Nhà báo Phan Khôi, người mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới
2007.10.14
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Chương trình VHNT hôm nay Mặc Lâm mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu phê bình lý luận văn học Lại Nguyên Ân xoay chung quanh một khuôn mặt sáng chói của nền học thuật nước nhà vào thời kỳ đầu phôi thai của văn học chữ quốc ngữ, đó là nhà báo Phan Khôi, một người mà cho tới nay mặc dù đã có những đóng góp quan trọng cho nền học thuật Việt Nam nhưng những thông tin về ông vẫn còn quá ít ỏi, đến nỗi nhiều thế hệ sau năm 1975 hoàn toàn mù mờ về tên tuổi cũng như sự nghiệp của ông.
Một học giả tên tuổi
Phan Khôi là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, nhà báo về sau đứng trong trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, tuy đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới.
Phan Khôi được biết đến nhiều như một nhà báo tài năng, một người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Ông rất nổi tiếng vì sự trực ngôn, trước 1945 được mang danh là Ngự sử văn đàn. Ông phê phán chính sách cai trị của người Pháp một cách mạnh mẽ, đối thoại với học giới từ Bắc đến Nam không e dè kiêng nể bất cứ ai cho dù người đó là anh em ruột thịt của mình.
Phan Khôi sinh năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con của ông Phan Trân, tri phủ Điện Khánh, và là cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, người rất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam khi tuẫn tiết vì thành Hà Nội thất thủ vào tay người Pháp năm 1882.
Năm 1907, sự nghiệp làm báo của Phan Khôi bắt đầu khi ông ra Hà Nội, làm việc cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo. Khi tờ tạp chí bị cấm ông về Nam Định rồi về Hải Phòng ẩn náu. Ít lâu sau ông lén về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế, ông bị bắt và giam tại nhà tù Quảng Nam đến năm 1914 thì được ân xá.
Ra khỏi tù, ông lại về Hà Nội viết cho báo Nam Phong. Vì bất bình với Phạm Quỳnh, ông bỏ Hà Nội vào Sài Gòn cộng tác với tờ Lục Tỉnh Tân Văn. Năm 1920, ông lại trở ra Hà Nội viết cho báo Thực Nghiệp Dân Báo và báo Hữu Thanh. Năm 1928, Thực Nghiệp Dân Báo và Hữu Thanh bị đóng cửa, ông lại trở vào nam viết cho báo Thần Chung và Phụ nữ tân văn. Năm 1931, Phan Khôi trở ra Hà Nội viết cho tờ Phụ nữ thời đàm.
Các tác phẩm chính của ông đã in thành sách: Chương Dân thi thoại (1936) Trở vỏ lửa ra (1939) Việt ngữ nghiên cứu (1955) Tình già (thơ mới - 1932) Bàn về tế giao (1918) Ngẫu cảm (thơ chữ Hán) Viếng mộ ông Lê Chất (thơ chữ Hán) Ông Năm chuột (truyện ngắn)
Trong thời gian 1956-57, là một trong những người thành lập tờ Nhân Văn và có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ, ông bị cấm sáng tác cho đến khi qua đời năm 1959 tại Hà Nội.
Tôi đã theo những tài liệu như Tổng Mục Lục của Tạp Chí Nam Phong thì tìm ra được những bài của Chương Dân ở trên tờ Nam Phong. Sau đó theo cái nguồn được biết là Phan Khôi đã viết cho Lục Tỉnh Tân Văn nhưng rất là ít và thời gian này ông ra Bắc và tôi theo dõi Phan Khôi qua nhiều tài liệu khác nữa.
Những tác phẩm đặc sắc
Trong nổ lực tìm kiếm và trập trung những bài viết cũng như những tài liệu có liên quan đến tác giả Phan Khôi, khởi sự từ năm 2001 nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân đã sưu tầm nhiều tác phẩm đã đăng báo cùng nhiều tài liệu quan trọng khác của nhà báo Phan Khôi, câu hỏi đầu tiên chúng tôi muốn tìm hiểu về quá trình sưu tập và biên soạn này, nhà phê bình Lại Nguyên Ân cho biết:
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân: Trong họat động sưu tầm của tôi, tôi đã lấy những bài những bài tôi sưu tầm được cụ thể tôi ra tập thứ nhất là Phan Khôi, tác phẩm đăng báo năm 1928, khoảng 450 trang.
