Công Ty Văn Hoá Phương Nam và “Dự Án” Phạm Duy với 20 năm bản quyền

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Công Ty Văn Hoá Phương Nam trụ sở ở Saigon, một công ty cổ phần hoạt động trong các lãnh vực phim ảnh, băng dĩa nhạc và xuất bản đang thực hiện ‘Dự Án’ Phạm Duy với bản quyền kéo dài 20 năm.

PhamDuy200.jpg
Hình bìa đĩa nhạc Con Đường Cái Quan của Phạm Duy - Duy Cường.

Nhạc sĩ Phạm Duy, 85 tuổi hồi hương từ Hoa Kỳ được hơn nửa năm qua, hiện nay Bộ Văn Hoá Thông Tin đã cấp phép cho phổ biến lại 18 nhạc phẩm của ông, phần lớn là nhạc thời kháng chiến chống pháp và một vài bản tình ca. Nam Nguyên phỏng vấn bà Phan Thị Lệ, Tổng Giám Đốc công ty Văn Hoá Phương Nam về dự án vừa nói.

Nam Nguyên: Thưa bà chúng tôi nghe nói về 'dự án Phạm Duy' thực ra dự án này là gì?

Bà Phan Thị Lệ: Phương Nam mua bản quyền để được khai thác các tác phẩm của bác Duy ở Việt Nam, với một thời gian hạn định…

Nam Nguyên: Vốn đầu tư thế nào?

Bà Phan Thị Lệ: Chúng tôi có ứng trứơc một số tiền bản quyền, tạo điều kiện ban đầu khi bác Duy khởi sự cuộc sống tại Việt Nam… Đây là thoả thuận giữa Phương Nam và nhạc sĩ….

Nam Nguyên: Chắc hẳn là phải khác nhiều… so với sự việc 10 nốt nhạc của Phạm Duy được một công ty khác mua bản quyền với giá 100 triệu đồng?

Bà Phan Thị Lệ: Vâng đúng là như vậy….

Nam Nguyên: Bà có thể nói gì về những hoạt động ban đầu như phát hành CD Ngày Trở Về , cũng như tập sách của ông Phạm Duy?

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Bà Phan Thị Lệ: Tháng 9 năm ngoái chúng tôi được phép sử dụng 9 bài của bác Phạm Duy, tới tháng 12 thêm 9 bài nữa. Chúng tôi sẽ xin phép phát hành các nhạc phẩm của bác, kể cả các tuỳ bút, hồi ức, hồi ký nữa. Tháng giêng này chúng tôi đã phát hành Audio Phạm Duy Vol 1 Ngày Trở Về và hồi ức Nhớ của nhạc sĩ.

Nam Nguyên: CD và hồi ký mỗi thứ ấn hành bao nhiêu bản? Công chúng đón nhận các sản phẩm này như thế nào?

Bà Phan Thị Lệ: Trong 10 ngày đầu chúng tôi cho ra 10 ngàn CD Ngày Trở Về, và 5 ngàn bản hồi ức 'Nhớ'. Sư đón nhận của công chúng theo tôi rất là tốt, tất nhiên cũng có người nghe nhạc Phạm Duy cho rằng ca sĩ hát không bằng ca sĩ ngày xưa…nhưng cũng có những người nói là rất thích, vì nhạc của ông nay được phối lại khác với cũ, và cũng có ca sĩ trong nước thể hiện tốt nhạc của ông. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Nam Nguyên: Nhạc Phạm Duy bị cấm từ 54 tức cách nay 50 năm ở miền Bắc, và ở miền Nam từ năm 75… cho đến khi được hát lại một số bài. Giới trẻ không có cơ hội tiếp cận nhạc Phạm Duy, theo bà nhạc của ông có chỗ đứng trân trọng ở Việt Nam?

Bà Phan Thị Lệ: đúng là một thời gian dài một số ca sĩ và giới trẻ Ít biết về nhạc của bác Phạm Duy. Nhưng khi chúng tôi phát hành thì thấy là được đón nhận. Tôi hy vọng là được công chúng đón nhận, và càng nhiều càng tốt cho Phương Nam.

Hơn nữa các nhạc phẩm vừa nói khi được cấp phép lại đã được chọn lọc và thẩm định từ phía Bộ VHTT. Sau này có thêm bài nào ngoài số 18 bài đã được cấp phép, chúng tôi cũng sẽ độc quyền phát hành thời hạn hiệu lực hợp đồng là 20 năm.

Nam Nguyên: Vì động cơ nào Phương Nam hợp tác và đầu tư với Phạm Duy rất sớm, ngay sau khi ông hồi hương—thuần tuý là kinh doanh—hay có sự gợi ý hỗ trợ gì từ phía nhà nước?

Bà Phan Thị Lệ: Chúng tôi đã hoạt động trong lãnh vực này lâu năm và có những dự báo… tuy không cùng thế hệ với bác Duy, nhưng tôi cũng thích một số bài hát của bác. Từ 4 năm trước, trong một dịp gặp bác Duy chúng tôi đã có bàn bạc, sau này tình hình cho phép và chúng tôi đã ký kết, thủ tục được xúc tiến và rồi đã có những kết quả ban đầu như hiện nay.

Động cơ trên hết của chúng tôi là hiệu quả kinh doanh, vì Phương Nam là một doanh nghiệp. Tôi nghĩ là nhà nứơc đã có hỗ trợ trong việc cho phép một số tác phẩm của ông được trình bày trở lại. Nếu không có sự kiện đó thì sẽ rất là khó khăn…

Nam Nguyên: Xin cảm ơn và chúc bà cùng công ty Phương Nam thành công trong năm mới Bính Tuất.

Bà Phan Thị Lệ: Xin chúc thính giả của đài RFA năm mới nhiều may mắn.