Những phản ứng trái ngược về vụ đền bù đất đai không thoả đáng


2006.01.18

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Về tính sòng phẳng trong vụ việc giải quyết những bức xúc của nhân dân tại tỉnh Ðồng Tháp, trong buổi phát thanh trước Ðài chúng tôi đã gửi đến quí thính giả về những phương cách giải quyết của Ðoàn Thanh Tra Liên Ngành Chính Phủ mà ông Hoài, Phó trưởng đoàn đã dành cho Việt Hùng của Ðài chúng tôi.

DongThapLandDispute200b.jpg
14 hộ dân tỉnh Ðồng Tháp khiếu kiện về việc đền bù đất đai không thoả đáng. RFA PHOTO

Ðể rộng đường thông tin cũng như để tiếp tục tìm hiểu rõ hơn về quan điểm của Ðoàn Thanh tra mà cụ thể là với trường hợp 14 hộ dân ở xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Ðồng Tháp như thế nào và về phía 14 hộ dân này phản ứng ra sao? Mời quí vị theo dõi qua bài ghi nhận của Việt Hùng.

Quan điểm của Ðoàn Thanh tra

Trong tinh thần "cởi mở" và tính sòng phẳng với người dân, dù rất bận với công việc, nhưng ông Hoài, Phó trưởng đoàn Thanh tra Chính phủ hiện đang có mặt tại Ðồng Tháp đã cho biết quan điểm của Ðoàn vào giải quyết lần này.

Ông Hoài, Phó trưởng đoàn Thanh tra: Việc chúng tôi làm là như vậy, cũng không có cái gì bí mật hết cả, là vì khi chúng tôi làm là trên cơ sở khách quan thôi. Cái gì mà dân oan sai là chúng tôi làm để làm sao đảm bảo được quyền lợi được cho dân, mà nếu địa phương sai thì dứt khoát phải yêu cầu địa phương phải sửa.

Ðất nước này chỉ có một Luật pháp thôi, phải có tính thống nhất cả nước chứ không phải địa phương này làm thế này, địa phương khác thì làm thế khác được. Cho nên tôi mới nói với anh rằng, đây là Ðoàn Liên Ngành, không phải chỉ có một Thanh tra Chính phủ và kể cả Bộ Tài Nguyên Môi Trường.

Cách thức của chúng tôi, cách thức của chúng tôi làm là phân ra 3 loại:

- Những hồ sơ nào dân khiếu nại không đúng, Luật pháp ra như vậy thì cũng phải động viên dân phải chấp hành.

- Còn những cái thực sự Luật pháp cho dân được hưởng mà những quyền lợi này địa phương chưa làm đúng thì địa phương phải giải quyết lại đúng cho dân, chúng ta phải sòng phẳng với dân chứ

- Nếu quan điểm của địa phương và Ðoàn Thanh tra khác nhau thì phải báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo. Cách thức chúng tôi làm việc là cũng rõ ràng như vậy.

Ðoàn thì anh biết rồi, có 5 người, không phải lần này xuống chủ yếu là gặp dân để giải quyết, chúng tôi giải quyết là hồ sơ từ "ngoài kia" vào, có danh sách rồi, cho nên không cần gặp dân chúng tôi cũng đọc được hồ sơ ở đây. Còn cần gặp dân ở đây để đối thoại thì chúng tôi cũng sẽ tổ chức đối thoại.

Việt Hùng: Trong tinh thần để mà thông tin, những người dân "thấp cổ bé miệng", người ta không có thông tin để biết được cách làm việc như vậy thì họ phải chờ đợi? Cá nhân chúng tôi đã có dịp nói chuyện với ông Ðặng Hùng Võ hay với một số các quan chức trong tinh thần để rộng đường thông tin cũng như để cho bà con biết.

Ông Hoài, Phó trưởng đoàn Thanh tra: Cái khiếu nại ở chỗ ấy, chúng tôi xem qua rồi. Bây giờ cái việc thu hồi cái khu tái định cư Vượt Lũ này là chủ trương của nhà nước cấp cho các tỉnh thuộc Ðồng bằng sông Cửu Long là mấy nghìn tỷ thì Ðồng Tháp chừng hơn 1 nghìn tỷ gì đấy để làm các khu dân cư vượt lũ.

Bây giờ dân phải đưa ra được cái quyết định về giá của địa phương đó là bao nhiêu, mà địa phương đó giải quyết được bao nhiêu, vì giá là do từng địa phương một chứ không phải là giá của nhà nước, của chung của cả nước.

Bạn nghĩ gì về vụ này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Khi mà thực hiện dự án này thì đang còn nghị định 22/CP chứ không phải là Nghị định 197/CP như bây giờ thì bây giờ bà con khiếu nại là so với đơn gía của Tỉnh thì chính quyền họ làm chưa đúng là ở chỗ nào thì khi ấy giải quyết nó mới dễ được.

Cho nên bà con bây giờ theo cái đơn đây là toàn khiếu nại chung chung, không thỏa đáng, rồi tất cả các thứ. Nhưng bà con chưa đưa ra được cái giá của địa phương quy định như thế này, nhưng thực tế địa phương lại không thực hiện như thế này, thì cái ấy bà con cần phải tìm hiểu lại cho nó đúng và khiếu nại cho nó đúng, khi đó Ðoàn Thanh Tra làm mới dễ được.

Bây giờ giá như thế này tại sao Tỉnh lại giải quyết như thế kia, không thể nào chấp nhận kiểu ấy được. Thu hồi khi nào thì đền bù áp giá tại thời điểm ấy. Theo nguyên tắc của Luật là chúng ta không "hồi tố" , tất nhiên là càng ngày càng có lợi cho dân hơn, nhưng không có "hồi tố", đấy là một nguyên tắc như vậy. Thế bây giờ bà con lại bảo áp giá theo Nghị định 197/CP vào thời điểm này thì làm sao nhà nước chấp nhận được.

Việt Hùng: Bà con thì không nói là phải theo Nghị định 197/CP, mà họ nói là theo Nghị định của Ủy ban Nhân dân Tỉnh thì là 600 ngàn mà tại sao xuống nói có 10. 500 đồng và họ không đồng ý.

Ông Hoài, Phó trưởng đoàn Thanh tra: Cái ấy thì rất dễ, bà con viện chứng ra được thì chúng tôi làm rất dễ, tức là chúng tôi nói là nếu như quyết định của Tỉnh là 600 ngàn đồng mà bồi thường cho bà con có 10. 500 đồng thì dứt khoát yêu cầu Tỉnh phải làm đúng, là vì đây là ngân sách của nhà nước chứ đâu phải ngân sách của địa phương bỏ ra đâu. Là hơn 1000 tỷ của nhà nước chứ đâu phải của Tỉnh bỏ ra đâu mà Tỉnh lại ép bà con như thế được.

Việt Hùng: Nhưng mà nếu như trong trường hợp chính sách ở trên thì đúng mà dưới các cấp họ làm không đúng theo chỉ thị như vậy thì bà con sẽ phải kêu ở đâu ạ?

Ông Hoài, Phó trưởng đoàn Thanh tra: Trong Nghị định 22/CP qui định rất rõ, khiếu nại, khiếu nại, anh cứ phải chấp hành. Chứ bây giờ anh vừa chống đối, không chấp hành, tức là anh cứ vẫn là giao đất, còn đền bù không đúng thì anh có quyền khiếu nại .... thì chính vì người ta khiếu nại thì chúng tôi vào chúng tôi xem xét. Nếu sai thì nhà nước phải xuất ngân sách ra mà trả lại đủ cho dân chứ làm sao nhà nước mình lại đi lấy không của dân như thế được, không thể được.

Quan điểm của Trung ương, không thể nào, chính sách có, chế độ có mà anh lại chặn lại không trả cho dân là không thể được. Cái này, quan điểm của Trung ương là dứt khóat, rõ ràng, sòng phẳng với dân thôi.

Tất nhiên về chế độ giá của chúng ta so với giá thị trường, giá thực tế nó cách xa thì đã rất là thiệt rồi, mà bây giờ trong cái thiệt của dân lại tiếp tục làm dân thiệt thì làm sao ai mà chịu được. Những bức xúc của dân chúng tôi cũng hiểu được và quan điểm của Trung ương là phải sòng phẳng với dân.

Phản ứng của người dân

Thế vừa rồi là lời ông Hoài, Phó Ðoàn Thanh Tra Chính Phủ từ Ðồng Tháp. Thế về phía 14 hộ dân tại xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Ðồng Tháp phản ứng ra sao, ông Trần Thanh Tấn là người được 14 hộ gia đình đồng ký tên ủy thác trong việc khiếu kiện cho biết:

Ông Trần Thanh Tấn, đại diện 14 hộ dân: Dạ thưa ông, quyết định thu hồi đất làm khu kinh doanh đó, thu lại bán nền nhà đó là năm 2002 mà cái Nghị định do ông Võ Xuân Nghĩa, Chủ tịch Tỉnh Ðồng Tháp ký năm 2000 là công văn 0607 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ðồng Tháp, lúc đó chúng tôi chỉ đòi bồi thường đúng như Công văn 0607 của Chủ tịch tỉnh Võ Xuân Nghĩa ký thôi.

