Biểu tình đòi nhân quyền và công bằng cho công nhân ngoại quốc tại Đài Loan


2005.12.15

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Chúa Nhật 11 tây rồi, đúng một ngày tiếp sau Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, hàng ngàn công nhân nước ngoài ở Đài Loan gồm người Philippines, Thái Lan, Kampuchia, Indonesia, Việt Nam, biểu tình tuần hành từ nhà ga trung ương thủ đô Đài Bắc đến Bộ Lao Động để phản đối chính sách gọi là nô lệ và bóc lột lao động, yêu cầu Bộ Lao Động Đài Loan có biện pháp tích cực dựa trên pháp luật hiện hành để buộc các công ty trung gian và giới chủ nhân bản xứ phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn và tôn trọng nhân quyền của nhân công ngọai quốc.

ProtestTaiwanViet200.jpg
Những người biểu tình mang biểu ngữ phản đối chính sách gọi là nô lệ và bóc lột lao động. Photo courtesy of Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý

Đây là cuộc biểu tình do các tổ chức bảo vệ nhân quyền khởi xướng mà lớn nhất là Hiệp Hội Công Nhân Quốc Tế ở Đài Loan. Hưởng ứng lời kêu gọi này, Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý Cho Công Nhân Và Cô Dâu Việt Nam Ở Đài Loan do linh mục Nguyễn Văn Hùng sáng lập đã tạo phương tiện cho một số anh chị em công nhân và người giúp việc nhà Việt Nam ở Đài Loan lên Đài Bắc tham dự cuộc gia biểu tình.

Quý vị đang nghe tiếng hô hào của những anh chị em công nhân và người giúp việc nhà Việt Nam, bất chấp không khí buốt giá và mưa gió ở Đài Loan mùa này.

Năm khẩu hiệu

Đó là tiếng nói của linh mục Nguyễn Hùng Cường, phụ tá cho linh mục Nguyễn Văn Hùng trong công việc chăn dắt giáo dân ở Đào Viên mà cũng là người sát cánh với linh mục Hùng để giúp đỡ những cô dâu kém may mắn, những công nhân gặp nghịch cảnh, những cô những chị qua Đài Loan làm ô xin mà bị nhà chủ, ức hiếp, xâm phạm tiết hạnh.

Năm khẩu hiệu đọc được trên những bích chương hay bang vải viết bằng tiếng Việt và tiếng Hoa hoặc những ngôn ngữ khác được linh mục Nguyễn Hùng Cường nhắc lại như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

ProtestTaiwan150.jpg

Qua đường điện thọai viễn liên, Thanh Trúc nói chuyện trực tiếp với một người trong đoàn biểu tình, chị Tâm, quê ở Việt Trì, Phú Thọ, qua Đài Loan làm nghề giúp việc nhà: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Một người khác trong đoàn biểu tình, anh Phòng, quê ở Hà Tĩnh, bị chấn thương cột sống vì té từ lầu cao xuống đất khi đang làm việc. Hậu quả là anh bị hỏng đôi chân phải ngồi xe lăn như một người tàn phế: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Theo lời linh mục Nguyễn Văn Hùng, Bộ Lao Động Đài Loan đã cử một viên chức cao cấp chuyên trách về các vấn đề công nhân nước ngoài, ông Diệp Mộng Long, ra nhận thỉnh nguyện thứ của đoàn biểu tình hôm Chúa nhật vừa qua.

Cuộc biểu tình kết thúc bằng những màn trình diễn của từng nhóm công nhân ngọai quốc. Nhóm này hát, nhóm kia đàn. Công nhân Việt Nam đóng góp một màn kịch mà nội dung tựa như câu chuyện của chị công nhân giúp việc tên Tâm ở Việt Trì. Linh mục Nguyễn Văn Hùng cho biết vở kịch ngắn nhưng sống động khiến nhiều người rơi lệ: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Nếu chỉ nói riêng công nhân lao động Việt Nam ở Đài Loan thì tính đến lúc này là khoảng 85.000 người. Con số này tăng lên hay giảm xuống tùy vào những trường hợp thêm người qua hoặc bớt đi vì có người bị môi giới gởi trả về nước.

Đối với những ai đã bỏ một số tiền lớn để sang Đài Loan làm việc, chuyện nửa chừng bị môi giới hai bên thu xếp gởi trả về chẳng khác nào một tai họa. Về là mất hết cả chì lẫn chài, lấy tiền đâu mà trả món nợ đã cầm cố hay vay mượn trước khi đi.

Xuất khẩu lao động

ProtestTaiwan200.jpg
Những người biểu tình phản đối chính sách gọi là nô lệ và bóc lột lao động. Photo courtesy of Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý

Xuất khẩu lao động hoặc xuất khẩu công nhân ra nước ngoài là chính sách của chính phủ Việt Nam. Năm nào nhà nước cũng đề chỉ tiêu gởi bao nhiêu công nhân sang Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Người nào muốn đi thì nộp đơn, đóng tiền và làm việc với công ty môi giới của chính phủ hay của tư nhân. Phải nói rõ người đi là vì muốn đi chứ không hề bị ép buộc.

Vấn đề là họ chỉ không hiểu hoặc không được ai bảo cho biết rằng theo tiêu chuẩn lao động quốc tế, họ có quyền đòi hỏi một môi trường làm việc lành mạnh, an toàn và được đối xử tử tế. Không ai nói cho họ biết là khi gặp cảnh bất ưng, bị chủ hành hạ lường gạt họ có quyền dựa trên pháp luật để thưa kiện.

Người Việt Nam ra nước ngoài làm việc cũng không đi ra ngoài những thể lệ này. Vậy mà có người khi bị gởi trả về nước, bị gạt hết tiền lương bổng, bị chủ hành hạ khinh rẻ mà vẫn nói với Thanh Trúc nguyên văn là “tại vì mình ưa đi thì phải chịu chứ có ai bắt tội phải đi đâu”

Như vậy trách nhiệm đối với những hoàn cảnh đau khổ bất hạnh của các nam nữ công nhân Việt ở Đài Loan thuộc về ai? Phải chăng họ là nạn nhân của tình trạng đem con bỏ chợ, là nạn nhân từ chính sự không hiểu biết của mình?

Là người trực tiếp hổ trợ, giúp đỡ và đưa bao nhiêu vụ kiện của công nhân Việt Nam ra trước toà án Đài Loan mà gần đây nhất là vụ nữ công nhân thương tật Nguyễn Thị Thắm thắng kiện và được bồi thường, linh mục Nguyễn Văn Hùng phân tích:

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi do Thanh Trúc thực hiện đến đây xin tạm ngưng. Thanh Trúc hẹn tái ngộ quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.