẽ mang một số chuyện không tốt, lượng phù sa không được đưa vào hàng năm. Thực tế người dân cũng thấy là làm một thời gian năng xuất không được cao tạị vì nó không trao đổi chất, độc chất trong ruộng không được xả ra nhất là trong giai đoạn nước lũ, nước lớn.

Trong quá trình làm đê bao, đất được trồng trọt liên tục, đất mất chất dinh dưỡng phải đưa phân bón, thuốc trừ sâu vào nhiều, năng xuất có thể ổn định nhưng chi phí tăng cao, người nông dân không có lời. Cái đó là quan trọng.”

Hạn chế vụ

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm đồng ruộng và giúp nông dân tăng năng xuất cây trồng mà vẫn có đủ ăn trong nông nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm đề nghị:

“Có thể mình hạn chế vụ, chẳng hạn vụ Hè Thu thời tiết không thuận lợi, mưa lũ làm giảm năng suât cây trồng, nhưng vẫn đảm bảo vụ Đông Xuân và vụ Xuân Hè. Rồi bắt đầu trồng xen canh những cây màu có lợi cho đất chẳng hạn những cây họ đậu. Mình sẽ gia tăng chất dinh dưỡng, giữ gìn cho đất tốt hơn. Xong rồi mình cày để có phân của những cây họ đậu, cây xanh để đất có thêm chất dinh dưỡng.

Thứ hai nữa mình cũng đừng khai thác một cách quá mức hay đê bao một cách chặt chẻ, ví dụ như là hai năm hay ba năm mình có thể mở đê bao hoặc là không hòan tòan khép kín. Thành ra bây giờ tôi nghĩ cái từ chung sống với lũ tại Đồng Bằng Sông Cửu Long là cái từ rất là hay, hay về mặt ứng dụng mà cả về mặt kinh tế nữa.

Cái thứ hai nữa là Đồng Bằng Sông Cửu Long chúng ta có trên một triệu rưỡi hécta đất phèn cho nên đối những vùng đất phèn trung bình hay hơi nặng một chút thì lũ là một chuyện rất quan trọng. Mùa khô nó xì phèn nhưng mùa mưa nó rửa từ từ. Đối những vùng bị phèn mà mình đắp đê thì càng chết hơn nữa.”

Hiện nay chưa có cuộc nghiên cứu nào để biết mức độ ô nhiễm của đồng ruộng vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nhưng một điều chắc chắn là nếu tình trạng thâm canh tăng vụ, sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và lập nhiều đê bao chưa được cải thiện thì sự trong sạch của môi trường và sức khỏe của con người có thể bị ảnh hưởng về lâu về dài.