Mục đích chuyến công du Nam Á của Tổng thống Bush?


2006.03.01

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Chiều thứ Hai 28-2, chiếc chuyên cơ Air Force One đã rời thủ đô Washington, đưa Tổng thống Hoa Kỳ và phu nhân sang thăm Nam Á. Theo lịch trình do Nhà Trắng phổ biến, Tổng Thống George W. Bush sẽ có mặt ở Ấn Ðộ từ ngày Thứ Tư và đến Thứ Bảy ông sẽ sang thăm Pakistan.

Chuyến đi này nhắm vào mục địch gì? Các vấn đề nào sẽ được thảo luận giữa những nhà lãnh đạo? Liệu bàn cờ thế giới có gì thay đổi sau chuyến viếng thăm của Tổng Thống Hoa Kỳ hay không?

BushIraq200.jpg
Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush. AFP PHOTO

Ðó là những điểm mà nhiều người đang muốn biết, và Ban Việt Ngữ chúng tôi đã đặt ra với Bà Teresita Schaffer, Cựu Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Sri Lanka. Trước đây Bà Schaffer cũng từng giữ chức vụ Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách về Nam Á. Sau đây là những điểm chính của cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện.

Mục đích chuyến đi

Nguyễn Khanh: Tại sao Tổng Thống Hoa Kỳ lại quyết định thăm Nam Á vào thời điểm này?

Bà Teresita Schaffer: Mục đích của chuyến đi nhắm vào việc xây dựng một quan hệ mới giữa Nam Á và Hoa Kỳ trong nhiều lãnh vực khác nhau, từ kinh tế cho đến chính trị và an ninh.

Nguyễn Khanh: Mặc dù Tổng Thống Mỹ chưa đặt chân đến Ấn Ðộ, nhưng tất cả mọi người đều chú ý đến bản hiệp ước hạt nhân Mỹ-Ấn. Tại sao vậy?

Bà Teresita Schaffer: Chuyện này bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái khi Thủ Tướng Manmohan Singh của Ấn sang thăm Washington, và hai nhà lãnh đạo thông báo là Hoa Kỳ sẽ cung cấp kỹ thuật giúp Ấn dựng nhà máy điện hạt nhân, đánh đổi lấy lời cam kết của New Delhi là sẽ tách rời hai chương trình hạt nhân dân sự và hạt nhân quân sự.

Ðây là thỏa thuận tuyệt diệu, vì trong quá khứ, luật lệ và chính sách của Hoa Kỳ không cho phép chính phủ thực hiện các chương trình hạt nhân dân sự với nước khác, nhất là những nước vẫn tiếp tục các chương trình chế tạo võ khí hạt nhân.

Ấn là một nước nằm trong danh sách mà tôi vừa nói đến, vì chắc ông cũng biết Chính Phủ Ấn đã từng cho thử nghiệm võ khí hạt nhân. Hiệp Ước Hạt Nhân Mỹ-Ấn chứng tỏ chúng ta đã thay đổi chính sách, thay đổi này được dựa vào cam kết giữa Chính Phủ hai nước và hiện đang là đề tài gây nhiều tranh cãi ở Ấn.

Hiện nay, Ấn và Hoa Kỳ đang ở giai đoạn thảo luận thi hành hiệp ước và tin tức chúng ta thấy mấy ngày nay đều chú ý đến chuyện này.

Vấn đề Kashmir

Nguyễn Khanh: Như Bà Ðại Sứ vừa nói thì rõ ràng, hòa bình ở Nam Á chính là mục tiêu mà Hoa Kỳ đang nhắm đến. Ngay trước khi chuyên cơ của Tổng Thống George W. Bush cất cánh rời Washington, chúng tôi được tin ngân sách quốc phòng của Ấn Ðộ năm nay tăng 7%. Liệu điều đó có ảnh hưởng đến mục tiêu hòa bình mà Hoa Kỳ đang mong đợi không?

Bà Teresita Schaffer: Ngân sách của Ấn mới được chính phủ gửi cho Quốc Hội ngày hôm qua, nên tôi chưa có thì giờ để tham khảo. Nhưng nếu ngân sách quốc phòng của Ấn có tăng 7% như ông vừa nói thì cũng chỉ là mức tăng rất nhỏ so với 4 hoặc 5 năm vừa qua.

