Phản ứng của giới trẻ về vụ tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa (phần 2)

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trong chương trình trước, chúng tôi đã gửi đến quý vị và các bạn cuộc hội luận giữa các bạn thanh niên tại hai miền Nam-Bắc ghi nhận ý kiến và những bức xúc của giới trẻ Việt Nam trước việc Trung Quốc có hành động chính thức hoá việc cai trị của họ đối với Trừơng Sa và Hoàng Sa.

VnStudentProtestTruongSa150.jpg

Trong buổi trao đổi đó, các bạn trẻ không những lên án mạnh mẽ sự lấn lướt của Bắc Kinh, mà còn bày tỏ sự bất bình vì thái độ "lặng lẽ" của chính phủ Việt Nam trước hành động ngang ngược của Trung Quốc lâu nay. Theo nhận định của giới trẻ, nguyên nhân của sự "lặng lẽ" đó là gì?

Mời quý vị theo dõi phần thảo luận tiếp theo giữa Trà Mi với các bạn Minh và Vỹ từ Hà Nội, Tài và Hùng tại Sài Gòn. Trước tiên là ý kiến của bạn Hùng:

Hùng: Cái lặng lẽ của chính phủ Việt Nam với những hành động từ trước tới giờ của Trung Quốc thì tôi nghĩ xuất phát từ cái quyền lợi của họ. Cái quyền lợi của họ bị ảnh hưởng từ bên Trung Quốc thì hai cái này có liên quan với nhau.

Bây giờ mọi người cũng đều thấy là Trung Quốc và Việt Nam đều có cùng một thể chế chính trị, cùng do đảng cộng sản lãnh đạo, và nhất là lại sát nhau, Việt Nam bị ảnh hưởng Trung Quốc từ đuờng lối chính sách cho đến cách cai trị, thì họ không thể nào họ ra mặt phản kháng lại Trung Quốc. Đó là lý do chính yếu nhất. Cho nên nếu người dân chỉ có mong chờ chính phủ Việt Nam hiện nay để mà ra mặt thì tôi nghĩ là rất khó.

Trà Mi: Vâng. Với ý kiến mà anh Hùng vừa đưa ra để giải thích sự "lặng lẽ" đó thì xin mời các anh đóng góp ý kiến thêm, giải thích lý do vì sao - theo các anh cảm nhận - nguyên nhân của sự lặng lẽ này là như thế nào?

Minh: Nghìn năm trước Trung Quốc có mạnh không? Có mạnh và xâm chiếm Việt Nam. Nhưng mà cái thời điểm đó người Việt Nam có sợ không? Người Việt Nam chưa bao giờ sợ Trung Quốc cả. Thế thì hiện nay Việt Nam có sợ Trung Quốc không? Khi mà chúng ta nghe nói tới Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam thì tất cả người dân Việt Nam ai cũng rất giận dữ. Mà tại sao chính phủ, bây giờ quay lại câu hỏi của chị Trà Mi, tại sao chính phủ Việt Nam lại không lên tiếng?

Khi ông Lê Dũng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, lên tiếng thì chỉ lên tiếng với một giọng điệu lần nào cũng như lần nào giống hệt nhau, rất là chung chung. Trường Sa - Hoàng Sa là việc gần đây thôi. Còn cái thác Bản Giốc mất “lặng lẽ” có ai biết không? Cái chuyện quốc gia đại sự như thế mà không ai biết cả, các ông “lặng lẽ” dâng đất cho Trung Quốc.

Vietnames_California_Protest_150.jpg

Tài: Tôi nghĩ mình tẩy chay hàng Trung Quốc, dĩ nhiên đó là việc mà giới trẻ mình có thể làm trong tầm tay. Nhưng mà cái việc đó...

Trà Mi: Dạ. Trước khi mình nói về những biện pháp đối phó thì Trà Mi xin phép được đào sâu...

Video cung cấp bởi cô Kim Thu.

Xem video clip này bằng cửa sổ riêng

Tài: Em đang nói cái biện pháp đối phó, mà mình chỉ tẩy chay hàng Trung Quốc thì tôi nghĩ nó cũng không đủ mạnh để buộc Trung Quốc phải ngừng cái tham vọng của họ lại.

