Trồng dứa Cayenne: Nông dân thua lỗ


2005.10.03

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Sau hai năm trồng dứa Cayenne, nông dân vùng Lê Minh Xuân, Quận Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh rơi vào tình cảnh tiền mất, nợ mang vì các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp và những doanh nghiệp thu mua dứa bỏ mặc nông dân tự lo liệu lấy, không hỗ trợ đúng mức.

PineapleFamer200.jpg
Sau hai năm trồng dứa Cayenne, nông dân rơi vào tình cảnh tiền mất, nợ mang. AFP PHOTO >> See larger image

Theo phản ánh của nông dân được báo chí thành phố Hồ Chí Minh đăng tải, hiện nông dân trồng dứa Cayenne tại vùng Lê Minh Xuân thành phố Hồ Chí Minh bị khốn đốn vì số tiền bán dứa thu đuợc không thấm vào đâu so với vốn liếng và công sức bỏ ra.

Có ba nguyên nhân chính yếu đưa đến tình trạng này: Trước tiên dứa Cayenne là một giống mới, bà con khi được khuyến khích trồng đều trông cậy vào sự hỗ trợ về kỹ thuật của các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên khi cây dứa bị sâu bệnh, nông dân gọi cán bộ bảo vệ thực vật năm lần bảy lượt nhưng chẳng thấy tăm hơi của cán bộ nào cả. Đến khi cán bộ xuất hiện thì dứa đã chết sạch.

Không có nguồn thu mua

Mặt khác, không được hướng dẫn qui trình chăm sóc chu đáo, phần lớn ruộng dứa chỉ đậu trái từ 20 đến 30%. Số lượng trái nhỏ không bán được chiếm tỷ lệ rất lớn.

Ngoài ra đến mùa thu họach, nông dân trông chờ nhưng không thấy các doanh nghiệp cử người xuống thu mua do đó nông dân đành phải thu họach, bán đổ tháo với giá rẻ.

Lúc đầu thành phố khuyến khích trồng dứa là cây trồng mới và được hỗ trợ vốn. Tuy nhiên khi dứa lớn lên bị sâu bệnh có nhắn lên xã xin cán bộ thực vậy xuống nhưng không thấy ai cả. Do đó nông dân phải chặt bỏ trông lại cây mới. Đối với những nông dân vẫn tiếp tục, khi dứa chín thì không thấy thu mua đến dù có hứa hẹn. Cuối cùng nông dân phải mang bán được đồng nào hay đồng ấy.

Tiếp xúc với một gia đình nông dân trông dứa tại Lê Minh Xuân, chúng tôi được ông xác nhận những điều báo chí phản ánh.

"Lúc đầu thành phố khuyến khích trồng dứa là cây trồng mới và được hỗ trợ vốn. Tuy nhiên khi dứa lớn lên bị sâu bệnh có nhắn lên xã xin cán bộ thực vậy xuống nhưng không thấy ai cả. Do đó nông dân phải chặt bỏ trông lại cây mới.

Đối với những nông dân vẫn tiếp tục, khi dứa chín thì không thấy thu mua đến dù có hứa hẹn. Cuối cùng nông dân phải mang bán được đồng nào hay đồng ấy."

Không có kế hoạch rõ ràng

Tuy nhiên khi nói chuyện với thành viên của nông dân sản xuất ở khu vực Bình Chánh thành phố Hồ Chí Minh thì ông có vẻ hoài nghi về những điều tiêu cực của cán bộ các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp. Ông phát biểu:

"Sau khi khuyến khích nông dân trồng dứa, cơ quan chúc năng vẫn tổ chức thu mua chứ không bỏ mặc đâu. Sở dĩ dứa không bán được vì không đạt được tiêu chuẩn. Không phải lỗi của cán bộ kỹ thuật nhưng là do vùng đất không đạt được yêu cầu.

Nếu nông dân thấy người ta làm rồi đổ xô làm đại thì chịu thôi. Nói chung việc trồng dứa này là do bà con theo phong trào chưa hiểu kỹ thuật."

Chúng tôi cố gắng tiếp xúc với một nông dân được báo Tuổi Trẻ phỏng vấn về việc này nhưng ông từ chối không trả lời. Ông nói: "Có gì thiếu sót chính quyền và chúng tôi tự giải quyết lấy."

Ngoài những chuyện liên hệ đến kỹ thuật trồng và chăm sóc dứa, vấn đề cho vay vốn ưu đãi đầu tư cũng ảnh hưởng không tốt đến khả năng chăm sóc ruộng dứa của nông dân. Sau gần 2 năm thực hiện chương trình trồng dứa Cayenne, chỉ mới có khoảng 4 hộ tại xã Lê Minh Xuân được đưa vào diện vay vốn ưu đãi.

Chương trình trồng dứa tại Lê Minh Xuân vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn chưa vượt qua được.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.