Ông Phùng Ðắc Lộc: "Mở cửa thị trường là có đi có lại"

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam với doanh số hàng năm tương đương hơn nửa tỷ đô la, nay đã mở cửa rộng rãi cho các công ty Hoa Kỳ. Đây là một phần sự mở cửa thị trường tài chánh trong nước mà chính phủ Việt Nam đang thực hiện, trong nỗ lực xin gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

PrudentialAd150.jpg
Mẫu quảng cáo của Prudential Vietnam. Photo courtesy of Prudential.com.vn

Từ Bangkok Nam Nguyên phỏng vấn ông Phùng Đắc Lộc Tổng Thư Ký Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam trụ sở tại Hà Nội. Mời quí thính giả theo dõi:

Nam Nguyên: Sự kiện phái đoàn Phan Văn Khải lúc có mặt ở Mỹ đã trao giấy phép họat động cho hai công ty lớn của Mỹ. Thị trường bảo hiểm nhân thọ được cho là sẽ mở cửa với tốc độ nhanh. Thưa ông Việt Nam, có đang nhường sân chơi quan trọng này cho các đại gia của thế giới hay không ?

Phùng Đắc Lộc: Tôi nghĩ rằng, việc mở cửa này đã được thực hiện trong định hướng chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam được chính phủ phê duyệt.

Chúng tôi đã có định hướng là mở cửa để hội nhập quốc tế. Chúng tôi biết rằng muốn hội nhập quốc tế thì phải mở cửa thị trường và họ cũng mở cửa cho chúng tôi.

Vấn đề là phải có đi có lại chứ không thể nào anh cứ đóng cửa rồi lại đòi thâm nhập thị trường nước ngoài. Tôi nghĩ rằng, mở cửa thị trường bảo hiểm, một trong những thị trường tài chính là tốt, xu hướng là tốt đúng như định hướng mà chính phủ đã đề ra.

Khuynh hướng bảo hộ

Nam Nguyên: Khuynh hướng bảo hộ đã lỗi thời, các nhà bảo hiễm nhân thọ trong nước phải làm gì để tồn tại theo ý ông ?

Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Phùng Đắc Lộc: Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chỉ duy nhất có Bảo Việt ( Tổng Công Ty Bảo Hiểm Việt Nam) là có bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra còn có 4 doanh nghiệp trong đó có 3 là 100% vốn nước ngoài gồm Pru (prudential), AAA và Manulife, cùng liên doanh Bảo Minh CMG.

Tôi nghĩ rằng tư tưởng mở cửa thì các doanh nghiệp đã xác định rồi, vì thế họ phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Thứ nhất là họ phải có các công nghệ mới, thứ hai là phải có sản phẩm mới, thứ ba là phải có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp và hệ thống đại lý để chiếm lĩnh thị trường.

Tư tưởng và chiến lược bảo hiểm của các doanh nghiệp đã được thể hiện rõ trong năm vừa rồi, nhất là Pru. và Manulife cũng như Bảo Việt, sẵn sàng chờ đón mở cửa và chấp nhận cạnh tranh.

Nam Nguyên: Thưa ông, giảm lợi nhuận mất thị phần riêng cho Tổng Công Ty Bảo Hiểm Việt Nam là đơn vị quốc doanh. Theo quan niệm của Hiệp hội, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ích gì khi mở cửa thị trường bảo hiểm.

Phùng Đắc Lộc: Tôi nghĩ rằng người tiêu dùng trong nước sẽ được nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Thứ nhất là họ lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, và thứ hai là họ lựa chọn doanh nghiệp tham gia bảo hiểm. Nhiều cơ hội lựa chọn tất nhiên mang lại nhiều lợi ích hơn.

Bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

Nam Nguyên: Bảo hiểm nhân thọ là khá mới mẻ ở Việt Nam, theo ông luật pháp hiện hành của Việt Nam có đáp ứng được với thực tế họat động kinh doanh trong lãnh vực này hay không, nhà nước cần phải làm gì hơn nữa ?

