Nguy cơ Đại dịch


2005.11.15

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Kể từ Thứ Ba 15, thành phố Hồ Chí Minh chính thức cấm nuôi gia cầm, trong khi ấy, lãnh tụ các nước họp Thượng đỉnh Diễn đàn APEC tại Busan thuộc Nam Hàn vào cuối tuần này cũng chuẩn bị kế hoạch phối hợp đối phó với nguy cơ đại dịch cúm gà trên toàn cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đa số dư luận lại coi thường mối họa này, có thể vì không được thông tin đầy đủ, hoặc đã bị bão hòa với loại thông tin họ cho là xa vời vô hại.

BirdFluDuck200.jpg

Diễn đàn Kinh tế sẽ đề cập tới nguy cơ đại dịch ấy qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong tiết mục chuyên đề hàng tuần do Việt Long thực hiện sau đây.

Mối nguy từ những năm trước

Hỏi : Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trên diễn đàn này trong hai chương trình liên tiếp ngày mùng ba và mùng 10 tháng Hai năm ngoái, chúng ta đã có dịp trao đổi về dịch cúm gà, với một số dự đoán về những gì có thể xảy ra. Gần hai năm sau, mối nguy đó không thuyên giảm như chính quyền Việt Nam đã thông báo lúc ấy, mà còn gia tăng. Và đến nay, Việt Nam có số tử vong cao nhất trong các nước đã gặp dịch bệnh này. Vì vậy, trong chương trình tuần này, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ trở lại hồ sơ mà nhiều quốc gia cho là nguy kịch đó?

Đáp : Thưa vâng, trong các chương trình khi ấy, và trước đó, khi phân tách hậu quả của dịch viêm phổi cấp tính, gọi là dịch Sars, chúng ta có đề cập đến một bài toán kinh tế và nan giải của vấn đề là “quản lý thông tin”. Có khi xuất phát từ giống chim, các loài chim thiên di hay thủy cầm, dịch cúm này có thể lan từ giống cầm qua người và biến thể để lan từ người qua người. Lúc ấy, ta sẽ có đại dịch, là điều cả thế giới đang lo sợ mà nhiều người Việt vẫn dửng dưng.

Đây là trách nhiệm về quản lý thông tin của bộ máy hành chính nhà nước. Lần này, so với dịch Sars thì ít có nạn ém nhẹm thông tin, nhưng các chỉ thị của Hà Nội đã không được các nơi chấp hành đồng bộ, trong khi dân chúng lại không biết sợ vì thấy nhà nước báo động rồi lại thôi. Ngày nay, khi thấy từ Thủ tướng tới các bộ và cơ quan gọi nhau đi thanh tra dịch cúm, người dân cho là lãnh đạo lại bày trò sốt sắng, có khi để đòi quốc tế viện trợ, chứ chắc là tình hình cũng chưa đến nỗi nào…

Hỏi : Nhưng vì sao ông cho là dân chúng chưa thấy lo ngại với nguy cơ này?

Đáp : Vì nhiều người cho rằng một dịch bệnh chỉ khiến hơn bốn chục triệu người chết trong vòng ba năm qua thì cũng chẳng đáng làm ầm ĩ. Chúng ta có thấy điều ấy qua bản tin hôm 14 vừa qua của VNExpress. Nhiều người tại miền Bắc có vẻ thờ ơ với nguy cơ dịch bệnh này, có thể là bị bão hòa về thông tin, tức là nghe mãi rồi chán, trong khi cả thế giới đang chuẩn bị đối phó.

Đại dịch cúm toàn cầu?

Hỏi : Thế giới vô cùng lo lắng vì nguy cơ dịch bệnh này và có những chuẩn bị, xin ông cho biết như thế nào và so sánh với Việt Nam thì ra sao?

Đáp : Thưa vâng, tuần qua, các tổ chức chuyên môn về y tế, lương thực và sức khỏe của gia súc đã họp tại Geneve và đề nghị ngân sách một tỷ rưỡi Mỹ kim trong ba năm để ngăn ngừa dịch bệnh và cấp cứu nạn nhân. Trước đó một tuần, hôm mùng một tháng này, Tổng thống Hoa Kỳ đã công bố Chiến lược Quốc gia Chống Dịch bệnh và xin Quốc hội chuẩn chi ngân khoản bảy tỷ mốt cho kế hoạch ấy, trong đó có hơn 250 triệu để phát hiện và chặn đứng dịch bệnh trên toàn cầu trước khi tai họa xảy ra.

Ngân hàng Thế giới cũng dự báo là nếu đại dịch xảy ra, kinh tế thế giới sẽ bị mất khoảng 800 tỷ Mỹ kim so với tổng sản lượng của toàn cầu cho một năm là hơn 40 ngàn tỷ, đây là chưa nói đến thiệt hại về nhân mạng.

