Căng thẳng chính trị vẫn còn tại Pakistan và chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt
2007.11.23
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Gần 3 tuần trôi qua, Pakistan vẫn tiếp tục là điểm được thế giới nói đến. Lệnh khẩn cấp vẫn còn hiệu lực, đối lập tiếp tục bị giam giữ, cho dù Tổng Thống Pervez Musharraf đã lên tiếng nói sẽ trao trả quân đội lại cho quân đội và tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào đầu tháng Giêng năm tới.
Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush cũng đã cử ông Thứ Trưởng Ngoại Giao John Negroponte sang Islamabad đóng vai sứ giả hòa bình, nhưng chuyến đi đã không đem lại được những kết quả mà Washington mong đợi. Nói cách khác, căng thẳng chính trị vẫn còn tại Pakistan và chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt.
Căng thẳng chính trị Pakistan cũng chính là đề tài chúng tôi đặt ra với vị khách mời tuần này. Khách mời là Giáo Sư Tiến Sĩ Frederic Grare, chuyên gia của Viện Nghiên Cứu The Carnegie Endownment For International Peace.
Ngoài vai trò của một nhà ngoại giao Pháp từng làm việc ở Pakistan và làm Giám Ðốc Chương Trình Xã Hội Nhân Văn ở Ấn Ðộ, ông còn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về chính trị và dân chủ Nam Á. Mới tháng trước, ông cho xuất bản quyển sách tựa đề “Tây Phương Phải Nghĩ Lại Chính Sách Với Pakistan”.
Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và Ban Việt Ngữ chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.
Nguyễn Khanh: tại Islamabad cũng như ở Washington, tất cả đều nói đây không phải là cuộc khủng hoảng của riêng Pakistan, mà còn là khủng hoảng của quan hệ giữa Pakistan và Hoa Kỳ. Thưa Tiến Sĩ, làm sao có thể chấm dứt được cuộc khủng hoảng này?
Giáo Sư Tiến Sĩ Frederic Grare: có nhiều cách để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đang xảy ra. Phương thức Mỹ đang làm là tìm cách để Pakistan trở lại trạng thái trước ngày biến cố chính trị xảy ra. Tôi coi đó là phương thức không được khôn khéo. Có thể ông Musharaf sẽ vượt qua được sóng gió, nhưng nếu bảo rằng kế hoạch của Hoa Kỳ sẽ đem lại ổn định bền vững cho nền chính trị của Pakistan thì hoàn toàn không.
Ðây không phải là lúc để chúng ta so sánh giữa ông Musharraf với bà Bhutto, hay giữa bà Bhutto với ông Nawar Sharif. Chưa hẳn dân chúng Pakistan đã nhớ những gì bà Bhutto hay ông Nawar Sharif từng làm, họ chỉ biết là quốc gia của họ đang bị khủng hoảng chính trị và đây là cơ hội thuận lợi nhất để thay đổi, để làm mới hoàn toàn. Thay đổi từ một thể chế được điều khiển bởi quân đội sang một thể chế dân chủ, một chính quyền dân sự do dân bầu lên để điều khiển đất nước.
Ðiều Washington đang làm chỉ là đi tìm ổn định tạm thời, và quên đi điều thật sự cần làm là thúc đẩy ông Musharraf phải thực hiện dân chủ, tức là phải đi đúng với những gì được quy định trong bản hiến pháp.
Phương thức thực hiện đúng với hiến pháp là phương thức mà nhiều người dân Pakistan đang nói đến, có nghĩa là ông Musharraf vẫn tiếp tục ở trong cương vị lãnh đạo, nhưng có những điều kiện đi kèm. Ðó là những điều kiện hiến định mà bất kỳ cá nhân nào, kể cả ông Musharraf, bắt buộc phải tuân thủ. Những điều kiện này được áp dụng với tất cả những quốc gia dân chủ, trong đó có Pakistan.
Nói tóm lại, theo tôi, giải quyết bất ổn chính trị Pakistan có nghĩa là phải giải quyết tận gốc rễ. Riêng với Washington, điều các quan chức Mỹ cần phải hiểu là họ phải giải quyết quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan, chứ không phải quan hệ giữa ông Pervez Musharraf hay bà Benazir Bhutto với Hoa Kỳ.
