Cách trị và phòng bệnh Lao phổi

Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng - Trà Mi

Trả lời thính giả về chứng mũi không thể ngửi được. Hỏi:

“Chào chị Trà Mi và Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng, Tôi tên là Kỳ, năm nay 64 tuổi, mũi của tôi đã không còn nhận được mùi kể cả những mùi có nồng độ cao cũng chỉ thoáng nhẹ qua rồi mất hẳn. Xin cho biết có cách nào chữa được không? Có tốn nhiều tiền không? Xin hướng dẫn cách trị liệu dùm tôi. Xin cảm ơn rất nhiều.”

0:00 / 0:00
LaoPhoi200.jpg
Hình ảnh X quang một bệnh nhân lao phổi. Photo courtesy of wikipedia

Đáp:

Ở Hoa Kỳ, một số nghiên cứu cho thấy rằng có khoảng đến 50 phần trăm những người trên 60 tuổi bị giảm hoặc mất khứu giác. Tuy nhiên, vấn đề này không được nghiên cứu kỹ bằng các vấn đề của các giác quan khác như thị giác hay thính giác, có lẽ vì các triệu chứng về khứu giác thường được phát hiện chậm và không gây khó chịu nhiều bằng các rối loạn của thị giác và thính giác.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm hoặc mất khứu giác:

- Các bệnh của xoang mũi và các xoang cạnh mũi là các nguyên nhân thường gặp nhất. Trong một nghiên cứu, các bệnh này chiếm đến 39 phần trăm các nguyên nhân gây ra chứng bị mất hay giảm khả năng ngửi.

- Chấn thương sọ não là nguyên nhân đứng hàng thứ nhì, chiếm đến 30 phần trăm các trường hợp

- Các nguyên nhân thường gặp khác bao gồm nhiễm trùng đường thở, do thuốc, các chất hoá học

- Giảm khứu giác có thể do tác dụng phụ của một số thuốc như các thuốc beta blockers, dihydropyridine (calcium channel blocker), and angiotensin converting enzyme (ACE) inhibitors trị cao huyết áp, thuốc trị cường giáp

- Một số chất như thuốc lá, methacrylate vapors, ammonia, benzene, cadmium dust, chromate, formaldehyde, hydrogen sulfide, nickel dust, solvents, và sulfuric acid cũng có thể làm giảm khứu giác

- Tuổi cao cũng là một nguyên nhân rất thường gặp làm giảm khứu giác

- Một số ít gặp hoặc ít gây tổn thương khứu giác bao gồm các bệnh tiểu đường, suy dinh dưỡng, thiếu máu ác tính, một số u não, bệnh quên lãng Alzheimer, Parkinson

Do đó ông nên đi gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ phải hỏi các triệu chứng, các thuốc đang dùng, môi trường làm việc, môi trường sống, nhiều khi phải giới thiệu đến các bác sĩ chuyên khoa như bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ thần kinh, mới có thể xác định được nguyên nhân. Khi biết nguyên nhân và độ trầm trọng của bệnh rồi, mới có thể nói được bệnh có trị được không và trị như thế nào.

Cách Trị và Phòng Lao Phổi

Kỳ rồi chúng ta đã thảo luận xem lao phổi là gì và có mấy loại lao phổi. Để tiếp tục, xin bác sĩ cho biết chi tiết triệu chứng của các loại lao phổi ?

Hầu hết những người bị nhiễm vi trùng lao không có triệu chứng. Ở những người này, thử lao dưới da (gọi là xét nghiệm PPD) sẽ thấy kết quả dương tính trong vòng ba tháng, kết quả dương tính này thường sẽ duy trì suốt đời.

Chỉ có một số nhỏ những người bị nhiễm vi trùng lao sẽ có triệu chứng của bệnh lao. Các triệu chứng sẽ khác nhau tùy theo loại bệnh:

Bệnh lao tiên phát (có triệu chứng ngay từ khi bị nhiễm vi trùng lao):

Những người bị bệnh này, đặc biệt là trẻ em, đôi khi chỉ bị sốt nhẹ và uể oải. Các triệu chứng khác có thể là:

- Ho - Đổ mồ hôi trộm ban đêm - Kém ăn - Đau ngực - Không lên cân như các trẻ bình thường khác

Bệnh lao thứ phát (vi trùng lao tái hoạt sau một thời gian dài nằm im trong cơ thể) có thể gây ra các triệu chứng như:

- Sốt - Sụt cân - Đổ mồ hôi trộm ban đêm - Kém ăn - Đau ngực - Yếu sức - Luôn uể oải, “muốn bệnh”

Bệnh nhân cũng thường bị ho, lúc đầu có thể là ho khan, về sau có đàm màu xám xỉn. Khi bệnh đã trở nặng, có thể ho ra máu, hụt hơi, khó thở.