Trà Mi: Trà Mi muốn được ghi nhận ý kiến thêm, mình cùng nhau phân tích nguyên nhân, trước khi mình nói tới biện pháp đối phó, được không anh?

Tài: Dạ vâng.

Trà Mi: Câu hỏi Minh vừa đặt ra, tức là một ngàn năm trước Trung Quốc vẫn mạnh và Việt Nam có sợ Trung Quốc hay không so với một ngàn năm sau. Thực tại bây giờ sự phản ứng của Việt Nam đối với Trung Quốc có sự thay đổi như vậy thì xin các anh cùng nhau phân tích cái nguyên nhân.

Tài: Đúng thật là như anh Minh hồi nãy có nói là Việt Nam chưa bao giờ sợ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam thì dĩ nhiên là toàn dân Việt Nam sẽ đứng lên chống lại Trung Quốc. Có điều là khi mà mình xét trên sự việc Hoàng Sa và Trường Sa đó thì thật sự là nó khó ở chỗ là khi mà muốn giành lại Trường Sa với Hoàng Sa, nó dựa vào thực lực của hải quân hai nước. Hải quân Việt Nam thì tôi nghĩ rất là yếu so với hải quân Trung Quốc thành ra tôi nghĩ ....

Trà Mi: Đó có phải là lý do...

Hùng: Cái lý do anh đưa ra là quân sự thì mình có thể hiểu được, nhưng vấn đề ở đây là một chính phủ người ta chưa cần đánh nhau, nhưng vấn đề là họ phải có lên tiếng một cách mạnh mẽ để bảo vệ được lãnh thổ.

Dù là Trung Quốc đang chiếm đóng cũng được, nhưng ít nhất anh với tư cách là chính phủ đại diện một quốc gia, anh phải lên tiếng bảo vệ những lãnh thổ đó. Còn hiện nay chính phủ Việt Nam không làm được điều đó hay có làm thì cũng chỉ là những tuyên bố một cách yếu ớt.

Tài: Tôi đang nói đến biện pháp mà giới trẻ chúng ta có thể làm được, tức là chúng ta có thể tổ chức thêm nhiều cuộc biểu tình để gây áp lực, áp lực đối với ngay chính phủ nước Việt Nam để cho chính phủ mình lên tiếng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc. Và cái nữa là có thể thúc đẩy chính phủ Việt Nam đi tìm một đồng minh mạnh để có thể ký kết một hiệp ước liên minh chẳng hạn. Tại vì thật sự, thế giới bây giờ rất khó mà đứng một mình được. Khó có quốc gia nào có thể đứng một mình được. Ngay cả nước rất là mạnh như Nhật Bản cũng phải có đồng minh quân sự rất là mạnh để có thể đứng vững được.

Trà Mi: Dạ, thưa anh, nếu như đó là một giải pháp khả thi thì chắc là chính phủ Việt Nam đã cân nhắc đến từ lâu rồi chứ không phải để cho chúng ta nhìn thấy thực tế là cứ mỗi lần quốc gia cộng sản "anh em" tiến một bước là chính phủ Việt Nam mình đành chịu nhượng bộ một bước, phải không các anh?

Hùng: Dạ vâng. Cuộc biểu tình vừa rồi tôi có ấn tượng một cô bé mà tôi đọc được trên trang mạng thì khi đối thoại với ông phó chủ tịch thành phố là ông Nguyễn Thành Tài, cô đã đứng khóc và hỏi: "Tại sao chúng tôi thể hiện lòng yêu nước mà các công cho công an ngăn cản?"

Đó cũng là một nguyên nhân tại sao ngày xưa một ngàn năm trước dù là Trung Quốc nó mạnh mà mình vẫn không sợ, trong khi cái thời điểm hiện nay khi một đảng lãnh đạo triệt tiêu lòng yêu nước của người dân đi thì đó thể hiện sự sợ hãi của một chình phủ đối với một quốc gia khác.