Phải giải quyết tận gốc rễ
Nguyễn Khanh: Tiến Sĩ mới nhắc đến ông Musharraf và bà Bhutto, tôi xin phép được nhắc lại kết quả thăm dò mới nhất vừa được công bố ở Islamabad về niềm tin mà người dân Pakistan dành cho những nhân vật lãnh đạo.
Khi được hỏi ai là người xứng đáng lãnh đạo đất nước, ông Musharraf được 21%, bà Bhutto được 27% và Cựu Thủ Tướng Nawar Sharif được 21%. Rõ ràng tôi không nhìn thấy người được dân chúng Pakistan tin tưởng, hay nói khác đi, Pakistan đang gặp khủng hoảng lãnh đạo. Tiến Sĩ nghĩ gì về điều này?
Giáo Sư Tiến Sĩ Frederic Grare: tôi không nhìn vấn đề qua những cuộc thăm dò như vậy.
Ðây không phải là lúc để chúng ta so sánh giữa ông Musharraf với bà Bhutto, hay giữa bà Bhutto với ông Nawar Sharif. Chưa hẳn dân chúng Pakistan đã nhớ những gì bà Bhutto hay ông Nawar Sharif từng làm, họ chỉ biết là quốc gia của họ đang bị khủng hoảng chính trị và đây là cơ hội thuận lợi nhất để thay đổi, để làm mới hoàn toàn. Thay đổi từ một thể chế được điều khiển bởi quân đội sang một thể chế dân chủ, một chính quyền dân sự do dân bầu lên để điều khiển đất nước.
Ông đừng quên rằng từ trước đến giờ, quyền hành lãnh đạo ở Pakistan nằm trong một thành phần rất nhỏ, hoặc là những tướng lãnh của quân đội, hoặc là những chính trị gia xuất thân từ những gia đình có quyền thế, và đã nhiều lần, hai thành phần này liên kết với nhau để trở thành những tập đoàn chính trị, và điều đó đã gây nên bất ổn xã hội và chính trị mà người dân Pakistan đang phải chịu đựng bây giờ.
Vì thế tôi mới nói là nếu muốn giải quyết thì phải giải quyết tận gốc rễ, theo đúng con đường dân chủ, đúng tiến trình dân chủ. Chuyện đang xảy ra ở Pakistan không phải là chuyện khủng hoảng lãnh đạo như ông vừa nói.
Nguyễn Khanh: Tiến Sĩ mới phát hành quyển sách nhan đề “Tây Phương Phải Nghĩ Lại Chính Sách Với Pakistan” . Cuộc chiến chống khủng bố và cuộc chiến Afghanistan đã kéo dài được 6 năm, bây giờ ông là người đầu tiên dùng chữ “phải nghĩ lại”. Phải chăng ông muốn nói rằng có sai trái trong chiến lược đang được Tây Phương sử dụng, hay nói rõ hơn là của Hoa Kỳ, với Pakistan?
Giáo Sư Tiến Sĩ Frederic Grare: đương nhiên. Chuyện xảy ra ngày hôm nay chính là hậu quả của việc Tây Phương ủng hộ chính quyền quân sự Islamabad. Chính quyền quân sự Pakistan không chỉ là một chính phủ bất hợp hiến, mà còn đi ngược lại các giá trị được Tây Phương trân quý, và đi ngược lại với chủ trương tiêu diệt khủng bố mà chính Tây Phương đã đề xướng.
Chính Phủ của ông Musharraf đã làm được những gì? Ai cũng chỉ nhìn thấy ông Musharraf đã giải quyết được những bất ổn ở Kashmir, nhưng không chịu nhìn kỹ hơn để thấy Kashmir bây giờ chính là cái nôi của khủng bố, hoạt động dưới những cái tên khác nhau.
Ngay ở mặt trận tiền phương, tức là mặt trận chống Taliban và Al-queda, Chính Phủ Musharraf đang đi nước đôi, và ngay chính các viên chức Mỹ cũng thấy điều đó, khi họ lên tiếng bảo rằng Pakistan không thật tâm muốn tiêu diệt khủng bố. Ðiều mà Islmabad đang làm ngày hôm nay là bài trừ Al-queda để hài lòng Washington, nhưng lại để yên cho Taliban ẩn náu ở vùng biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.
Chính quyền bất hợp hiến
Nguyễn Khanh: có thể chính quyền Pakistan là một chính quyền bất hợp hiến như Tiến Sĩ vừa nói, nhưng ít nhất, chính phủ này cũng đang giúp Hoa Kỳ và Tây Phương trong cuộc chiến chống khủng bố. Thành ra Washington phải cân nhắc giữa nhân quyền của Pakistan và an ninh của nước Mỹ chứ?
Giáo Sư Tiến Sĩ Frederic Grare: có gì khác biệt giữa hai điểm ông mới đặt ra không? Người ta thấy những gì đang xảy ra ở Pakistan? Không thể chối cãi là nhân quyền liên tục bị vi phạm, nhà cầm quyền lợi dụng sự mâu thuẫn giữa các đảng phái để trục lợi, duy trì mâu thuẫn giữa các sắc tộc để trục lợi và để yên cho những nhóm dân quân vũ trang của các sắc tộc hoạt động, miễn là đừng gây khó khăn cho chính quyền. Nội tình của Pakistan đang xáo trộn, bất ổn từ đó mà ra.
Liệu bất ổn của Pakistan có ảnh hưởng đến an ninh của nước Mỹ không? Câu trả lời là có. Nếu nói như ông là Washington phải cân nhắc giữa nhân quyền của Pakistan và an ninh của nước Mỹ, thì điều đó lại chứng tỏ cho mọi người thấy chính sách bất nhất của Tây Phương, và đó là một trong những lý do tại sao tôi bảo rằng đã đến lúc cần phải nghĩ lại chính sách đang được áp dụng với Pakistan.
Nguyễn Khanh: Tiến Sĩ bảo là trong cuộc chiến chống khủng bố, Tây Phương không thật sự được sự tiếp tay của ông Musharraf, và cũng không được sự ủng hộ của quân đội và của người dân Pakistan. Như thế làm sao có thể chiến thắng?
Giáo Sư Tiến Sĩ Frederic Grare: câu hỏi của ông thật hay. Không thể chối cãi là cả ông Musharraf và quân đội Pakistan đều không làm hết sức của họ trong cuộc chiến quan trọng này. Không thể cãi là họ có mở cuộc hành quân ở chỗ này, chỗ khác, và cả Islamabad lẫn Washington đều dùng những từ rất đẹp, gọi Pakistan là “đồng minh thân tín nhất”.
Trở ngại là ngay từ đầu, Hoa Kỳ đã thấy điều gì xảy ra và để yên, chấp nhận tình huống như thế. Ðáng lẽ Washington phải đặt câu hỏi “tại sao vẫn xem Pakistan là một đồng minh quan trọng, dành cho họ nhiều đặc quyền, trong khi họ không thật sự giúp mình”.
Quan hệ Hoa Kỳ và Pakistan
Nguyễn Khanh: như vậy, theo ông, Hoa Kỳ nên chia tay với Pakistan?
Giáo Sư Tiến Sĩ Frederic Grare: Tôi không nói là Hoa Kỳ nên từ bỏ quan hệ đồng minh với Pakistan, nhưng tôi tin rằng đã đến lúc Washington phải đưa ra những điều kiện đi kèm theo, để có thể cải thiện tình huống hiện giờ. Nếu không thì mọi chuyện vẫn y hệt như bây giờ và lần sau khi gặp lại tôi, chắc ông cũng sẽ đặt câu hỏi giống như câu ông vừa đặt ra.
Nguyễn Khanh: nhưng thưa Tiến Sĩ, trước khi ngồi xuống nói chuyện với ông, tôi vừa đọc bản phúc trình chính sách mới nhất nói về Châu Á được gửi cho Nhà Trắng mà tôi tin rằng chắc ông cũng đã xem.
Xin phép ông để tôi đọc một đoạn ngắn. Phúc trình viết rằng “trước những biến chuyển đang xảy ra tại Pakistan, Hoa Kỳ, Anh Quốc và EU đều bầy tỏ thái độ không hài lòng, nhưng đồng thời lại đưa ra dấu hiệu muốn tiếp tục hợp tác với Tổng Thống Pervez Musharraf trong cuộc chiến chống khủng bố”. Thưa Tiến Sĩ, như thế là bật đèn xanh rồi chứ còn gì nữa?
Giáo Sư Tiến Sĩ Frederic Grare: đúng. Rõ ràng là bật đèn xanh và đương nhiên ông Musharraf biết điều đó. Một lần nữa, tôi xin được nhắc lại rằng tiếp tục xây dựng quan hệ của một nước với một cá nhân lãnh đạo là điều hoàn toàn sai, không thể chấp nhận được.
Tôi và ông đều hiểu rằng Washington cần đồng minh để chống khủng bố, nhưng không có nghĩa là chỉ xây dựng quan hệ bền vững với cá nhân ông Musharraf. Nếu không có những biện pháp thúc đẩy thì ông Musharraf sẽ không làm gì thêm nữa, và sẽ không có thay đổi.
Nên nhớ rằng chính người dân Pakistan đang nghĩ rằng “Mỹ chuộng ông Musharraf, Mỹ thích ông Musharraf thì để mặc cho ông Musharraf làm việc một mình với Mỹ” và nhân dân Pakistan tiếp tục đứng ngoài phủi tay, coi chuyện chống khủng bố là không phải là chuyện họ phải quan tâm.
Nên nhớ rằng chính người dân Pakistan đang nghĩ rằng “Mỹ chuộng ông Musharraf, Mỹ thích ông Musharraf thì để mặc cho ông Musharraf làm việc một mình với Mỹ” và nhân dân Pakistan tiếp tục đứng ngoài phủi tay, coi chuyện chống khủng bố là không phải là chuyện họ phải quan tâm.
Nguyễn Khanh: ông Musharraf hứa sẽ trao quân đội lại cho quân đội, và làm một vị nguyên thủ không mặc quần áo khaki. Nhưng thưa Tiến Sĩ, ông ta đâu bắt buộc phải đeo bốn năm sao mới điều khiển được quân đội, nhất là trong lúc này quân đội vẫn ủng hộ ông ta?
Giáo Sư Tiến Sĩ Frederic Grare: đây là lần thứ ba ông Musharraf cam kết sẽ chính thức rời quân đội, và điều đó cho thấy ông ta đang ở trong tâm trạng không biết tương lai chính trị của mình rồi sẽ ra sao.
Ông nói đúng, hiện giờ thì quân đội vẫn trung thành với Tướng Musharraf. Tôi cũng đồng ý như thế. Nhưng không thể bảo là quân đội sẽ mãi mãi đứng đằng sau ông Musharraf. Tại sao ông ta lại bắt giam đối lâp? Tại sao ông ta lại quản chế bà Bhutto?
Có phải là vì ông ta sợ người dân biểu tình và lo sợ có lúc không thể bảo quân đội tiếp tục đàn áp dân được hay không? Theo nhận định của tôi thì ngay lúc này, quân đội tạm thời giúp ông ta vượt qua được cuộc khủng hoảng, nhưng ngày mai thì chưa chắc.
Nguyễn Khanh: cám ơn Tiến Sĩ cho cuộc phỏng vấn hôm nay.
Các tin, bài liên quan
- Slideshow: Biến cố chính trị sôi động tại Pakistan 9-11-2007
- Chuyện gì sẽ xảy đến cho Pakistan trong những ngày tới?
- Tổng thống Pakistan xiết chặt tình trạng khẩn cấp
- Phỏng vấn Tiến Sĩ Hans-Rogner Holger của tổ chức IPCC, khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình 2007
- Bà Bhuto đến bệnh viện thăm các nạn nhân vụ đánh bom
- Nổ bom chấn động Pakistan nhắm vào cựu Thủ tướng Bhutto
- Đối lập Pakistan không công nhận kết quả bầu cử
- Tình hình cuộc tranh đấu của người dân Miến Ðiện
- Đối lập Pakistan tìm cách ngăn chặn Tổng thống Musharraf gia hạn thời gian cầm quyền