Các cuộc biểu tình, khiếu kiện đông người đã có tác dụng gì?
2007.09.01
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Báo chí trong nước tuần qua loan tin lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã đồng ý bổ sung tiền bồi thường cho các hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án đường cao tốc Trung Lương.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng chấp thuận cấp trên 11 tỷ đồng bồi thường cho hơn 350 hộ dân ở hai huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây bị ảnh hưởng của đê ngăn mặn trên cù lao Lợi Quan. Phải chăng các cuộc biểu tình, khiếu kiện đông người đã có tác dụng? Trà Mi có thêm chi tiết.
Chúng tôi liên hệ với ông Lành, một hộ nông dân tại xã Phú Đông, bị ảnh hưởng của đê ngăn mặn ở huyện Gò Công Đông, và được ông xác nhận rằng chính quyền địa phương đã có công bố những hộ thuộc diện được lãnh tiền bồi thường:
“Họ đã công bố. Họ chỉ dán giấy ở xã mình đến coi, hộ A, B, C bị mất bao nhiêu diện tích đất thì được bao nhiêu tiền vậy thôi. Đã có người nhận được tiền.
Phản ứng của bà con ở hai xã Phú Thạnh, Phú Đông trên tuyến kênh bao ngăn mặn thuộc huỵên Gò Công Đông, Gò Công Tây là không hài lòng với mức tiền đền bù quá thấp. Sỡ dĩ họ nhận số tiền này là do qua thời gian họ bị mất đất, cuộc sống sa sút, nợ nần chồng chất, cho nên lãnh được số tiền này họ cũng vẫn hoàn tay trắng.
Bà con còn thắc mắc về giá đền bù. Chúng tôi hoàn toàn không nắm được khung giá của Bộ tài chính đưa ra, không biết ai là người thẩm định cái giá này. Chỉ có huyện nêu lên 1 công đất bao nhiêu thì mình chịu bấy nhiêu.
Người ta đang nghi ngờ là huyện ép giá và đang tìm giá niêm yết của Bộ tài chính. Nếu tìm được giá của Bộ đưa ra cao hơn giá ở đây chúng tôi được lãnh thì chúng tôi tiếp tục thưa kiện tiếp nữa.”
Thì cũng là đi cầu may vậy thôi, có mặt mình, có giấy tờ đưa cho cấp trên. Chuyện ức hiếp mình, mình cũng đi kiếm cấp trên để khiếu nại, chứ còn thấy nó không có tác dụng gì hết trơn. Khiếu nại thì họ hứa lèo vậy thôi, nói rồi bỏ qua. Người ta đi thì họ sao mình vậy, giờ chỉ biết liều thôi chứ biết sao giờ? Ai giờ cũng đi hết trơn!
Những biến chuyển ban đầu này liệu có là dấu hiệu để người dân có thể hy vọng nhà nước sẽ lắng nghe và nỗ lực đáp ứng thỉnh cầu của mình?
Cảm tưởng của người dân
Bà Chín, một dân oan ở Kiên Giang, nơi có số người tham gia khiếu kiện đất đai đông nhất nhì, cho biết cảm tưởng:
“Mình đi thì họ lên kêu về rồi nói qua loa rồi thôi, trôi qua hết, mà họ đì mình dữ lắm, ràng buộc và làm khó mình, chứ không có thấy kết quả gì hết. Gia đình tôi cũng đi khiếu kiện, đi riết mà nhà tôi mang bệnh rồi mất mà cho tới bây giờ cũng không có ai trả gì hết.
Kiện hai mươi mấy năm rồi mà cũng không được gì. Địa phương này chưa có ai được đền bù hết trơn. Mười mấy hai chục năm nay rồi đó, đi thì đi vậy thôi, cũng kéo đi khiếu kiện vậy đó, vì giờ tôi bệnh quá không đi chứ không thôi cũng vẫn đi với chị em.”
