Phản ứng của giới trẻ về vụ tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa (phần 4)

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Liên tục trong những buổi phát thanh gần đây, chúng tôi đã gửi đến quý vị những tâm tình chia sẻ của tuổi trẻ trong nứơc xoay quanh vấn đề Trừơng Sa-Hoàng Sa: hành động bành trướng của Trung Quốc và phản ứng yếu ớt của chính quyền Việt Nam.

VnStudentProtestTruongSa150.jpg

Ngoài những yêu cầu, kỳ vọng các bạn thanh niên tha thiết muốn đề đạt tới giới lãnh đạo Hà Nội, mà chúng ta đã nghe trong chương trình tối qua, thế hệ trẻ nhận thức vai trò và trách nhiệm của mình như thế nào? Họ có thể làm gì và cần phải làm gì để góp bảo vệ chủ quyền của đất nước?

Mời quý vị theo dõi phần cuối cuộc trao đổi giữa Trà Mi với các bạn Hùng và Tài từ phía Nam, cùng Minh và Vỹ tại miền Bắc:

Trà Mi: Ngoài việc chúng ta có quyền kỳ vọng, mơ ước một sự cải thiện từ phía chính phủ thì riêng đối với vai trò và trách nhiệm của người trẻ, các bạn nghĩ là các bạn có thể làm gì và cần phải làm gì để có thể giúp bảo vệ chủ quyền của quốc gia trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc?

Tài: Chúng ta có thể tổ chức nhiều cuộc biểu tình. Cụ thể là ngày 16 tháng 12 sẽ có biểu tình chẳng hạn, thì tôi sẽ tham gia. Lần này rôi sẽ không bỏ lỡ nữa. Đó là việc trước tiên chúng ta có thể làm. Việc thứ hai thì cũng có thể là chúng ta tẩy chay hàng Trung Quốc, ủng hộ hàng Việt Nam. Đó là cách để chúng ta nâng cao sức mạnh kinh tế của Việt Nam.

Trà Mi: Nhưng mà nếu nói là cổ võ cho hoạt động biểu tình thì các anh có nghi ngại, có e sợ những sự rắc rối từ chính quyền đối với các hành động đó không?

Hùng: Xin nhắc lại với Trà Mi câu chuyện về cô bé khi đối thoại với ông Nguyễn Thành Tài, tức là cô bé đứng dậy khóc và hỏi ông Nguyễn Thành Tài: "Tại sao chúng tôi thể hiện lòng yêu nước thì bị các ông mang công an ra ngăn cản?" Chúng tôi đi biểu tình để biểu lộ lòng yêu nước thì mắc gì chúng tôi phải lo sợ?

Trà Mi: Đó là câu trả lời của anh Hùng.

Hùng: Đây là câu trả lời.

Trà Mi: Vâng. Xin cảm ơn anh. Và xin ghi nhận ý kiến...

Video cung cấp bởi cô Kim Thu.

Xem video clip này bằng cửa sổ riêng

Tài: Và đó cũng là câu trả lời của tôi. Tôi nghĩ là khi mà chúng ta đã đứng lên để mà bảo vệ mảnh đất của cha ông thì chúng ta chẳng cần phải sợ ai cả.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của anh Hùng và anh Tài từ Sài Gòn. Hai bạn ở Miền Bắc, anh Vỹ và anh Minh, các bạn có nghĩ đến trách nhiệm của người trẻ?

Vỹ: Vâng. Tôi nghĩ là chúng ta cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài. Điều đầu tiên tôi muốn nhắc đến, đó là chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ rằng chúng ta đã chịu một sự gọi là "đè nén" rất lớn của người bạn Trung Quốc, và trong ý thức của mỗi người dân Việt Nam phải luôn luôn ý thức rằng phải nỗ lực vươn lên. Chỉ có sự vươn lên và thực sự trở thành giàu mạnh thì chúng ta mới có thể gọi là tránh được hiểm hoạ xâm lăng. Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai, đó là giới trẻ chỉ có một thế mạnh, đó là tri thức, đó là cái khả năng cập nhật thông tin, tin tức, thì tôi nghĩ rằng là giới trẻ cần phải đi đầu trong vấn đề tìm hiểu các thông tin một cách đầy đủ về các vấn đề liên quan đến lãnh hải, lãnh thổ của Việt Nam. Chúng ta đang thực sự là chủ quyền đối với phần nào, những phần nào chúng ta đang bị xâm chiếm. Và cần phải coi đó là một bài học mà mọi người dân Việt Nam cần phải biết để chúng ta bằng mọi giá đòi lại những gì thuộc về đất nước của chúng ta.

Cái thứ ba nữa, đây là cuộc đấu tranh tổng lực trên nhiều phương diện, từ phương diện kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá, thế thì chúng ta cần phải sử dụng tất cả kênh có thể. Về mặt kinh tế, thì theo tôi, rõ ràng là lợi ích kinh tế của người Trung Quốc ở Việt nam là lớn hơn lợi ích của Việt Nam đối với Trung Quốc. Do vậy, chúng ta không có gì mà không thể phát động tất cả người Việt Nam phản đối hàng Trung Quốc ngay lập tức.

Chúng ta cần phải tạo được sự đồng thuận quốc tế trước việc Trung Quốc khiêu khích chúng ta thì chúng ta cần đưa chuyện này ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và yêu cầu Trung Quốc phải có hành động xin lỗi chính thức và trả lời chính thức đối với người dân Việt Nam về hành động này. Nếu chính phủ cần một sự hậu thuẫn thì xin mời tất cả mọi người cùng ký tên ủng hộ chính phủ trong hành động này.

Trà Mi: Nhưng mà để đề xướng ra được một cái hành động cụ thể như vậy, tức là một kháng thư, thì ai sẽ là người đi đầu trong vai trò đó, thưa anh?

Tài: Dĩ nhiên là đảng cộng sản.

Vỹ: Tôi nghĩ rằng trách nhiệm này là trách nhiệm của tất cả người dân Việt Nam chứ không nên nói rằng là trách nhiệm của chính quyền hay là của ai cả.

Trà Mi: Dạ vâng. Nhưng mà trước tình hình chính quyền chưa có phản ứng kịp thời như vậy thì người trẻ chúng ta có thể làm gì?

Vỹ: Vâng. Tôi nghĩ rằng là chính giới trẻ hoặc là những người có khả năng. Tôi nghĩ nếu như mà chúng ta đưa một ý tưởng lên và ý tưởng đó là ý tưởng có lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước, thì sẽ nhận được sự ủng hộ. Và trên blog của tôi, tôi cũng đã đưa những vấn đề lên, tức là chúng ta cần phải hành động một cách tổng lực.

Chúng ta không nên hành động một cách thái quá. Chúng ta cần phải tranh thủ được sự ủng hộ của mọi người. Cần phải vạch rõ ra rằng đây là giới hạn cuối cùng dân tộc Việt Nam chịu đựng rồi. Và chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ được nữa.

Trà Mi: Dạ vâng. Cảm ơn ý kiến anh Vỹ. Và cuối cùng xin được ghi nhận quan điểm của anh Minh. Theo anh thì giới trẻ Việt Nam có thể làm gì và cần phải làm những gì?

Minh: Giới trẻ Việt Nam chúng ta cần phải tận dụng triệt để khả năng công nghệ để có thể chia sẻ thông tin là một, thứ hai là chia sẻ nhận thức, và thứ ba là chia sẻ kiến thức. Ba điều đó là trụ cột để chúng ta có thể xây dựng đất nước tốt và để chúng ta có thể thay đổi được hiện trạng đất nước.

VnStudentProtestChinaTruongSa200b.jpg

Hùng: Còn theo tôi thì những cái mà anh vừa rồi nói thì tôi hoàn toàn đống ý. Cái mà tôi muốn nhấn mạnh là mọi người dân mình phải ý thức được quyền của mình trong xã hội Việt Nam hiện nay. Khi họ ý thức được quyền của mình thì họ sẽ biết được họ phải làm gì .

