Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong và công cuộc giới thiệu nhạc dân tộc Việt Nam với thế giới


2006.11.26

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Quý vị đang nghe âm thanh thâu từ buổi trình diễn của ban nhạc Nguyễn Thuyết Phong tại Thính phòng trường Wayland ở tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ vào đêm 3 tháng 11 vừa qua … Buổi trình diễn này nằm trong lịch sinh hoạt giảng dạy mà Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong tiến hành từ hơn hai mươi năm nay.

NguyenThuyetPhong150.jpg
Giáo sư dân tộc nhạc học Nguyễn Thuyết Phong. Photo courtesy Phong-Nguyen.com

Tiếng đàn Bầu do Nguyễn Thuyết Phong độc tấu trong một bài ngẫu hứng …

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây của ban Việt ngữ đài chúng tôi, ông nói lên tâm tư:

“Tôi cảm thấy rằng âm nhạc Việt Nam so với nhiều các nước khác thì ít được biết đến. Do đó, nỗ lực của chúng tôi là làm cách nào để có thể giới thiệu văn hóa âm nhạc Việt Nam đến các nơi trên thế giới. Và đồng thời, cũng muốn khơi dậy trong người Việt Nam cái ý thức về một nền nghệ thuật âm nhạc độc đáo có truyền thống lâu đời.”

Người ngoại quốc đón nhận nhạc dân tộc Việt Nam ra sao? Nghệ sĩ dương cầm Barker, người đứng ra tổ chức buổi trình diễn, nói: đây là dịp hiếm có để nghe loại âm nhạc ấy. Nhạc dân tộc Việt Nam thật là đa sắc!

Thy Nga hỏi chuyện nhân vật chính của ban nhạc, là Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, và được ông cho biết:

Đồng bào Việt Nam tới tham dự rất vui, tôi rất cảm động bởi vì trong một môi trường của người Mỹ mà bỗng dưng gặp người Việt Nam tham dự và đem trẻ con theo, cho trẻ con mặc quốc phục Việt Nam thì đó là một điều tôi cảm thấy rất là ấm cúng, mình sống lại trong cái không khí và cái tình tự dân tộc Việt Nam.

“Buổi trình diễn có sự đón nhận rất nồng nhiệt của khán giả vùng Wayland và Boston. Buổi trình diễn mang đề tài “Bamboo and strings from Vietnam” tức là nhạc cụ giây và nhạc cụ bằng tre trúc từ Việt Nam. Có khoảng 20 nhạc cụ Việt Nam trên sân khấu để cho khán giả nghe được cái âm thanh, và thấy được cách diễn tấu của các nhạc cụ đó.

Các nghệ sĩ biểu diễn thì ngoài tôi (Nguyễn Thuyết Phong) có chị Kim Oanh, nhạc sĩ David Badagnani là nhà dân tộc nhạc học tại Kent State University với tôi; và Dock Rmah, một người chuyên về nhạc Thái Lan cũng như nhạc Việt Nam. Chúng tôi 4 người cũng thể hiện dân ca Việt Nam, ngoài Lẫy Kiều còn một số các bài dân ca miền Nam cũng như miền Bắc.

Đồng bào Việt Nam tới tham dự rất vui, tôi rất cảm động bởi vì trong một môi trường của người Mỹ mà bỗng dưng gặp người Việt Nam tham dự và đem trẻ con theo, cho trẻ con mặc quốc phục Việt Nam thì đó là một điều tôi cảm thấy rất là ấm cúng, mình sống lại trong cái không khí và cái tình tự dân tộc Việt Nam.

Lần trình diễn vừa rồi, khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay, làm khích lệ rất lớn cho chúng tôi trên bước đường phục vụ âm nhạc dân tộc ở khắp nơi trên thế giới.”

Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong kể lại là ông đến với âm nhạc từ hồi lên 5 ở làng, và một chi tiết đặc biệt là gia đình không có tiền cho đi học, thành ra đưa con gửi tại chùa. 10 năm sống trong khung cảnh nhà chùa, cậu bé biết thêm được nhạc Phật và nhạc lễ.

Nhạc Phật…

Vào năm 13 tuổi, cậu Phong học Tuồng, rồi đi diễn Cải lương và Hát bội. Từ đó, cậu chuyên chú về nhạc dân tộc, và tập nhiều loại nhạc cụ. Năm 1974, ông sang Pháp và rồi, tốt nghiệp bằng Tiến sĩ về Nhạc Dân tộc tại đại học đường Sorbonne.

