Khủng hoảng chính trị ở Campuchia sẽ kết thúc trước lễ hội đua thuyền vào ngày 15/11


2005.11.04
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Nguyễn Bình tường trình từ PhnomPenh

Hoàng thân Norodom Ranarith, Chủ tịch Quốc hội Campuchia nói với Đài Truyền hình Quốc gia vào hôm thứ năm, mùng 3 tháng 11 là vấn đề khủng hoảng chính trị có cội nguồn từ sự giải thích khác nhau về vấn đề biên giới với Việt Nam đã đến thời điểm phải kết thúc.

CambodiaVietnam200.jpg
Thủ tướng Cambodia Hun Sen và Tổng Bí thư Việt Nam Nông Đức Mạnh tại Hà Nội hôm 11-10-2005. AFP PHOTO

Hoàng thân trấn an dư luận Campuchia rằng những thỏa thuận đạt giữa chính phủ Hun Sen và Hà Nội không gây thiệt hại về đất đai. Cụ thể, Hiệp ước về hoạch định biên giới giữa hai nước được ký kết vào năm 1985 để lại 7 điểm còn mập mờ.

Chính phủ Hun Sen đã thảo luận với Hà Nội đi đến thống nhất được 6 điểm, và Hiệp định bổ sung đã làm minh bạch thêm 6 điểm này. Còn một điểm nữa chính phủ bảo lưu để tiếp tục thảo luận.

Hoàng thân nói rằng điểm thứ 7 này là quan trọng, nếu như không phân định chi tiết thì rõ ràng sẽ làm cho Campuchia mất đất. Hoàng thân không nói rõ địa điểm ở đâu, nhưng vài tháng trước các dân biểu của đảng đối lập Sam Rainsy, và phong trào sinh viên dân chủ có nêu lên một trường hợp rất chi tiết, đó là trường hợp ở ấp Đôn thuộc tỉnh Svay Riêng giáp với Tây Ninh của Việt Nam.

Mặt dù ấp này vẫn thuộc về Campuchia về mặt hành chính, và có người dân Campuchia sống ở đó từ lâu đời, thế nhưng các dân biểu đảng đối lập muốn qua thăm người dân ở đó phải xin phép bộ đội biên phòng Việt Nam.

Được biết, Hiệp ước bổ sung cho Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam – Campuchia năm 1985 mà chính phủ ông Hun Sen ký với Hà Nội vào ngày 11 tháng 10 đã được đưa đến Quốc hội. Dự kiến, Quốc hội Campuchia sẽ đưa ra thảo luận vào ngày 11 tháng 11 tới.

Ủng hộ chính phủ Hun Sen

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Hoàng thân Ranarith cho biết quan điểm của ông ủng hộ chính phủ Hun Sen. Ông thừa nhận rằng vấn đề biên giới rất phức tạp nhưng cần thiết phải có sự thỏa thuận từ hai phía. Những gì Thủ tướng Hun Sen thỏa thuận với Hà Nội, ông sẵn sàng thông qua, và Nhà vua Sihamoni cũng hứa với ông là sẽ không gây trở ngại cho hoạt động của Quốc hội và Chính phủ.

Khi được hỏi về vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết khủng hoảng chính trị hơn một tháng qua, Hoàng thân Ranarith nói rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có yết kiến Vua Sihamoni tại Bắc Kinh và tỏ ý quan ngại về khủng hoảng nội bộ trong việc trong việc ký kết Hiệp ước biên giới. Nhà vua Sihamoni hứa trước các nhà lãnh đạo Trung Quốc là Nhà vua sẽ không làm cho vấn đề thêm phức tạp. Nghĩa là Nhà vua sẽ phê chuẩn Hiệp định biên giới bổ sung, nếu như được Quốc hội thông qua.

Hoàng thân Ranarith tin rằng đảng Funcinfec của mình đã ủng hộ Hiệp ước biên giới như vừa kể, và nếu được vua phê chuẩn thì coi như vấn đề khủng hoảng chính trị được giải quyết. Nhưng thực tế, những người phê phán Hiệp ước biên giới đa số là lãnh đạo của các tổ chức dân sự hoặc thường dân, không liên quan đến đảng phái chính trị. Chỉ có một người thuộc hoàng tộc, đó là Hoàng thân Sisowath Thomico.

Vấn đề đảo Phú Quốc

Liên quan đến vấn đề đảo Phú Quốc, Hoàng thân Ranarith nói rằng cựu vua Sihanouk là một chính trị gia yêu nước và rất tích cực trong việc bảo vệ bờ cõi. Cựu vua rất bất bình trước việc người Pháp sáp nhập đảo Phú Quốc vào lãnh thổ Việt Nam, nhưng ông chưa bao giời yêu cầu Việt Nam trả lại đảo Phú Quốc, mà chỉ bảo vệ phần đất còn lại, không để mất thêm mà thôi. Do đó những gì chính phủ Hun Sen làm hôm nay đều phù hợp với ý nguyện của cựu vua Sihanouk.

Hoàng thân nói thêm rằng tham vọng của nước Việt Nam không chỉ dừng lại ở đảo Phú Quốc và đảo Móng Ngựa. Hoàng thân nhắc lại ví dụ mà Thủ tướng Hun Sen nêu lên hồi tháng trước, đó là sự kiện vào năm 1972 Việt Nam Cộng Hòa đã công nhiên chiếm đảo Polowai. Sau năm 1975, chính phủ Hà Nội giao trả đảo này lại cho Campuchia.

Những phản ứng của chính phủ Phnom Penh đáp lại những người chỉ trích về vấn đề biên giới làm cho phương Tây và cả Trung Quốc lo ngại khi 6 người bị kiện ra tòa về tội phỉ báng. Trong đó có 2 người bị bắt giam chờ đưa ra xét xử, và 4 người còn lại trốn thoát ra nước ngoài.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.