Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào những ngày cuối năm, theo lệ thường của người Việt, từ những nhà buôn đến người dân thường, ai ai cũng muốn trang trải hết nợ nần để thanh thản đón Tết.

Một cách đơn giản để làm đươc điều đó là đem những vật dụng tương đối có giá trị của mình đến gửi tại một điểm “dịch vụ cầm đồ” và lấy một khoản tiền, với hy vọng sang năm mới, sẽ có đủ tiền đem đến chuộc lại món đồ đã gửi.
Thời gian gần đây, dịch vụ này càng ngày càng phát triển mạnh, nhất là tại các thành phố lớn và lan rộng ra cả ở nông thôn. Vào năm 2002, một nghiên cứu nhỏ của Viện Khoa Học Lao Động và Xã Hội tại Hà Nội đã cho biết chỉ riêng ở Hà Nội thôi, đã có khoảng 500 cửa tiệm cầm đồ. Theo tài liệu này, thủ tục xin thành lập dịch vụ cầm đồ phức tạp chứ không gặp khó khăn.
Có lẽ chính vì thế mà suốt từ năm 1995 cho đến nay, càng ngày dịch vụ cầm đồ càng nở rộ từ Bắc vào Nam. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin dành để gửi tới quí vị ý kiến của một số người dân về dịch vụ này.
Đang phát triển mạnh
Theo lời của ông Lê Ngự Bình, hiện đang làm việc tại Viện Khoa Học Lao Động và Xã Hội cho biết, thì dịch vụ cầm đồ là một hình thức cho vay nóng và hoạt động của nó đang phát triển rất mạnh, ông nói:
“Phát triển rất nhiều, hoạt động cầm đồ ở Việt Nam rất phát triển, kể cả ở khu vực nông thôn cũng manh nha phát triển rồi.”
Phát triển rất nhiều, hoạt động cầm đồ ở Việt Nam rất phát triển, kể cả ở khu vực nông thôn cũng manh nha phát triển rồi.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa Học Lao Động và Xã Hội thì hoạt động của các hiệu cầm đồ rất khác nhau, tùy theo qui mô và tuỳ theo điạ bàn hoạt động. Có thể chia làm hai khu vực: thành thị và nông thôn.
Ở thành thị, các hiệu cầm đồ dưới hình thức kinh doanh nên thường có qui mô lớn, có vốn cao, trung bình khoảng 2 tỷ đồng, có hiệu cầm đồ còn có cả kho chứa tài sản, quầy bán tài sản mà được gọi là thanh lý hàng của người đi cầm. Hiện nay, thông thường, mức cho cầm, tức số tiền mà hiệu cầm đồ đưa cho khách chỉ khoảng phân nửa giá trị món hàng.
Nhưng nếu là người quen biết thì lại khác. Trong khi đó, ở nông thôn, dịch vụ cầm đồ xuất hiện ở thị trấn và hoạt động song song với các dịch vụ khác. Mức cho cầm tối đa là 50% giá trị tài sản và chủ yếu là người quen biết. Thế còn đối tượng khách ở thành thị thì sao?
Anh Danh, chủ nhân một tiệm cầm đồ ở quận 10, Sài Gòn cho biết: "Khách lương thiện không à, nhiều khi sinh viên người ta kẹt tiền đóng học phí, đâu phải ai cũng bất hảo đâu."
Trong khi đó, chủ nhân một tiệm cầm đồ ở Hoà Hưng, thì cho hay rằng: "Đủ mọi tầng lớp, người lao động có, người buôn bán có, công nhân viên nhà nước cũng có, sinh viên thì ít."
Tài sản cầm cố
Về tài sản cầm cố, thông thường, ở thành thị, thì người đi cầm thường dùng tài sản cá nhân có giá trị, gọn nhẹ như điện thoại di động, đồ điện tử, đồng hồ đeo tay, nữ trang. Nhưng, không hẳn luôn luôn là như vậy. Theo lời cô Hoàng Anh ở Sài Gòn cho biết thì:
“Người ta cầm nhiều lắm, xe đạp, xe gắn máy, xe gì cũng có cầm hết. Em thấy dịch vụ cầm đồ này cũng giúp cho người ta nhiều lắm nhưng chỉ có tạm thời thôi. Nhiều khi người ta thiếu tiền, lo lắng gia đình, hay là cờ bạc, người ta thiếu tiền….chỉ thành phần đó là thường cầm đồ.”
Riêng với chủ nhân các tiệm cầm đồ, thì điều lo lắng là cầm phải hàng nhái, hàng giả, thế nên, bà Hạnh, chủ nhân tiệm cầm đồ Hoà Hưng cho hay:
Người ta cầm nhiều lắm, xe đạp, xe gắn máy, xe gì cũng có cầm hết. Em thấy dịch vụ cầm đồ này cũng giúp cho người ta nhiều lắm nhưng chỉ có tạm thời thôi. Nhiều khi người ta thiếu tiền, lo lắng gia đình, hay là cờ bạc, người ta thiếu tiền….chỉ thành phần đó là thường cầm đồ.
“Mình phải biết mọi mặt hàng, chuyên môn mình phải biết. Họ nói thì mặc họ, mình phải có nhận xét của mình. Nghề cầm đồ phải tiếp xúc với mọi tầng lớp của xã hội. Phải biềt uốn nắn tuỳ theo người, tùy theo lúc, chứ không theo một mực thước nào cố định cả. Có khi tôi phải nép mình một tí mà vẫn bị người ta làm tới.
