Việt Nam chuẩn bị cho tình trạng khô hạn trong mùa hè năm nay


2006.04.14

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong những ngày qua, tin tức trong nước cho biết nhiệt độ tại nhiều khu vực ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tăng cao bất thường. Điều này khiến dẫn đến câu hỏi là tình hình thời tiết Việt Nam trong mùa hè năm nay có gì đáng ngại không ? Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ giải thích về vấn đề này sau đây, mời quý vị theo dõi qua cuộc trao đổi với Thanh Quang sau đây.

DroughtHoaBinh150.jpg
Hồ Hoà Bình gần như bị cạn kiệt trong những ngày khô hạn hôm 24-5-2005. AFP PHOTO

Thạc sĩ Xuân Lan: Năm nay, nói về đợt nắng nóng thì vừa rồi có áp thấp nhiệt đới, tâm chính ở Ấn-Miến, phát triển mạnh kéo qua vùng Bắc Bộ Việt Nam. Nó làm cho vùng núi Tây-Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An ở Miền Trung có nắng nóng cao điểm.

Trong khi đó vùng đồng bằng Bắc Bộ, tức Hà Nội và các tỉnh phía Đông-Bắc cũng có nắng nóng, nhưng không gay gắt như là ở vùng núi Tây-Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An cùng các tỉnh Miền Trung cho tới phía Bắc của đèo Hải Vân. Từ Quảng Bình cho tới Thừa Thiên-Huế thì cũng có nắng nóng, nhưng với mức độ ít hơn.

Đợt nóng vừa nói là đợt nóng khá bất thường, vì nó xảy ran gay trong tháng Tư này, trong khi thông thường đợt nắng nóng xảy ra trong các tháng 5, 6, 7. Đợt nóng này chỉ kéo dài tới hôm nay (04/12) thôi. Mai thời tiết sẽ trở lại bình thường.

Thanh Quang: Thế còn tình hình thời tiết ở Miền Nam trong mùa Hè này thì có gì đáng ngại không ?

Thạc sĩ Xuân Lan: Ở Miền Nam không có gì đáng ngại; năm nay chỉ ngại là ở Miền Bắc thôi, vì Miền Bắc có nắng nóng như vậy mà lại hạn hán, mực nước sông Hồng xuống quá thấp.

Còn đối với Miền Nam, trong những tháng mùa khô vừa qua có mưa trái mùa trong khi nắng nóng không cao lắm. Nhiệt độ ở TPHCM có lúc lên 37 độ là cao nhất. Hơn nữa hiện là giai đọan chuyển mùa, nên tình hình nắng nóng ở Miền Nam không có gì đáng ngại.

Thanh Quang: Nói chung, tại Việt Nam trời nóng năm nay so với những năm qua như thế nào? Có thể dẫn tới nạn khô hạn đáng ngại không ?

Thạc sĩ Xuân Lan: Ba miền mang những đặc tính khác nhau. Năm nay nói chung nắng nóng không có tính đột biến như năm 1998, khi hiện tượng El Nino cực mạnh khiến có những vùng ở Việt Nam lên tới 43 độ C.

Nắng nóng là thuộc thời tiết của Việt Nam, nơi mỗi vùng nắng nóng khác nhau nhưng luôn xuất hiện trong mùa khô, nhất là trong giai đọan chuyển từ mùa khô qua mùa mưa.

Đợt nắng nóng vừa qua thể hiện xu hướng nhiệt độ ngày càng tăng đối với Việt Nam. Nhưng so với những năm gần đây thì năm nay Việt Nam sẽ không gặp tình trạng nắng nóng quá khắc nghiệt.

Tôi nhận định rằng tình trạng khô hạn tại Việt Nam trong năm nay sẽ gay gắt nhất ở Miền Bắc và Miền Trung. Chứ còn ở Tây Nguyên và Nam Bộ thì trong những tháng qua có mưa trái mùa, nên tình hình nóng không gay gắt.

Thanh Quang: Giới hữu trách có cần phải cảnh giác gì cho dân chúng về tình hình thời tiết trong mùa Hè năm nay thì không, nhất là cho sinh hoạt của nông dân ?

Thạc sĩ Xuân Lan: Tại khu vực Nam Bộ, bà con nông dân đang chuẩn bị xuống giống cho vụ Hè Thu. Tình hình năm nay có mưa chuyển mùa, khá thuận lợi.

Nhưng đối với Miền Bắc và Miền Trung, nhiệt độ, nhất là ở Thanh Hóa, Nghệ An, có thể lên trên 40 độ C. Nên ở Miền Trung, bà con nên chú ý tới vấn đề khô hạn, thiếu nước.

Nguy cơ rất lớn bây giờ ở Việt Nam là nạn cháy rừng. Những ngày nào khô hạn, nắng nóng cao điểm như vừa rồi thì phải hết sức đề phòng, giới chức năng phải luôn có chiến dịch kiểm tra, kiểm soát…

Thanh Quang: Trong tình hình bầu khí quyển địa cầu tăng nhiệt hiện nay, vị trí Việt Nam có thể bị ảnh hưởng đáng ngại lắm không so với những nước trong khu vực, về mặt địa dư ?

Thạc sĩ Xuân Lan: Việt Nam nằm gần xích đạo. Trong tình hình tăng nhiệt độ địa cầu, với sự tương tác giữa đại dương và bầu khí quyển thì vùng nào nằm gần xích đạo sẽ bị ảnh hưởng sự tương tác này nhiều hơn, do nhiệt độ biển Thái Bình Dương tăng rõ rệt.

Chắc chắn là Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á nằm trong vùng chịu tác động của sự ấm lên của trái đất, từ đó, có khả năng gặp những thiên tai bất thường từ Thái Bình Dương – tại biển đông.

Chúng tôi cho rằng với xu thế như vậy, trong những năm tới Việt Nam cần cảnh giác là có thể phải dương đầu với những ổ bão, cơn bão hình thành không theo quy luật.

Thanh Quang: Xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Thị Xuân Lan.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.