Minh: Tôi xin lỗi ngắt lời anh. Đảng cộng sản Việt Nam có bằng biện pháp gì cũng không thể nào triệt tiêu được lòng yêu nước của người Việt Nam. Chỉ có một điều là một nghìn năm trước Việt Nam không sợ vì một nghìn năm trước chúng ta có những vị vua đại diện cho dân tộc, những vị vua dám tổ chức Hội Nghị Diên Hồng và hỏi "có đánh hay không đánh" và mọi người cùng đồng thanh là "có đánh". Chứ còn đến thời điểm hiện nay thì thế nào? Đảng cộng sản Việt Nam …..

Hùng: Thực ra mình phải hiểu như thế này. Lòng yêu nước mà mình nói bị triệt tiêu thì không đúng, nhưng rõ ràng đảng cộng sản muốn người dân yêu nước theo cái cách của họ, đó là điều quan trọng.

VnStudentProtestChinaTruongSa200b.jpg

Minh: Câu hỏi tôi đặt ra là đảng cộng sản hiện nay có đại diện cho lợi ích của dân tộc Việt Nam nữa hay không? Đảng Cộng Sản Việt Nam với cái việc thương lượng với Trung Quốc nhượng rất nhiều đất đai thì Đảng Cộng Sản Việt Nam có đại diện cho lợi ích của dân tộc Việt Nam nữa hay không?

Tài: Tôi nghĩ là Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể thương lượng với Trung Quốc về những vấn đề biên giới, có thể nhượng đất nhượng biển cho Trung Quốc nhưng mà Đảng Cộng Sản Việt Nam không thể đối thoại với nhân dân Việt Nam. Đó là ý của tôi.

Hùng: Thật ra Đảng Cộng Sản Việt Nam không có đại diện cho nhân dân Việt Nam, vì không có người dân nào bỏ phiếu cho đảng cộng sản trong một thể chế độc tài như vầy. Đó là cái chính yếu. Tất cả những gì đảng cộng sản thương lượng với Trung Quốc đều không thông qua dân Việt Nam. Cho nên bất cứ những cái gì họ làm cho đến hiện nay thì người dân hầu như là rất ít người được biết.

Minh: Có một chi tiết mà tôi cảm thấy là đáng xấu hỗ là vụ scandal Vàng Anh tràn ngập trên báo chí thông tin đại chúng ở đâu đâu cũng thấy Vàng Anh. Một câu chuyện rất cỏn con riêng tư của một cô bé thì cả cái hệ thống chính trị của Việt nam vào cuộc, thậm chí thủ tướng cũng phải có ý kiến chỉ đạo thế nọ thế kia, rồi đài trưyền hình… Nhưng mà đến khi việc quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là một việc lớn của quốc gia cần có ý kiến của thủ tướng mà không thấy ông nói gì cả.

Tài: Dạ cho phép tôi nhắc anh còn một vấn đề nữa là cái vụ Hoàng Sa - Trường Sa thì báo Việt Nam cũng có đăng tin nho nhỏ. Nhưng mà theo tôi nhớ ngày trước cái vụ Trung Quốc bắn chết ngư dân Việt Nam thì không có dòng nào luôn đó.

Đứng trước sự việc rất là lớn như vậy đó, ảnh hưởng tới vận mệnh quốc gia như vậy, mà các cơ quan truyền thông đại chúng Việt Nam gần như là không hề nhắc đến. Còn vụ Vàng Anh là vụ rất là vớ vẩn mà lại nhận được sự quan tâm của “hơi bị nhiều” cơ quan.

Minh: Tại sao chính quyền Việt Nam luôn luôn bị lép vế khi thương lượng với chính phủ Trung Quốc?

Hùng: Thì câu trả lời đã nói lúc nãy, tức là Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay cần một sự hậu thuẫn từ Đảng Cộng Sản Trung Quốc để giữ cái quyền lực của họ. Nếu như họ phản kháng lại Trung Quốc thì rất có thể họ sẽ bị lật. Và khi lo sợ cho đảng phái của họ, họ đã dẹp qua những lợi ích của dân tộc.