Theo tôi đó chính là một điều thật đặc biệt. Tôi cũng không nghĩ rằng chuyện ngân sách quốc phòng của Ấn tăng 7% sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực xây dựng hòa bình ở Nam Á.

Nguyễn Khanh: Thế theo Bà Ðại Sứ, chuyện nào là chuyện thật sự ảnh hưởng đến viễn ảnh hòa bình ở Nam Á?

Bà Teresita Schaffer: Ảnh hưởng lớn nhất vẫn là việc hai chính phủ Ấn và Pakistan sẽ tiếp tục những cuộc đàm phán như thế nào.

Nguyễn Khanh: Tôi xin phép được chuyển vấn đề sang Pakistan. Thưa Bà Ðại Sứ, Tổng Thống Pervez Musharaf đóng vai trò quan trọng thế nào đối với chính sách cũng như các hoạt động của nước Mỹ?

Bà Teresita Schaffer: Ông Musharraf đang làm Tổng Thống Pakistan, và vai trò của một nhà lãnh đạo luôn luôn được coi trọng. Nhưng theo tôi, chúng ta không thể chỉ nhìn vào một mình ông Musharraf mà phải có cái nhìn tổng thể để thấy hiện nay Pakistan đang cần những gì.

Theo nhận xét của tôi, Pakistan cần phải có nền móng dân chủ vững mạnh, cần phải có một thể chế dân chủ pháp trị, một Chính Phủ dân sự, một Quốc Hội do dân bầu lên.

Ai cũng nói trước đây Pakistan đã từng có Chính Quyền dân sự, nhưng nếu nhìn lại chúng ta sẽ thấy Chính Quyền đó đã không được xây dựng trên một nền tảng vững mạnh, và đó chính là trở ngại lớn cho Pakistan ngày nay.

Nguyễn Khanh: Bà Ðại Sứ vừa bảo phải nhìn Pakistan trong cái nhìn tổng thể. Nếu nhìn như vậy, tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy người dân Pakistan đang lên tiếng đòi hỏi dân chủ. Thưa Bà Ðại Sứ, liệu Tổng Thống George W. Bush có thể nói một cách thẳng thắn với ông bạn đồng minh Pervez Musharraf là ông ơi, ông phải tiến đến dân chủ đi chứ. Liệu Tổng Thống Bush có nói điều đó khi đến Islamabad vào cuối tuần này hay không?

Bà Teresita Schaffer: Ông biết không, tôi hy vọng Tổng Thống sẽ nói điều đó. Trước ngày rời Washington, Tổng Thống Bush đã đọc bài diễn văn quan trọng ở Sáng Hội Châu Á nói về chính sách ngoại giao và trong đó ông có nhắc đến dân chủ.

Theo tôi, điều Hoa Kỳ nên làm và sẽ làm là chứng tỏ cho thế giới thấy lời nói đi đôi với việc làm. Trong thời gian có mặt ở Islamabad, tôi hy vọng Tổng Thống Bush sẽ bỏ thì giờ tiếp xúc với các thành phần chính trị khác, tiếp xúc với các đại biểu ở Quốc Hội.

Ðừng quên là ngoài quan hệ vững mạnh đang có với Tổng Thống Pervez Musharraf, Hoa Kỳ cần phải có quan hệ thật tốt với chính người dân Pakistan.

Sứ giả hòa bình?

Nguyễn Khanh: Về quan hệ giữa Ấn Ðộ và Pakistan, Bà Ðại Sứ có nghĩ là Tổng Thống Hoa Kỳ muốn đóng vai trò sứ giả hòa bình không?

Bà Teresita Schaffer: Theo tôi hiểu thì Tổng Thống Bush muốn đóng vai trò này…

Nguyễn Khanh: Và liệu ông Bush có thể làm điều ông mong muốn không?