Nói chung, thế giới càng hiểu biết thì càng thấy lo, vì hiểu rằng cho đến nay, khoa học y tế chưa có cách chống lại dịch bệnh này; trái lại, càng không biết thì mình càng dễ mắc hoạ khi thiên hạ đã có chuẩn bị mà mình thì không. Hoàn cảnh ấy thật ra rất đáng lo cho Việt Nam.

Hỏi : Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội cũng đã báo động và còn chuẩn bị huy động công an và quân đội vào chiến dịch diệt trừ cúm gà này. Nghĩa là Việt Nam cũng có dự phòng đấy chứ?

Đáp : Chính là cách dự phòng ấy mới cho thấy nhiều điều đáng ngại. Khi huy động công an và quân đội thì nhà nước muốn đối phó với người nuôi gà chứ không phải là với con gà. Sở dĩ như vậy là vì người dân không tin nhà nước và không sợ dịch bệnh mà chỉ nghĩ đến nguồn lợi tức của mình là con gà và trái trứng. Ta có một kịch bản bi quan nhất của cách xử lý.

Tại các tỉnh miền Nam, giới chăn nuôi tương đối đã đi vào sản xuất mở rộng với nhiều trại gà vịt có quy mô lớn. Và người dân nói chung có nhiều thông tin và ý thức được thân phận của họ lẫn nên còn chịu khó chấp hành chính sách nhà nước và đành hy sinh bầy gia cầm đang nuôi dù không tin là mình được đền bù xứng đáng. Vì vậy, việc tiêu hủy gia cầm để ngừa dịch dù sao cũng còn có kết quả ở trong Nam, tương đối thôi nhưng cũng có kết quả.

Hỏi : Ông nói vậy là muốn so sánh với tình hình các tỉnh miền Bắc hay sao?

Đáp : Thưa vâng, tại miền Bắc, việc chăn nuôi và sản xuất vẫn còn manh múm, với quy mô nhỏ trong từng hộ gia đình nên việc thanh tra kiểm soát có khó khăn hơn. Ngoài lý do kinh tế ấy còn một lý do tâm lý đáng kể nữa. Thuộc phe chiến thắng vì có góp phần xương máu cho cuộc chiến vừa qua, lại chịu cực cao hơn vì nghèo hơn, người dân nơi đây không sợ nhà nước.

Phản ứng xin tạm gọi là “công thần” và “chai lỳ”, thậm chí “ăn vạ” khiến họ không dễ gì tuân hành mệnh lệnh của cán bộ công an. Vì vậy, việc diệt trừ gia cầm để ngừa dịch khó có kết quả. Điều ấy cũng giải thích vì sao người dân nơi ấy cho rằng “chuyện không có gì mà ầm ĩ”.

Đây là ta chưa nói đến tệ nạn tham nhũng và cách tổ chức quá thô thiển của chính quyền khi phải đối phó với một dịch bệnh nguy ngập như vậy.

Vai trò của chính quyền

Hỏi : Ông thường hay nói rằng chính quyền này độc tài mà yếu, quản lý rộng mà nông nên ít có khả năng tiếp cận và huy động dân chúng khi gặp thiên tai hay đại họa bất ngờ. Liệu trường hợp ấy có đang xảy ra hay không?

Đáp : Thưa đúng vậy. Tôi xin đơn cử một thí dụ kinh tế là chiến dịch phát hành trái phiếu đã dẫn đến tệ nạn cưỡng bách tiết kiệm trong các công sở, với lãi suất thấp, để cán bộ lập thành tích báo cáo lên trên. Một thí dụ thứ hai là thuốc Tamiflu.

Đây chỉ là thuốc làm chậm nhịp phát tác của bệnh cúm gà và việc sản xuất, trong giả thuyết tổ hợp Roche của Thụy Sĩ đồng ý cho Việt Nam sản xuất theo công thức của họ, cũng đòi hỏi nhiều thời gian, thủ tục và kỹ thuật mà Việt Nam chưa kịp nắm vững.

Vậy mà giải pháp phòng thủ rất tiêu cực và thụ động này đã có thể gây lạm dụng. Nào là nạn làm thuốc giả, nào là thuốc viện trợ thì đem tuồn ra ngoài để bán chợ đen. Cũng vậy, khi quốc tế viện trợ tài chính để đền bù thiệt hại cho dân nuôi gà vịt thì có người ăn chặn trong bộ máy công quyền, điều ấy khiến dân chúng càng muốn tránh né và không chấp hành chỉ thị của nhà nước.

Hỏi : Trong khi ấy, vi khuẩn nhiễm bệnh có khi lại biến đổi để chống lại khả năng kháng sinh của người bệnh và nhảy từ người qua người, như người ta đã báo động và dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan?