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của anh Hùng. Và trước khi chúng ta có cơ hội thấy được những động thái từ phía chính phủ Việt Nam thì nên chăng tự mỗi người chúng ta nên nghĩ tới một hành động cụ thể góp sức cho cộng đồng và góp sức cho toàn xã hội?

Hùng: Vâng, thì mọi người ở đây chắc đều đã có những hành động cụ thể rồi. Riêng mình thì từ hôm mình nhận được những tin nhắn đó thì mình cũng đã chia sẻ với tất cả mọi người trong list của mình và mình hy vọng là tin nhắn đó sẽ lan toả. Cái thứ hai, bản thân mình mình sẽ kêu gọi mọi người tẩy chay hàng Trung Quốc. Đó là những cái mình có thể làm được. Và nếu mình có thể tham dự, mình vẫn tham dự cuộc biểu tình sắp tới nếu nó xảy ra.

Trà Mi: Dạ. Và trước cái đề nghị của…

Tài: Nếu mà tôi nhận được thông tin về các cuộc biểu tình sẽ tổ chức thì tôi sẽ tham gia và tôi sẽ kêu gọi các bạn bè, những người tôi quen biết, kêu gọi họ cùng tham gia. Cứ mỗi người chúng ta đều có thể huy động được thêm một số người thân nữa thì sẽ có một lượng người tham gia biểu tình rất là đông. Chúng ta sẽ tạo được áp lực rất là lớn cho chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc.

Trà Mi: Trước đề nghị mà hồi nãy anh Vỹ đưa ra là viết một kháng thư gửi lên một cơ quan quốc tế có thẩm quyền thì các bạn có nghĩ là người trẻ Việt nam có thể làm được điều này?

Hùng: Thực ra thì có thể làm được, nhưng mà việc đó tôi thấy không mang tính chất đủ tư cách pháp nhân. Từ trước tới giờ đã có rất nhiều kháng thư, nhưng nó chẳng tới đâu cả. Cũng bằng những chữ ký. Còn mình cần đây là cần hành động cụ thể, cái mà Trung Quốc nhìn thấy được.

Tài: Tôi nghĩ cái chúng ta có thể làm là chúng ta có thể lập một trang web hoặc một blog để chúng ta đưa lên những tư liệu. Trang blog đó chuyên thảo luận về những vấn đề của Trường Sa - Hoàng Sa, vấn đề biên giới trên đất liền và trên Vịnh Bắc Bộ.

Chúng ta có thể thảo luận trên blog đó, chúng ta có thể tổ chức các cuộc biểu tình và phản đối trên blog đó. Tôi nghĩ cái đó hiệu quả hơn là cái kháng thư. Bởi vì kháng thư nó nên là một văn bản chính quy của nhà nước Việt nam hơn là của giống như của anh Vỹ hoặc là của tôi.

Vỹ: Chúng ta hãy thử làm trước khi chúng ta nghĩ rằng là việc đó chúng ta có làm được hay không. Cái thứ hai nữa là cho tôi trình bày ý tưởng của tôi.

Ý tưởng của tôi là chúng ta sẽ viết một kháng thư và nọi dung của kháng thư này là thể hiện quan điểm của người dân Việt Nam phản đối tất cả những hành động của một quốc gia có ý định xâm chiếm lãnh hải và lãnh thổ của một quốc gia khác. Và gửi lên, thứ nhất ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, thứ hai là Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và hai nơi nữa cần nhận kháng thư này là chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc.

Nội dung kháng thư như thế nào thì tôi có thể viết một cái gọi là tạm thời và tôi post lên blog của tôi, và sau đó thì mong rằng mọi người cùng vào chỉnh sửa cũng như làm công tác biên dịch và chuyển đến.

Hùng: Tôi ủng hộ ý kiến của anh. Tôi ủng hộ ý tưởng của anh.

Trà Mi: Nhân đây thì xin anh giới thiệu địa chỉ trang blog của anh để cho các bạn trẻ cùng…

Vỹ: Vâng. Vâng. Cho tôi nói tiếp. Ngoài nội dung kháng thư thì chúng ta sẽ vận động lấy chữ ký. Chúng ta đặt mục tiêu là lấy một triệu chữ ký để thể hiện quan điểm của mình. Đấy là hai điểm về vấn đề kháng thư.

