“Bonjour Vietnam” và Phạm Quỳnh Anh


2006.02.08

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Vào những ngày cận Tết, một số người Việt hải ngoại đã chuyền cho nhau nghe bài “Bonjour Vietnam” kèm theo hình của người hát, là một thiếu nữ sinh trưởng ở Bỉ.

QuynhAnh150.jpg
Nữ ca sĩ Phạm Quỳnh Anh. Photo courtesy of quynhanh-music

Được biết, cô tên Phạm Quỳnh Anh, 19 tuổi, hiện nay qua lại Paris để xúc tiến việc ca hát, tuy là vẫn ở với cha mẹ tại Mons, một thành phố nhỏ cách thủ đô Bruxelles của Bỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ lái xe, Thy Nga đã điện thoại sang, hỏi chuyện. Quỳnh Anh đang ở Paris thành ra mẹ cô, bà Trần thị Minh Huệ, cho biết như sau:

(xin theo dõi trong phần âm thanh phía trên

Tuy chúng tôi đã có nguyên bài “Bonjour Vietnam” do Quỳnh Anh hát nhưng tôn trọng tác quyền, Thy Nga chỉ xin phép được phát một đoạn để đáp ứng yêu cầu của nhiều thính giả mong được nghe.

Khi nào có sự đồng ý hoàn toàn, Thy Nga sẽ phát cả bài hát ấy đến quý thính giả.

“Bonjour Vietnam” …

Mến chào Việt Nam

Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi mà tôi đã đeo mang tự thuở chào đời Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi Ai nói rõ hơn tôi về những gì người không dám thốt Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh của chiến tranh, Một cuốn phim của Coppola (*), [và] những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ... Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn người Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam Hãy kể tôi nghe về màu da, mái tóc và đôi bàn chân đã cưu mang tôi tự thuở chào đời. Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe những điều chưa biết, Về những phiên chợ nổi trên sông và những con thuyền tam bản bằng gỗ. Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh của chiến tranh, Một cuốn phim của Coppola, [và] những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ... Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam Chào hỏi giùm những người cha của tôi, những ngôi chùa và những tượng Phật bằng đá, Chào hỏi giùm những bà mẹ của tôi, những phụ nữ đang cong lưng trên ruộng lúa, Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, tôi thấy lại những người anh, tôi về với tiếng lòng, với cội nguồn, với đất mẹ quê cha... Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam (2 lần)

(Lời dịch sang tiếng Việt của Đào Hùng)

Bài hát này gây xúc cảm cho rất nhiều người, trong số đó, ông Sơn Nghị đã viết bài “Bonjour Vietnam” mà Thy Nga xin trích thuật vài câu sau đây:

Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi, mà tôi đã đeo mang tự thuở chào đời. Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi, Ai nói rõ hơn tôi về những gì người không dám thốt...

“Giọng hát Quỳnh Anh cao vút, rồi trầm lắng vào những đoạn nhắn gửi. Cô chỉ nghe nói đến mảnh đất này qua sách báo, qua phim ảnh mà chưa hề đặt chân đến.

Ôi! bản nhạc diễn tả nỗi khắc khoải của lớp trẻ muốn tìm về cội nguồn để thấy lại màu da, để ngửi mùi của đất, của núi rừng và biển mặn, và từ đó hiểu được nỗi cơ cực của cha ông đã từng giữ nước bằng máu và mồ hôi.

Tôi thương nhất hai tiếng “Việt nam” Quỳnh Anh buông nhẹ ở cuối bài hát … nghe như hương thơm ngày cũ phả nhẹ vào lòng tôi …”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.