Bà Teresita Schaffer: Theo tôi, chính Tổng thống Bush cũng hiểu Ấn Ðộ và Pakistan đang nắm chìa khóa hòa bình cho vùng Nam Á, và Chính Phủ Hoa Kỳ cũng không muốn thể hiện vai trò sứ giả hòa bình một cách công khai. Vì thế, ông sẽ không thấy Washington thực hiện những cuộc vận động ngoại giao để đem lại hòa bình như đang làm ở Trung Ðông.

Tôi nghĩ rằng ngay chính Ấn Ðộ cũng không muốn thấy Hoa Kỳ đóng vai trò nổi bật như vai trò mà Hoa Kỳ đang có ở Trung Ðông. Nhưng chắc chắn, Washington sẽ tỏ rõ cho Ấn và Pakistan biết là mình mong muốn thấy hòa bình tại Nam Á.

Nguyễn Khanh: Như vậy, kế hoạch của Hoa Kỳ ở Nam Á bao gồm những điểm nào?

Bà Teresita Schaffer: Kế hoạch của Hoa Kỳ ở Nam Á gồm nhiều điểm. Trước hết, Washington tách rời quan hệ với Ấn Ðộ và quan hệ với Pakistan. Với Ấn Ðộ, Hoa Kỳ muốn xây dựng một mối quan hệ chiến lược và dựng thế đối tác chiến lược ở nhiều bình diện khác nhau; với Pakistan, chuyện hợp tác chống khủng bố là quan tâm hàng đầu của nước Mỹ.

Nhưng đồng thời một điểm khác cũng rất quan trọng cho sách lược của Washington là làm sao quan hệ giữa Islamabad và New Delhi trở nên tốt đẹp hơn, không còn nguy cơ chiến tranh như trước nữa. Nếu chẳng may tình hình trở nên xấu như đã từng xảy ra cách đây một vài năm, lúc đó Chính Phủ Hoa Kỳ sẽ phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp để giúp 2 nước ngồi lại với nhau.

Vai trò của Mỹ ở Nam Á

Nguyễn Khanh: Bà Ðại Sứ cũng rõ là hiện nay, Hoa Kỳ đang nắm giữ một vai trò rất quan trọng ở vùng Ðông Á- Thái Bình Dương. Có phải Washington đang thực hiện một sách lược mới, tạo thế lực vững mạnh hơn ở Nam Á, nhất là vào thời điểm Trung Quốc đang bành trướng thế lực của họ?

Bà Teresita Schaffer: Tôi tin đã đến lúc Hoa Kỳ phải mở rộng quan hệ với Nam Á và Tây Á, chứ không phải chỉ nhắm vào vùng Ðông Á, và đó chính là một trong những lý do tại sao Washington muốn mở quan hệ với Ấn Ðộ.

Ấn Ðộ ngày nay đang phát triển rất nhanh, và cũng đang dần dần trở thành 1 cường quốc của thế giới, vị thế của họ cũng được coi trọng hơn trước rất nhiều. Chiến lược mở rộng quan hệ với các vùng khác ở Châu Á mà Hoa Kỳ cho thực hiện cũng phản ánh vị thế Trung Quốc đang có, và nhất là quan hệ tốt đẹp đang có giữa Trung Quốc-Ấn Ðộ khiến Hoa Kỳ biết phải mở rộng quan hệ với các nước khác. Ðó là điều Washington đang làm.

Nguyễn Khanh: Hôm nay Tổng Thống George W. Bush sẽ đến Ấn, thứ Bảy này ông sang Pakistan, liệu từ đó, ông Bush có sang thăm Afghanistan không?

Bà Teresita Schaffer: Tôi không ngạc nhiên nếu Tổng Thống Bush ghé thăm Afghanistan.

Nguyễn Khanh: Bà Ðại Sứ nghĩ chuyện đó sẽ xảy ra?

Bà Teresita Schaffer: Theo tôi hiểu thì chuyện Tổng Thống có ghé thăm Afghanistan hay không tùy thuộc phần rất lớn vào vấn đề an ninh.

Ðến bây giờ Nhà Trắng chưa lên tiếng nói gì về điều này cả, nhưng nếu ông hỏi là tôi có ngạc nhiên khi nghe tin Tổng Thống ghé thăm Afghanistan hay không thì câu trả lời của tôi là không.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Ðại Sứ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.