Ba Lan giữ quan hệ với Việt Nam nhưng không bỏ qua nhân quyền

Vân Anh, thông tín viên RFA

Như đã hẹn với quý thính giả, thông tín viên Tôn Vân Anh của ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do chúng tôi đã có cuộc gặp mặt với Chủ tịch Thượng Nghị Viện Ba Lan, ông Bogdan Borusewicz để được nói chuyện với ông về nhân quyền cũng như về cuộc tiếp xúc của ông với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Chủ tịch Thượng viện Ba Lan đã có cuộc tiếp kiến Thủ tướng Việt Nam ngày 14 tháng 9 vừa qua tại Thượng viện Cộng Hòa Ba Lan. Trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngài Bogdan Borusewicz đã thẳng thắn đề cập tới đề tài nhân quyền và nêu danh tù nhân chính trị tại Việt Nam.

Ít ngày sau, ngài cũng đã công bố thư ngỏ gửi Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân của Việt Nam, xin được cố vấn trong việc phía Việt Nam đưa ra đề nghị bất ngờ, sẵn sàng trục xuất tù nhân chính trị Lê Thị Công Nhân sang Ba Lan nếu cô đồng ý và nếu cô được Ba Lan tiếp nhận.

Dưới đây là cuộc nói chuyện của ngài Bogdan Borusewicz với thính giả đài Á Châu Tự Do thực hiện ngày 22 tháng 9 vừa qua tại Thượng Viện Ba Lan.

Vân Anh: Thưa ngài Chủ tịch Thượng Viện, xin ngài cho biết vì sao ngài quyết định viết bức thư gửi Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân tại Việt Nam trong đó có đề cập tới nội dung buổi gặp mặt với thủ tướng Việt Nam, về việc thả tù nhân chính trị tại Việt Nam?

Bogdan Borusewicz: Trong buổi nói chuyện với thủ tướng Việt Nam tại Thượng Viện tôi có nói tới vấn đề tù nhân chính trị tại Việt Nam và liệt kê họ tên của ba người. Tôi có nói rằng Ba Lan muốn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam và vẫn muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp đó nhưng không có nghĩa rằng Ba Lan nhắm mắt làm ngơ với những gì xảy ra tại Việt Nam, rằng nhân quyền là chi số quan trọng đối với người Ba Lan và rằng quan hệ hai nước sẽ mật thiết hơn nếu nhân quyền được coi trọng.

Tôi liệt kê ba tên tuổi làm thí dụ, linh mục Tadeo Nguyễn Văn Lý, hòa thượng Thích Quảng Độ và cả cô Lê Thị Công Nhân, người từng bị giữ lại sân bay khi đang trên đường sang Ba Lan dự hội nghị. Tôi được đáp lại, rằng chính quyền Việt Nam mới là chính quyền yêu người Việt Nam nên chính quyền Việt Nam biết chăm lo cho người dân của mình nhất, rằng những người tôi liệt kê là những người vi phạm hiến pháp Việt Nam và rằng nếu cô Lê Thị Công Nhân muốn rời Việt Nam để sang Ba Lan thì thủ tướng Việt Nam sẽ cân nhắc khả năng này.

Tôi thì tôi nói, rằng hai bên phải đề cập tới các đề tài khó nói trong kinh tế lẫn nhân quyền. Tôi có nói, rằng tôi đã từng là tù nhân chính trị và bây giờ đây tôi là chủ tịch Thượng Nghị Viện để chỉ ra rằng ở đời nhiều chuyện đổi thay không lường được.

Sau cuộc nói chuyện mà tôi đánh giá là khá lý thú trong các trao đổi kinh tế và chính trị, lưu ý rằng Việt Nam đang phát triển kinh tế, tôi viết bức thư gửi hội Tự Do Ngôn Luận và Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân Việt Nam để được hỏi có nên tiến hành các bước tiếp theo hay không. Bởi đứng làm trung gian trong việc trục xuất người ra khỏi Việt Nam không phải là điều tôi cảm thấy dễ chấp thuận nhưng trong tình huống một đề nghị cụ thể được đưa ra, tôi phải nhờ những người thấu hiểu tình hình Việt Nam giúp tôi tiến hành công việc, vậy nên tôi gửi lá thư và bây giờ tôi chờ hồi âm.

Vân Anh: Nhưng bảo vệ nhân quyền liệu có đi ngược lại quyền lợi nước nhà của Ba Lan không thưa ông?

Bogdan Borusewicz: Tôi cho rằng không. Ba tháng trước, trong buổi nói chuyện với chủ tịch quốc hội Trung Quốc, tôi cũng đề cập tới nhân quyền, tôi có hỏi về tình trạng tù nhân trẻ tuổi nhất của Tây Tạng là Thượng Sư Panczen bây giờ ở đâu. Tôi nghe chủ tịch quốc hội Trung Quốc trả lời rằng không có gì xấu xảy ra với vị sư và rằng ngài vẫn khỏe. Tôi có nói, rằng chúng tôi muốn giữ quan hệ với Trung Quốc thế nhưng chúng tôi cũng sẽ luôn quan tâm về nhân quyền tại những quốc gia như Trung Quốc.

Với tư cách là Chủ tịch Thượng Viện, tôi có nhiệm vụ phải tiếp Thủ tướng Việt Nam và tôi đã sẵn sàng tiếp đón. Trong cuộc gặp, tôi nói thật và thẳng thắn về những việc mà tôi thành lòng quan ngại.

Vân Anh: Phải hiểu ra sao về giá trị Đoàn Kết đang phổ biến trong các tranh luận đại chúng tại Ba Lan khi nói tới chính sách ngoại giao của Ba Lan thưa ông?

Bogdan Borusewicz: Chính sách ngoại giao Ba Lan trên hết phải phục vụ lợi ích Ba Lan, đó là điều hiển nhiên. Thế nhưng phải tôn trọng chuẩn mực quốc tế liên quan tới mọi người dân trên thế giới. Tôi không đồng ý với luận điệu cho rằng mỗi nước trên thế giới mang một chuẩn mực khác nhau. Luận điệu như vậy chúng tôi đã được nghe trong những năm 70 khi chúng tôi còn tranh đấu với cộng sản tại Ba Lan. Hồi đó chúng tôi không chấp thuận các luận điệu đó và bây giờ cũng vậy, với vai trò của người đại diện chính quyền do người dân của một quốc gia dân chủ bầu ra, tôi có quyền không chấp thuận kiểu luận điệu tương tự.

Dĩ nhiên các cuộc nói chuyện nêu các vấn đề tương tự không bao giờ là dễ, nhất là khi thấy đối phương khó sử. Thế nhưng chính trị là vậy. Đã nằm trong tình huống chính trị thì không ai bảo đó là việc dễ làm. Tôi vẫn nhắc lại, rằng chúng tôi muốn giữ quan hệ với Việt Nam, với chính quyền Việt Nam nhưng không có nghĩa, rằng chúng tôi nhắm mắt làm ngơ trước những gì xảy ra ngay trong đất nước Việt Nam.

Vừa rồi là cuộc trao đổi trực tiếp của chúng tôi với Chủ tịch Thượng Viện Ba Lan, ông Bogdan Borusewicz, người từng nhiều năm là tù nhân chính trị của Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan, thành viên tích cực của phong trào dân chủ của Công Đoàn Đoàn Kết, một trong những chính trị gia uy tín của Cộng Hòa Ba Lan hiện tại.

Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan.