Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Trong các sản phẩm nước mắm nổi tiếng của Việt Nam có loại nước mắm sản xuất ở đảo Phú Quốc. Nhưng tên gọi với xuất xứ Phú Quốc cũng bị sử dụng tùy tiện ở cả trong và ngoài nước, gây thiệt hại cho nhà sản xuất và quyền lợi ngừơi tiêu dùng.

Nam Nguyên trình bày thông tin này nhân sự kiện Việt Nam xúc tiến đăng ký bảo hộ nước mắm Phú Quốc tại Châu Âu, mời quí thính giả theo dõi.
Mỗi năm 82 triệu dân Việt sử dụng hết hơn 200 triệu lít nước mắm, trong đó có hai loại xuất xứ từ Phú Quốc và Phan Thiết là phổ biến và được ưa chuộng nhất.
Riêng nước mắm Phú Quốc là đặc sản nổi tiếng thế giới, khiến các nhà sản xuất ở Thái Lan cũng lập lờ in dòng chữ Nước Mắm Phú Quốc trên một số thương hiệu nước mắm do họ sản xuất.
Nước mắm Phú Quốc nhưng sản xuất ở Thái Lan xuất khẩu nhiều vào thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ. Chỉ dẫn xuất xứ địa lý Phú Quốc bị tước đoạt không chỉ ở nước ngoài mà ngay tại Việt Nam.
Chỉ có 6% là chính hiệu
Theo Hiệp Hội Sản Xuất Nước Mắm Phú Quốc, thì trên thị trường trong nước chỉ có khoảng 6% nước mắm mang tên Phú Quốc là thật sự được sản xuất ở đảo Phú Quốc, với sản lượng hàng năm khoảng 12 triệu lít.
Bà Nguyễn Thị Tịnh chủ tịch Hiệp Hội Sản Xuất Nước Mắm Phú Quốc giải thích với chúng tôi về định nghĩa thế nào là nước mắm Phú Quốc chính hiệu:
“Nước mắm Phú Quốc phải được làm chuyên bằng cá cơm tươi, đánh bắt trong vùng biển Phú Quốc Kiên Giang. Muối thì phải thuần sử dụng muối của Bà Rịa Vũng Tàu, cá cơm đánh bắt vớt từ biển lên, được loại bỏ tạp chất, cá cơm tươi được muối ngay dưới hầm tàu.
Khi về bến để giao cho nhà sản xuất, cá phải được chượp muối bằng thùng gỗ với qui trình sản xuất là 12 tháng, phải để lên men tự nhiên theo phương pháp cổ truyền không cho tác động bất cứ hình thức khoa học nào. Một kg cá thì được 0,65 lít nước mắm bình quân 30 độ đạm.”
Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Thuỷ Sản Việt Nam đã ban hành quy định về chỉ dẫn xuất xứ địa lý đối với nước mắm Phú Quốc, đây là khung pháp lý để Hiệp Hội áp dụng, tuy vậy việc kiểm soát sẽ không phải là một điều dễ thực hiện.
Bà Nguyễn thị Tịnh tiếp lời: "Để được sử dụng tên gọi xuất xứ Nước Mắm Phú Quốc các nhà sản xuất phải thực hiện đúng như qui chế của Bộ Thuỷ Sản về qui trình sản xuất, cũng như tiêu chuẩn của nước mắm, và điều quan trọng là phải được sản xuất và đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc."
Chỉ dẫn xuất xứ địa lý
Từ trước tới nay trên thị trường nội địa, các nhà sản xuất ở khắp mọi nơi đặc biệt là Bà Rịa Vũng Tàu và TP.HCM, hàng ngàn cơ sở sản xuất nước mắm đã sử dụng nhãn hiệu Nước Mắm Phú Quốc mà không quan tâm gì tới quan niệm khá mới mẻ là chỉ dẫn xuất xứ địa lý.
Tình trạng này có thể sẽ bị xem là vi phạm pháp luật, khi qui định của Bộ Thuỷ Sản chính thức có hiệu lực trong thời gian sắp tới. Thay lời cho Hiệp Hội Sản Xuất Nước Mắm Phú Quốc bà Nguyễn Thị Tịnh cho biết:
“ Là những người sản xuất chúng tôi sẽ đấu tranh để bảo vệ sản phẩm truyền thống của mình, một sản phẩm đã được nhà nước bảo hộ. Sắp tới chúng tôi thành lập ban kiểm soát cho tên gọi Nước Mắm Phú Quốc. Ban Kiểm soát sẽ phải kiểm soát từ nguyên liệu đầu vào là cá cơm Phú Quốc và đầu ra đúng theo tiêu chuẩn, độ đạm tổng tối thiểu là 20 độ và tối đa là 42 độ đạm.”
Theo tin Hiệp Hội, trong năm 2005 các nhà sản xuất nước mắm ở đảo Phú Quốc sẽ cho ra sản lượng khoảng 12 triệu lít, trong đó xuất khẩu khoảng nửa triệu lít sang thị trường Châu Âu. Việt Nam đang xúc tiến hồ sơ xin bảo hộ thương hiệu quốc gia Nước Mắm Phú Quốc trên toàn lãnh thổ Liên Minh Châu Âu EU.
Được biết ở Phú Quốc có khoảng 100 cơ sở sản xuất nước mắm, trong đó 20 nhà sản xuất tham gia công ty Quốc Dương và thiết lập nhà máy vô chai nước mắm theo công nghệ hiện đại, Quốc Dương được tập đoàn UniLever bao tiêu toàn bộ sản lượng 6 triệu lít nước mắm dưới thương hiệu Nước Mắm Phú Quốc Knorr và đưa vào kênh phân phối ở thị trường Việt Nam.