Tập thứ hai là Phan Khôi, tác phẩm đăng báo năm 1929, nó dày gần 900 trang, tập thứ ba Phan Khôi, tác phẩm đăng báo năm 1930, dày 1010 trang và tác phẩm mới nhất là tập Phan Khôi, tác phẩm đăng báo năm 1931, dày 1032 trang.
Mặc Lâm: Thưa ông, nếu được xin ông cho biết phương pháp làm việc của ông để tập trung phân loại cũng như giới thiệu một số tài liệu của học giả Phan Khôi. Qua nhiều năm như vậy ông đã bắt đầu biên soạn từ giai đoạn nào?
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân: Tôi đã theo những tài liệu như Tổng Mục Lục của Tạp Chí Nam Phong thì tìm ra được những bài của Chương Dân ở trên tờ Nam Phong. Sau đó theo cái nguồn được biết là Phan Khôi đã viết cho Lục Tỉnh Tân Văn nhưng rất là ít và thời gian này ông ra Bắc và tôi theo dõi Phan Khôi qua nhiều tài liệu khác nữa.
Mặc Lâm: Có lẽ sự nghiệp của nhà báo Phan Khôi nổi bật nhất qua những bài viết phê bình Tống Nho đã áp đặt lên xã hội Việt Nam hàng ngàn năm, đặc biệt là áp đặt và đàn áp có hệ thống người phụ nữ, trong lúc nghiên cứu về tác giả Phan Khôi ông có phát hiện gì về những bài viết này thưa ông?
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân: Khởi đầu Phan Khôi đã đăng ở trên báo Thần Chung ở Sài Gòn cái loạt bài dài có nhan đề chung là ảnh hưởng của Khổng Giáo ở nước ta, bài này về sau thì những người ở thế hệ sau Phan Khôi như Hoài Thanh, Lê Thanh, Lê Tràng Kiều chẳn hạn thì đều gọi loạt bài này là 21 bài phê Khổng Giáo.
Mặc Lâm: Thưa ông, trong cuốn 13 Năm tranh luận văn học của Linh Mục Thanh Lãng có sưu tầm được một số bài viết rất mạnh mẽ của Phan Khôi và nhiều người khác tranh luận về đề tài "Có Một Nền Quốc Học Việt Nam hay không" Xin ông cho biết nội dung về việc này đã bắt đầu như thế nào?
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân: Vào khoảng năm 1931- 1932 một người không xa lạ gì với Phan Khôi, em rể hay anh rể gì đấy tức là Lê Dư người lấy em gái của Phan Khôi có viết vài cuốn nói về Văn Học Sử của Việt Nam và ông ấy đề xướng xây dựng một thứ quốc học và Lê Dư đã bị một số người lên tiếng chống đối và trong đó mạnh mẽ nhất là Phan Khôi.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân về những chi tiết mà ông cho biết về tác giả Phan Khôi trong buổi nói chuyện ngày hôm nay.
Kính thưa quý vị, chương trình VHNT của đài Á Châu Tự Do sẽ trở lại với học giả Phan Khôi thêm một kỳ nữa để nói về những tác phẩm đặc sắc của ông cũng như những hệ lụy mà ông phải chịu trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, mời quý vị nhớ theo dõi.
Những bài liên quan
- Nói chuyện với nhà báo Võ đắc Danh (phần 2)
- Nói chuyện với nhà báo Võ đắc Danh (phần 1)
- Nguyễn thị Minh Ngọc: nhà văn, diễn viên, đạo diễn và nhà biên kịch (phần 1)
- Nhà văn Hoàng Đạo và Thạch Lam của Tự Lực Văn Đoàn
- 2 nhà văn Nhất Linh và Khái Hưng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn
- Tìm hiểu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn
- Phỏng vấn nhà thơ Viên Linh về giải thưởng do báo Khởi Hành khởi xướng
- Nói chuyện cùng nhà văn Trần thị NgH
- Nói chuyện với họa sĩ Trịnh Cung về đề tài hội họa Việt Nam hiện nay