Phùng Đắc Lộc: Vừa rồi nhà nước đã cố gắng tạo ra môi trường pháp lý về họat động kinh doanh bảo hiểm nhất là trong mấy năm gần đây thể hiện là hàng lọat các thông tư, nghị định quyết định được ra đời. Nói chung, chế độ quản lý nhà nước về doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng hoàn thiện, và sẽ tạo môi trường về pháp lý cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển lành mạnh.

Nam Nguyên: Còn riêng trong lãnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Trên thực tế nhà nước Việt Nam đã mở cửa như thế nào ?

Phùng Đắc Lộc: Tôi nghĩ rằng phi nhân thọ thì nhà nước sẽ sẵn sàng mở cửa, chỉ có vấn đề là chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bên ngoài. Theo hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ, thì có vấn đề là cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cung cấp sản phẩm vào Việt Nam, và sự hiện diện thể nhân cũng như sự hiện diện pháp nhân của họ là chưa cần thiết lắm. Chính vì thế nó không hấp dẫn.

Hội nhập quốc tế

Nam Nguyên: Trong thời đại mở cửa hội nhập để tiến tới gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, không riêng gì lãnh vực bảo hiểm mà nhiều ngành dịch vụ nhiều lãnh vực khác cũng phải mở cửa. Theo ý ông, các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng thử lửa chấp nhận cuộc chơi hội nhập hay chưa ?

Phùng Đắc Lộc: Tất nhiên là trong một số lãnh vực khác, các doanh nghiệp Việt Nam có yếu thế hơn. Riêng về lãnh vực bảo hiểm tôi nghĩ rằng, đã kinh doanh bảo hiểm phải nghĩ tới hội nhập quốc tế. Bởi vì sản phẩm bảo hiểm của chúng tôi phải tương tự như bảo hiểm quốc tế, để có thể được chấp nhận tái bảo hiểm ra nước ngoài.

Ngay khi hình thành doanh nghiệp bảo hiểm phải nghĩ tới tái bảo hiểm và hội nhập quốc tế rồi, đó là thông lệ quốc tế về quan hệ, học tập về sản phẩm về kinh nghiệm, học tập về công nghệ nghiệp vụ, thì ngành bảo hiểm Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn.

Với một số ngành khác thì không đủ sức chuẩn bị như vậy, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi nghĩ rằng sẽ có những thua thiệt nhất định.

Nam Nguyên: Ông có thể nói cụ thể là những lãnh vực, ngành nghề nào các doanh nghiệp Việt Nam có sự thua thiệt nhất định, như ông vừa đề cập.

Phùng Đắc Lộc: Thí dụ như ngành cơ khí chẳng hạn. Có rất nhiều doanh nghiệp cơ khí ngày xưa là nổi đình đám, là điển hình tiên tiến như Cơ Khí Trần Hưng Đạo, hay là Cơ Khí Điện Cơ Hungary chẳng hạn. Từng là nổi đình đám nhưng bây giờ hội nhập muốn chiếm lĩnh thị trường thì phải làm lại từ đầu.

Nhìn tới một thị trường rộng mở hơn

Nam Nguyên: Tâm lý chấp nhận hội nhập toàn cầu ở trong chính phủ, ở các khu vực kinh tế quốc doanh, tư nhân, các doanh nghiệp nói chung, đã thể hiện sự thống nhất hay chưa?

Phùng Đắc Lộc: Tất nhiên về quyền lợi có một số doanh nghiệp muốn bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp mình, chưa xác định được vấn đề phải hội nhập, phải đủ năng lực cạnh tranh và cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài, họ vẫn muốn đóng cửa.

Nhưng tôi nghĩ rằng vì lợi ích quốc gia, lợi ích người tiêu dùng và vì sự phát triển của Việt Nam, phải hướng ra nước ngoài phải nhìn tới một thị trường rộng mở hơn. Bài học vừa rồi cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đẩy nhanh được là bởi vì thế giới cũng mở cửa thị trường cho chúng tôi vào. Nhìn toàn cục thì chúng tôi có lợi hơn nhiều.

Nam Nguyên: Cảm ơn ông Phùng Đắc Lộc Tổng Thư Ký Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam.