Tự do ngôn luận theo chuẩn chung của thế giới


2006.11.10

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Tự do ngôn luận tại Việt Nam là một vấn đề được đặt ra khá nhiều lâu nay. Có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có tự do báo chí; ngược lại theo chính quyền Hà Nội thì không có hạn chế nào đối với các cơ quan truyền thông trong nước. Vậy tự do báo chí, tự do ngôn luận theo một số chuẩn chung thế giới là gì?

NewspaperPress200.jpg
Một sạp bán báo trên đường phố thành phố Sài Gòn hôm 2-7-2006. AFP PHOTO

Nhu cầu về thông tin

Một hình ảnh khá quen thuộc tại các thành phố lớn, nhỏ của Việt Nam là vào sáng sáng ở các quán cà phê dọc đường nhiều người từ già đến trẻ vừa nhâm nhi ly cà phê sáng vừa chăm chú đọc báo. Tối đến những ai rỗi rãnh đều ngồi trước truyền hình để xem tin tức.

Thói quen đọc báo, xem tivi không chỉ ở những thành phần trí thức mà những người lao động như đạp xích lô, chạy xe ôm, hay những tiểu thương ở chợ mỗi khi rỗi rảnh đều tranh thủ cầm tờ báo để đọc, hay ghé mắt nhìn vào truyền hình.

Họ đọc hay xem để nắm bắt những thông tin thời sự diễn ra tại địa phương nơi đang ở, hay nơi khác trên cả nước cũng như chuyện xảy ra tại những nơi xa xôi tận chân trời góc bể của trái đất này. Đó là những chuyện hay, tốt mà cũng là những sự việc đáng buồn, đang lo ngại.

Nhu cầu được thông tin thật lớn và họ mong mỏi có thật nhiều thông tin và đó là những thông tin chính xác. Chuyện kể phải trung thực, khách quan không bị bóp méo hay xuyên tạc. Ở Việt Nam người ta có câu "Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ', với ý là những thông tin kể lại phải hết sức chính xác như qua con mắt của trẻ thơ, chưa vì một lý do gì mà làm cho sai sự thật đi.

Trung thực, khách quan như thế là chuẩn mực hàng đầu của một thông tin được đưa lên mặt báo, lên truyền hình, qua đài phát thanh hay đưa lên mạng toàn cầu, Internet. Người Việt từ xưa cũng có câu phê bình những người viết báo không trung thực qua câu khái quát là 'nhà báo nói láo ăn tiền'.

Chỉ đạo, kiểm duyệt

Internet200.jpg

Trong rất nhiều trường hợp, những bài viết không còn được trung thực do bị sự chỉ đạo của cơ quan chức năng, như qua kinh nghiệm của một người làm báo tại Việt Nam cho biết: “Nhà nước có chỉ đạo, cho viết những gì thì mới viết.”

Một khi có sự kiểm soát của cơ quan chức năng can thiệp vào những bài viết đưa lên cơ quan truyền thông đại chúng thì, người làm báo bị tước mất quyền tự do. Nhiều trường hợp cho thấy có những trang báo sau khi in ra thì bị cơ quan chức năng ra lệnh thu hồi hết số báo đã phát hành; hay có những đoạn trong một số bài bị đục bỏ. Đó là sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng, tước đi quyền tự do của người làm báo.

Do vậy, nhà báo để có thể đưa ra những thông tin một cách chính xác, trung thực, khách quan thì họ phải hoạt động độc lập, không bị lệ thuộc vào bất cứ một cơ quan nào. Nhà báo Tôn Vân Anh hiện tác nghiệp tại Ba Lan cho biết về mặt này trong công biệc của cô: “Tại Ba Lan các nhà báo chúng tôi hoàn toàn độc lập.”

Sự độc lập thể hiện ở chổ cơ quan thông tin hay tờ báo đó không do nhà nước tài trợ, hổ trợ hay trực thuộc một cơ quan, ban ngành nào của chính phủ. Đó không phải là cơ quan ngôn luận của Đảng, Đoàn hay của một hội nào.