Khi bệnh phát triển bên ngoài phổi, các triệu chứng sẽ tùy theo cơ quan, bộ phận nào của cơ thể bị nhiễm bệnh. Ví dụ lao hạch sẽ gây ra sưng hạch, thường là hạch cổ. Nếu lao xương khớp sẽ gây sưng đau xương khớp, thường bị ảnh hưởng nhất là khớp hông, gối, xương sống. Lao đường tiết niệu có thể gây ra đau vùng hông, tiểu gắt, tiểu ra máu...

Mời các bạn tham gia mục Sức khoẻ và Đời sống. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

Trong trường hợp lao kê, lan ra toàn cơ thể, ngoài các triệu chứng ở phổi như kể trên, có thể có các triệu chứng không đặc hiệu khác như nhức đầu, rối loạn thị giác, đau khớp, sưng hạch, nổi ban dưới da, đau bụng...

Bệnh thường diễn tiến ra sao?

Như đã nói, ở những người khoẻ mạnh, hệ miễn nhiễm của cơ thể thường bất hoạt vi trùng suốt đời. Xét nghiệm PPD dưới da thường sẽ dương tính suốt đời, nhưng cơ hội vi trùng tái hoạt chỉ có khoảng 10 phần trăm.

Ở những người mà vi trùng lao hoạt động (tiên phát hay thứ phát), thường cần phải được điều trị hai tuần trở lên, họ mới ngưng khả năng lây bệnh cho người khác. Tuy nhiên để trị dứt hẳn bệnh, tùy theo loại vi trùng có kháng thuốc hay không mà thời gian cần điều trị sẽ khác nhau.

Nếu vi trùng lao không kháng thuốc, thời gian điều trị thường cần khoảng ít nhất là sáu tháng. Nếu gặp vi trùng kháng nhiều thuốc, thời gian cần điều trị có thể kéo dài đến 24 tháng.

Nếu không được điều trị, hơn phân nữa các bệnh nhân bị lao hoạt động sẽ chết trong vòng năm năm.

Hiện nay có cách điều trị hẳn bệnh không? Xin cho biết cách điều trị?

Hiện nay, lao là bệnh hầu như hoàn toàn có thể chữa được. Bác sĩ thường cần phải kết hợp bốn loại thuốc khác nhau trong vòng sáu tháng cho các loại vi trùng chưa kháng thuốc. Một số thuốc chỉ cần dùng trong vòng hai tháng đầu, sau đó các thuốc còn lại sẽ được tiếp tục cho đủ ít nhất là sáu tháng.

Các chủng vi trùng lao kháng thuốc, nhất là kháng với nhiều thuốc, thường phải cần nhiều thời gian hơn để có thể chữa khỏi. Các thuốc này lại thường rất mắc tiền, có nhiều tác dụng phụ hơn, và cũng kém hiệu quả hơn các loại thuốc tiêu chuẩn. Thời gian điều trị có thể cần phải kéo dài đến hai năm.

Trước đây, các loại lao gây ra bởi các chủng vi trùng lao kháng thuốc hầu như không thể trị được, vì thuốc quá mắc, trung bình tốn khoảng mười lăm ngàn đô la Mỹ mỗi năm. Gần đây, với sự trợ giúp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, thuốc ở các nước đang phát triển có thể được giảm giá chỉ còn khoảng năm phần trăm giá trước đây.

Bệnh nhân cần chú ý những điều gì để điều trị có hiệu quả?

Nếu có các triệu chứng như kể trên, nên đi khám càng sớm càng tốt, vì bệnh sẽ dễ chữa hơn. Nếu để trể, phổi đã bị tổn thương trầm trọng, sẽ khó phục hồi hoàn toàn, và ta cũng sẽ lây căn bệnh nguy hiểm này cho người thân của ta cũng như nhiều khác.

Vi trùng kháng thuốc là điều rất nguy hiểm cho ta, người thân của ta, cũng như xã hội. Do đó, khi đã được điều trị, cần phải chặt chẽ phối hợp, nghe theo lời dặn của bác sĩ. Vì vi trùng kháng thuốc không chỉ làm bệnh của chính ta khó trị hơn, thời gian điều trị cần kéo dài hơn, tốn kém hơn, mà còn rất tai hại cho xã hội, vì bất cứ ai bị lây chủng vi trùng này cũng đều gặp phải các khó khăn kể trên.

Việc phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, cũng sẽ giúp cho các tác dụng phụ của thuốc được kiểm soát chặt chẽ hơn, không gây hại trên cơ thể của ta.

Làm sao để phòng ngừa lao phổi và lao nói chung?

Ở những nơi mà bệnh lao còn phổ biến như ở các nước đang phát triển, như Việt Nam, thuốc chủng BCG thường được chủng cho trẻ em ngay lúc sanh. Tuy nhiên hiệu quả của thuốc này không cao lắm.

Ở các nước đã phát triển như Hoa Kỳ, các nước Tây Âu, nếu xét nghiệm lao dương tính, thường bệnh nhân sẽ được cho uống thuốc ngừa trong ít nhất là chín tháng. Các thuốc này sẽ giúp tiêu diệt các vi trùng “nằm vùng” trong cơ thể, và làm giảm khả năng tái hoạt của vi trùng lao.

Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.