Nhưng cái đó là nghề nghiệp, mình phải chịu thôi. Có khi gặp những người côn đồ, hàng của người ta để quá lâu, mình phải thanh lý, người ta đến có thể nói những câu nặng lời…Vì nghề nghiệp, mình phải chịu đựng.”
Ở thành thị thì như thế, còn ở nông thôn thì sao, chị Ngọc Hạnh ở Vỹ Dạ, Huế thì cho biết rằng, người dân ở nông thôn đa số đều rất chừng mực, chi tiêu dè sẻn, vừa phải, nên chỉ khi nào kẹt lắm thì mới đi cầm, hay những gia đình nào không may có người vưóng vào nghiện ngập hay cờ bạc thì gần như thế nào cũng phải đến với dịch vụ cầm đồ. Chị nói:
“Nông thôn thì họ “chững” lắm, Tết nhất đến là họ lo dự trữ, gạo thóc hết rồi… muà này là họ đem đậu, mè.. đem ra bán tết. Dịch vụ cầm đồ là đa số ở nơi cờ bạc này kia thôi, như cầm xe…chứ còn ở nông thôn thì không.
Cái đó là nguy cơ mất của luôn, ví dụ như có chiếc xe đem đi cầm, được 5 triệu, nhưng khi để quá ngày, lãi dâng lên thì làm sao mà lấy được nữa…chuộc lại thì hiếm lắm!”
Giúp cho người kẹt tiền
Chị Thuý, một nữ y tá ở quận 3, Sài Gòn cũng cho rằng, cầm đồ là một dịch vụ giúp cho người kẹt tiền dễ xoay sở, thay vì đến ngân hàng làm thủ tục lôi thôi, mất thời giờ, nhất là khi trong gia đình có thân nhân bị bệnh, cần phải lo viện phí và thang thuốc. Chị cho hay:
“Có những người cần tiền để sống, cũng như tiền gọi là mượn trước trả sau, nên có những dịch vụ cầm đồ này để người ta xoay sở cuộc sống của người ta, thì đâu có hại. Nhưng tùy theo dịch vụ cầm đồ, có chỗ đồng tiền lời ít thì đỡ cho dân, có những tiền lời cắt cổ thì chỉ có chết. Và cũng có mặt sai của dịch vụ cầm đồ là những người cờ bạc cầm để đánh bài, đánh bạc.”
Cũng có ý kiến cho rằng, cầm đồ rồi thì chẳng bao giờ lấy lại được và nhất là các tiệm cầm đồ thì chỉ chờ có cơ hội là thanh lý mặt hàng ngay vì lợi nhuận cao. Về điểm này, bà Hạnh nói:
Tuỳ theo quan niệm và lương tâm của mình. Có những mặt hàng của người ta có giá trị cao, nhưng người ta để lâu, mình thanh lý không nỡ. Nhiều cái, nếu không kiên nhẫn, không dằn lòng thì cũng khó.
“Tuỳ theo quan niệm và lương tâm của mình. Có những mặt hàng của người ta có giá trị cao, nhưng người ta để lâu, mình thanh lý không nỡ. Nhiều cái, nếu không kiên nhẫn, không dằn lòng thì cũng khó.
Mình có lương tâm thì ở môi trường nào cũng xử lý bằng lương tâm thì không có gì để nói. Có những cái đáng ra người ta mất đi, người khách cứ ngỡ rằng mình đã bán đi, nhưng mình vẫn còn giữ để cho người ta chuộc lại, thì cái vui của người ta là cái hạnh phúc của mình.”
Với thủ tục đơn giản, người đi cầm đồ chỉ cần đem tài sản và các giấy tờ chứng minh đính kèm, sau đó, hai bên xem xét và thoả thuận rồi quyết định mức vay. Cuối cùng là làm giấy cầm, có nghĩa là hợp đồng, định hẹn thời gian chuộc lại và lời lãi bao nhiêu, thế là xong!
Thông thường, những người chuộc lại cũng rất khó vì nhiều lý do, người thì không đủ tiền, người thì để quá hạn kỳ…Cho nên, vào những năm đầu, dịch vụ cầm đồ được coi là dịch vụ hái ra tiền. Nhưng dạo sau này, các tiệm cầm đồ mọc lên như nấm, như bà Hạnh than thở:
“Bây giờ người ta mở quá nhiều, cầm đồ cạnh tranh lắm. Cầm thấp thì người ta không cầm. Cầm cao, người ta bỏ, mình lỗ, nếu hàng đó lỗi thời…Ngay cái đường của tôi, khoảng 500 mét, mà 7, 8 tiệm cầm đồ, chưa kể hàng ở trong xóm, chưa kể những người ở nhà người ta cũng cầm. Cho nên, cầm đồ bây giờ không có ăn, nếu nói là béo bở thì không còn nữa.”
Thưa quí vị và các bạn, một điều không thể phủ nhận là dịch vụ cầm đồ đáp ứng rất nhanh nhu cầu của người dân, nhất là ở vùng nông thôn. Được biết, dịch vụ cầm đồ hoạt động mạnh và nở rộ trong những khi có giải bóng đá và nhất là sau dịp Tết.
Có lẽ là vào mùa đó, dịch vụ cầm đồ phục vụ cho dân cá độ và người có máu “đỏ đen” nhiều hơn chăng? Thế nên, chẳng ngạc nhiên khi một phần nào đó, dư luận xã hội vẫn đánh giá không tốt về hoạt động này. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin dừng nơi đây. Hẹn gặp quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.