Tài: Tôi đồng ý với ý kiến của anh. Tôi có thể lấy ví dụ gần đây nhất là tình hình của Miến Điện. Vấn đề của Việt Nam cũng giống y như là vấn đề của Miến Điện, có nghĩa là giới cầm quyền dựa vào sự hỗ trợ của Trung Quốc để duy trị đặc quỳên đặc lợi của mình, thì họ sẽ không nghĩ đến quyền lợi của đất nước, quyền lợi của dân tộc nữa.

Trà Mi: Đó là ý kiến của anh Hùng và anh Tài. Thế anh Vỹ và anh Minh có ý kiến nào khác bổ sung thêm?

Vỹ: Quan điểm rằng "mạnh được yếu thua" đó là nguỵ biện trước trách nhiệm lịch sử. Chúng ta nhìn lịch sử đi, dân tộc chúng ta khi đó không phải là một cường quốc nhưng chúng ta vẫn trụ vững được, chiến thắng những đế quốc rất là lớn, kể cả Trung Quốc.

Vậy cái bài học lịch sử là gì, là huy động sức mạnh của toàn bộ dân tộc trước cái lợi ích thiêng liêng nhất, đó là chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tự quyết.

Thế thì cái việc của thanh niên hô hào nhau thể hiện quan điểm phản đối cái hành động khiêu khích một cách rất là chính thức của Trung Quốc, theo tôi, nó đã phát đi một tín hiệu rằng là nhà nước chưa đo lường được ý kiến, quan điểm, sự đồng thuận của xã hội, và chưa sử dụng hiệu quả của sự đồng thuận ấy.

Hùng: Thực ra chuyện chính quyền hiện nay chưa đo lường được thì tôi nghĩ là không đúng, mà họ chưa bao giờ đo lường và họ chưa bao giờ sử dụng. Đó là cái hiện nay làm cho đất nước mình nhìn có vẻ là phát triển nhưng phát triển không hiểu như thế nào mà dân càng nghèo cuộc sống càng khó khăn. Khi phát triển 8% thì lạm phát đến 9-10%. Và tôi nghĩ có thể còn nhiều điều xảy ra nữa nếu như họ vẫn không chịu lắng nghe người dân.

Trà Mi: Ghi nhận ý kiến của các anh nãy giờ thì có vẻ sự lên án của các bạn tập trung vào cái vai trò, cái trách nhiệm của nhà nước Việt Nam.

Hùng: Thì bây giờ hiện nay đảng cộng sản nắm quyền cai trị đất nước, trách nhiệm của nó là phải làm sao đứng ra bảo vệ đất nước, thì đàng này họ không làm được điều đó. Những cái phát triển này nọ thì họ nhận là công lao của họ. Tại sao những cái hạn chế của xã hội, những cái mất mát lãnh thổ như vậy thì họ không đứng ra nhận trách nhiệm?

Tài: Có thể nói là 100% dân Việt Nam đều phản đối hành động của Trung Quốc, đều nhìn thấy nguy cơ từ phía Trung Quốc. Theo tôi nghĩ, lẽ ra chính phủ phải có nhiệm vụ tập họp nhân dân, huy động các nguồn lực của nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết với cả người Việt Nam ở nước ngoài, thống nhất các nguồn lực lại để đối phó với Trung Quốc. Nhưng mà tôi thấy chính phủ Việt Nam không làm được cái nhiệm vụ đó.

Hùng: Thực ra không phải là họ không làm được mà họ không muốn làm. Họ không muốn làm vì họ làm thì họ sẽ mất quyền lực. Đó là cái chính yếu.

Tài: Dĩ nhiên đáng lên án là hành động của Trung Quốc và chúng tôi cũng chê trách chính phủ Việt Nam đã hành động quá mềm yếu. Nếu như mà chính phủ Việt Nam cứng rắn, dựa vào nhân dân thì phía Trung Quốc sẽ không đến nỗi ngang ngược như vậy được.

Trà Mi: Thế thì theo đề nghị của giới trẻ, chính phủ Việt Nam cần phải có những hành động cụ thể như thế nào để đối phó với Trung Quốc hầu bảo toàn lãnh thổ dân tộc? Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến quý vị những quan điểm của người trẻ trong nước liên quan đến đề tài này trong chương trình tiếp theo. Mời quý vị đón theo dõi.