Thường ngừơi làm báo phải có thẻ. Thế nhưng nếu thẻ đó do nhà nước cấp chứng tỏ họ bị nhà nước chi phối. Ở các quốc gia tự do, thường thẻ nhà báo do một tổ chức độc lập với chính quyền cấp cho người làm báo.

Hạn chế

Để có khả năng thu thập nhiều nguồn tin, đưa ra thông tin đa chiều, truy tìm những bí mật được che giấu, thì người làm báo cần được quyền tiếp cận với những nguồn từ phía cơ quan chức năng. Nếu như chính quyền của một quốc gia hạn chế họ trong việc này thì quyền tự do báo chí tại đó bị hạn chế.

Nước nào cũng có luật lệ để không xảy ra rối loạn bất công trong xã hội. Trong lĩnh vực báo chí cũng có luật. Tuy nhiên để các cơ quan truyền thông thực thi đúng chức năng thì không thể có những hạn chế đưa ra trong luật báo chí. Nếu nhà báo đưa thông tin không đúng sự thật thì họ phải chịu xử lý về việc làm bị coi là sai trái và vi phạm đạo đức nghề nghiệp của họ.

Thế nhưng cơ quan chức năng không thể bắt giữ nhà báo khi họ nói lên sự thật, mà sự thật đó chỉ ra những sai phạm của chính sách nhà nuớc, vi phạm của các quan chức hay phê phán những chính sách không đúng của nhà nước.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình hiện đang bị cầm tù vì ông từng viết bài chỉ trích việc chính phủ Hà Nội ký thỏa ước biên giới với Trung Quốc luôn cho rằng ông làm đúng, thế nhưng lại bị bắt giam. Vợ ông là bà Bùi thị Kim Ngân cho biết về điều này: “Chồng tôi không chấp nhận là ông có tội.”

Nhiều chính quyền thường sử dụng lý lẽ vì an ninh quốc gia để không cho phép các cơ quan truyền thông loan tải những thông tin nào đó mà họ cho là bất lợi đối với họ.

Mục đích tôn chỉ, định hướng chính trị

Vào ngày 6 tháng 11 vừa qua, ông Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, trưởng ban tư tưởng văn hoá trung ương, chủ trì một hội nghị của Đảng, tại đó ông khen ngợi một số thành tích của báo chí Việt Nam đó là mạnh về đội ngũ, tăng về số lượng, chất lượng ấn phẩm báo chí, đa phần hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đúng định hướng chính trị.

Tuy nhiên theo ông này còn một số tính định hướng này còn hạn chế, có tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, chưa quan tâm cổ động cái mới, gương người tốt việc tốt, có khuynh hướng tư nhân hoá báo chí..

Một ví dụ nằm trong nhận xét của ông Tô Huy Rứa là trường hợp phụ san Thế giới của Báo Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao vì cho đăng nhiều thư khiếu nại về đất đai của bạn đọc nên bị Bộ Văn hoá thông tin quyết định đình bản.

Một nhà báo trong nước nói về vấn đề tôn chỉ mục đích của báo: “Nếu viết theo tôn chỉ mục đích thì mất việc.”

Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 nêu rõ ' Mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến và phát biểu; cụ thể là được quyền giữ ý kiến của mình mà không bị can thiệp, được quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin cũng như ý kiến qua bất cứ phương tiện truyền thông nào không kể biên giới'.

Chỉ với một đoạn ngắn như thế nhưng để thực hiện đầy đủ nó thì biết bao nhiêu công sức và máu đã phải đổ ra. Hiện trên thế giới có hơn chục tổ chức được lập ra để theo dõi tình hình tự do báo chí, ngôn luận trên thế giới và bảo vệ cho các nhà báo. Nay từng người cần nhận ra mình có quyền ăn nói, và nhà báo, nhà đài cũng phải có đủ quyền để thực hiện trách nhiệm của họ là thông tin đúng, không thiên vị, khách quan, đầy đủ, và kịp thời.

Thông tin trên mạng:

- Các nguyên lý của nền pháp quyền, phần 5 - Đại sứ quán Hoa Kỳ

- Freedom of the press - Wikipedia, the free encyclopedia

- CPJ Press Freedom Online

- World Press Freedom Committee

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.