Điểm thứ ba nữa là kêu gọi người Việt Nam trên toàn thế giới vào ngày chủ nhật hàng tuần hãy tập hợp biểu tình tại sứ quán Trung Quốc tại tất cả các nước, không loại trừ bất cứ nước nào.

Hùng: Và phải tẩy chay hàng Trung Quốc nữa. Điều đó quan trọng lắm đó.

Vỹ: Trong cuộc biểu tình đấy chúng ta nêu lên lý do tại sao chúng tôi biểu tình và kêu gọi mọi người ủng hộ. Thứ nhất là chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc không những ảnh hưởng tới lợi ích của Việt Nam mà lợi ích của tất cả các nước.

Yếu tố thứ hai là các bạn có thể ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân chúng tôi qua sự tẩy chay hàng Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng những hoạt động, nếu như chúng ta làm một cách quyết liệt, có hệ thống và gây được sự chú ý của giới truyền thông quốc tế, thì nó sẽ tạo ra được sự đánh động rất là lớn.

Và đây sẽ là một cảnh báo nghiêm khắc cho bất cứ một thế lực nào có ý định xâm phạm lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào. Và đây chính là một hành động mà tôi nghĩ rất là cần thiết nhắc nhở thế hệ trẻ Việt Nam rằng cha ông chúng ta đã xây dựng đất nước chúng ta như thế nào thì chúng ta phải có trách nhiệm không những là bảo vệ nó mà còn phải đưa nó lên tầm cao mới.

Trà Mi: Dạ. Và các bạn trẻ trong nước hoặc ở nước ngoài muốn chia sẻ ý tưởng của anh Vỹ thì nên truy cập vào trang blog ở địa chỉ nào, thưa anh?

Vỹ: Địa chỉ blog của tôi ở Yahoo 360 độ, và tôi sẽ chuyển qua email sau buổi này.

Trà Mi: Nhưng khi vào Google thì đánh từ khoá nào để có thể dễ dàng kiếm được?

Vỹ: Đánh từ khóa: "Là người nguyện chết cho quê hương", đấy là tiêu đề cái bài viết mới nhất trên blog của tôi về việc Trung Quốc đã khiêu khích và có ý định hiện thực hoá việc bành trướng lãnh thổ đối với Việt nam.

Trà Mi: Xin cảm ơn ý kiến của anh Vỹ, cũng như cảm ơn tất cả các anh đã dành thời gian chia sẻ những tâm tình, bứcc xúc của các anh nói riêng và đại diện cho giới trẻ Việt Nam nói chung, trong chương trình ngày hôm nay. Và chúng ta cũng mong mỏi là qua chương trình này chúng ta có thể đánh động được trong mỗi ngưòi bạn trẻ ở Việt Nam một câu hỏi là "Nếu như chúng ta tiếp tục nhân nhượng thì nguy cơ đối diện sắp tới ở tương lai sẽ như thế nào?", phải không ạ?

Vỹ: Tôi nghĩ rằng mọi sự nhân nhượng thì nó phải ở trong cái biên độ hợp lý, nhưng mà chúng ta đang nhân nhượng ở trong thế chiến bại nhiều hơn chiến thắng. Vì vậy mà chúng ta có lẽ không thể nào chấp nhận nhân nhựơng đựơc nữa.

Trà Mi: Trà Mi biết là các anh có rất nhiều bức xúc muốn được chia sẻ thêm, nhưng thời lượng của chương trình cũng có giới hạn và những gì mà chúng ta vừa trao đổi với nhau là rất quý giá. Và có thể là khi phát thanh chương trình này thì sẽ nhận được sự ủng hộ của rất đông đảo bạn trẻ trong và ngoài nước.

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn sự tham gia của các anh Tài, Hùng ở Miền Nam, và anh Vỹ cùng anh Minh ở phía Bắc, đã đóng góp ý kiến cho chương trình ngày hôm nay.