An toàn vệ sinh thực phẩm, một nan đề cho Việt Nam đặc biệt trong mùa lễ Tết

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Những vụ ngộc độc tập thể của học sinh và công nhân xảy ra thường xuyên, là tiếng chuông báo động về tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm ở ViệtNam. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ gia tăng trong mùa tết nguyên đán càng khiến vấn đề thêm nghiêm trọng. Nam Nguyên trình bày thông tin này.

TouristFood200.jpg
Hai du khách nước ngoài mua thức ăn của quán hàng vỉa hè ở Hà Nội. AFP PHOTO

Ngay trong tháng đầu năm 2006 và cũng là thời điểm cận Tết, TP.HCM bị chấn động bởi sự kiện 258 học sinh ba trường tiểu học cùng bị ngộ độc tập thể vào hôm 16/1. Nhiều phụ huynh học sinh tỏ ý nghi ngờ, đặt vấn đề thịt heo chết bệnh từ miền Tây vượt rào kiểm dịch vào thành phố.

Ngộ độc thực phẩm

Người dân Saigon sau khi khuây khoả, trở lại với thịt gia cầm sạch thì lại có mối lo khác là thịt heo bệnh xuất xứ vùng đồng bằng Cửu Long:

“Gia đình tôi bán hủ tiếu nên dùng nhiều thịt heo, giò heo. Cách nay 1 tuần nhà tôi mua nhằm 1 cái giò heo, chặt ra thấy nguyên một cục mủ ở gần cái móng. Giống như người ta nói bệnh lở mồm long móng.

Tôi sợ quá phải đem trả lại cho người bán ngay, bây giờ tôi rất hoang mang chuyện buôn bán gần Tết. Nếu thú y mà không kiểm soát chặt chẽ thì… tôi rất sợ, không hiểu bệnh lở mồm long móng nguy hiểm như thế nào cho con người, tôi không biết rõ.”

Gia đình tôi bán hủ tiếu nên dùng nhiều thịt heo, giò heo. Cách nay 1 tuần nhà tôi mua nhằm 1 cái giò heo, chặt ra thấy nguyên một cục mủ ở gần cái móng. Giống như người ta nói bệnh lở mồm long móng.

Năm ngoái 2005, cả nước có tới hơn 4 ngàn trường hợp ngộ độc thực phẩm, trong đó có tới 50 ca tử vong. Đây là số liệu chính thức từ Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm trực thuộc Bộ Y Tế.

Theo giới chuyên môn, Việt Nam còn yếu kém trong quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm từ cấp trung ương, cho đến cấp cơ sở. Luật lệ còn thiếu tròng tréo, không thực tiễn, thiếu cán bộ được đào tạo chuyên môn.

Tại Việt Nam hiện nay cùng lúc áp dụng pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm và pháp lệnh chất lượng hàng hoá. Trong khi ở nhiều nước, chính quyền quản lý thống nhất phẩm chất hàng hoá và an toàn vệ sinh.

Nhiều nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, chẳng hạn như thực phẩm ô nhiễm sinh học và hoá học được lưu hành trên thị trường. Nôm na là các mặt hàng thực phẩm kém vệ sinh, người sản xuất tham lợi không lưu tâm gì tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Một thí dụ điển hình là chuyện bánh phở ướp phóoc môn xảy ra ở TP.HCM và Hà Nội vào năm 2000, từng làm báo chí tốn nhiều giấy mực. Để giữ bánh phở không bị thiu, lò bánh phở đã sử dụng chất phóoc môn để bảo quản, trong khi phóoc môn là chất độc hại bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

Một bà nội trợ ở Saigon than thở về tình trạng chợ búa xô bồ, nỗi lo lắng khi nấu nướng hàng ngày cho gia đình.

