Nhiều quốc gia tìm cách di tản kiều dân khỏi Lebanon

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tình hình chiến sự ở Lebanon vẫn tiếp tục gây xôn xao dư luận, trong lúc các nước Châu Á đang dồn nỗ lực để di tản dân chúng ra khỏi khu vực đang có chiến tranh. Từ Washington, Trà My của Ban Việt Ngữ chúng tôi có bài ghi nhận chi tiết như sau.

LabanonIsrael200.jpg
Nhiều quốc gia tìm cách di tản kiều dân ra khỏi Lebanon. AFP PHOTO

Các quốc gia Á Châu đang gia tăng hoạt động, với hy vọng có thể sơ tán dân chúng của mình ra khỏi Lebanon trong thời hạn sớm nhất.

Trong lúc mức độ của những cuộc oanh kích do không quân Israel thực hiện trong 6 ngày qua mỗi lúc một tăng và tình hình mỗi ngày một thêm nguy kịch, Australia đã đưa được 86 công dân của họ ra khỏi vùng lửa đạn.

Chính Phủ Trung Quốc cũng kêu gọi người dân bằng mọi cách rời khỏi Lebanon ngay tức khắc. Ðó cũng là kế hoạch được nhiều nước Châu Á-Thái Binh Dương khác như Thái Lan, New Zealand hoặc Indonesia… thực hiện.

Vì không quân Israel nhiều lần ném bom ở sân bay quốc tế Beruit, do đó chuyện di tản dân bằng phương tiện hàng không là điều không một quốc gia nào nghĩ đến.

Tại Canberra, Ngoại Trưởng Alexander Downer cho biết di tản bằng xe buýt từ Lebanon sang Syria là cách duy nhất để đưa công dân Australia ra khỏi vùng đang chìm trong khói lửa chiến tranh, và Chính Phủ Úc cũng đang nghĩ đến việc thuê tầu vào đón khoảng 600 người đang còn kẹt giữa các lằn đạn.

Thái Lan thì thông báo đã có 25 công dân ra khỏi Beruit, và hiện còn chừng 75 người đang chờ phương tiện để đi Syria. Ngoài ra, để đề phòng trường hợp cuộc chiến lan rộng hơn, Bangkok cũng đã vạch một kế hoạch để di tản 25,000 công dân đang làm việc ở các nông trại tại Israel.

Tại New Zealand, Nữ Thủ Tướng Helen Clark cho báo chí biết đã cử đặc sứ đến Luân Ðôn, chính thức yêu cầu Anh Quốc giúp di tản khoảng 40 người đang bị kẹt ở Beruit, trong khi Indonesia quyết định di tản tất cả mọi công dân, kể cả những nhân viên ngoại giao sang Syria.

Riêng với Philippines, các viên chức nước này nói rằng làm sao có thể liên hệ được với 30,000 công nhân Phi sinh sống rải rác khắp nơi trên lãnh thổ Lebanon là một công tác đầy khó khăn, và làm sao có thể đảm bảo được an toàn cho tập thể đông đúc này, đương nhiên, còn khó hơn rất nhiều.

Cũng cần phải nói rõ không phải chỉ có các nước Châu Á-Thái Bình Dương, mà ngay chính Hoa Kỳ cũng đang tìm đủ mọi cách để đưa công dân của họ rời Lebanon đến nơi an toàn hơn.

Cuối tuần trước, ông Kurtis Cooper, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên tiếng ở Washington là kế hoạch di tản 25,000 người đã được soạn thảo, công tác cũng đã bắt đầu được thực hiện.

Nhưng mãi đến chiều hôm qua mới có tin cho hay chỉ có chừng 20 công dân Mỹ được trực thăng đưa sang Cyprus, trong khi những người Mỹ còn kẹt lại ở Lebanon lên tiếng than thở là chỉ thị của Chính Phủ Mỹ về việc di tản công dân không được rõ ràng.

Cũng cần lưu ý đến nay, Chính Phủ Việt Nam vẫn chưa nói có công dân bị kẹt ở Lebanon hay không, và nếu có, chương trình di tản sẽ được thực hiện như thế nào.

Trà Mi tường trình từ Washington.