Nếu biết rằng đi khiếu kiện hay biểu tình cũng chẳng đem lại hy vọng gì, thế sao bà con vẫn kiên trì theo đuổi, bất chấp sự đe doạ, đàn áp của chính quyền? Câu trả lời chúng tôi nhận được từ những người dân oan tuy đơn giản, nhưng không khỏi chạnh lòng:
“Thì cũng là đi cầu may vậy thôi, có mặt mình, có giấy tờ đưa cho cấp trên. Chuyện ức hiếp mình, mình cũng đi kiếm cấp trên để khiếu nại, chứ còn thấy nó không có tác dụng gì hết trơn. Khiếu nại thì họ hứa lèo vậy thôi, nói rồi bỏ qua. Người ta đi thì họ sao mình vậy, giờ chỉ biết liều thôi chứ biết sao giờ? Ai giờ cũng đi hết trơn!”
Nhiều người vẫn tin rằng nếu không dám mạnh dạn lên tiếng công khai thể hiện nguyện vọng và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, thì sẽ mãi mãi gánh chịu sự bất công trong xã hội. Mặt khác, những bức xúc và oan ức khi được bày tỏ, nếu không được giải quýêt thì ít ra cũng được giải toả phần nào. Và vì thế, nhiều người cho rằng đây cũng chính là một tác dụng khích lệ trên con đường đấu tranh tìm lại công lý, như ý kiến của người nông dân ở Tiền Giang: “Nếu mình không khiếu nại, biểu tình thì kết cục ngày nay bà con vẫn sống trong hoàn cảnh đau khổ thôi. Vì ở đây số bà con bị mất đất trắng tay cuộc sống rất khó khăn, khổ sở, con cháu phải bỏ học, gia đình ly tán đi làm thuê, làm mướn.”
Nghịch cảnh
Thế nhưng một nghịch cảnh là khi người dân biểu tình đòi hỏi, dành lại những quyền lợi bị tước đoạt thì lại bị nhà nước cho là có hành động quấy rối trật tự xã hội. Chúng ta hãy nghe quan điểm của chính những nạn nhân trong cuộc:
“Quấy rối là chính chính quyền tham nhũng, cán bộ tham nhũng mới là quấy rối. Tại sao mấy ông không chấp hành theo luật. Chính huyện xã là nơi thi hành luật pháp lại cướp tài sản của công dân, làm cho dân điêu đứng, khổ sở. Những người đó mới là quấy rối.
Còn người dân chúng tôi đi đòi hỏi quyền lợi công dân, quyền dân chủ mà luật đã bảo vệ và cho phép. Quyền khiếu tố, khiếu nại, bức xúc của người dân thì dân có quyền. Họ nói chúng tôi đi quấy rối là sai.
Ý kiến của bà con là sống cuộc sống không có dân chủ, nhân quyền, quyền công dân không có thì thà chết sướng hơn. Ở Việt Nam, nếu nhà nước, chính quyền làm đúng theo luật, biết lo cho dân, cái gì của dân thì thuộc về dân, thì hoàn toàn người dân không bao giờ khiếu kiện.”
Đó là tiếng nói và nguyện vọng chung của bà con dân oan mong muốn được giải bày với các cấp có thẩm quyền, bởi “ở đâu có áp bức, bất công, ở đó ắt sẽ có đấu tranh” cũng là lẽ thường tình.
Các tin, bài liên quan
- Tiền Giang cam kết giải quyết dứt điểm khiếu kiện
- Người dân khiếu kiện thêm một lần bị giải tán và đưa về địa phương
- Người dân khiếu kiện phản đối cáo buộc của chính quyền
- Những người khiếu kiện hoặc trả lời phỏng vấn đài RFA bị đe đoạ sẽ khởi tố
- Trao đổi thư tín với thính già (Ngày 30-8-2007)
- Những ý kiến khác biệt của giới trẻ về “biểu tình” (phần 1)
- Phỏng vấn Thượng tọa Thích Không Tánh về sự việc đã xảy ra khi đi cứu trợ ở Hà Nội
- Dân oan tiếp tục khiếu kiện ở Sài Gòn, Hà Nội
- Báo chí VN tố cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khích động dân chúng khiếu kiện