Gia Minh, phóng viên đài RFA
Vấn đề cơ sở tôn giáo do chính quyền địa phương mượn hay trưng thu từ sau thời điểm năm 1975 đến nay vẫn còn là một trở ngại chưa được các cấp chính quyền địa phương giải quyết đến nơi đến chốn. Gần đây lại xảy ra một số vụ việc khiến những vị chức sắc tôn giáo cao cấp phải lên tiếng.

Lâu nay có ý kiến cho rằng hội đồng giám mục Việt Nam khá kín tiếng khi có những vụ việc xảy ra giữa giáo hội và phía chính quyền Hà Nội. Thật hiếm có ý kiến công khai của các đấng chủ chăn giáo hội như vào ngày 7 tháng 7 năm 2007 vừa qua, với lá thư của nguyên chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam, Đức cha Phao Lô Nguyễn Văn Hòa, minh định rõ là phát biểu của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Hoa Kỳ cho rằng việc xử án Linh mục Nguyễn Văn Lý có sự đồng thuận của Tòa thánh Vatican và Hội đồng giám mục Việt Nam là không đúng sự thật.
Tuy vậy, trong những tháng gần đây xuất hiện thư của hai vị giám mục đứng đầu hai địa phận gửi cho chính quyền địa phương tại nơi các ngài cai quản nêu ra ý kiến liên quan việc cơ sở giáo hội bị chiếm dụng hay đập phá.
Đó là thông báo đề ngày vào ngày 10 tháng 8 vừa qua của đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận, giám mục Cần Thơ về trường Bảo Lộc của họ đạo Bảo Lộc tại thành phố Cà Mau.
Tiếp đến là đơn khiếu nại đề ngày 30 tháng 10, 2007 do giám mục Phan Thiết Phao Lô Nguyễn Thanh Hoan ký nêu ra việc công an địa phuơng cho phá nhà thờ Sông Mao thuộc địa phận Phan Thiết.
Vấn đề trường học của họ đạo Bảo Lộc ở thành phố Cà Mau, được linh mục quản xứ Bùi Quang Triều cho biết:
“Lâu rồi cả mấy năm nay. Trường cho họ mượn sau khi tiếp thu thì họ rút đi rồi và bỏ không cả ba niên học nay. Mong muốn của giáo xứ là muốn giữ lại mảnh đất đó để làm như lưu học xá… Ở giữa thì cất nhà thờ, vì nhà thờ hiện nay hẹp quá.
Trước đó họ có lên đức giám mục xin nhưng đức giám mục không đồng ý; nhưng họ cứ xúc tiến và ra quyết định làm nhà trẻ. Chúng tôi có khiếu nại lên trung ương, và thấy hôm qua trung ương có xuống xem xét.
Cái nhà trẻ họ muốn làm nhà trẻ, hiện cũng có nhà trẻ trong nhà thờ, cho muợn làm ở phía sau nay họ lại muốn đưa ra phía trước, trong khi phía sau cũng có một nhà trẻ do các dì phước quản lý; đó là điều mà chúng tôi thấy bất tiện.”
Một giáo dân tại đó cũng có ý kiến: "Tôi thấy nhà nước làm vậy là ức hiếp họ đạo, vì mượn vì phải trả. Chúng tôi chỉ mong đòi lại để xây dựng nhà thờ, họ đạo hiện có trên 6 ngàn giáo dân, mà nhà thờ hiện thời quá nhỏ."
Còn vấn đề tại nhà thờ Sông Mao ra sao? Chúng tôi liên lạc với một giáo dân tại khu vực đó và được giải thích như sau: "Hiện trường thì nhà thờ đập xong rồi chỉ còn tháp chuông và hang đá. Nhà thờ thì nằm trong khu quân đội tiếp quản, đó là nhà thờ tuyên úy; khỏang năm nay họ dọn đi, nay họ trở lại và họ đập theo ý họ."
Quan điểm của Nhà nước
Quan điểm của nhà nước Việt Nam về các cơ sở tôn giáo được mượn hay trưng thu trứơc đây thì ra sao? Ông Nguyễn Thế Doanh, phó Ban Tôn giáo Chính phủ từng phát biểu với Đài chúng tôi như sau:
“Về vấn đề đất đai, tài sản của các tổ chức tôn giáo nói chung không riêng gì của công giáo, thì chúng tôi có chính sách ví dụ như luật đất đai; trong đó có nói ủy ban các cấp phải xem xét nhu cầu của tôn giáo để cấp đất để sử dụng lâu dài và không thu tiền sử dụng đất. Địa phương phải đáp ứng đến mức tối đa phục vụ nhu cầu thờ tự của bà con.
Bây giờ nhu cầu chính đáng của nhân dân về sinh họat tôn giáo thì nhà nứơc xem xét và xử lý đến mức tối đa. Những nơi cũ mà mượn có giấy tờ hẳn hoi thì phải trả; chả cứ gì về phương diện pháp luật mà về đạo lý cũng thế thôi.”
Tại tổng giáo phận Huế ở miền Trung, cũng có nhiều cơ sở đang trong diện được phía giáo hội yêu cầu trả lại phục vụ họat động tôn giáo nhưng vẫn chưa được đáp ứng, thậm chí còn bị gây trở ngại như trường hợp xảy ra ở họ đạo Sáo Cát ở Lăng Cô, theo như lời trình bày của vị linh mục chánh xứ ở đó:
“Giáo xứ xin lại để bảo tồn, sửa chữa và phát triển trong việc mục vụ đa dạng trong thế giới văn minh này. Giáo xứ chỉ có một cơ sở duy nhất để dạy giáo lý mà bị chiếm dụng suốt 32 năm nay. Họ cũng đưa vào giảng dạy cho học sinh tiểu học, nhưng cơ sở này chỉ là cơ sở hai, cơ sở phụ thôi. Thậm chí vào những ngày mưa gió lớon thì học sinh ướt mèm, phải nghỉ học luôn; nhưng họ vẫn cứ kéo dài vậy.”
Vừa qua, chính quyền Hà Nội tiếp phái đòan Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo quốc tế. Phía nhà nước Việt Nam cho rằng hòan toàn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tạo mọi điều kiện cho sinh họat tôn giáo.
Điều đó được chứng minh bằng những con số như tín hữu gia tăng, nhiều giáo hội được cho đăng ký, một số chùa, nhà thờ mới được xây dựng. Trong khi đó các giáo hội vẫn lên tiếng về các trở ngại mà họ đang gặp phải như ba trường hợp của giáo hội công giáo vừa được nêu ra.