Việt Hùng: Nhưng mà vấn đề mà chúng tôi hỏi ở đây đó là, khi mà quyết định thu hồi, chính quyền các cấp địa phương họ có áp dụng theo Nghị định ban hành lúc đó hay không?

Ông Trần Thanh Tấn, đại diện 14 hộ dân: Dạ, không có áp dụng, lúc đó 210. 000 đồng mà chỉ đền có 10.500 đồng thôi.

Việt Hùng: Và họ có quyết định cho các ông biết là họ chỉ bồi thường có 10. 500 đồng là vì lý do tại sao không?

Ông Trần Thanh Tấn, đại diện 14 hộ dân: Không có chứng cớ vô đâu, không có lập Hội đồng gì hết trơn, không có dựa vào Công văn 0607 gì hết trơn ......

Việt Hùng: Nhưng mà về phía Phái đoàn Thanh tra liên ngành bộ của Chính phủ vào thanh tra thì họ nói rằng, vào thời điểm đó là phải thi hành theo Nghị định 22/CP, căn cứ theo những điểm ấy thì các ông có trình bày trong lá đơn của các ông không?

Ông Trần Thanh Tấn, đại diện 14 hộ dân: Tờ kính trình kêu oan của 14 hộ dân gửi Thủ tướng, gửi Tổng bí thư, gửi Chủ tịch nước, gửi Chủ tịch Quốc Hội, gửi Tổng Thanh tra nhà nước có gửi đề rõ ràng luôn. Tại ông ấy nói với ông thì ông nói vậy thôi, chứ chúng tôi gửi là chúng tôi nói rõ ràng luôn, công văn ngày nào ký, ai ký ..... là chúng tôi nói rõ hết

Việt Hùng: Nhưng mà trong mấy ngày rồi, Thanh tra của Chính phủ họ có gọi đại diện của 14 hộ gia đình đó lên để làm việc hay không?

Ông Trần Thanh Tấn, đại diện 14 hộ dân: Cái ngày Chủ nhật vừa rồi, chúng tôi có điện ra cho ông Mai Quốc Bình thì ông nói là Đoàn đang về làm việc tại tỉnh Đồng Tháp, coi xuống mà đăng ký tại Ủy ban Nhân dân, văn phòng tiếp dân, sau đó chúng tôi đến trực tiếp nhưng tỉnh không cho đăng ký, họ nói, " tại sao biết mấy người ở ngoài đó vô mà đăng ký, ở đây không biết, nếu muốn liên hệ thì điện thoại kiếm mấy người ấy mà làm...".

Việt Hùng: Ở cấp Tỉnh họ trả lời cho các ông là cấp nào?

Ông Trần Thanh Tấn, đại diện 14 hộ dân: Dạ thưa ông, đó là ông Ngô Hiền Chúc và ông Trần Tấn Đạt là tiếp dân của Uỷ ban Tỉnh trả lời vậy đó, cũng như đuổi xô dữ lắm ông ơi, khổ dữ lắm. Còn tôi điện ra cho ông Mai Quốc Bình thì ông Bình kêu lại Ủy ban Tỉnh đăng ký, nhưng Ủy ban Tỉnh thì kêu lại bên kia, đổ qua đổ lại hoài ....

Việt Hùng: Nhưng mà bây giờ các ông đã biết có Đoàn Thanh tra Chính phủ vào rồi thì các ông có đăng ký lịch để xin gặp phái đoàn đó hay không?

Ông Trần Thanh Tấn, đại diện 14 hộ dân: Chúng tôi có đến nhưng không cho vô, nói Đoàn đó không có vô, nhưng mà thực chất có vô, ngồi ở đó, xe đậu ở đó luôn. Tại vì ông ấy nói thì nói vậy đó cũng như khi ông phỏng vấn thì ông ấy nói cho qua lề, chứ chúng tôi gửi giấy tờ đề rõ ràng, nội công an huyện, tỉnh, nói mời làm việc chúng tôi tổng cộng là 57 lần, cũng như là tra tấn tù nhân vậy đó, là ngày mấy tháng mấy, lúc mấy giờ là có phiếu hết chơn.

Chúng tôi có đề và gửi ra ngoài đó hết chơn, giấy tờ của chúng tôi ghi ngày mấy, tháng mấy, lúc mấy giờ, mấy phút, đề rõ ràng luôn.

Việt Hùng, Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.