Lê Dân, phóng viên đài RFA
Nỗ lực nhằm giới hạn sự lây lan của dịch bệnh cúm gia cầm bằng cách tiêu hủy chúng có thể gây khó khăn trầm trọng cho những nhà nông chăn nuôi gia cầm. Đó là nhận xét của một chuyên viên Liên Hiệp Quốc nêu lên hôm thứ Ba tại Washington. Phái viên Richard Finney của đài Á châu Tự do tường thuật như sau.

Phát biểu tại buổi hội thảo đồng tổ chức bởi Sáng hội Liên Hiệp Quốc, hội Sức khỏe Thế giới của Quốc hội Hoa Kỳ, điều phối viên Liên Hiệp Quốc về Cúm gia cầm và Cúm người, bác sĩ David Navarro khẳng định là những nông gia đó cần phải được đền bù xứng đáng.
"Tiền tiết kiệm ngắn hạn"
Theo ông thì việc đền bù đó không chỉ nhằm khuyến khích nông gia báo cáo kịp thời và đầy đủ khi gà vịt của họ bị bệnh, mà còn vì số gia cầm đó là nguồn cung cấp chất protein chủ yếu cho gia đình họ, cho con cái của họ nữa.
Tuy nhiên số tiền đền bù do chính phủ các nước cấp cho nông gia, thường là thấp hơn giá trị của gia cầm ngoài thị trường, mà cũng có thể không phải là hình thức đền bù thích hợp nhất. Lý do là tiền bạc như vậy rất dễ bị tiêu phí đi.
Bác sĩ David Navarro nói việc chăn nuôi gia cầm còn được xem như một loại "tiền tiết kiệm ngắn hạn", vì khi có nhu cầu về tiền bạc, chẳng hạn như một đứa con đau ốm, thì gia cầm có thể bán đi, hay để trả công cho dịch vụ nào đó.
Việc đền bù không chỉ nhằm khuyến khích nông gia báo cáo kịp thời và đầy đủ khi gà vịt của họ bị bệnh, mà còn vì số gia cầm đó là nguồn cung cấp chất protein chủ yếu cho gia đình họ, cho con cái của họ nữa.
Ông nói rõ là trong trường hợp virus bệnh Cúm gia cầm biến thể thành một chủng loại có khả năng lây nhiễm dễ dàng từ người sang người, thì các chợ gia cầm ở nhiều khu vực thị thành của Việt Nam hoặc Trung Quốc phải bị đóng cửa.
Điều đó có thể thực hiện khá thuận lợi nếu có sẵn một loại phúc lợi xã hội. Nếu không thì những người vốn phải lệ thuộc vào sự hoạt động của các khu chợ gia cầm đó sẽ nhanh chóng rơi vào cảnh túng cùng.
Bảo đảm ổn định xã hội
Do đó, muốn biện pháp tiêu hủy gia cầm để phòng chống virus phát tán nhanh chóng được tiến hành một cách hiệu quả, thì việc đền bù phải được cân nhắc sao cho xứng đáng với công sức người nuôi, giá trị thay thế chất dinh dưỡng cho gia đình họ, và ngay cả khi cần đáp ứng được nhu cầu về tiền bạc của họ nữa.
Đối với biện pháp chủng ngừa cho gia cầm trên diện rộng, chẳng hạn như chương trình đang xúc tiến tại Việt Nam với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, vài nước châu Âu và Hoa Kỳ, thì bác sĩ Navarro cho không phải là biện pháp tối hảo. Lý do là gà vịt được chủng ngừa rồi, vẫn có thể mang mầm virus trong cơ thể chúng.
Theo người điều hợp Liên Hiệp Quốc phòng chống cúm gia cầm và cúm người thì vì lý do Nhật Bản và Liên minh Châu Âu sẽ không chấp nhận cho nhập khẩu thịt và sản phẩm gia cầm đã được chủng ngừa, nên việc đền bù cho nông gia chăn nuôi gia cầm càng phải được xem nặng hơn nữa thì mới có thể bảo đảm được sự ổn định xã hội và tránh tỷ lệ đói nghèo nghiêm trọng tăng nhanh.