Lê Dân, phóng viên đài RFA
Cuộc chạy đua vào chức Tổng thống Hoa Kỳ vừa có một hình thức vận động mới, được dự đoán sẽ mở đường cho loại hình hoạt động dân chủ trên toàn thế giới sau này. Đó là việc các ứng cử viên tham gia tranh luận trả lời các câu hỏi do cử tri khắp nơi nêu lên qua video trực tuyến.

Tranh luận tranh cử ở Hoa Kỳ
Cuộc tranh luận trực tuyến quy tụ 8 ứng cử viên của đảng Dân chủ Mỹ nhằm tìm sự ủng hộ của đảng để chính thức đề cử họ ra tranh chức Tổng thống với ứng viên của đảng Cộng hòa.
Những cuộc tranh luận này đã thường xuyên diễn ra trong tiến trình tranh cử tại Hoa Kỳ, qua đó, cử tri được chất vấn về các quan điểm, chủ trương của những ứng viên về các vấn đề người dân quan tâm, để từ đó lựa chọn ứng viên mà mình cho là hữu lý nhất.
Hình thức tranh luận cũng được nhiều nước áp dụng trong tiến trình dân chủ của họ, nhưng hôm thứ Hai thì lần đầu tiên mới diễn ra tranh luận trực tuyến ở cả hai đầu qua viđêo và được theo dõi rộng rãi với hàng triệu người trên thế giới.
Cuộc tranh luận do hãng thông tấn CNN phối hợp với trang viđêo internet YouTube.com tổ chức tại trường Cao đẳng Quân sự tư Citadel trong bang South Carolina.
Trực tuyến qua mạng nên hầu như những câu hỏi do cử tri nêu lên tối thứ Hai cho 8 ứng viên đảng Dân chủ trả lời được xem là trung thực, với những câu hỏi có khi ngô nghê, có khi thẳng thắn, có khi nêu sự ngờ vực về hệ thống chính trị của người dân Mỹ.
Một người xưng tên là Chris bày tỏ những mong mỏi của anh qua buổi tranh luận trực tuyến video: "Tôi tự hỏi là sự thay đổi này, qua cuộc tranh luận có hình thức đột phá này, một vài chính trị gia Mỹ có thể làm điều gì mới, là thật sự trả lời câu hỏi của cử tri hay chăng, thay vì chỉ luân phiên chỉ trích chính quyền Bush. Nếu được vậy thì quả là tuyệt vời."
Câu hỏi đầu tiên của một người tên Zach mở đầu cuộc tranh luận trực tuyến CNN-YouTube với câu hỏi tổng quát là "quý vị là những chính trị gia, có thể thực sự trả lời những câu hỏi của chúng tôi, thay vì ăn nói vòng vo hay không ?" Câu trả lời chung là "Có".
Sinh hoạt dân chủ thời internet
Hình thức tranh luận trực tuyến qua trang YouTube.com được xem là mới vì nhắm vào thành phần đại đa số người truy cập và sử dụng trang này, phần lớn là giới trẻ và có trình độ kỹ thuật tin học cao. Họ cũng được xem là các chủ nhân của đất nước trong tương lai.
Vì những câu hỏi được đặt ra được nhiều lăng kính khác nhau, các ứng cử viên đã phải tạm bỏ những phương thức, sách lược chính trị thường xuyên, để tạm thời ứng phó một cách được xem là chân thành hơn. Điển hình như về tình trạng nam nữ bình quyền.
Khi trả lời câu hỏi về việc đi nghĩa vụ quân sự, cả ứng viên da màu Barrack Obama và ứng viên nữ Hillary Rodham Clinton đều ủng hộ việc các thiếu nữ 18 tuổi phải đăng ký trong trường hợp quốc gia cần động viên.

Qua các câu hỏi phần nhiều do giới trẻ Mỹ đặt ra, khách dự khán biết được những nhận xét cá nhân của các ứng viên Tổng thống, mà bình thường khó ai nói ra. Chẳng hạn như việc ứng viên John Edwards không thích chiếc áo khóac màu san hô sáng mà ứng viên Hillary Clinton đang mặc.
Hay nghiêm trọng hơn, việc ứng viên da màu Barrack Obama sẵn lòng hội kiến riêng với lãnh tụ các nước bị xem không mấy thân thiện với Hoa Kỳ như Iran, Syria, Venezuela, Cuba và Bắc Hàn, ngay trong năm đầu tiên nếu ông đắc cử Tổng thống. Về việc này bà Hillary Clinton cho hay cương quyết không tiếp xúc với các nhà độc tài.
Một vấn đề được hầu như tất cả 8 ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ đồng thuận là chính sách bảo hiểm y tế Hoa Kỳ cần phải cải tổ. Ứng viên Barrack Obama lên tiếng chỉ trích rằng Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất địa cầu, mà lại không thể cung cấp bảo hiểm y tế cho tất cả công dân của mình.
Những vấn đề gây bức xúc chung nhiều nhất đã được nêu lên và được tất cả 8 ứng viên của đảng Dân chủ giải thích quan điểm của mình. Chẳng hạn như việc có nên rút quân ra khỏi Iraq hay không, và nếu rút thì phải thi hành như thế nào ? việc liệu chính quyền Bush có ban hành lệnh trưng binh hay không, và nếu có thì phái nữ tham gia ra sao ? việc ấn định mức lương tối thiểu vừa được thông qua là đã đủ hay chưa ?
Sự kết hợp giữa CNN và YouTube
Điểm được công luận chú ý nhất tại buổi tranh luận chính trị này là việc phối hợp giữa truyền thông kiểu cũ với truyền thông kiểu mới. Hãng tin truyền hình CNN với 27 năm lịch sử đã là một cây đại thụ trong giới truyền thông quốc tế, nay là một phần trong phức hợp truyền thông mới với trang Internet non trẻ 2 tuổi YouTube.com để phục vụ một khối lượng khán thính giả đông đảo chưa từng có.
Tuy nhiên, cũng giống như những việc nào mới mẻ khác lạ, có người khen, thì cũng không thiếu người ngần ngại. Nhà phân tích chính trị Larry Sabato, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị của đại học Virginia, trả lời hãng tin AP về cuộc tranh luận trực tuyến viđêo rằng hình thức mới rất đáng chú ý, nhưng câu hỏi thì do quần chúng hay phóng viên đưa ra không khác nhau là mấy, nên các ứng viên hầu như chỉ trả lời theo những cách đã định trước như mọi khi mà thôi.
Nhìn chung thì hình thức tranh luận chính trị trực tuyến có video này được đón nhận khá nồng nhiệt. Nhà phân tích Michael Silberman của công ty tư vấn trên mạng EchoDitto cho rằng ưu điểm cao nhất là hình thức này cho người xem được thấy ứng viên thật trả lời câu hỏi của cử tri thật, thay vì những nhân vật được dàn dựng công phu tại phòng ghi hình TV.
Đây là một tiến bộ lớn cho dân chủ, vào khi người dân bình thường ở nơi xa xôi nào cũng có thể chất vấn trực tiếp các ứng cử viên để có thể đi đến lựa chọn sau cùng của mình.
Một số nhà quan sát còn tiến xa hơn, hy vọng rằng trong tương lai gần, các cuộc tranh luận chính trị có video trực tiếp sẽ được tổ chức ngày càng nhiều tại các quốc gia trên thế giới, giúp cử tri có thêm khả năng lựa chọn ứng viên sáng suốt hơn.