Phùng Há, 60 năm tình cũ


2006.05.20

Soạn giả Nguyễn Phương

Thưa quí thính giả, trong cuộc đời làm soạn giả tuồng cải lương, Nguyễn Phương học nghề với nhiều sư phụ, tuy rằng các vị sư phụ là những nghệ sĩ đàn anh đàn chị không chánh thức dạy cho Nguyễn Phương từng ngón nghề nào cụ thể, nhưng Nguyễn Phương cũng rất biết ơn và nhớ rõ đã học lóm được các sư phụ qua những cuộc chuyện trò trao đổi hoặc Nguyễn Phương ngồi bên cánh gà theo dõi từng lời ca điệu hát của các nghệ sĩ đàn anh đàn chị để từ đó rút ra những bài học cho mình.

PhungHa150.jpg
Cô Bảy Phùng Há. Photo courtesy of Cailuongvietnam.com

Học nghề hát bên cánh gà là một phương pháp dễ nhứt, thuận tiện nhứt và hiệu quả nhứt cho những người mới vào nghề hát trong các thập niên 30, 40, 50. Các nghệ sĩ tài danh như Kim Lan, Kim Cúc, Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Hùng Minh… đều từng học nghề hát khi ngồi bên cánh gà theo dõi các bậc thầy đang hát. Và phương pháp học nghề bằng cách học theo lối hát điệu ca của các bậc sư phụ luôn luôn để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng của người đệ tử.

Tôi nghiệm ra được điều đó là những khi về thăm quê hương, tôi luôn luôn dành đôi ba ngày để đến chùa nghệ sĩ, viếng thăm minh sư Phùng Há. Tôi ra khu nghĩa trang, thăm viếng và thắp nhang tưởng niệm trước mộ các nghệ sĩ bậc thầy đã khuất. Có một lần tôi mang một bình thủy nước trà, ba cái chung nhỏ và một phong bánh in Sa Giang, thứ bánh ngọt mà khi còn sinh tiền, anh Năm Châu rất ưa thích.

Tôi thắp nhang, rót trà , để bánh trên nấp mộ, khấn vái anh Năm Châu, người thầy mà tôi vô cùng ngưởng mộ. Tôi ngồi rất lâu kế bên mộ anh Năm Châu. Nơi đó có tàng cây đa che mát, gió thổi rì rào, tôi ngồi nhìn hình anh trên bia mộ… tôi…tôi có cảm giác như là anh mỉm miệng cười, tôi mơ màng như đắm chìm trong tâm tưởng, hình ảnh những ngày xưa sôi nổi trỗi dậy trong hồn, tôi mường tượng thấy anh Năm Châu vẫn còn sống, đang ca hát, đang múa may trên sân khấu.

Tôi thấy anh Năm Châu đóng vai Dương Tôn Bảo tay bị trói căng ra trên bục chờ giờ bị xử trảm, cô Phùng Há đóng vai Mộc Quế Anh, chạy gối khẩn cầu, dâng cây Giáng Hương để mong chuộc tội cho chồng, cái tình nghĩa đậm đà của đôi trai tài gái sắc giữa gian nguy vẫn trọn tình vẹn nghĩa bên nhau đã làm cho biết bao khán giả phải rơi lụy xót thương?

Rồi anh Năm Châu trong vai vua đường Minh Hoàng, một ông vua đa tình, cắn răng nuốt khổ vào lòng, ca hai câu vọng cổ đầy nước mắt tiễn đưa Dương Quí Phi nơi núi Mã Ngôi để rồi sau đó người yêu bị bọn quân nổi loạn giết chết, để đổi lấy giang san cho ông vua Đường si tình kia. Cô Bảy Phùng Há trong vai Dương Quí Phi đẹp một cách não nùng, chỉ một tiếng than, một cái nhìn với nỗi buồn sâu thẳm, nhận cực hình để đổi lấy vinh quang cho người yêu, đã làm bật tiếng khóc trong khán phòng của biết bao khán giả.

Mời các bạn tham gia mục Cổ Nhạc do Soạn giả Nguyễn Phương phụ trách. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

Cô Phùng Há và anh Năm Châu làm cho khán giả phải theo dõi và xót thương cho số phận của các nhân vật trong tuồng, không phải chỉ vì cả hai nghệ sĩ tài danh đó có kỹ thuật hát hay, diễn giỏi mà chính là vì cái tình trong tâm hồn của hai diễn viên tài sắc nầy đã bất ngờ bật dậy trong từng cái liếc mắt, trong từng nụ cười của họ trên sân khấu. Chính hai diễn viên nầy đã thầm yêu nhau, gặp nhiều trắc trở nên mới diễn được thực trạng của đôi kẻ yêu nhau nhưng dở dang trắc trở, và nỗi khổ đau của họ mới truyền cảm đến khán giả một cách mảnh liệt thần kỳ như vậy.