Qua Hoa Kỳ sống từ năm 84, ông giảng dạy môn Âm nhạc Thế giới tại các trường đại học Washington, UCLA, và hiện nay là tại trường đại học Kent State ở tiểu bang Ohio. Đồng thời, ông liên tục đi trình diễn tại nhiều trường đại học trên nước Mỹ, và các nơi trên thế giới.

Năm 1997, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong trở nên nhạc sĩ gốc Việt đầu tiên lãnh giải “National heritage fellowship” là giải thưởng cao quý nhất về nghệ thuật truyền thống, mà chính phủ Hoa Kỳ trao tặng vì ông đã có công “đóng góp cho sự hình thành những truyền thống về nghệ thuật và bảo tồn sự đa dạng văn hóa của Hoa Kỳ.”

hát Quan họ …

TraditionalMusicPhong200.jpg
Một buổi workshop tại trường học ở Hoa Kỳ. Photo courtesy Phong-Nguyen.com

Từ năm 93, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã thực hiện nhiều chuyến về miền cao nguyên Trung phần Việt Nam để nghiên cứu nhạc của các sắc tộc thiểu số ở đó. Ông đâm ra yêu mến những âm thanh độc đáo của vùng Tây Nguyên, và thấy cần phải trình bày cho mọi người cùng nghe biết.

Tiếng cồng chiêng …

Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong cho hay là vào sáng hôm trình diễn, trường Trung học Wayland cũng tổ chức Workshop cho học sinh có dịp thấy tận mắt các nhạc cụ, làm quen với chúng, và hỏi ban nhạc về những điều mà các em thắc mắc.

“Đó là sự quan tâm đặc biệt của tôi đối với giới trẻ về âm nhạc Việt Nam vì thế mà chúng tôi dành sáng hôm đó để tiếp xúc với các học sinh. Các em thích thú bởi vì đó là cái dịp mà các em có thể vừa học âm nhạc, vừa học về văn hóa Việt Nam, tiếp cận một cách cụ thể, là có thể sờ mó đến các nhạc cụ, và thử các nhạc cụ Việt Nam.

Chẳng hạn như Cồng chiêng vừa được UNESCO công nhận là một kiệt tác về văn hóa của nhân loại. Các em ở đó đã được thấy tận mắt cái cồng chiêng, và cái âm thanh của nó. Có một em gốc Việt trong số học sinh, nói là biết cái cồng chiêng bởi vì có về Việt Nam và cha mẹ có cho thấy cái cồng cái chiêng là gì.

Đó là điều tôi cũng rất mừng là trẻ em người Việt mặc dù không nói tiếng Việt được nhưng vẫn hiểu rằng âm nhạc nước Việt cũng rất là hay. Tôi cho các em đó xem hàng chục nhạc cụ tre trúc. Trước tới giờ thì thấy đũa tre để mà ăn cơm nhưng chưa bao giờ thấy nhạc cụ làm bằng tre trúc, rất phong phú thì các em rất thích và thấy rằng cái ý tưởng của người Việt Nam rất hay. Các em thích lắm, cười vui và chia sẻ với chúng tôi rất nhiều.

Người Mỹ và đặc biệt là trẻ em Mỹ, họ rất vô tư. Họ nhìn âm nhạc: đương nhiên là nó phải có âm nhạc của nhiều nước, của người này người nọ do đó, các em tiếp cận âm nhạc Việt Nam rất là vui, không có thành kiến là nhạc cổ hay là nhạc tân gì cả.

Đó là một điều mà tôi muốn chia sẻ với thính giả của đài là đôi khi chúng ta nghĩ rằng âm nhạc Việt Nam là cổ nhưng mà trong đó biết đâu, nó có chứa đựng rất nhiều điều mới mà chúng ta chưa biết. Chúng ta tưởng là chúng ta biết nhưng mà chúng ta thực sự chưa biết.” Quý vị đang nghe thổi Đinh-tút, ống sáo rất dài nhưng không có lỗ, mà ban nhạc Nguyễn Thuyết Phong trình diễn tối hôm đó …

Nối tiếp là một khúc hát Tình yêu của dân tộc Nùng …

Trở lại với người Kinh, trai gái ngỏ ý ướm lời qua “lối hát Trống quân giữa hai nhóm người hát đối đáp với nhau, nam và nữ. Âm thanh của cái sợi giây mà khi người ta gõ lên cái sợi giây căng trên mặt đất, họ đập lên sợi giây đó thì nghe tiếng thùng thình giống như tiếng trống. Một điệu hát rất cổ xưa mà ít có dịp người Việt Nam nghe.” Mời quý vị nghe Nguyễn Thuyết Phong và Kim Oanh hát Trống quân

Trong âm thanh bài hát Trống quân, Thy Nga xin kết thúc chương trình … chào tạm biệt quý thính giả …

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.