RSF yêu cầu Turkmenistan trả tự do cho một ký giả và nhà đấu tranh cho nhân quyền


2006.07.08
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Ðỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

RSF tức tổ chức phóng viên không biên giới với sự hưởng ứng của một số nhà báo Pháp và quốc tế, hôm qua (thứ sáu vừa qua) đến tập họp trước toà đại sứ Turkmenistan ở Paris yêu cầu trả tự do cho một nữ ký giả truyền thanh và hai nhà đấu tranh cho nhân quyền, bị ngồi từ từ hơn 3 tuần qua.

TurkmenNiyazov150.jpg
Tổng thống Turkmenistan ông Saparmurat Niyazov hôm 23-1-2006. AFP PHOTO

Để ghi nhận thêm chi tiết, đài chúng tôi đã liên lạc với bà Annabelle Arquy, viên chức RSF đặc trách địa bàn Châu Âu và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và được bà dành cho cuộc trao đổi sau đây.

Ðỗ Hiếu: Thưa bà, là người tham gia biểu tình với các đồng nghiệp trước sứ quán Turkmenistan tại Paris, xin bà sơ lược về lý do cùng diễn tiến cuộc tập họp này?

Bà Annabelle Arquy: Số phóng viên đại diện cho giới truyền thông Châu Âu đến trước nhiệm sở ngoại giao của chánh phủ Achkahbad, có trên 30 người tất cả. Chúng tôi cùng giống lên tiếng nói chung để gây sự chú ý của công luận thế giới đối với những hành động nguy hiễm xảy ra từ nhiều tuần qua ở Turkmenistan, đối với những nhà hoạt động cho nhân quyền và tự do ngôn luận, bị chế độ cầm quyền gán ghép tội làm gián điệp cho ngoại bang.

Những nhân vật này còn bị cáo buộc tội chống phá chế độ và phỉ báng cá nhân tổng thống Sapar Moratinazov.

Ba người đang ngồi tù gồm có, ông Annakurban Amanklychev cộng tác viên của hệ thống truyền hình Pháp số 2, cô Ogulsapar Muradova, thông tín viên của hai đài RFE tức Âu Châu Tự Do và Radio Liberty, do Hoa Kỳ tài trợ và nhà hoạt động nhân quyền Sapardurdy Khajiev thuộc tổ chức Helsinki.

Ba người đang ngồi tù gồm có, ông Annakurban Amanklychev cộng tác viên của hệ thống truyền hình Pháp số 2, cô Ogulsapar Muradova, thông tín viên của hai đài RFE tức Âu Châu Tự Do và Radio Liberty, do Hoa Kỳ tài trợ và nhà hoạt động nhân quyền Sapardurdy Khajiev thuộc tổ chức Helsinki.

Cả ba đều bị cơ quan mật vụ Turkmenistan bí mật bắt giam từ ba tuần qua. Tin tức cho hay là nơi họ bị quản thúc hiện giờ là một nhà tù thuộc bộ an ninh, nội chính, tức là cơ quan tình báo KGB của Nga trước đây.

Đến nay, không ai hay biết những gì đang xảy ra cho ba người, nhưng chắc chắn trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó, tình trạng sức khỏe và mạng sống là chuyện đáng quan ngại nhất.

Xin được nói thêm là, qua tìm hiểu của RSF thì mọi cáo buộc gán ghép cho ba nhân vật vừa nói đều không đứng vững, thiếu trung thực, nếu không muốn nói là một sự dàn dựng từ bạo quyền.

Ðỗ Hiếu: Thưa bà, có phải vì dấn thân tranh đấu cho nhân quyền và tự do báo chí ở Turkmenistan mà ba nhân vật này bị chế độ Achkahbad tìm cách trừ khử và khóa miệng ?

Bà Annabelle Arquy: Cả ba người đều là thành viên thuộc tổ chức nhân quyền quốc tế Helsinki có trụ sở và hoạt động khắp Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ.

Riêng trường hợp nhà báo Annaburkan Amanklytchev thì bị cáo buộc tội cất dấu trong mình một máy quay phim, để thu thập hình ảnh và cung cấp cho một nhân viên làm việc cho phái bộ văn hóa thuộc toà đại sứ Pháp. Mọi phóng sự bằng hình ảnh hay âm thanh đều bị tuyệt đối ngăn cấm, vì nhà nước Turkmenistan không muốn thế giới biết cuộc sống thực tế tại đây.

Tưởng cũng xin nói thêm là những cáo buộc gán ghép cho các đương sự đều rất mơ hồ, không có gì là cụ thể và chỉ được báo chí do nhà nước kiểm soát đăng tải mà thôi. Trong khi đó thì chánh quyền không hề đá động gì tới chuyện bắt bớ các đương sự.

Ðỗ Hiếu: Theo giới truyền thông quốc tế thì Turkmenistan là một quốc gia độc đoán, toàn trị, khép kín với bên ngoài, vậy RSF có nhận định gì về vấn đề này?

Bà Annabelle Arquy: Đúng như thế, Turkmenistan là một nước không chấp nhận quyền tự do, dân chủ, ngôn luận. Mọi phương tiện thông tin đều bị kiểm sóat gắt gao. Những ai không tuân phục sẽ bị tống giam tại các nhà tù đông đúc, mọc lên khắp nước. Năm ngoái, Turkmenistan bị ghi tên và xếp hạng ba vào danh sách các nước tước đoạt quyền tự do ngôn luận trên thế giới, chỉ sau Bắc Hàn và Erythria.

Con số những tù nhân chính trị, nhà báo, nhân vật bất đồng chính kiến bị giam cầm rất cao, nhưng khó có thể biết tổng số là bao nhiêu, do chủ trương bưng bít và khóa chặt mọi liên lạc với bên ngoài. Nhiều nhân chứng kể lại rằng, trong những nhà tù kiên cố, các phạm nhân chính trị đã bị đánh đập, tra khảo tàn nhẩn.

Ðỗ Hiếu: Thưa bà, trong tình thế hiện giờ, nếu nhà cầm quyền Turkmenistan không đáp ứng yêu cầu của RSF, mà vẫn tiếp tục giam giữ lâu dài các ông Annakurban Amanklychev, Sarpardurdy Kahjev và cô Ogoulsapa thì tổ chức sẽ có phản ứng ra sao?

Bà Annabelle Arquy: Đại diện toà đại sứ Turkmenistan tại Pháp đã hai lần liên lạc với chúng tôi để thu xếp cuộc gặp gở với ông Robert Menard, tổng thư ký của RSF, nhưng cuối cùng những cuộc tiếp xúc đó đều không thực hiện được.

Mặt khác, ông đệ nhất tham tán sứ quán Turkmenistan có hứa gặp giới truyền thông quốc tế tập họp trước nhiệm sở hôm thứ sáu, để nhận thỉnh nguyện, nhưng cuối cùng ông mất dạng, mà không cho biết lý do.

RSF sẽ theo dõi sát nội vụ, đồng thời ráo riết vận động với các chánh phủ, các tổ chức quốc tế để yêu cầu chánh phủ Turkmenistan cung cấp tin tức chính xác liên quan đến ba nhân vật đang ngồi tù và buộc nước này phải trả tự do vô điều kiện cho họ.

Ðỗ Hiếu: Xin cám ơn bà Annabelle Arquy, thuộc RSF, Paris đã dành cho đài chúng tôi cuộc phỏng vấn vừa rồi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.