“Thật sự rất là ngán, tất cả mọi thứ đều không an toàn. Bánh phở thì có phóoc môn, chả giò chả lụa thì hàn the, thứ khác thì phẩm màu. Ở chợ Kim Biên người ta bán tất cả các loại hoá chất để bảo quản thực phẩm. Thịt ở chợ họ ướp hoá chất để giữ cho tươi lâu. Thật ra bây giờ mấy bà nội trợ ngán lắm.”

Theo các thông tin ghi nhận từ Việt nam, gần đây Trung Tâm Y tế Dự Phòng TP.HCM mở đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Cơ quan này đưa ra báo cáo làm giật mình nhiều người, cả giới chức chính quyền cũng như người tiêu thụ. Kết quả điều tra ghi nhận gần 50% cơ sở sản xuất giò chả, mì sợi sử dụng hàn the.

Thật sự rất là ngán, tất cả mọi thứ đều không an toàn. Bánh phở thì có phóoc môn, chả giò chả lụa thì hàn the, thứ khác thì phẩm màu. Ở chợ Kim Biên người ta bán tất cả các loại hoá chất để bảo quản thực phẩm. Thịt ở chợ họ ướp hoá chất để giữ cho tươi lâu. Thật ra bây giờ mấy bà nội trợ ngán lắm.

Tình trạng vừa nói nghiêm trọng hơn đối với các mặt hàng thực phẩm bày bán ở chợ, hay món ăn đường phố mà theo báo cáo là từ 62 tới 74%. Chúng tôi xin thêm rằng hàn the là hoá chất bị cấm pha chế trong thực phẩm, tuy nhiên người sản xuất vẫn lạm dụng để giò chả hay mì sợi để lâu vẫn dai mà không bở.

Vẫn theo báo cáo này qua kiểm tra một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm thì 50% mẫu kiểm tra phát hiện đường hoá học và phẩm màu công nghiệp.

Những số liệu như thế là một cảnh báo về mặt quản lý nhà nước. Theo Tiền Phong Online, giới chức Trung Tâm Y Tế Dự Phòng TP.HCM nhận định rằng, những sản phẩm vừa nói nếu lọt vào nhà bếp của các gia đình sẽ trở thành một nguy cơ về ngộc độc thực phẩm hoặc để lại các di chứng nghiêm trọng như vô sinh. Được biết nhiều loại chất độc hóa học còn là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.

Tình trạng báo động

Trong mùa Tết Nguyên Đán, nhu cầu thực phẩm gia tăng rất nhiều, vì thế vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại càng đáng báo động. Thực phẩm có nguồn gốc động vật trên nguyên tắc được kiểm dịch chặt chẽ trước khi nhập thị, nhất là đối với thịt heo và thịt gia cầm, như lời ông Phạm Văn Minh, giám đốc công ty kinh doanh và giết mổ gia cầm ở TP.HCM cho biết:

“ Hiện nay kiểm soát rất nghiêm ngặt, cơ quan chức năng ngành thực phẩm, dồn hết lực lượng kiểm tra đợt cao điểm hàng hoá thực phẩm Tết. Thú Y TP.HCM chia làm 4 nhóm đi kiểm tra hầu như thường xuyên các cơ sở giết mổ, không chỉ gà mà cả heo nữa. Kiểm tra luôn thị trường bên ngoài và những nơi cung cấp buôn bán thực phẩm có liên quan tới nguồn gốc động vật.”

Theo tin địa phương, uỷ ban nhân dân TP.HCM chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng thực phẩm trong dịp Tết, kiểm dịch nghiêm ngặt thịt heo và thịt gia cầm trước các thông tin về dịch làm chết heo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và nguy cơ cúm gà H5N1 còn tiềm ẩn.

Tuy vậy, báo Người Lao Động ngày 16/1 ghi nhận tình trạng heo bệnh tại Tiền giang vẫn đổ về TP.HCM, các tay đầu nậu đã phù phép để có giấy kiểm dịch hợp lệ. Theo báo này khi heo bệnh đã được xẻ thịt bày bán ở các chợ, thì chỉ có trời mới biết đâu là thịt heo sạch và thịt heo bệnh.