Tôi ngồi trầm lặng bên ngôi mộ của anh Năm Châu rất lâu, tâm hồn ngao du về vùng dĩ vãng để mà hồi tưởng lại từng dáng đi điệu đứng, từng giọng nói tiếng cười, từng vai tuồng đã sống đời trên sân khấu và trong lòng khán giả của đôi thiên tài sân khấu Năm Châu - Phùng Há, tôi bỗng nghe tiếng cô Bảy ra kêu tôi vô nhà vì cô Bảy sợ tôi ngồi lâu ngoài trời giữa trưa sẽ bị cảm nắng. Cô Hương cô giúp việc chăm sóc cho cô Bảy, dìu cô Bảy ra tận mộ của anh Năm Châu để kiếm tôi làm cho tôi ái ngại, tôi vội vàng cùng cô Hương đở cô Bảy Phùng Há từng bước trở về phòng riêng của cô nơi hậu liêu của chùa Nghệ sĩ.

Tôi thăm hỏi sức khoẻ của cô Bảy, tôi nhắc đến ngày anh Năm Châu mất ở bệnh viện Grall, cô Bảy hay tin, cô chạy vô nhà thương, vấp té liên hồi. Chúng tôi phải chạy ra đỡ và diù cô vô. Cô Bảy khóc và nắm vai anh Năm Châu lay gọi như muốn vực anh Năm dậy. Cô nói : " Khoan! Anh khoan đi! Anh có nghe không? Anh phải nghe tôi nói rồi anh mới yên lòng ra đi được. Tôi biết anh vẫn còn uất hận trong lòng, sở dĩ tôi làm vậy là vì anh, vì thương anh, thương vợ con anh. Giờ này… tới giờ phút này tôi vẫn còn thương anh, yêu anh. "

Cô Bảy đã khóc ngất, nói như trong cơn mê sảng, nói với người tình xưa đã xuôi tay nhắm mắt mà cô không nhớ là chung quanh cô lúc đó có rất nhiều người, có cả chị Kim Cúc là người vợ đương thời của kẻ vắn số.

PhungHaLuBo150.jpg
Nữ nghệ sĩ Phùng Há trong vai Lữ Bố.

Cô Bảy đăm chiêu, ánh mắt mơ màng nhìn ra nghĩa trang, tôi đoán biết là cô đang nghĩ tới người bạn tình đã mất mà tôi vừa nhắc đến. Mạch tâm sự được khơi trào, Cô Phùng Há đắm chìm trong nổi nhớ riêng tư, cô kể cho tôi nghe mà như là để tự nói với lòng mình: "Ngày đó, khi tôi lấy chồng, ảnh đột ngột rời gánh Phụng Hảo, nghe đâu đi Hà nội một thời gian "

Khi đó gánh Phụng Hảo hát ở Nam Vang, tôi chưa tới 30 tuổi… Tôi quyết định lấy chồng để cả hai chúng tôi có thể dứt khoát. Người ta đưa cho tôi lá thư ảnh gởi trước khi đi, không một lời từ biệt…. Tiếng cô Bảy ngâm nga lại 12 câu vọng cổ của anh Năm Châu viết cho cô khi anh bỏ đi Hà Nội. 1,- Ngàn dặm xa trong cánh nhạn xòe, cứ mỗi độ báo tin, sương mờ mịt ngọn khói lam, nghi ngút tỏa bung lung trên các thành quách cũ.

2.- Lơ lửng lá vàng rơi, thoang thoảng gío heo may, đưa hương vị cố nhân về, đánh thức bao ký vãng xa xăm mà ta đã cùng hưởng chung với nhau ở giữa đất phong trần.

Có lẽ cô quên rằng tôi đang ngồi đó, cô ca bằng cả tâm hồn cô hướng về người tình xưa. Ðã hơn nửa thế kỷ qua… sáu mươi năm dài đăng đẳng, 12 câu vọng cổ giã biệt vẫn không phai trong ký ức của cô Bảy… 95 tuổi đời, giọng đã run, ca không còn rõ nhịp, nhưng từng lời, từng câu cứ tuôn trào theo cảm xúc….

Mối tình không bao giờ phai lạt, dầu người đàn ông ấy đã về cõi vĩnh hằng nhiều năm rồi cà cô Bảy đã 95 tuổi, cái tuổi hầu như khó thể nhớ về cái thuở đã quá xa thì cô Bảy vẫn không quên… Cô nhớ hầu như tất cả những đoạn trường, trái ngang, nghịch cảnh giữa hai người, nhớ cả lời giã biệt của người tình xưa cách đây đã hơn 60 năm.

Phải có một trái tim tuyệt vời, một tâm hồn cao cả mới chứa đựng được khối tình muôn thuở không phai đó. Tôi bật khóc lúc nào không hay.

Thưa quí thính giả, giờ phát thanh có hạn, Nguyễn Phương xin dừng nơi đây. Xin cám ơn quí thính giả đã chịu khó lắng nghe chương trình nầy. Xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.