Đáp : Cho đến nay, Việt Nam đã học Trung Quốc thi hành việc chủng ngừa gia cầm mà, thứ nhất, không biết là loại thuốc chủng ấy có công hiệu không; thứ hai là sau khi được tiêm chủng, mấy trăm triệu con gà ấy biến thái thế nào, ai ăn loại gà ấy sẽ ra sao, ta cũng chưa rõ.

Trước nguy cơ dịch bệnh có thể làm cả triệu người mất mạng, ta chưa biết chính quyền sẽ xử lý ra sao, đã làm được những gì cụ thể, hữu ích.

Không thấy các cơ quan hữu trách lập ra trang thông tin trên Internet hay mở chiến dịch giải thích bằng truyền đơn để dân chúng biết rõ lợi hại cho chính mình, nhưng lại thấy tờ Nhân Dân loan tin hôm 14 là xông khói bồ kết thì chống được cúm gia cầm. Thật khó tin là biện pháp ấy sẽ có kết quả mà hình như nhà nước cũng chưa có cuộc nghiên cứu khoa học nào về chuyện này.

Nguy cơ của đại dịch

Hỏi : Nhìn trên toàn cảnh, và từ bên ngoài, ông nhận xét ra sao về nguy cơ này, cho kinh tế Việt Nam và Đông Á?

Đáp : Tôi có đôi chút lạc quan khi tin tưởng vào khả năng của loài người trong cuộc chạy đua giữa khoa học và tử thần. Năm 1918, nhân loại đã có dịch cúm Tây Ban Nha khiến đâu đó hơn 40 triệu người thiệt mạng, tức là khoảng 2% dân số thời ấy.

Bốn mươi năm sau, đại dịch năm 1957 khiến hai triệu người chết, dù là một con số rất lớn thì cũng chỉ bằng 0,05% dân số toàn cầu thời ấy.

Mười năm sau, trận dịch năm 1968 làm mấy trăm ngàn người chết, tức là ít hơn rất nhiều so với hai lần trước. Các nhà khoa học dự đoán là một cơn đại dịch nữa có thể sẽ xảy ra và xảy ra khá sớm.

Tuy nhiên, nhân loại đã có tiến bộ, từ năm 1929 còn tìm ra và phổ biến dưới diện thương mại thuốc kháng sinh từ chất penicilin, cho nên tôi thành thật mong là thiệt hại về nhân mạng sẽ không quá cao.

Hỏi : Đó là yếu tố lạc quan, nhưng, thực tế có được như vậy ở mọi nơi hay chăng?

Đáp : Thưa chúng ta phải nhìn ra một sự thể khách quan là thành tựu của khoa học ấy chỉ có kết quả tại các xã hội có trình độ tổ chức cao, nói chung là tại các nước giàu có, đã phát triển. Khi đại dịch xảy ra, các xứ này có thể giới hạn được tổn thất về cả nhân mạng lẫn kinh tế vì có chuẩn bị và có sẵn một hệ thống y tế và thú y đã phát triển.

Các nước nghèo thì không như thế. Ta nhìn ra yếu tố văn hóa chung là “nghèo nên hay mơ”, là tập quán coi thường mạng sống nên đánh giá thấp mức hiểm tai của dịch bệnh. Trung Quốc và Việt Nam thuộc loại ấy, lại có thói bưng bít của chế độ cộng sản, nên thiệt hại nhân mạng có thể là số triệu.

Ngoài ra, cũng tại Đông Á, trình độ tổ chức có thể dẫn tới kết quả khác biệt, thí dụ như Nhật Bản và Malaysia đã bị nhiễm, nhưng mau chóng diệt sạch mầm bệnh. Thái Lan là quốc gia xuất khẩu nhiều gia cầm nhất Đông Á, cũng đã bấm bụng tiêu hủy gia cầm để ngừa dịch.

Thuần về kinh tế, vốn bén nhạy hơn giới kinh tế về những yếu tố cận kề, các thị trường chứng khoán Á châu đều ý thức được mối nguy đại dịch và nạn suy trầm sản xuất sắp tới nên giới đầu tư chờ đợi một tỷ lệ hiểm tai rất cao, gọi là risk premium vì cúm gà.

Trong khi ấy, nhiều xứ bị rủi ro cao nhất lại vẫn cứ hồn nhiên, theo quy luật các cụ ta gọi là “điếc không sợ súng”. Việt Nam thuộc trường hợp ấy. Khi nào thấy du khách hay thân nhân hủy bỏ chuyến bay hoặc không về ăn Tết Bính Tuất nữa, may ra người dân sẽ hiểu và đòi nhà nước phải có tinh thần trách nhiệm cao hơn. Mong rằng điều ấy sớm xảy ra, vì thà sợ hão còn hơn bị thật.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.